3/4/2016
Văn Ni
Thuở ấy (1952) trẻ con bảy tuổi mới được nhận vào học lớp năm, bây giờ là lớp một. Làm gì có lớp mẫu giáo, lớp mầm lớp chồi lớp lá như ngày nay! Trẻ con khôn lớn như con vịt con theo mẹ, như cây chuối mọc sau vườn. Khi bé lên sáu tuổi, ba mua cuốn vần quốc ngữ và dạy nó học đánh vần. Học sinh lúc thuở bấy giờ (1952) đều bắt đầu đi học với quyển vần quốc ngử.
Thằng bé sinh trưởng ở nhà quê, từ nhỏ đến lớn chỉ biết chơi đùa, suốt ngày bắt cua, câu cá, đầu tóc chờm bờm vàng hoe vì dang nắng, bây giờ phải chuẩn bị đi học! Trước ngày tựu trường ba đem bé ra sông, tự tay ông tắm nó bằng xà bông thơm “Cô Ba”, chà xát, kì cọ từ đầu đến chân rất kỹ lưỡng. Ba mài con dao “con chó” cắt sạch móng tay móng chân rồi dùng miếng xơ dừa với chanh để chà xát cho sạch sẽ cáu bẩn. Nó thắc mắc hỏi ba:
“Làm chi kỹ lưỡng vậy ba?”
Ông cười xoa đầu nó nói:
“Đi học mà con! Ba muốn con coi bảnh nhứt, học giỏi nhất và khi lớn lên không thua ai hết.”
Thằng bé đau khổ vì phải đi học nhưng trong lòng cũng thấy nôn nao. Thằng bé là tôi, 65 năm về trước.
Sáng sớm hôm sau, trời vừa hừng sáng ba tôi chèo ghe đưa tôi ra chợ quận. Ông dẫn tôi đến ông “thầy hù” để hớt tóc kiểu “đờ mi cua” (demi court). Người ta đặt tên ông là “thầy hù” có lẻ khi ông hớt tóc cho con nít, nó cứ lúc lắc cái đầu không cho hớt nên ông phải hù dọa cho nó cho nó sợ, nó chịu ngồi yên. Ông có cái “tông dơ” (tondeuse) bớp bằng tay và ông liên tục xắp cái kéo kêu lách cách nghe rất vui tai. Hớt xong còn được xịt dầu thơm, thơm phưng phức! Hớt tóc sạch sẻ xong, hai cha con ghé qua tiệm chị bảy Đầm để may hai cái quần xọt (short) màu xanh nước biển và hai cái áo sơ mi (chemise) trắng bằng vải pô-pơ-lin trắng (popeline). Ông dẫn tôi ghé tiệm tạp hóa mua cuốn tập “dờ voa” (devoir) 50 trang, mấy cây bút chì, cục “gôm” (gome) bình mực tím với cây viết mực ngòi viết lá tre, cây thước vuông, đôi giày “săn dan” (sandales), và cái mà tôi thích nhứt là cái “cặp táp”(cartable) màu xanh nước biển. Thuở ấy không có “backpack” nên má tôi kết cái quai bằng vải để tôi có thể có thể mang cặp táp lên vai, hai tay được rảnh để lần tay vịn qua cầu. Tôi thích nó đến nỗi đêm nào cũng ôm nó vào giường ngủ, mong đến ngày đi học để được đem khoe.
Vốn đầu tư ban đầu cho quá trình học vấn của tôi chỉ vỏn vẹn có chừng ấy, quá khiêm nhường so với trẻ con ngày nay, con nít bốn năm tuổi đã có đủ đồ chơi diện tử, máy game, I pad..
Ngày tựu trường tôi được mặc quần xọt xanh áo sơ mi trắng bỏ vô quần, chân mang dép mới, đầu tóc hớt cao ráo, sạch sẽ thơm tho vai đeo cặp táp, được ba dẫn đến trường. Ba tôi gặp ông “Đốc”, là cậu ruột của tôi, và được ông Đốc dẫn vào lớp học. Nhìn mấy chục cái đầu đen lố nhố, tôi chưa bao giờ thấy nhiều trẻ con như vậy cùng một lúc.
