12/7/2015
BỆNH QUAI HÀM
Y học thường thức – Bác sĩ Trần Văn Diên
|
Bệnh quai hàm còn gọi là bệnh quai bị, tiếng Anh: Mumps, bệnh biểu hiện bằng sưng tuyến nước bọt một bên hay cả hai bên hàm mặt gần mang tai (lổ tai). Khoảng 1/3 các trường hợp nhiễm bệnh không gây sưng vù tuyến nước bọt gần mang tai. Trên 50% bệnh nhân mắc bệnh quai hàm xuất hiện tăng bạch huyết cầu. Một số bệnh nhân với biểu hiện viêm màng não cùng các triệu chứng nhức đầu, nôn mửa, cứng cổ... Song song với hiện tượng sưng tinh hoàn (orchitis) là một biến chứng khá thường gặp sau tuổi dậy thì của nam giới. Nhưng biến chứng vô sinh thì không thường gặp như nhiều người hằng suy nghĩ hay lo lo ngại ngại. Các biến chứng khác ít khi gặp bao gồm viêm khớp xương hàm, viêm tuyến giáp trạng, viêm thận (glomerulonephritis), viêm cơ tim (myocardiotitis)… và giảm thính giác.
Bệnh quai hàm do siêu vi khuẩn Rubulavirus thuộc họ Paramyxoviridae. Siêu vi khuẩn nầy lây truyền do các chất tiết ra theo chủ yếu là đường hô hấp. Nhiễm trùng có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm nào trong thời niên thiếu. Ở người trưởng thành, bệnh thường có khuynh hướng nặng nề hơn bao gồm viêm tinh hoàn. Tử vong do bệnh quai hàm được thống kê cho biết tỉ lệ rất thấp, ước tính khoảng 1,6 đến 3,8 trên 10.000 trường hợp nhiễm bệnh. Hơn một nửa số trường hợp tử vong xảy ra ở những người trên 19 tuổi. Nhiễm bệnh quai hàm trong thời đầu thai nghén của nữ giới có thể làm hư thai.
Trước đây, các trường hợp bệnh quai hàm thường xảy ra từ tháng Giêng đến tháng Năm ở các vùng khí hậu ôn đới, tuy nhiên ngày nay biểu hiện theo mùa không còn rõ rệt nữa, nghĩa là bệnh có thể xảy ra quanh năm. Tại Hoa Kỳ, từ khi thuốc ngừa bệnh quai hàm được sử dụng, hằng năm có khoảng 500 trường hợp mắc bệnh được ghi nhận. Tại Việt Nam, thuốc chủng ngừa bệnh quai hàm chưa được đưa vào trong chương trình tiêm chủng mở rộng hoàn toàn trong quần chúng nên bệnh còn hiện hữu khá cao, thường gây nên những nơi như trong nhà trẻ, trường học… Bệnh thường thấy ở lứa tuổi từ 5 đến 14.
Thời kỳ ủ bệnh thường kéo dài từ 16-18 ngày nhưng cũng có khi thay đổi từ 12- 25 ngày sau khi tiếp xúc nguồn lây bệnh. Trẻ em bị sưng tuyến mang tai kéo dài hai ngày hoặc lâu hơn mà không có nguyên nhân rõ ràng nào khác cần được làm các xét nghiệm chẩn đoán bệnh quai hàm. Tuy nhiên trong điều kiện Việt Nam hiện nay thì yếu tố miễn dịch bản thân trẻ em có được tiêm chủng hay chưa, có tiếp xúc nguồn lây mầm bệnh hay không, trong lớp hay trong trường có học sinh nào mắc bệnh tương tự trước đó… thường giúp chẩn đoán và giúp đưa ra những biện pháp cách ly, phòng ngừa thích hợp.
Chuyên khoa bệnh học có thể phân lập siêu vi khuẩn bệnh quai hàm bằng phương pháp nuôi cấy tế bào từ các bệnh phẩm ở vùng tuyến mang tai, nước tiểu, dịch não tủy hoặc có thể xét nghiệm xác định sự gia tăng nhanh chóng của kháng thể IgG khi so sánh hai thời điểm mắc bệnh cấp thời và giai đoạn hồi phục bệnh. Xét nghiệm này có thể thực hiện bằng các kỹ thuật huyết thanh học tiêu chuẩn như cố định (complement fixation), phản ứng trung hòa (neutralisation), ức chế ngưng kết hồng cầu (hemagglutination inhibition test), miễn dịch enzyme (enzyme immunoassay) hoặc xét nghiệm định lượng kháng thể IgM bệnh quai hàm (mumps IgM antibody test). Nhiễm trùng cũng có thể xác định bằng kỹ thuật miễn dịch phóng xạ enzyme hay phản ứng trung hòa còn kỹ thuật cố định bổ thể và ức chế ngưng kết hồng cầu không phù hợp trong trường hợp này. Test da (skin test) cũng không đáng tin cậy do đó không nên dùng test này để tìm hiểu tình trạng miễn dịch trong cơ thể của trẻ em.
