31/10/2015
PHẦN II:
TRỒNG LÚA CỔ TRUYỀN THỜI ĐỘC LẬP
(939 - 1884)
TS. Trần Văn Đạt
Thời kỳ độc lập của đất nước bắt đầu từ năm 939, sau khi Ngô Quyền đánh đuổi bọn Nam Hán về nước cho đến năm 1884, khi triều đình Huế ký hòa ước Patenôtre với nước Pháp công nhận cuộc bảo hộ Pháp trên đất Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Trong gần một ngàn năm độc lập, xen kẽ với những cuộc xâm lăng thô bạo không ngừng của Bắc Phương, nền cai trị của nhà nước được củng cố, nền văn hóa vẫn còn nhiễm nặng bản chất Nho Giáo. Xã hội đã trưởng thành từ thành thị đến thôn quê, với phát triển các tập tục dân tộc địa phương, hương uớc thôn xã và xuất hiện các giai cấp sĩ, nông, công và thương cũng như khoảng cách giữa giới đại phú và kẻ bần cùng ngày càng rõ rệt.
Từ thời Độc Lập, trình độ kỹ thuật trồng lúa khá cao do hòa hợp nền văn hóa Đông Sơn và văn hóa Hán tộc. Đa số các kỹ thuật thời bấy giờ không khác bao nhiêu so với buổi đầu Pháp thuộc. Người Việt đã biết sử dụng cày cuốc bằng sắt, bừa trục để đánh bùn diệt cỏ giữ nước, dùng trâu bò kéo thay sức lao động, cày sâu bừa kỹ, chăm sóc bón phân, làm cỏ, đắp đê, dẫn thoát thủy, gặt hái, phơi sấy, biến chế và bảo quản.
Trong thời kỳ này, tất cả các triều đại quân chủ đều chú trọng vào nền kinh tế lấy nông nghiệp làm trọng điểm, với mục tiêu thúc đẩy sản xuất lúa trong nước không những nhằm đáp ứng tình trạng gia tăng dân số mà còn muốn đạt chỉ tiêu của ngành thu thuế. Các nhà nước từ Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Tây Sơn cho đến nhà Nguyễn đều quan tâm đặc biệt đến các công tác phát triển chính sau đây:
(i) Bành trướng, khai khẩn đất hoang và đất mới bồi lấp,
(ii) Tái trồng đất bỏ hoang do chiến loạn và định cư lưu dân,
(iii) Đắp đê đập chống lũ lụt, và
(iv) Phát triển công tác dẫn thủy nhập điền,
Do đó, các nhà vua từ Lê, Lý, Trần về sau đã thường xuyên tổ chức lễ tịch điền hàng năm trước các vụ mùa lúa để khuyến khích dân chúng tham gia canh tác. Ngoài ra, nông dân còn có các lễ Thượng Điền, lễ Cơm Mới (vào tháng 10) v.v. để tạo ra những cơ hội cho đồng bào nông thôn giao tế, hợp tác sản xuất. Trong suốt thời kỳ độc lập, nền nông nghiệp, chủ yếu ngành trồng lúa đã được phát triển; nhưng không được đồng bộ cả nước, vì trồng lúa nước ở các đồng bằng và thung lũng bành trướng liên tục với năng suất cao, trong khi lúa rẫy trên các triền đồi núi, cao nguyên vẫn còn thực hành theo phương pháp du canh lạc hậu cho đến ngày nay.
3. Trồng lúa thời Độc Lập
Trong gần 1.000 năm độc lập, năng suất ước lượng chỉ tiến bộ từ khoảng 1 t/ha lúc nước bắt đầu độc lập (938 sau CN) lên 1,2 t/ha vào cuối thời kỳ độc lập, nếu ngành trồng lúa bản xứ được xem ít nhiều tương đương với nông nghiệp lúa Trung Quốc trong thời kỳ Bắc thuộc. Năng suất tăng gia phần lớn do các giống lúa được tuyển chọn lâu dài, phát triển công tác thủy lợi, và các kinh nghiệm tích lũy của nông dân. Ngoài ra, sự tăng gia năng suất chậm chạp một phần do bành trướng diện tích đất canh tác khá nhanh với chính sách khẩn hoang lập ấp.
Thật vậy, vì dân số gia tăng và sức ép Bắc Phương, dân tộc Việt đã bắt đầu cuộc Nam tiến, sớm nhứt vào cuối thế kỷ 10 khi vua Lê Đại Hành đem quân đánh nước Chiêm Thành vào năm 982, nhưng rút quân về nước. Năm 1069, vua Lý Thánh Tôn đánh chiếm nước Chiêm vì nước này sách nhiễu biên giới. Vua Chiêm là Chế Cũ dâng 3 châu để chuộc tội, nay thuộc tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Cuộc Nam tiến tiếp tục trong triều đại nhà Trần với cuộc hôn nhơn Huyền Trân Công chúa để có thêm lãnh thổ Thuận Châu và Hóa Châu năm 1306, nhà Hồ chiếm đất Quảng Nam và Quảng Ngãi năm 1402. Cuộc Nam tiến bộc phát mạnh mẽ vào thời kỳ chúa Trịnh - Nguyễn phân tranh (1533-1788). Chúa Nguyễn muốn củng cố thế lực để làm vương một cõi ở phương Nam, nên phát động rầm rộ không ngừng các chiến dịch khai khẩn đất mới, bành trướng lãnh thổ. Đến 1697, nước Chiêm không còn nữa (Phạm Văn Sơn, 1960) (Hình 1).
Hình 1: Bản đồ Nam tiến của dân tộc Việt, 1428 – 1757 (Huard and Durant, 1954)
Cuộc hôn nhơn giữa công chúa Ngọc Vạn (con thứ của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, 1613-1635) và vua Thủy Chân Lạp Chey Chetta II vào năm 1621 đã mở đầu cho cuộc di dân tiến vào đồng bằng sông Cửu Long còn hoang vu, nhiều rừng rậm, thú dữ và khí hậu độc địa (Phạm Văn Sơn, 1960 và Huỳnh Văn Lang, 2005). Người dân ở miền Nam Trung Phần, đặc biệt từ Ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Quảng Tín) đã được chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1649-1686), Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) khuyến khích di cư vào vùng đất Chân Lạp lập nghiệp, trong đó có nhiều người đi bằng đường biển với ghe bầu nan đến vùng đất Mô Xoài (Bà Rịa), Đồng Nai (Biên Hòa), Lôi Lạp (Gò Công) qua sông Soai Rạp, Cửa Tiểu và Cửa Đại (Sơn Nam, 2000).
