30/7/2015
Bệnh Dịch Tả
Y học thường thức – Bác Sĩ Trần Văn Diên
|
Bệnh dịch tả, tiếng Anh: Cholera, là bệnh nhiễm trùng đường ruột do vi trùng Vibrio cholerae gây ra, độc tố của vi trùng này gây tiêu chảy nặng kèm theo mất nước gây quy tiên trong một số trường hợp. Robert Koch (1843-1910) người nước Đức, đã nhận dạng được vi trùng gây bệnh dịch tả vào năm 1883. Triệu chứng chính của bệnh là tiêu chảy mất nước và ói mửa. Bệnh truyền chủ yếu qua nước uống hoặc ăn thức ăn đã bị nhiễm trùng. Việc điều trị chủ yếu là truyền dung dịch đường đôi vào tĩnh mạch. Thuốc kháng sinh được áp dụng cấp thời cho người bệnh. Trên toàn thế giới, bệnh dịch tả ảnh hưởng đến 3-5 triệu người và gây ra khoảng 130.000 người phải quy tiên trong năm 2010.
Bệnh dịch tả được biết ở Ấn Độ tại vùng châu thổ sông Hằng Hà vào thời cổ đại. Bệnh xuất hiện dữ dội tại Á châu khoảng 600 năm trước Công nguyên, y khoa đã ghi nhận biết rất rõ bệnh này tại Ấn Độ vào năm 1563. Lịch sử bệnh học ghi rằng bệnh dịch tả có một lần khởi động từ năm 1817 tại nước Nga, rồi lan truyền đến khắp châu Âu, sang Bắc Mỹ. Từ xa xưa có 7 trận đại dịch của bệnh này đã xảy ra trong thời gian 200 năm. Trong năm 1832, khoảng 40.000 người dân Paris nước Pháp bị thiệt mạng vì bệnh nầy. Bệnh tấn công nước Anh vào năm 1848-1849 đã làm khoảng 70.000 người quy tiên, Đại dịch năm 1854 đã cướp đi sinh mạng 1/8 dân số tại Luân Đôn. Sang thời cận đại, tại Việt Nam thời Pháp thuộc năm 1937 dịch tả kéo đi về bên kia thế giới khoảng 75.000 người. Chính tôi đã nghe ông bà xưa kể lại âm thanh của “tiếng búa nên đinh trong đêm khuya” lúc bệnh dịch tả hoành hành vào thời đó. Vào năm 1991, bệnh Dịch từ Peru lan truyền sang Ecuador, Colombia, Mexico và Nicaragua kết quả cướp đi hơn 12.000 nhân mạng.
Các biểu hiện chính của bệnh dịch tả là tiêu chảy nhiều, không đau đớn gì hết nhưng bị nôn mửa chất lỏng trong suốt. Các triệu chứng này thường bắt đầu bất ngờ, từ nửa ngày đến 5 ngày sau khi nhiễm vi trùng gây bện này qua đường tiêu hóa. Một người bị bệnh chưa được điều trị có thể thải ra 10-20 lít nước qua hệ thống đường ruột gây mất mạng cấp thời. Bệnh tiêu chảy đã từng được mệnh danh là “chết xanh” do da của bệnh nhân chuyển sang màu xám xanh do việc mất quá nhiều nước.
Nếu bị bệnh tiêu chảy nặng mà không được điều trị bằng phương pháp truyền dung dịch đường vào máu qua tĩnh mạch, có thể đe dọa tính mạng do mất cân bằng của số lượng nước cần thiết cho thân thể. Triệu chứng mất nước đặc trưng như huyết áp thấp, da bàn tay nhăn nheo, mắt trũng, và nhịp tim đập nhanh. Nguyên nhân gây ra bệnh là dùng nước nhiễm vi trùng bệnh. Vi trùng gây bệnh hiện diện trong phân và trong nước thải của người bệnh. Những loại thực phẩm từ nước có nhiễm vi trùng gây nên bệnh, cũng có thể là nguồn gây bệnh do nấu ăn không kỹ hoặc cách ăn trực tiếp hải sản sống.