Tôi hãnh diện thấy mình sáng chói giữa đám học trò nhà quê lem luốc nhưng vẩn ghì chặt tay Ba, sợ ông sẽ bỏ tôi bơ vơ giữa cái thế giới xa lạ nầy. Tôi nhìn ông, mắt rưng rưng như muốn van xin. Nếu có Má tôi lúc ấy chắc tôi đã chạy ù đến ôm má và đòi được về nhà với con chó Mi nô quen thuộc của tôi. Ba tôi hình như cảm nhận được cảm giác cô đơn lạc lõng của tôi, ông vò đầu tôi và bảo “con đừng sợ, tan học Ba đón con về” rồi ông nới lỏng bàn tay, đẩy tôi vào lớp học.
Tôi lạc loài đi vào một thế giới mới lạ, đầu vẩn quay nhìn ba tôi như van xin: “ba ơi đừng bỏ con đi!”.
Hình minh họa lấy từ internet
Ở nhà quê, nông dân đi ngủ sớm và thức sớm khi gà vừa gáy hiệp đầu. Má thức dậy nấu cơm cho cả nhà ăn sáng, phần cơm dư Ba vắt trong cái lụa mo cau để đem theo ăn trưa. Trời vừa hừng sáng, ba đã chèo ghe đi làm, có khi má đi theo làm phụ. Tôi ở nhà một mình bên ánh đèn leo lét của cái đèn dầu “hột vịt” đợi đến khi trời sáng tỏ. Khi mặt trời lấp ló ở ngọn cây bên sông, tôi đi học.
Tôi tự mình mang cặp táp trên vai, một tay xách đôi giày, lội bộ đi học trên ba cây số đường làng. Tôi treo giày trên cổ để rảnh hai tay lần mò theo tay vịn đi qua qua mấy cái cầu cau. Nhiều hôm trời mưa người ướt như con gà con té mương, cầu lại trơn trợt khó đi, tôi phải bò từng bước qua cầu. Sợ nhứt là những cây cầu không có tay vịn, nếu không khéo trợt chân rớt xuống mương như chơi. Nhiều hôm về đến nhà áo quần lem luốt bùn sình vì “chụp ếch” trên đường.
Trên các sông rạch lớn thân cây không đủ dài dể bắc qua sông nên cây cầu phải có cột chống ở giữa, làm bằng cây xóc tréo, nên được gọi là “cầu tréo”. Con nít cở tuổi tôi qua cầu phải có người dẫn. Cầu bắc rất cao để ghe thuyền có thể chui qua bên dưới nên cheo leo, run rẩy khi có người đi qua lại.
Khi con nước lớn đầy sông, tôi không ngại qua cầu vì lở có té xuống sông tôi có thể lội đến bờ không sợ bị chết đuối. Tôi lội giỏi như rái từ lúc bé. Nhưng chẳng may gặp lúc nước ròng chảy xiết, và nhất là lúc nước cạn, nhìn xuống đáy sông sâu thăm thẳm, tôi sợ lắm, không dám đi qua cầu, phải ngồi ở đầu cầu mà đợi có người đến để “quá giang”. Có hôm phải đợi lâu đi học về trễ nên tôi bị Ba vặn hỏi. Tôi đành phải khai sự thật. Hôm sau Ba đến gặp cậu Hai Cang nhà ở đầu cầu tréo để nhờ cậu dẫn giùm. Gặp những hôm mưa gió, cầu trơn trợt, khó đi, tôi cứ đứng ở đầu cầu, chụm hai tay làm cái loa mà réo “Cậu Hai ơi..” là được ông dẫn qua cầu.
Những buổi sáng mù sương, tôi sợ nhất là khi phải đi qua khu vườn nhà ông Cù, cây cối dầy đặc lù mù sương mai. Có mấy cái mả hoang lổng chổng bên đường. Người ta đồn nơi nầy có ma. Con nít nào lại không sợ ma? Tôi phải đứng đợi có người đi chợ để đi theo. Có một hôm đợi hoài không thấy ai nên tôi bị trễ học. Tôi quyết định quay về nhà không thèm đi học nữa. Thà bị đòn còn hơn bị ma cho ăn đất sét. Tôi nghe nói ma bắt người dẫn vô mả, cho ăn bánh, nhưng khi tìm ra thấy miệng đầy đất sét!
Tôi phập phồng lo lắng sẽ bị đòn vì tội bỏ học, nhưng Ba chẳng những không đánh đòn mà con dạy tôi cách bắt ấn trừ ma quỉ! Ông nói:
“Con thấy hôn, ba đi tối về khuya, có ma nào dám đến gần đâu! Ba dùng bùa đó. Có hôm có con ma dử, muốn thử bùa của ba, men men lại gần cách ba mấy thước, nó té ngữa chết tươi!”