Ngoài ra, còn có người Hoa, Chàm và Miên tham gia khai khẩn đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt các nhóm người Hoa dưới triều đại nhà Minh lưu vong đến Việt Nam được phép khai hoang lập ấp. Năm 1679, nhóm người Hoa hướng dẫn bởi Trần Thượng Xuyên (cựu Trấn Thủ ở Quảng Đông) lập nghiệp ở Cù Lao Phố, Biên Hòa, và Dương Ngạn Địch (cựu Trấn Thủ ở Quảng Tây) khai thác vùng đất Mỹ Tho. Khoảng 1671, Mạc Cửu, một thương gia Quảng Đông đến vùng Đông Nam Chân Lạp, được phép khai thác vùng bờ biển gần Phú Quốc, sau đó đến mở mang vùng đất Hà Tiên (1714). Đến năm 1757, người di cư đã đặt chân đến bán đảo Cà Mau (Hình 1).
Về phương diện kỹ thuật, từ thời đại Hùng Vương đến Độc Lập, nông dân trồng lúa với lề lối cổ truyền, nghĩa là dựa vào kinh nghiệm lâu đời ông bà truyền lại và chính bản thân mình, hoàn toàn thiếu căn bản khoa học và kỹ thuật tân tiến. Lề lối canh tác và hậu thu hoạch lúa cổ truyền trong giai đoạn này được diễn tả khá chi tiết trong bài ca dao sau đây (Nhất Phương, 2006):
Tháng Giêng là tháng ăn chơi,
Tháng Hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà,
Tháng Ba thì đậu đã già,
Ta đi ta hái về nhà phơi khô.
Tháng Tư đi tậu trâu bò,
Để ta sắm sửa làm mùa tháng Năm,
Sáng ngày đem lúa ra ngâm,
Bao giờ mọc mầm ta sẽ vớt ra.
Gánh đi ta ném ruộng nhà,
Đến khi lên mạ thì ta nhổ về.
Sắp tiền mượn kẻ cấy thuê,
Cấy xong rồi mới trở về nghỉ ngơi.
Cỏ úa dọn đã sạch rồi,
Nước ruộng với mười còn độ một hai.
Ruộng thấp đóng một gàu dai,
Ruộng cao thì phải đóng hai gàu sòng.
Chờ cho lúa có đòng đòng,
Bấy giờ ta sẽ trả công cho người.
Bây giờ cho đến tháng Mười,
Ta đem liềm hái ra ngoài ruộng ta.
Gặt hái ta đem về nhà,
Phơi khô quạt sạch ấy là xong công.
Người ta có thể biết được ít nhiều trình độ và kinh nghiệm trồng lúa cổ truyền của nông dân, được thể hiện qua những câu ca dao, tục ngữ phổ biến từ Bắc chí Nam sau đây (Dumont, 1995; Trần Văn Đạt, 2002; Thái Công Tụng, 2005; và Nhất Phương, 2006):
(i) Thời tiết bất định: Nông dân xét đoán thời tiết mỗi năm để gieo mạ, cấy lúa, chăm sóc và thu hoạch:
- Chuồn chuồn bay thấp trời mưa,
bay cao trời nắng bay vừa trời râm.
- Én bay thấp mưa ngập bờ ao
én bay cao, mưa rào lại tạnh.
- Mống vàng thời nắng, mống trắng thời mưa.
- Mống dài trời lụt, mống cụt trời mưa.
- Tháng Tám gió may tươi đồng.
- Tháng Tám nắng rám trái bưởi,
tháng Chín mưa rươi, tháng Mười mưa cữ.
- Mây kéo xuống bể thì nắng chang chang,
mây kéo lên ngàn thì mưa như trút.
- Chớp thừng chớp chão, chẳng bão thì mưa.
- Trăng (hay mặt trời) quầng thì hạn, trăng tán thì mưa.
- Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa.
- Trời đương nắng, cỏ gà trắng thì mưa.
- Kiến dọn ổ trời mưa.
- Tháng Bảy kiến bò chỉ lo lại lụt.
- Quạ tắm thì nắng, sáo tắm thì mưa.
- Cóc nghiến răng, trời đang nắng thì mưa.
- Nắng tốt dưa, mưa tốt lúa.
- Lúa Chiêm nép ở đầu bờ
hễ nghe tiếng sấm, phất cờ mà lên.
- Đom đóm bay ra trồng cà, tra đỗ
Tua rua bằng một, cất bát cơm chăm.
- Lập thu mới cấy lúa Mùa,
khác nào hương khói lên chùa cầu con.
- Ông tha mà bà chẳng tha,
làm cho cái lụt 23 tháng mười.
- Đã buồn vì trận mưa rào
lại đau vì nỗi ào ào gió đông.
- Trời hành cơn lụt mỗi năm.
- Thử xem một tháng mấy kỳ mưa,
ruộng hóa ra sông nước trắng bừa.
- Trông trời, trông đất, trông mây,
trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm.
- Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày...
- Sáng sủa được tằm, tối tăm được lúa.
- Nắng sớm thì đi trồng cà, mưa sớm ở nhà phơi thóc.
(ii) Lề lối canh tác lúa cổ truyền:
Mạ & Làm đất: Nông dân chọn đất để làm mùa, trồng loại lúa gì, làm nương mạ, cày bừa sửa soạn đất trước khi cấy lúa:
- Nhứt nước, nhì phân, tam cần, tứ giống.
- Tốt giống tốt mạ, tốt mạ tốt lúa.
- Khoai đất lạ, mạ đất quen.
- Mùa nứt nanh, Chiêm xanh đầu (ngâm hạt giống).
- Mạ Chiêm ba tháng không già (do lạnh),
mạ Mùa tháng rưởi ắt là không non.
- Răng bừa tám cái còn thưa
lưỡi cày tám tấc đã vừa luống to.
- Muốn cho lúa nẩy bông to
cày sâu, bừa kỹ, phân tro cho nhiều.