Bệnh dịch tả chủ yếu truyền qua nguồn thức ăn hoặc nguồn nước bị nhiễm trùng. Ở các nước phát triển, hải sản thường là nguyên nhân chính, còn ở các nước đang phát triển con đường truyền chủ yếu từ nguồn nước. Khi vi trùng vào hệ tiêu hóa, hầu hết chúng không sống sót được trong môi trường acide của dạ dày. Nhưng nếu có một vài con còn sốt sót bảo tồn năng lượng và thức ăn đã tích trữ trong quá trình đi qua dạ dày bằng cách ngừng sản xuất phần lớn protein. Sau đó vi trùng đến ruột non, chúng cần băng qua màng nhày của ruột non để vào thành ruột non rồi phát triển mạnh. Vi trùng Vibrio cholerae bắt đầu sản xuất các protein flagellin hình trụ rỗng để tạo thành “roi”, chúng là các sợi xoắn, chúng xoay mình qua chất nhầy của thành ruột non. Một khi vi trùng dịch tả đến được vào thành của ruột non, chúng bắt đầu sản xuất các protein độc làm tiêu chảy. Chất độc là CTX phức tạp gồm 6 đơn vị protein CAMP, chất này sau đó làm tiết ra H2O, Na+, K+, Cl−, và HCO3− trong ruột non và gây mất nước thật nhanh gây ngủm cù đèo tức khắc nếu cơ thể không bồi hoàn và được chữa kịp thời.
Bệnh dịch tả có thể tránh nếu có ý thức với bản thân và cộng đồng, bằng cách ăn thức ăn nấu chín và uống nước đun sôi đúng mức. Tuyệt đối không ăn rau sống, hải sản tươi sống, tiết canh... trái cây phải ngâm nước muối, gọt sạch vỏ trước khi ăn. Tay chân luôn vệ sinh sạch sẽ, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn uống và sau khi đi vệ sinh. Khi thành dịch thì bệnh dịch tả có tốc độ lây lan và gây tử vong thật khủng khiếp.
Mặc dù bệnh dịch tả có thể đe dọa đến tính mạng, nhưng việc phòng chống bệnh này sẽ đạt hiệu quả nếu thực hiện tốt công tác đảm bảo vệ sinh môi trường. Nhờ hệ thống xử lý nước tân tiến và việc áp dụng tốt các biện pháp vệ sinh môi trường, bệnh dịch tả không còn là mối đe dọa sức khỏe. Đợt bùng nổ bệnh dịch tả lớn gần đây nhất xảy ra ở Hoa Kỳ vào năm 1910–1911. Một số biện pháp hiệu quả về vệ sinh môi trường nếu được thiết lập và thực hiện đúng lúc sẽ ngăn chặn được đại dịch. Một số điểm chính làm gián đoạn con đường lan truyền bệnh có thể thực hiện như:
- Khử trùng: Thải các chất thải đúng cách và xử lý nước thải của người bệnh dịch tả và tất cả những vật dụng bị nhiễm trùng như quần áo, giường chiếu. Tất cả các vật dụng tiếp xúc với bệnh nhân phải được khử trùng bằng nước nóng hoặc nước javen. Bàn tay chạm vào bệnh nhân hoặc quần áo, giường chiếu của họ nên rửa sạch và khử trùng bằng nước chlore.
- Nước thải: Xử lý nước thải bằng các chất diệt khuẩn như chlore, ôzôn, tia tử ngoại.
- Nguồn bệnh: Những cảnh báo về khả năng nhiễm khuẩn nên được dán xung quanh các nguồn nước bị nhiễm cùng các hướng dẫn cụ thể cho việc khử trùng trước khi sử dụng.
- Lọc nước: Tất cả nguồn nước dùng trong uống, giặt giũ, nấu ăn nên được khử trùng như cách đã nêu trên là đun sôi, khử bằng chlore, xử lý nước bằng ozon, tia cực tím hoặc lọc kháng khuẩn ở những nơi có thể có mặt bệnh dịch tả.