Tôi le lưỡi.
“Bộ bùa hay vậy sao ba. Ba dạy con đi.”
“Đâu có được. Bùa nầy kỵ nhứt là con nít bỏ học. Học bùa nầy mà bỏ học là bị khùng liền!”
“Thì con không bỏ học nữa.”
“Vậy thì được, con hứa không bỏ học thì ba mới dạy cho”. Tôi hứa ngay không cần suy nghĩ.
Hôm sau đi đến vườn ông Cù tôi bắt ấn trừ ma như ba tôi đã dạy.
“Dí đầu ngón tay cái vào chân ngón tay út và nắm bàn tay lại thật cứng”, ba dại như vậy, tôi nín thở, cấm đầu chạy vù qua khỏi khu vườn tăm tối. Mà bùa hay thật, ma quỉ sợ bùa, có con ma nào dám chạy theo đâu!
Tôi dạy bùa nầy cho mấy đứa bạn trong lớp cũng sợ ma như tôi. Tụi nó đều làm thử và không đứa nào thấy ma hết trọi! Tụi nó xầm xì với nhau, “Thằng Chín nó có bùa tụi bây ơi!” Nhờ vậy tôi nổi tiếng quá trời!
Trường học thuở ấy học hai buổi mỗi ngày, trưa nghỉ ăn cơm. Trẻ con ở chợ về nhà, còn tôi vì nhà xa nên được ba dàn xếp ăn cơm trưa ở nhà anh Tư bà con ở gần chợ.
Anh Tư có đứa con trai học cùng lớp với tôi. Ngày nào đi học nó cũng khóc nên bị ba nó “đét” vào mông, nó càng lì hai tay ôm cứng cái cột nhà, nhứt định không buông ra. Má nó nóng ruột can “ Anh đánh cho nó chết phải hông?”.Ba nó sau cùng phải chịu thua và cầu cứu đến tôi. “Dể ợt”, tôi nói với anh Tư, rồi tôi ghé mỏ, rỉ vào tai nó mấy câu. Mắt nó sáng lên, buông cái cột nhà vội chạy vào buồn ngủ gặp tôi rồi xách cặp đi học, dưới cặp mắt ngạc nhiên sửng sốt của Ba Má nó.
Hôm sau Ba nó theo hỏi nhỏ tôi:
“Chú nói cái dzì mà thằng Phước nó chịu đi học dzậy”?
“Thì em biểu nó đến trường em cho nó coi con dế than em mới bắt”.
Tôi có hai con dế, một “than” một “lửa”, nhốt trong hai cái hộp diêm quẹt, đang gái re re trong “cặp táp”. Nó nghe tiếng dế gáy nên chịu đi học ngay để được coi con dế. Tôi dẫn nó đi học, cho nó “cộp dê” bài (copier), trưa về sau khi ăn cơm tôi dạy nó làm bài tập nên ba nó thích lắm gọi đùa tôi là “thầy” Chín! Bảy tuổi được làm “thầy”, tôi sướng lắm, cho đệ tử luôn con dế lửa bị cắn cụt một chân khi đá với con dế than. Chắc đó là cái điềm cho biết sau nầy lớn lên tôi sẽ làm thầy giáo!
Tôi rất nể ba tôi, ông nói gì tôi cũng nghe ngoại trừ một chuyện tôi chống cho đến cùng, đó là phải mang giày đi học. Đôi giày làm tôi khó chịu, đau chân, lại trơn trợt khó đi. Mùa mưa giày bị dính sình, thỉnh thoảng phải dùng cành cây cạo gở. Hơn nữa, tôi “mắc cỡ” vì mình không giống ai trong lớp. Con nít cả trường đều đi chân đất. Tôi không dám cải ba, nhưng khi ra khỏi nhà tôi cởi giày cột bằng sợi dây chuối rồi xách tòn ten trên tay. Khi đi học về, tôi bỏ giày xuống đất mang vào nhà. Chân cẳng bùn đất đen thui, làm sao gạt ba tôi cho được, nhưng ông không nói gì. Mấy hôm sau, ông cất đôi giày của tôi mất tiêu! Mừng húm! Tôi đâu có đòi gì quá đáng đâu, chỉ muốn giống Ba thôi. Có bao giờ tôi thấy ông mang giày dép gì đâu, ngoại trừ khi Ba đi ra tỉnh hoặc đi ăn đám cưới! Từ hôm ấy tôi chánh thức được nhập hội người đi chân đất. Tại vì đi chân đất lúc còn bé nên bây giờ tôi gặp khó khăn khi chọn giày để mua, phải tìm cỡ WW. Chân tôi hình vuông, mấy ngón chân xòe ra như bàn tay xòe vì phải bám các ngón chân xuống đất bùn mà đi trên đường trời mưa trơn trợt!