- Nhai kỹ no lâu, cày sâu tốt lúa
- Cày sâu, bừa kỹ, được mùa có khi.
- Tua rua một tháng mười ngày (sao Tua rua mọc)
cày tróc vưng cày cũng được lúa xơi.
- Cày ải còn hơn rải phân (cày chôn rạ rơm).
Cấy lúa: Nông dân cấy lúa (hay gieo thẳng) tùy theo đất ruộng, giống lúa, vụ mùa, thời tiết và tuổi mạ:
- Ra đi mẹ có dặn dò,
ruông sâu thì cấy ruộng gò thì gieo.
- Mùa ruộng cao, Chiêm ao lấp.
- Vụ Chiêm em cấy lúa Di,
vụ Mùa lúa Dé, sớm thì Ba giăng.
- Bao giờ nắng rửa bàng trôi
Tua rua quật lại thì thôi cấy Mùa.
- Tua rua thì mặc tua rua,
mạ già, ruộng ngấu, không thua bạn điền.
- Lập thu mới cấy lúa Mùa
khác gì hương khói lên chùa cầu con.
- Ăn nhiều no lâu, cấy sâu tốt lúa.
- Mạ vàng cấy lúa chóng xanh.
- Chiêm chết se hè chết đọng.
- Cấy tháng chạp đập không ra.
- Lúa Chiêm thì cấy cho sâu
lúa Mùa thì gãy cành dâu là vừa.
- Lúa Chiêm đào sâu chôn chặt
lúa Mùa vừa đặt vừa ăn.
- Cấy thưa thừa thóc
cấy dầy, cóc được ăn.
- Già mạ lúa tốt.
- Mạ úa thì lúa chóng xanh.
Chăm sóc & Bảo vệ lúa: Nông dân chăm sóc ruộng lúa kỹ lưỡng: cày ải (cày ngay sau khi gặt), bón phân hữu cơ, thả bèo dâu (cho chất đạm), làm cỏ, be bờ, tưới ruộng và bảo vệ lúa:
- Muốn no thì phải chăm làm
một hạt thóc vàng, chín hạt mồ hôi.
- Thứ nhất cày ải, thứ nhì rải phân.
- Lúa Chiêm mà thả kín bèo
như con nhà nghèo trời đổ của cho.
- Lúa khô cạn nước ai ơi
rủ nhau tát nước, chờ trời còn lâu.
- Ruộng không phân như thân không của.
- Người đẹp nhờ lụa lúa đẹp nhờ phân.
- Mạ Chiêm không có bèo dâu
khác nào như thể ăn trầu không vôi.
- Gánh phân, làm cỏ, chẳng bỏ đi đâu.
- Bao giờ cho đến tháng hai
con gái làm cỏ con trai be bờ.
- Nàng về ngâm nhựa xương rồng
gánh ra đem tưới cho bông cho cà
Sâu non cho chí sâu già
hòng chi sống sót mà ra phá màu.
(iii) Thu hoạch: Nông dân dựa vào kinh nghiệm và quan sát tại chỗ để qui định thời gian gặt lúa cho mỗi vụ mùa, đem lúa phơi nắng, tồn trữ, xay chà, giã gạo và sàng gạo:
- Cấy bằng mắt gặt bằng đầu.
- Tháng Tư mua nứa đan thuyền,
tháng Năm tháng Sáu gặt miền ruộng Chiêm.
- Đói thì ăn ngô ăn khoai,
chớ thấy lúa trổ tháng hai mà mừng.
- Thuận mùa lúa tốt đằng đằng
tháng Mười gặt lúa, ta ăn đầy nhà.
- Xanh nhà hơn già đồng (gặt sớm để tránh hạt rụng).
- Mùa cò chân giang, Chiêm vàng trái rợ (Striblus asper) (xem màu của vụ để gặt lúa)
- Lưỡi liềm bán nguyệt cầm tay
lúa vàng nghìn gốc muôn cây thu về.
- Năm nong đầy, em xay em giã
trấu ủ phân, cám bã nuôi heo
sang năm lúa tốt tiền nhiều
em đong đóng thuế, đóng sưu cho chồng.
- Ngày thì đem lúa ra phơi
tối lặn mặt trời đổ lúa ra xay
một đêm là ba cối đầy
một tay xay giã, một tay giần sàng.
- Sáng trăng giã gạo giữa trời
cám bay phảng phất nhớ người phương xa.
- Hai thóc lúa mới được một gạo.
- Đi đâu cũng nhớ quê mình
nhớ cầu Bến Lức, nhớ chình gạo Thơm.
- Cám ơn hạt lúa Nàng Co
nợ nần trả hết, lại no tấm lòng.
- Tôm rằn bóc vỏ bỏ đuôi
gạo thơm Nàng Quốc em nuôi mẹ già.
- Anh đi ghe gạo Gò Công,
vô vàm Bao Ngược, gió giông đứt buồm.
- Tiếng đồn Bình Định tốt nhà,
Phú Yên tốt ruộng, Khánh Hòa tốt trâu.
- Thóc lúa về nhà, lợn gà ra chợ.
- …
Các tư liệu liên hệ đến chính sách và hoạt động ngành trồng lúa trong thời Độc Lập của các triều đại quân chủ Việt Nam đã được lịch sử ghi lại như sau (theo Đào Duy Anh, 1938; Phạm Văn Sơn, 1960; Trần Trọng Kim, 1990; và Nguyễn Phan Quang & Võ Xuân Đàn, 2.000):
3.1. Nhà Ngô-Đinh-Lê (939 - 1009 sau CN)
Trong thời kỳ vừa mới độc lập, việc cai trị nước chưa vững chắc, các triều đại chưa quan tâm nhiều đến nông nghiệp, nhưng đã có đất ruộng riêng để vừa tự cấp vừa để làm đất phục vụ việc tế lễ gọi là lễ Tịch Điền. Năm 987, Lê Hoàn (980 - 1005) đến cày ruộng Núi Đọi và núi Bàn Hải (Hà Nam) làm xới bật lên hủ vàng và hủ bạc nên gọi là ruộng vàng và ruộng bạc, với mục đích khuyến khích người dân tham gia phát triển trồng lúa trong nước. Năm 1002, Ông ra lệnh tăng gia sản xuất nông nghiệp, khuyên dân chúng cày cấy, sử dụng giống lúa của ruộng Tịch Điền. Các lãnh chúa trước thời Đinh Tiên Hoàng cho đến các đời vua Tiền Lê là những điền chủ lớn trong nước. Như Lê Lương, một lãnh chúa ở vùng Ái Châu có đất rộng với 3.000 dân cư, thu hoạch lúa chất vào 110 lẫm lúa. Lê Hoàn và các con của Ông cũng là những đại điền chủ. Ruộng của ông ở Hoa Lư có bao nhiêu không rõ, nhưng sứ Tàu Tống Cao (năm 990) cho biết có cả ngàn trâu của vua (Tạ Chí Đại Trường, 1996). Ngành trồng lúa giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp của nước từ lâu.