Quan sát và báo cáo kịp thời giúp khoanh vùng lây lan dịch bệnh. Bệnh dịch tả phát triển theo mùa ở một số nước có căn bệnh này một cách hữu hiệu chủ yếu vào mùa mưa. Hệ thống giám sát giúp cảnh báo sớm khả năng phát dịch, và có những biện pháp ứng phó kịp thời. Hệ thống giám sát hiệu quả cũng có thể cải thiện việc đánh giá nguy cơ bùng phát dịch tả tiềm năng. Hiểu biết về mùa vụ và vị trí của dịch cung cấp hướng dẫn cho việc cải thiện hoạt động kiểm soát dịch tả cho những vùng dễ bị tổn thương nhất. Để việc phòng chống hiệu quả, điều quan trọng là các trường hợp phát bệnh nên thông báo với cơ quan y tế quốc gia.
Một mũi thuốc chích ngừa bệnh dịch tả có tác dụng từ 2 đến 3 năm. Công việc chuẩn ngừa bệnh này đang được nghiên cứu tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Bệnh dịch tả ảnh hưởng khoảng 3-5 triệu người trên khắp thế giới, gây ra 58.000–130.000 tử vong được ghi nhận trong năm 2010. Vào đầu thập niên 1980, tỉ lệ tử vong hơn 3 triệu mỗi năm trên toàn thế giới. Hiện nay gia bệnh dịch tả vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới.
Mặc dù biết khá rõ về cơ chế của việc lây lan của bệnh dịch tả, nhưng điều này không dẫn đến việc hiểu đầy đủ về việc phát dịch ở một vài nơi nhưng nơi khác lại không. Dịch bệnh dịch tả không được biết đến ở châu Mỹ trong hầu hết hết kỷ 20, nhưng nó lại xuất hiện ở nơi nầy vào cuối thế kỷ 20.
Biện pháp chữa trị hữu hiệu trọng nhất là định bệnh cho chính xác, dùng đúng thuốc kháng sinh để diệt vi trùng Vibrio Cholerae, đồng thời phải truyền ngay dung dịch đường đôi vào máu để cung cấp quân bình số lượng nước cho cơ thể đủ để sinh tồn rồi từ từ bình phục với liều lượng đường trong máu bình thường trở lại. Từ xa xưa không có phương tiện y tế đầy đủ như hiện thời nên bệnh nhân buộc phải xa rời là như vậy. Nhưng hiển nhiên cơ thể tự phục hồi với sự sinh tồn một cách hoàn chỉnh thật tự nhiên. Người đời cũng chữa trị thành công và đơn giản bằng cách cho uống nước đường và nước muối liên tục. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyên nên cho uống một dung dịch đường và muối gồm có các thành phần sau:
- Glucose (đường) 20 g/l
- Bicarbonate natrium 2,5 g/l
- Cloride natrium (muối ăn) 3,5 g/l
- Cloride kalium 1,5 g/l
Những người nổi tiếng sau đây buộc phải chầu trời vì bệnh dịch tả:
- Sadi Carnot, nhà vật lý học, sáng lập ngành nhiệt động học (mất 1832)
- Charles X, Vua nước Pháp (mất 1836)
- James K. Polk, tổng thống thứ mười một của Hoa Kỳ (mất 1849)
- Carl Von Clausewitz, nhà lý thuyết chính trị người Đức (mất 1831)
- Maria Agata Szymanowska, nhà soạn nhạc và nhạc công Ba Lan (mất 1831)
Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến cáo nên tập trung phòng ngừa bệnh dịch tả, chuẩn bị và đối phó với sự lan truyền của mầm bệnh. Chính quyền của quốc gia sở tại đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa bệnh dịch tả, làm giảm mức độ lây nhiễm của bệnh cho người dân trong quốc gia của mình.
BS Trần Văn Diên, Texas USA ngày 25/07/2015
Học sinh Công Thôn 1970-73 NLS Cần Thơ