LÀM SAO CÂN BẰNG ĐỊA ĐIỂM CÁC ĐẬP THỦY ĐIỆN ĐỂ BẢO VỆ ĐA DẠNG SINH HỌC TRÊN CÁC DÒNG SÔNG MEKONG, AMAZON VÀ CONGO
Nguyễn Văn Khuy
Ba con sông có đa dạng sinh học nổi tiếng trên thế giới là Mekong, Amazon và Congo. Một phần ba các loài cá nước ngọt của thế giới đã tìm thấy ở những lưu vực của ba con sông này mà phần lớn không thấy xuất hiện ở đâu. Trước kia trên các dòng sông này việc phát triển nhà máy thủy điện có giới hạn do nhu cầu năng lượng thấp. Phần lớn là các đập nhỏ được xây dựng ở trên các vùng suối cao. Tuy nhiên hiện nay đã có 838 đập thủy điện đã hoạt động hoặc đang được xây dựng và 445 đập nữa nằm trong dự án phát triển :
Operational/ under construction Planned/ proposed
Amazon 416 334
Mekong 371 98
Congo 51 13
Thông thường đập xây cất trên vùng nước chảy nhanh và các thác nước sẽ giúp tăng thế năng của thủy điện nhưng nơi đây cũng là nơi sinh sống của nhiều loại cá thích ứng được với dòng nước chảy nhanh. Mặc dầu chưa có dữ kiện về phân bố cá nhiệt đới cho từng vùng địa lý nhưng công trình khảo cứu ở lưu vực những con sông lớn cho biết sự lựa chọn địa điểm xây đập sẽ góp phần quan trọng cho việc bảo vệ đa dạng sinh học.
Các đập thủy điện được xây cất rầm rộ do sản xuất ra năng lượng sạch từ nước, không làm ô nhiễm không khí và là loại năng lượng nội địa. Ngoài ra những hồ dự trữ nước là nơi để giải trí, câu cá, chèo thuyền, bơi lội, ngăn ngừa lụt lội. Tuy nhiên cũng có nhiều bất lợi như nước kém phẩm chất vì ô nhiễm, thiếu oxygen, gây ra hạn hán, mất đi động vật và thực vật đặc trưng của từng địa phương và thiếu nước sẽ không có điện. Bất lợi cho ngành ngư nghiệp như lượng cá suy giảm vì các loài di ngư ( migratory fish ) không thể lội ngược dòng về nơi thích hợp để đẻ trứng và nuôi dưỡng cá con. Bất lợi cho ngành nông nghiệp là làm giảm đi diện tích canh tác hoa mầu. Xây cất đập nhất là các đập lớn tại những nước đang phát triển cần phải tái định cư nhiều triệu người, làm thay đổi nếp sống cũ.
Nạn phá rừng để xâp đập và các hồ trữ nước đã làm mất đi cây lớn, các cây rừng cao từ 20- 30 m. Khi nước mưa rơi xuống lá, cành và thân cây rồi mới xuống đất sẽ có thời gian ngấm dần vào đất và còn bị ngăn cản bởi gốc cây, làm giảm đi vận tốc. Nếu đất trơ trụi nước chảy đi với vận tốc rất nhanh cuốn theo lớp đất trên mặt (topsoil ) và các chất hữu cơ. Nếu mưa nhiều có thể sinh ra lũ lụt.
Sự leo thang về các dự án xây cất đập cần phải tìm cách giảm tối thiểu sự biến mất đa dạng sinh học và ảnh hưởng đến môi trường sinh sống, xã hội và kinh tế. Những đập lớn gây ra nguy cơ tuyệt chủng những loại di ngư do bị cản trở lưu thông ngược dòng về thượng nguồn để hoàn tất chu kỳ cho đời sống. Sự kiện này sẽ tàn phá ngành ngư nghiệp trên sông nhiệt đới vì nhiều loại cá có gía trị cao di cư và trăm km hay hơn nữa để tránh những mùa nước lụt. Phần lớn các đập đề nghị xây cất ở hạ nguồn sông Mekong được dự đoán sẽ làm giảm các loài cá trê và cá chép khổng lồ .
Việc xây dựng những thang vượt cho cá ( passage ladder ) ở các vùng Trung và Nam Mỹ đã chứng minh là thất bại. Những đập lớn trì hoãn và giảm đi lượng cá bơi ngược về tới các vùng thuận lợi cho việc đẻ trứng và nuôi dưỡng các cá con. Thay đổi thể trạng của vùng địa lý làm thay đổi những thời kỳ nước lụt, hệ sinh thái . Những hồ dự trữ nước xung quanh đập chỉ là nơi sinh sống của phần lớn các loại cá có giá trị thấp và một số loài không thuộc bản xứ .
Ảnh hưởng của hệ sinh thái từ các đập lớn không giới hạn ở sông mà các chất thải ô nhiễm lỏng hay dắn cuốn theo dòng nước bị chặn lại đã làm hủy hoại cơ động dinh dưỡng và tiến trình sinh địa hóa học (biogeochemical processes ) phát triển ở những vùng châu thổ, cửa sông và sinh thái biển. Những bất lợi này ảnh hưởng đến canh tác, ngư nghiệp và nơi cư trú của nhân loại.
Một điều thiếu minh bạch trong tiến trình chấp thuận cho xây đập đã nêu ra những nghi vấn về các nhà yểm trợ tài chánh và chính phủ có biết rõ ràng về những rủi ro và ảnh hưởng lâu dài cho những con sông nhiệt đới đã từng cưu mang bao nhiêu triệu con người. Một vài quốc gia đang phát triển thiếu các văn bản hướng dẫn cách thức xây đập và nhiều quốc gia miễn trừ thủ tục cho các đập nhỏ (<10MW). Mặc dầu phải tốn kém để nghiên cứu về ảnh hưởng tác động trên môi trường nhưng nhiều phúc trình chỉ hoàn tất sau khi đập đã xây dựng mà không thể dừng lại .