3.2. Nhà Lý (1010 - 1225)
Vào Triều đại nhà Lý, ruộng đất tư đã xuất hiện do ban cấp, mua bán hoặc thế chấp. Nhà nước cho thi hành chính sách “Ngụ binh ư nông” còn gọi là chế độ quân điền - cho quân lính thay phiên nhau về quê chăm lo trồng lúa để vừa ít tổn phí nuôi quân vừa đẩy mạnh công tác sản xuất. Triều đình còn cấm giết trâu và áp dụng luật pháp xử phạt rất nặng cho những người vi phạm, nhằm giữ gìn phương tiện cày bừa ruộng đất.
Năm 1092, nhà nước ra lệnh tiến hành đo đạc, lập sổ điền bạ để đóng thuế. Việc phân chia ruộng đất làng xã theo định kỳ lần đầu tiên được quy định thành luật lệ là chế độ quân điền. Vào thời Hậu Lê định kỳ là 6 năm và thời Nguyễn là 3 năm (Phan Đại Doãn, 2001). Ngoài ra, các vua nhà Tiền Lý cũng chú trọng đến lễ Tịch Điền hàng năm. Vua Lý Thái Tổ (1010-1028) thực hiện công tác chấn hưng nông nghiệp, cho xây đắp đê Cơ Xá để tránh thủy tai hàng năm. Vào mùa Xuân 1038, Lý Thái Tông (1028-1054) đến Bố Hải khẩu làm lễ Tịch Điền. Khi các quan can gián nhà vua đi cày ruộng, vua Lý Thái Tông đáp: “Trẫm không cày thì lấy gì mà làm xôi cúng. Lấy gì để xướng xuất thiên hạ.” Vào năm 1056, vua Lý Thánh Tông (1064-1072) ban chiếu khuyến dân làm ruộng. Quan trọng hơn hết là phát triển công tác đắp đê đập để chống lũ lụt. Nhà Lý tiếp tục công tác này cũng như đào vét kinh trong những năm về sau một cách tích cực. Năm 1072, nhà vua cho đắp đê Như Nguyệt ở sông Cầu để bảo vệ cư dân và thành phố. Tất cả đều nhằm phục vụ nền nông nghiệp lúa của nước.
3.3. Nhà Trần (1226 - 1400)
Nền kinh tế dưới đời nhà Trần vẫn là nền kinh tế nông nghiệp và ngư nghiệp. Vào năm 1266, nhà Trần cho thi hành chính sách khẩn hoang, ra lệnh cho các vương hầu tôn tử chiêu mộ các phần tử lưu tán đi khẩn hoang để tăng gia diện tích canh tác. Nhà nước đặt ra các chức Chánh và Phó đồn điền sứ để đẩy mạnh công tác khai thác đất mới. Công tác đắp đê và bảo vệ đê điều tiến triển mạnh hơn. Nhà nước đặt ra chức Hà đê chánh và phó sứ để đôn đốc, bảo vệ và làm rộng thêm các con đê chạy dọc theo sông Hồng. Nếu công tác làm rộng đê lấn đất ruộng của dân, Triều đình chiếu theo giá ruộng đất bồi thường cho họ. Hàng năm vào tháng giêng khi công tác mùa màng nhẹ đi, tất cả nhân dân không phân biệt giàu nghèo, ngay cả học sinh quốc tử giám cùng nhau tu bổ đê đập và đào vét kinh rạch để dẫn thủy chống hạn. Đây là hình thức công tác cộng đồng đầu tiên của quốc gia.
Ngoài ra, nhà Trần còn dùng chánh sách “cảo điền hoành” nghĩa là dùng tù nhân trông nom việc cày cấy ruộng công cho nhà nước. Mỗi người lo trồng 3 mẫu ruộng và mỗi năm phải nộp 300 thăng thóc. Những người nô tì của các vương hầu, công chúa, đế cơ phải làm công tác khai khẩn ruộng đất và xây dựng các điền trang. Họ đã đắp đê ngăn nước biển, sau hai ba năm đất mặn thuần thục hơn và trở thành ruộng trồng lúa cho chủ nhân. Đến đời nhà Trần, Việt Nam đã bành trướng đến vùng Thuận Châu và Hóa Châu. Diện tích đất trồng lúa bành trướng không ngừng, nhưng kỹ thuật canh tác không cải tiến nhiều.
3.4. Nhà Hồ (1400 - 1407)
Hồ Quý Ly đặt ra chính sách hạn danh điền (1397) để hạn chế ảnh hưởng của công thần nhà Trần, với lệnh ban như sau:“Đại vương và trưởng công chúa vô hạn cho đến thứ dân ruộng 10 mẫu. Người nào nhiều ruộng được phép tự ý đem ruộng chuộc tội, bị biếm truất cũng như vậy. Người nào thừa ra thì đem nạp vào của công.” Đây là một hình thức cải cách ruộng đất đầu tiên của nước, với ruộng đất tập trung vào nhà nước. Hồ Quý Ly lại hạ lệnh đo đạc lại để kiểm soát ruộng đất và lập thành điền bạ vì có nhiều ruộng đất có ẩn lậu. Thửa ruộng nào không có người khai thác sẽ trở thành công điền.
