30/8/2014
NƯỚC BIỂN ĐANG DÂNG CAO TRẦM TRỌNG
Trần Đăng Hồng, Ph D
Hình 1. Bờ biển vùng Florida bị ngập lụt khi có bão tố lúc triều cường
Cơ quan nghiên cứu Không Gian Hoa Kỳ NASA ngày 26/8/2015 vừa qua công bố kết quả nghiên cứu cho biết mực nước biển toàn cầu đã dâng cao thêm 7,7 cm trong thời gian 1992-2015, nhanh hơn thời gian 50 năm trước.
Theo tiên đoán của Ủy Ban Liên Chánh Phủ IPPC năm 2013 thì nước biển toàn cầu sẽ dâng cao 0,30 – 0,90 m vào năm 2100. Các nghiên cứu của nhóm Vật Lý Địa Chất Đại Học Colorado cho biết mực nước biển toàn câu sẽ dâng cao tới cực điểm tiên đoán này.
Tuy nhiên, nước biển dâng cao không đồng đều. Trong thời gian 23 năm qua, có vài nơi nước biển dâng cao quá 25cm, trong lúc có vùng biển như dọc bờ biển phía Tây của Hoa Kỳ nước biển lại hạ thấp. Đó là kết quả phân tích dữ kiện từ vệ tinh trong thời gian 23 năm qua.
Các nhà khoa học cho rằng các dòng nước trong đại dương và các chu kỳ thiên nhiên như El Niño hiện nay đã khuấy động làm nước biển Thái Bình Dương dâng cao, và vùng biển Tây của Hoa Kỳ cũng sẽ dâng cao đáng kể trong 20 năm tới.
Mời xem video giải thích nước biển dâng cao:
https://embed.theguardian.com/embed/video/science/video/2015/aug/28/nasa-sea-levels-rising-human-climate-change-video
Các nhà khoa học cho rằng khoảng 1/3 nước biển dâng cao là do nhiệt độ nước biển nóng hơn làm nước trương nỡ, 1/3 là do băng hà ở cực tan nhất là Greenland và Nam Cực, và 1/3 còn lại là do băng tuyết trên núi cao tan chảy do nhiệt độ không khí gia tăng.
Nước biển dâng cao là một thực tế đe dọa con người. Hiện tại đã có nhiều vùng bị ngập lụt khi có triều cường. Khoảng 150 triệu dân trên thế giới, đặc biệt ở Châu Á sống trong vùng duyên hải có mặt đất cao hơn mực nước biển không tới 1 m.
Hình 2. Khi biển lên cơn phẫn nộ
Tuần báo khoa học Science ngày 10/7/2015 cho biết, dầu loài người có thể kiểm soát nhiệt độ gia tăng trong vòng 2°C, nước biển vẫn có thể dâng cao thêm 6 m. Theo các nhà khoa học tác giả bài này thì vào thời Pliocene cách đây 3 triệu năm, khi lượng khí CO2 trong khí quyển 400 ppm (như hiện nay), toàn cầu có nhiệt độ cao hơn hiện nay 1,7° – 2,8°C (3-5° F), bắc cực ấm hơn 8°C (14,4°F), nước biển đã dâng cao hơn ngày nay tới 6 m.
Hình 3. Mục nước biển hiện nay (2014) và cách đây 125.000, 400.000 vả 3.000.000 năm, khi có nhiệt độ toàn cầu, lượng CO 2 trong không khí so thời tiền cách mạng kỹ nghệ (1760). Vùng xanh đậm là mực nước dâng cao tối thiểu, còn màu nhạt thì khả năng dâng tối đa. Vùng màu đỏ là băng hà tan ở Greenland và Nam Cực.
Các nghiên cứu mới đây cho biết khối băng ở vùng Tây Nam Cực đã bắt đầu tan rã, và khối nước tan này có thể làm nước biển dâng cao 3 đến 4 m. Ngoài ra, băng hà trên Greenland nếu tan do không khí ấm hơn cũng sẽ làm nước biển dâng lên đáng kể.
Nhìn lại quá khứ cách đây 400.000 và 125.000 năm khi nhiệt độ không khí cao hơn nhiệt độ không khí thời tiền cách mạng kỹ nghệ 1970 lần lượt 2°C và 1°C thì nước biển đã dâng cao ít nhất cũng 6 m, còn tối đa là 13 m (Hình 3).
Việc băng hà tan sẽ làm các dòng nước biển thay đổi, và làm biến đổi khí hậu thế giới. Nếu không kiểm soát khí thải nhà kính thì chỉ trong vài thập niên tới nhiệt độ gia tăng sẽ làm băng hà Nam Cực và Greenland tan rã nhanh hơn nữa, thế giới sẽ trải qua thảm họa của việc nước biển dâng cao.
TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Bản tin Reuters (27/8/2015). Global sea levels have risen 8cm since 1992, Nasa research shows. http://www.theguardian.com/environment/2015/aug/27/global-sea-levels-have-climbed-8cm-since-1992-nasa-research-shows
Kahn, B. (10/7/2015). Scientists predict huge sea level rise even if we limit climate change. http://www.theguardian.com/environment/2015/jul/10/scientists-predict-huge-sea-level-rise-even-if-we-limit-climate-change
Dutton, A. et al. (10/7/2015). Sea-level rise due to polar ice-sheet mass loss during past warm periods. Science, Vol. 349 no. 6244. http://www.sciencemag.org/content/349/6244/aaa4019