Hiện nay không có phương pháp điều trị đặc hiệu. Điều trị chủ yếu là nâng đỡ: tăng cường dinh dưỡng, nghỉ ngơi, uống nhiều nước, hạ sốt nếu sốt lên nhiệt độ cao, giảm đau khi viêm tuyến mang tai gây đau nhức. Phát hiện sớm các biến chứng như viêm tinh hoàn, viêm màng não… Theo quy định chuẩn thì bệnh nhân nhập viện cần được cách ly hạn chế lây lan do dịch tiết hô hấp đến ngày thứ 9 kể từ lúc bắt đầu sưng tuyến mang tai.
Trẻ bệnh phải nên cho nghỉ học đến 9 ngày sau khi có hiện tượng sưng tuyến mang tai. Khi có vụ bùng phát dịch xảy ra thì chính quyền địa phương, trung tâm phòng dịch và nhà trường sẽ có những biện pháp tùy theo từng trường hợp và điều kiện. Biện pháp hữu hiệu nhất là đóng cửa trường học.
Việc phòng ngừa bệnh quai hàm thường không có hiệu quả sau khi đã tiếp xúc nguồn lây bệnh. Tuy nhiên thuốc chủng ngừa bệnh quai hàm này vẫn được khuyên dùng vì nó có khả năng bảo vệ trong những lần tiếp xúc sau đó. Tiêm ngừa trong thời kỳ ủ bệnh không hề làm tăng nguy cơ bệnh nặng.
Thuốc chủng ngừa là loại giảm độc lực được điều chế từ môi trường nuôi cấy trên phôi gà. Mỗi mũi tiêm thường chứa 0,5 ml, tiêm dưới da. Thuốc chủng có thể dùng đơn độc hoặc kết hợp tam liên MMR (Measles-Mumps-Rubella): ngừa bệnh sởi, bệnh quai hàm và bệnh sởi. Sau mũi tiêm thứ nhất, kháng thể xuất hiện ở 95% cá thể nhạy cảm. Các nghiên cứu huyết thanh học cũng như bằng chứng dịch tễ học cho thấy miễn dịch này có tính bền vững.
- Trẻ từ 12 đến 14 tháng nên được tiêm thuốc ngừa mũi tam liên MMR, tiêm liều thứ hai khi trẻ được 4 đến 6 tuổi.
- Chủng ngừa bệnh quai hàm rất quan trọng ở những trẻ chớm dậy thì mà chưa từng được tiêm thuốc chủng ngừa, cũng như thiếu niên và người trưởng thành chưa hề có miễn dịch chống bệnh quai hàm trong thân thể. Như trên đã nói, bệnh quai hàm xảy ra ở người lớn thường có khuynh hướng nặng nề hơn.
Phản ứng phụ với thuốc chủng ngừa bệnh quai hàm thường hiếm xảy ra. Một số trường hợp viêm tinh hoàn và viêm tuyến mang tai được ghi nhận sau khi chủng ngừa. Phản ứng dị ứng hiếm gặp tiêu biểu với những người dị ứng với albumin của trứng gà.
Vì thuốc chủng ngừa bệnh quai hàm chứa siêu vi khuẩn sống nên khuyến cáo cho các trường hợp sau đây:
- Suy giảm miễn dịch nặng như bệnh nhân SIĐA đang tiến triển.
- Bệnh bạch huyết ác tính toàn thân: Leucomia, lymphoma…
- Bệnh nhân đang điều trị corticoid toàn thân liều cao, xạ trị chống ung thư…
- Phụ nữ mang thai không được tiêm thuốc chủng ngừa bệnh quai hàm.
BS Trần Văn Diên, Texas USA ngày 09/07/2015
Học sinh Công Thôn 1970-1973 NLS Cần Thơ