Để đối phó với các thiên tai như lụt lội, hạn hán và giặc giã, Hồ Quý Ly cho lập ở mỗi lộ một kho thóc gọi là kho Thương bình, bằng cách mua lúa lúc giá hạ thấp để bán rẻ cho người nghèo hoặc cứu trợ lúc gặp khó khăn. Ngoài ra, Triều đình còn cho đắp đê đập ở miền bờ biển để có thêm ruộng đất cho dân cày cấy.
3.5. Nhà Hậu Lê (1428 - 1527)
Nhà Hậu Lê thi hành chính sách “trọng nông”. Nhà nước cho thành lập chế độ quân điền ở các xã để đôn đốc khôi phục lại các ruộng bỏ hoang nhằm tăng gia mức thu nhập thuế tô của nhà nước. Năm 1481, Lê Thánh Tông ra chiếu lập đồn điền để “khai thác hết sức nông nghiệp, mở rộng nguồn súc tích cho nước”. Ngoài chức chánh và phó sứ đồn điền, quan hà đê, nhà nước còn đặt ra chức quan “Khuyến Nông” ở cấp tỉnh và huyện để đôn dốc sản xuất nông nghiệp. Lúc bấy giờ trong nước có 53 ty Hà Đê và 53 ty Khuyến Nông. Ngoài ra, còn có 42 sở Đồn Điền để đôn đốc khẩn hoang các miền thượng du, được đặt dưới quyền điều khiển của 13 quan Đồn Điền (Đào Duy Anh, 1938). Ngoài bảo vệ đê điều, nhà nước còn khuyến khích “tưới ruộng cho dân” và ra lệnh cấm trộm cướp trâu bò để có phương tiện canh tác. Năm 1435, nhà nước ra lệnh cho địa phương: “hễ công dịch gì có hại đến nghề nông thì không được khinh động sức dân”.
Vào thời Hậu Lê, luật Hồng Đức bảo vệ dân quyền và quyền lợi xã hội rất chặt chẽ. Chẳng hạn, làm ruộng quá hạn mà không nộp thóc bị đánh đòn 80 gậy. Tái phạm phải nộp thóc gấp đôi. Khi tái phạm lần thứ ba ruộng sẽ bị tịch thu làm công điền. Người ngoài bắt được sự gian lận sẽ được ân thưởng.
3.6. Nhà Trịnh - Nguyễn (1533 - 1785)
Nhà Mạc dùng chế độ lộc điền, đem công điền và ruộng chùa để cấp cho binh lính hầu thu phục sự ủng hộ của phe quân nhân. Ở Đàng Ngoài, ruộng đất chủ yếu thuộc vào thành phần địa chủ, quan lại và cường hào nên còn lại rất ít cho nông dân. Ruộng đất của công thần và quan lại được miễn thuế tô. Năm 1711, Trịnh Cương ra lệnh không cho phép các hào phú thừa lúc dân cư bần khổ phiêu dạt mà kiếm cớ thu mua ruộng một cách bất chính. Đến năm 1740, Trịnh Danh muốn áp dụng chính sách “tỉnh điền” (ruộng đất chia ra làm 9 vùng, những vùng ở giữa thuộc công điền, ở ngoài thuộc tư điền, phỏng theo đời nhà Chu ở Trung Quốc) để quân bình giàu nghèo, chia đều thuế dịch bằng cách công-hữu-hóa ruộng đất trong làng rồi chia cho dân cày trồng trọt để nộp tô, nhưng chính sách này không thể thực hiện được. Về phép tô (thuế điền thổ), cứ mỗi mẫu công điền phải nộp 8 tiền thuế, ruộng hai mùa thì lúa thu hoạch được chia làm ba, quan lấy một phần thóc, nhà nước lấy một phần và dân lấy một phần. Ruộng tư điền xưa không phải chịu thuế đến đầu thế kỷ XVIII mới phải nộp: ruộng hai mùa mỗi mẫu phải nộp 3 tiền, còn ruộng một mùa chỉ đóng thuế 2 tiền.
Trái lại, ở Đàng Trong, chúa Hiền đặt ra một ty Khuyến Nông để đẩy mạnh công cuộc khẩn hoang và cũng để phân hạng ruộng đất đã cày cấy trồng trọt. Để đánh thuế ruộng cho thực tế sau khi gặt vụ chính, các quan đến từng địa phương xem xét mới định hạng ruộng phải nộp thuế.
Chúa Nguyễn khuyến khích mọi thành phần tham gia khai hoang lập làng ấp. Tất cả ruộng của làng xã đều thuộc ruộng công được chia cho dân canh tác để lấy thuế. Dân có thể khẩn hoang ruộng đất ở ngoài làng để làm ruộng tư gọi là bản bức tư điền. Nhân cuộc chiến tranh Lê-Trịnh, nhà Nguyễn tiến hành mau lẹ khai khẩn đất đai để biến vùng Thuận Quảng thành những khu trù phú nhằm củng cố thế lực và thu tô nhiều hơn. Từ thế kỷ XVI trở về sau, người dân miền Trung được khuyến khích di cư vào miền Nam lập nhiều xã ấp. Nhà Nguyễn còn khuyến khích quan lại và địa chủ tuyển mộ nô lệ đi khẩn hoang ở miền châu thổ sông Cửu long. Cho nên, công tác xây dựng các vùng trồng trọt ở miền Nam chủ yếu do sức lao động của dân tộc Việt, Chàm, Miên và Hoa. Công tác khai phá đất đai làm ruộng phát triển nhanh, nhưng đời sống của lớp nông dân nghèo vẫn còn tiến triển chậm chạp. Chúa Nguyễn thu tô thuế cao, chia ruộng ra làm 3 loại để nộp thuế:
o Ruộng hạng nhứt nộp 40 thăng thóc và 8 hộc gạo[1];
o Ruộng hạng nhì nộp 30 thăng thóc và 6 hộc gạo và
o Ruộng hạng ba nộp 20 thăng thóc và 4 hộc gạo.
Ngoài ra, cứ 50 thăng thóc phải nộp thêm một thăng gạo điền mẫu và 3 đồng tiền phụ.
Ruộng đất dưới thời chúa Nguyễn được chia ra làm 4 loại:
· Ruộng đất sở hữu nhà Nguyễn gồm cả các quan đồn điền và quan điền trang (độ 6.000 mẫu).
· Ruộng quý tộc rất ít vì chúa Nguyễn không cấp ruộng đất cho thành phần này mà chỉ cấp tiền bạc hoặc thuế khóa.