Trường làng thuở rất thô sơ, gồm ba dãy nhà vách cây mái lá, xếp thành chữ U, lớp học ở hai bên, giữa là văn phòng ông “Đốc”, là cậu ruột của tôi. Cậu là con ông Cả, đi học bên Tây về. Má tôi kể lại có lần Tây “ruồng” bắt hết trai làng trói ké với tội là Việt Minh. Nhờ Cậu xổ tiếng Tây rôm rốp với quan Hai nên trai làng được thả hết.
Sát phòng ông Đốc có một gian trống có treo cái trống to. Đám con nít đang chạy nhảy lung tung, la hét om sòm trong sân trường, ồn ào như ổ ong vò vẻ, nhưng khi nghe ba hồi trống là chúng cong đuôi chạy về sắp hàng trước lớp, nín thin thít, rồi nối đuôi nhau như dám vịt con lon ton vào lớp. Trong lớp học có hai dãy bàn, mỗi bàn ngồi năm sáu đứa, muốn ngồi rộng phải thúc cùi chỏ lẩn nhau để chen lấn chổ.
Thuở ấy tinh thần “Quân Sư Phụ” còn cao, học trò sợ thầy còn hơn sợ “tía”. Trên bàn thầy có cái roi mây và cây thước khẻ. Tội nhẹ bị “khẻ” vào bàn tay. Tội nặng bị “ăn” roi mây vào đít. Đứa nào bị thầy gọi lên bảng đen là coi như tới số, hồn vía bay lên mây, thuộc bài cũng quên ráo trọi. Nếu lạng quạng là bị đét vào mông, có đứa nhảy lưng tưng, có đứa hai tay ôm mông, nước mắt chảy dài trên má nhưng không dám khóc. Sau cái bảng đen lú nhú mấy đứa bị quì gối. Bị quì lâu, đứa uốn éo mình vì mỏi lưng, đứa nhỏm lên nhỏm xuống vì đau đầu gối!! Có lẽ tôi là là cháu ruột của ông “Đốc” nên không bị đòn hoặc bị quì gối bao giờ, lại được ba má “bôm”, nên tôi tự tin, học hành rất giỏi. Khi học cửu chương tôi đọc bài vang vang đến bên kia sông còn nghe được:
“Hai lần một là hai”
“Hai lần hai là bốn”
“Hai lần ba là sáu…”
Học hết lớp tư (lớp 2 bây giờ) “Thầy Chín” tốt nghiệp trường làng nên phải đi học trường Tỉnh. Hết trường Tỉnh tôi đi học trường Thành Phố rồi trường ở Mỹ.. và cuối cùng đi học trường đời. Cái trường nầy khó lắm, học hoài không hết, càng học càng ngu.
Cái vốn đầu tư ban đầu cho quá trình học vấn lâu dài của tôi chỉ có cục xà phòng “Cô Ba”, cái cặp táp, và hai bộ đồ mới mà ba tôi đã sắm cho tôi ngày đầu tiên đi học. Tuy vật chất đơn sơ nhưng giá trị vô song của nó là ở sự quan tâm, khích lệ của người cha tuyệt vời đã ảnh hưởng đến tâm lý đứa trẻ suốt đời.
Tôi nhớ hoài lời ba tôi nói: “Đi học mà con, Ba muốn con coi bảnh nhứt, học giỏi nhất và khi lớn lên không thua ai hết”.
Ba đã trang bị cho tôi vào đời bằng cách gieo vào tâm trí trong sáng của đứa bé sự quan trọng của sự học, cho tôi lòng tự tin ở chính mình, một mục tiêu để đi và một ước mơ để thành đạt. Đây là những trang bị vô giá cho cả cuộc đời mà cho đến ngày hôm nay, tuy đã hơn bảy mươi tuổi đời, tôi vẫn còn xử dụng.
Ba ơi, con cám ơn ba, người cha mộc mạc, quê mùa. Con đã làm được những điều ba mong muốn.
Trường nào con cũng đã tốt nghiệp, chỉ có trường đời vẫn chưa!!!
Chú Chín Cali