Dự án thủy điện chỉ nhằm vào giải quyết nhu cầu quan trọng là năng lượng nhưng luôn luôn lượng gía qúa đáng về lợi ích kinh tế mà lại lượng gía qúa thấp về đa dạng sinh học và tầm quan trọng về khai thác thủy sản. Những kế hoạch gia thường thất bại về lượng định ích lợi thực sự và phí tổn để xây những đập lớn. Kết qủa đạt được thông thường dưới mức dự trù, ngay cả không điều chỉnh được những rủi ro và 75% các đập lớn phải cần thêm 95 % giá dự trù ban đầu mời hoàn tất được. Những kế hoạch kinh tế thường bị bỏ qua và dự trù qúa thấp về phí tổn để duy trì môi trường sống như trường hợp sảy ra ở Trung Quốc. Nước này phải tốn thêm 20 tỉ dollars để điều hòa lại hệ sinh thái bị ảnh hưởng sau khi hoàn tất đập Tam Hiệp
Đập Tam Hiệp ( Three Gorges Damp )
Là đập thủy điện lớn nhất trên thế giới hiện nay, xây dựng trên dòng sông Dương Tử , giữa Vũ Hán và Trùng Khánh. Đập cung cấp điện với công suất 23,000 MW , mạnh gấp 15 lần lò phản hạch nhân, cho nhu cầu 50 triệu dân, chiếm 3 % tổng số điện cho nhu cầu trong nước. Đập cao 120 m , dài 2,300 m, thời gian xây cất mất 17 năm và khởi sự hoạt động vào năm 2012 . Năm 1919 Tôn Dật Tiên đã có định xây đập này nhưng đến năm 1998 mới bắt đầu thực hiện. Để xây đập 1.2 triệu dân đã phải di chuyển đi vùng khác, gồm 13 thành phố, 140 tỉnh hạt và 1, 350 làng mạc . Với chiều dài các hồ chứa nước 632 km đã nhận chìm các danh lam thắng cảnh, các nông trại, làm biến đổi địa chất. đầu độc nguồn nước và phá hủy môi trường.
Những bất lợi mà cả Trung Quốc cũng xác nhận là năm 2008 bị động đất ở Tứ Xuyên, giết chết 87, 000 người. Lý do đập được xây dựng ở nơi dễ sảy ra động đất và hồ chứa nước lớn tự tạo ra các chấn động mạnh. Từ khi các hồ dự trữ có nước đã sảy ra các loạt địa chấn và mực nước lên cao thì chấn động càng mạnh và sảy ra thường xuyên.
Nếu không chấn chỉnh thì sẽ gây thảm họa khôn lường như lụt lội, xoi mòn đồi núi dọc theo sông Dương Tử, nước ô nhiễm và thảm họa môi trường. Hàng năm 14 tỉ tấn rác đủ loại xả vào sông Dương Tử. Nếu đập bị vỡ do động đất sẽ có nguy cơ gây ra một trận đại hồng thủy cuốn đi theo nhà cửa và làm nhiều thành phố, làng mạc chìm trong nước hoặc biến mất. Đài Loan đe dọa nếu có chiến tranh với Hoa Lục sẽ phá đập này để gây ra một thảm họa kinh hoàng cho Trung Quốc.
Đập càng lớn càng sinh ra nhiều vấn đề như đập Itaipu là đập thủy điện lớn thứ hai trên thế giới, trên dòng sông Parana giữa Brazil và Paraguay. Cuộc nghiên cứu của Oxford University cho biết phí tổn xây cất đập tăng thêm 240% gía dự trù. Tuy nhiên chẳng bao giờ có thể thu lại tiền vốn xây cất với nhiều lý do. Nạn phá rừng do lụt lội, phù sa bị kẹt lại lắng đọng tại các hồ chứa nước làm giảm công xuất điện theo thời gian. Ngoài ra tình trạng kinh tế , chính trị bất ổn làm ảnh hưởng đến thị trường năng lượng và thêm vào đó là vấn nạn tham nhũng.
Để đạt được sự chấp thuận thì việc định gía cho dự án xây đập cần phải vuợt qua những sai sót của các đập hiện hữu, chẳng hạn làm đất đai và khí hậu thay đổi. Kế hoạch phải đưa ra chi tiết để phân tích và tổng hợp lại bao gồm lượng định những kỹ thuật làm giảm bớt những tác động ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của con người cũng như các sinh vật. Ngoài ra không làm xáo trộn đến hệ sinh thái những con sông vĩ đại của thế giới.
Những phương pháp phân tích hữu hiệu và các dữ kiện chính xác về môi trường có thể làm sáng tỏ sự liên hệ giữa kỹ thuật xây đập và những mục đích về môi trường chung quanh có thể giúp chính phủ và các cơ quan trợ cấp vốn so sánh các địa điểm luân phiên kế tiếp nhau để xây đập. Các nghị quyết xây đập hiện nay đã không quan tâm đến các đụng chạm chồng chéo về tác dụng , phân bố, đặc tính thủy lợi của từng vùng địa lý và và những dịch vụ sinh thái vì rất nhiều đập đã xây dựng trong vùng cao nguyên mà nguồn nuớc bị phân tán đi nhiều hướng khác nhau.
. . . . . . . . . . . .
( còn tiếp p2)
Nguyễn văn Khuy
|