· Ruộng công làng xã: Đất khai khẩn được biến thành ruộng công ở miền Thuận Quảng. Còn ở Nam Bộ có rất ít ruộng công thời bấy giờ.
· Ruộng tư nhân xuất hiện nhiều do địa chủ và cường hào tìm mọi cách chiếm đoạt từ nông dân nghèo, hoặc biến ruộng công thành ruộng tư.
Đất Miền Nam vốn màu mỡ, cây lúa phát triển rất sung túc với năng suất cao. Từ Gia Định đến Rạch Giá, ruộng đất được chia ra làm 3 loại:
(i) Ruộng miền đồi núi (sơn điền) được dân làm theo lối ruộng rẫy.
(ii) Ruộng ở các vùng bùn lầy (thảo điền) ở Trấn Biên và Phiên Trấn. Ở đây cứ gieo 1 hộc thóc thì thu hoạch 100 hộc.
(iii) Ruộng đầm tốt nhất: Vào mùa mưa nông dân phát cỏ vun lại từng đống và đắp bờ và đem mạ ra cấy. Ở Long Hồ, cứ gieo một hộc thóc thì thu hoạch được 300 hộc thóc.
3.7. Nhà Tây Sơn (1786 - 1802)
Sau khi đại thắng nhà Thanh năm 1789, vua Quang Trung ban bố chiếu Khuyến Nông đề ra những biện pháp tích cực và thực tế để giải quyết hai vấn đề xã hội và kinh tế khó khăn lúc bấy giờ:
1) Làm sao cho ruộng đất sản xuất nhiều;
2) Làm sao cho nhân khẩu gấp rút gia tăng để dân số mau đông đảo.
Đối với vấn đề thứ nhứt, nạn đất đai bị bỏ hoang trở nên trầm trọng vì có nhiều dân bỏ đi lưu vong. Nhà nước ra lệnh cho những người lưu vong phải trở về quê quán sinh sống và phải lãnh ruộng đất để cày cấy. Những xã nào không thi hành nghiêm chỉnh lệnh của nhà nước sẽ bị trừng phạt nặng. Về thuế khóa, ruộng công và tư điền mỗi loại được chia ra làm 3 hạng để đóng thuế. Sau 4 năm (1793), “mùa màng trở lại phong đăng năm phần mười trong nước trở lại cảnh thái bình.” Những năm bị thiên tai thất mùa, triều định lại ra ân miễn thuế và xá tội cho dân chúng.
3.8. Nhà Nguyễn (1802 - 1884)
Lễ Tịch Điền vẫn còn tiếp tục tổ chức hàng năm trong các triều đại nhà Nguyễn. Đến thời vua Minh Mạng, lễ Tịch Điền được tổ chức long trọng hơn hết và sở Tịch Điền được thành lập để phụ trách việc này. Nhà Nguyễn còn xây dựng kho chứa thóc gạo ở các Trấn để phòng khi bị bão lụt, hạn hán hoặc lúc bị đói kém. Đồng thời triều đình cũng chú trọng về thuế điền và phân chia ruộng làm ba hạng:
- Nhất đẳng điền nộp 20 thăng/mẫu/năm
- Nhị đẳng điền nộp 15 thăng/mẫu/năm
- Tam đẳng điền nộp 10 thăng/mẫu/năm
Còn loại ruộng mùa phải nộp 10 thăng/mẫu/năm.
Sau khi vua Gia Long lên ngôi năm 1802, ngoài việc chỉnh đốn, tu bổ và giữ gìn đê điều ở Miền Bắc, triều đình chú trọng ngay đến công cuộc khai hoang và tiếp tục chính sách dinh điền để di dân lập ấp. Nhà Vua sai các quan trấn ở Gia Định cung cấp lúa gạo cho những dân nghèo đi khẩn hoang hoặc khôi phục các đất phế canh bằng cách quy tập những người lưu vong. Ngoài ra, nhà nước vẫn còn tuyển mộ dân đi khai khẩn đồn điền ở các trấn Gia Định và nam Trung Bộ. Nguyễn Công Trứ, Trương Minh Giảng và Nguyễn Tri Phương là những người có công lớn trong chương trình khai hoang qui mô theo hình thức doanh điền hoặc đồn điền.
Nhưng với chủ trương khuyến khích khai hoang của nhà Nguyễn, các quan lại chiếm đoạt nhiều ruộng đất rộng lớn từ nông dân và công điền. Dưới chính sách tư hữu của Nam Bộ, các nông dân nghèo không có đủ khả năng tự khai hoang và canh tác cùng bảo quản nên phải dựa vào tầng lớp phú hộ (chủ điền) và trở thành tá điền. Nhiều địa chủ có ruộng đất rộng lớn với “thiên hộ” và “vạn hộ”. Năm 1840, tỉnh Gia Định tâu: “Trong hạt không có nhiều ruộng công, các nhà giàu bao chiếm ruộng tư đến ngàn, trăm mẫu, dân nghèo không được cày bừa”.
Công cuộc khẩn hoang ở ĐBSCL của nhà Nguyễn rất vất vả, gồm sự phối hợp chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa. Cuộc vận động lớn này có thể chia ra làm 3 thời kỳ (Sơn Nam, 2000):
(1) Từ các chúa Nguyễn trước đến thời Gia Long: Khai khẩn các khu đất trù phú ven sông rạch, cù lao, như thành lập các trấn Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và Vĩnh Thanh, theo nhu cầu phát triển của Đàng Trong, phục quốc và củng cố quốc gia.
(2) Từ cuối đời Gia Long đến cuối đời Minh Mạng: Khai khẩn phía hữu sông Hậu Giang nối qua vùng đồi núi Thất Sơn vì nhu cầu xác nhận biên giới Việt Miên. Thành lập An Giang tách ra từ trấn Vĩnh Thanh.
(3) Từ đời Thiệu Trị đến Tự Đức: Khai khẩn những điểm chiến lược nhằm đề phòng nội loạn ở Hậu Giang. Chính sách đồn điền được phát triển mạnh.
