3/12/2015
Túi mật (gallbladder) là một cơ quan nhỏ lưu giữ mật trước khi mật được đổ vào ruột non. Con người có thể sống mà không có túi mật. Phẫu thuật cắt bỏ túi mật được gọi là cholecystectomy.
Túi mật là một túi nhỏ hình quả lê, màu xanh, nằm ở mặt dưới của thùy gan phải, dài khoảng từ 6–8 cm và rộng nhất là 3 cm khi căng đầy. Đây là một bộ phận của đường dẫn mật ngoài gan, gồm có 3 phần: đáy, thân và cổ. Ống dẫn mật từ túi mật tới ống mật chủ dài 3–4 cm, đoạn đầu rộng 4-5mm, đoạn cuối hẹp 2,5mm. Trong lòng ở phần trên của ống túi mật có những van gọi là van Heister làm cho ống túi mật không bị gấp lại và làm cho mật lưu thông dễ dàng.
Trong cơ thể, gan hoạt động sản xuất mật liên tục, mật là một chất sền sệt màu vàng hơi xanh lục, có vị đắng. Mật góp phần quan trọng vào quá trình tiêu hóa thức ăn. Muối mật là Natri Glycocholate và Natri Taurocholate có vai trò phân huỷ các chất béo, thúc đẩy cho hoạt động của các men Lipase (Phân giải Lipid). Chúng còn giúp cho các chất béo trong hệ tiêu hóa thấm qua thành ruột.
Cũng tương tự như vậy, muối mật có tác dụng vận chuyển các Vitamine tan trong dầu như các vitamine A, D, E và K. Muối mật không bị mất đi mà được tái hấp thu sau khi sử dụng. Khoảng 80-90% muối mật sẽ theo máu chuyển lại về gan và kích thích gan sản sinh thêm mật. Mỗi ngày cứ 24giờ, gan tiết ra một lượng dung dịch mật khoảng 900 ml, tuy rằng thể tích tối đa của túi mật chỉ ở mức độ là 30-60ml (95% là nước). Ngoài muối khoáng, muối mật, trong dịch mật còn có cholesterol và sắc tố mật.
Bệnh sỏi mật là một bệnh về đường tiêu hoá, do sự xuất hiện của chất béo cholesterol và sắc tố mật.Sỏi nầy được kết tinh trong dung dịch mật, khi nồng độ cholesterol trong mật lên quá cao và nồng độ muối mật thấp. Nguyên nhân chánh là tuổi tác và nhiều thức ăn có hàm lượng cholesterol cao trong thịt, do sinh sản nhiều ở phụ nữ, biến chứng từ bệnh tiêu hoá như bệnh sưng đường ruột, do dùng nhiều một số dược phẩm như clofibrate, estrogen...
Sỏi sắc tố mật chủ yếu là calcium bilirubinate, có màu sậm, thường hình thành đám sỏikhi bilirubine gia tăng quá cao không liên hợp hoặc nhiễm vi trùng hay ký sinh trùngvào đường mật. Nguyên nhân là tuổi tác, ăn uống thiếu chất đạm (protein), ứ đọng dịch mật, xơ gan, thiếu hồng huyết cầu.
Khi bị bệnh sỏi mật nên hạn chế ăn mỡ vì chất này ảnh hưởng đến chức năng gan, mật và dạ dày. Khi ăn nhiều thức ăn có chất béo như mỡ, mật xuống ruột không đều, kích thích túi mật co bóp quá mạnh, một phần mật tham gia cùng cholesterol tạo sỏi.
Bệnh sỏi mật gặp nhiều ở nữ hơn nam và có xu hướng tăng dần theo tuổi. Nguyên nhân gây ra sỏi mật là bệnh viêm túi mật mãn tính, ứ đọng mật và nhiễm trùng túi mật. Hiện tượng táo bón cũng tạo ra cơ hội cho vi trùng đường ruột phát triển, dẫn đến sưng túi mật và ống mật, do đó nó làm cho mật dễ lắng xuống thành sỏi. Bệnh sỏi mật có 2 loại:
-Sỏi sắc tố mật: Loại này ít gặp.
-Sỏi cholesterol: Thường đi đôi với tình trạng cholesterol cao trong máu. Cholesterol dễ gây sỏi nếu nó có các chất béo khác kèm theo, thường gắn liền với tình trạng béo phì.
Theo nghiên cứu của trường Đại học Kentucky tại Hoa Kỳ, cơ thể béo phì là một yếu tố nguy cơ quan trọng gây bệnh sỏi túi mật. Theo dõi trong 15 năm cho thấy, 3.200 trong tổng số 42.000 phụ nữ béo phì phải mổ sỏi mật. Người có vòng eo hơn 91,5 cm nguy cơ mổ lấy sỏi mật cao gấp đôi người có vòng eo dưới 66 cm.
Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của Bệnh viện Việt Đức, gần 42% bệnh nhân sỏi mật có cơ thể béo phì.
Khi bị bệnh sỏi mật thì ăn uống như sau đây nhằm kích thích túi mật co bóp nhẹ nhàng luân chuyển dung dịch trong túi mật:
- Ăn thực phẩm có ít chất béo: Cần hạn chế các thực phẩm cholesterol như phủ tạng động vật, lòng đỏ trứng... Nên ăn nhiều chất đạm có trong thịt nạc giúp tái tạo tế bào gan đã bị tổn thương.
- Ăn thức ăn giàu đường bột giúp dễ tiêu hóa, lại không ảnh hưởng đến mật. Thức ăn bánh kẹo ít bơ sữa. Nên ăn các loại đậu, rau cải,trái cây tươi giúp tiêu hóa tốt tránh táo bón, các loại cá rất tốt cho túi mật trong cơ thể.
BS Trần Văn Diên ngày 30/11/2015