Với chính sách tái canh ruộng bỏ hoang và khai khẩn đất mới lập ấp, các triều đại quân chủ, nhứt là Nhà Nguyễn đã thu hoạch được kết quả rất khả quan. Năm 1820, số ruộng và đất nạp thuế trong cả nước là 3.070.000 mẫu ta. Năm 1840 tăng lên 4.063.892 mẫu ruộng và đất. Trong 20 năm, diện tích đất khẩn hoang tăng gia gần 1 triệu mẫu. Tuy nhiên, số ruộng bỏ hoang vẫn còn nhiều đến 395.488 mẫu (Trần Trọng Kim: Việc Đinh điền và thuế má, thời vua Minh Mạng). Dưới triều nhà Nguyễn, nạn lưu vong là nạn thảm khốc đối với người nông dân vì họ bi bốc lột và đói khát. Ngành nông nghiệp và sản xuất lúa gạo vẫn là mạch sống chủ yếu của dân tộc và các triều đại quân chủ phong kiến.
KHAI HOANG LẬP ẤP
“Năm 1828, Nguyễn Công Trứ được vua Minh Mạng cho phép thiết lập các doanh điền và đồn điền. Ông khai hoang lập ấp ở Tiền Hải (Thái Bình), Kim Sơn (Ninh Bình) và Hải Hậu (Nam Định). Ruộng đất khai khẩn ở đây đều dành một nửa làm công điền. Năm 1834, Trương Minh Giảng lập được 41 xã thôn và phường phố ở An Giang và Hà Tiên. Năm 1853, Nguyễn Tri Phương lập được 124 ấp trong các tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Định Tường và Gia Định. Tháng 8 - 1854, Nguyễn Tri Phương lại lập được 21 cơ sở đồn điền rải rác ở các tỉnh Nam Kỳ và một số tỉnh Trung Kỳ. Tuy nhiên, các đồn điền sau này sớm trở thành sở hữu của các quan đồn điền” (Nguyễn Phan Quang và Võ Xuân Đàn, 2000).
|
LỄ TỊCH ĐIỀN
“Vua Minh Mạng (1820-1841) từng xuống dụ coi việc này “thực là chính sự quan trọng của đấng vương giả”. Vua ra lệnh chuyển ruộng Tịch Điền về hai phường An Trạch và Hậu Sinh. Lễ được tổ chức vào tháng 5 âm lịch, gọi là tháng trọng xuân.
Trước lễ 5 ngày, các nhân viên, kỳ lão nông phu, ca sinh và nhạc sinh... phải có mặt đầy đủ tại sở ruộng Tịch Điền dưới sự điều khiển của quan viên bộ Lễ. Trước một ngày, quan phủ Thừa Thiên phái thuộc hạ đến Võ Khố nhận roi, cày cùng thóc, thúng và các vật dụng khác, sau đó cung nghinh tới án vàng trước thềm điện Cần Chánh, báo cáo cho bộ Hộ rõ để bộ này tâu “rước vua thân hành duyệt đồ cày”. Cũng trong ngày hôm đó, nhà vua đến cung Khánh Ninh chuẩn bị cho việc làm chủ lễ vào rạng sáng hôm sau. Vua nghỉ bên phía trái đàn Tiên Nông là nơi diễn ra nghi lễ chính. Binh lính và voi hầu dàn chầu ở bên ngoài vòng tường bao quanh.
Canh 5, ba hồi chuông trống gióng giả vang động một góc trời. Trâu vàng, trâu đen, kỳ lão nông phu đồng trang phục cùng cày, bừa mỗi loại 6 chiếc có mặt tại vị trí đã định.Ca sinh gồm 14 người cất lên bài ca về lúa, cùng với 8 nhạc sinh, 30 người cầm cờ ngũ sắc dàn hàng hai bên sở ruộng Tịch Điền. Bảy tiếng ống lệnh nổ vang khi đạo ngự nhà vua rời khỏi cung Khánh Ninh. Hai bên đường ngự đạo đi qua, bá quan văn võ và dân chúng đều quỳ lạy đón tiễn.. Nhà vua vào ngự tọa tại nơi nghỉ dành riêng, tiếp chậu nước rửa tay; xong lên đàn tế, ở phía đông, mặt quay về hướng tây, làm rễ dâng rượu 3 tuần. Lễ xong, đại nhạc và tiểu nhạc cử lên rước vua đến điện Cụ Phục là nơi để nhà vua thay mũ cửu long, áo hoàng bào và nghỉ ngơi một lúc.
Khi nghe tiếng “xin vua làm lễ cày ruộng”, nhà vua rời khỏi điện Cụ Phục. Một viên quan bộ Hộ dâng cày, Phủ doãn phủ Thừa Thiên dâng roi. Nhà vua tay phải cầm cày, tay trái cầm roi bắt đầu cày ruộng, phụ giúp có 2 kỳ lão nông phu dắt trâu và 2 người đỡ cày. Viên phủ doãn bưng thúng thóc, một viên quan đường bộ Hộ đi bên cạnh để gieo giống. Nhà vua cày 3 lượt, giữa tiếng nhạc trầm vang. Xong việc, bộ Lễ tâu rước vua đến đài Quan Canh. Tiếp theo là lễ cày của các hoàng tử, thân công (cày 5 lần), quan viên văn võ (cày 9 lần) và nông phu ở xã Phú Xuân. Sau khi nghe nhân viên bộ lễ quỳ tâu “Lễ thành” nhà vua rời đài Quan Canh về điện Cụ Phục thay áo, mão rồi lên xe trở về cung Khánh Ninh. Về tới điện, khi nhà vua đã an tọa trên ngai vàng, bắn 5 tiếng ống lệnh. Bá quan bày hàng trước sân cung, khi nghe tiếng “Lễ cày ruộng tịch đã thành xin làm lễ mừng” thì đồng quỳ lạy 5 lạy. Sau đó, Phủ doãn phủ Thừa Thiên lĩnh vải thưởng cho các kỳ lão nông phu [hạng 1 (8 người) được 4 tấm vải mỗi người; hạng 2 (66 người) được 3 tấm vải mỗi người]. Sau đó, toàn thể được nhà vua ban cho ăn yến một bữa” (Duy Từ, 2000).
|
4. KẾT LUẬN
Ngành trồng lúa đã lớn mạnh dần sau thời Cổ Đại, với tiếp cận nền văn hóa Bắc Phương trong hơn một ngàn năm lệ thuộc và gần một ngàn năm Độc Lập; nhưng sự phát triển sản xuất còn chậm chạp, đặc biệt về năng suất do hậu quả của nền Nho học hũ lậu. Mặc dù vào quá giữa thế kỷ XIX, có một số người cải cách với tâm huyết và can đảm đưa ra nhiều kiến nghị canh tân xứ sở, gồm cả nông nghiệp, nhưng đều thất bại. Dưới thời nhà Nguyễn, Nguyễn Trường Tộ, người ở thôn Bùi Châu, huyện Hưng Yên, tỉnh Nghệ An đã làm bản điều trần để xin vua và triều đình canh cải mọi việc để nước nhà phú cường, bao gồm cả lãnh vực nông nghiệp. Ngày 14-10-1871, Ông làm bản điều trần về việc nông chính:“Chấn hưng nông nghiệp: đặt nông quan (lấy các cử nhân, tú tài cho chuyên học tập về nông chánh) và các sở chuyên môn để cải lương cách làm ruộng, khai khẩn ruộng đất bỏ hoang; kinh lý việc dẫn thủy nhập điền” (Dương Quảng Hàm, 1941). Tiếc thay vua Tự Đức không có ý chí quả quyết của nhà lãnh đạo tài ba, triều đình có nhiều quan lại với đầu óc thủ cựu hơn nghinh tân, nên tất cả các bản điều trần của ông Nguyễn Trường Tộ và những người tiến bộ khác không được thi hành! Đất nước phải chờ đến thời Pháp Thuộc, các kỹ thuật khoa học tân tiến mới được du nhập và áp dụng; nhờ đó nền nông nghiệp lột xác tiến bộ mau lẹ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO (Chung Phần I & II)
1. Bùi Huy Đáp. 1980. Các giống lúa Việt Nam. NXB Khoa Học và Kỹ Thuật, Hà Nội, 563 tr.
2. Bùi Huy Đáp. 1999. Một số vấn đề về cây lúa. NXB Nông Nghiệp, Hà Nội, 154 tr.
3. Bùi Thiết. 2000. Việt Nam Thời Cổ Xưa. NXB Thanh Niên, T.P. Hồ Chí Minh, 463 tr.
4. Chang, T.T. 1985. Crop history and genetic conservation: Rice - A case study. Iowa State Journal of Research 59(4): 425-455.
5. Dumont, R. 1995. La culture du riz dans le delta du Tongkin. Printimg House in Bangkok, Thailand. pp 592.
6. Duy Từ. 2000. Lễ Tịch Điền. Lễ hội cung đình triều Nguyễn, NXB Thuận Hóa, Huế, tr. 82-85.
7. Dương Quãng Hàm. 1941. Việc canh tân, Nguyễn Trường Tộ và chương trình cải cách của ông. Việt Nam Văn Học Yếu Sử. Institute de l’Asie Sud-Est, XIV: 346-354.
8. Đào Duy Anh. 1938. Việt Nam văn hóa sử cương. NXB Xuân Thu, Texas (tái bản 1976), 345 tr.
9. FAO. 2007. FAOSTAT, www.fao.org.
10. Greenland, D.J. 1974. Evolution and development of different types of shifting cultivation. In Shifting cultivation and soil conservation in Africa. Food and Agriculture Organization, Rome, 24:5-13.
11. Huard, P. and Durant, M. 1954. Connaissance du Vietnam. Imperie nationale, École française d’Extrême-orient, Hanoi, 1954.
12. Huỳnh Văn Lang. 2005. Công Chúa Ngọc Vạn. Tập san nghiên cứu Văn Hóa Đồng Nai – Cửu Long, số 2, Tả Quân Lê Văn Duyệt Foundation ấn hành, trang 50-74.
13. Lĩnh Nam Chích Quái. 1960. NXB Khai Trí, Sài Gòn, 134 tr.
14. Maspéro, H. 1918. Le Royaume de Văn Lang. BEFEO, XVIII, fasc. 3, 1918.
15. Nguyễn Hữu Nghĩa, Lưu Ngọc Trình and Lê Vĩnh Thao, 2001. Speciality rice in Vietnam: Breeding, production and marketing. Speciality Rices of the World: Breeding, Production and Marketing. FAO, Rome, Italy, pp 358.
16. Nguyễn Phan Quang & Võ Xuân Đàn, 2.000. Lịch sử Việt Nam - Từ nguồn gốc đến năm 1884. NXB T.P. Hồ Chí Minh, 479 tr.
17. Nhất Phương. 2006. Ca dao, tục ngữ Việt Nam. NXB Thanh Niên, Công ty in Văn Hóa Sài Gòn, 410 trang.
18. Phan Đại Doãn, 2001. Làng xã Việt Nam - Một số vấn đến đề kinh tế - văn hóa - xã hội. NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 366 tr.
19. Phạm Văn Sơn. 1960. Việt sử toàn thư. NXB Thư Lâm Ấn Quán, Sài Gòn, 738 tr.
20. Sơn Nam. 2000. Lịch sử khẩn hoang Miền Nam. NXB Xuân Thu, California, Hoa Kỳ, 330 tr.
21. Tạ Chí Đại Trường. 1996. Những bài dã sử Việt. NXB Thành Văn, California, Hoa Kỳ, 431 tr.
22. Thái Công Tụng. 2005. Việt Nam: môi trường và con người. Vietnamologica, Trung Tâm Việt Nam Học, Montréal, Canada, 299 tr.
23. Trần Trọng Kim. 1990. Việt Nam sử lược, Quyển I & II. NXB Đại Nam.
24. Trần Văn Đạt. 2002. Tiến trình phát triển sản xuất lúa gạo tại Việt Nam - Từ thời nguyên thủy đến hiện đại. NXB Nông Nghiệp, Sài Gòn, 315 tr.
25. Viện Khảo Cổ Học. 1999. Khảo cổ học Việt Nam, Tập II: Thời Đại Kim Khí Việt Nam. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 551 trang.
26. Viện Khảo Cổ Học. 2002. Khảo cổ học Việt Nam, Tập III: Khảo cổ học lịch sử Việt Nam. NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 519 tr.
Đơn vị đo lường của nhà Nguyễn: