05/02/2020
TIẾN TRÌNH KIẾN THỨC VỀ CORONAVIRUS 2019-nCoV
Trần-Dăng Hồng, PhD
Thế giới đang lo lắng và theo dõi từng giờ từng phút sự bùng phát dịch viêm phổi coronavirus 2019-nCoV mới xuất hiện. Các nhà khoa học đang chạy đua với thời gian để tìm hiểu về loại virus mới này, tìm phương pháp chận đứng đại dịch. Hiện tại vẫn chưa biết nhiều về virus này, chỉ biết đó là coronavirus cùng một dòng họ virus gây Viêm Phổi Cấp Tính SARS, vừa xảy ra ở thành phố Vũ Hán, Trung quốc trong tháng 12/2019.
Sau đây là tiến trình kiến thức do Tạp Chí Khoa Học NATURE tóm lược trong số Volume 577 Issue 7792, phát hành ngày 30/01/2020, và Phụ bản Tin Tức (Nature News) cập nhật ngày 05/02/2020..
Coronavirus 2019-nCoV
Ngày 05/1/2020.
Thế giới không biết gì cả về thời điểm bệnh Coronavirus 2019-nCoV xuất hiện tại Trung Quốc, đúng hơn là tại thành phố Vũ Hán (Wuhan), có lẻ là tháng 11 hay 12/2019, cho tới ngày 5/1/2020 truyền thông chính thức của thành phố mới cho biết có 59 bệnh nhân mắc bệnh virus lạ, trong số này có 7 bệnh nhân trầm trọng. Các bác sĩ tại đây chẩn đoán không ra bệnh này, xác định không phải là chứng Cúm Hô HấpTrung Đông (Middle East respiratory syndrome - MERS), cũng không phải Cúm Gia Cầm (Avian influenza) hay Viêm Phổi Cấp Tính SARS (Severe Acute Respiratory Syndrome), hay các loại cúm thông thường khác. Triệu chứng bệnh gồm nóng sốt, và khó thở. Đa số các bệnh nhân này là công nhân và người buôn bán tại chợ hải sản và động vật Vũ Hán. Vì vậy, các nhà khoa học tìm cách trích bắt Virus từ các bệnh nhân mắc bệnh này, và chợ này bị đóng cửa từ ngày 01/1/2020.
Vào thời điểm này, sở Y tế Vũ Hán tuyên bố là không có bằng chứng rằng bệnh lạ này chuyền từ-người-qua-người, nghĩa là không dễ dàng truyền mắc bệnh ở người. Vào thời điểm này, nhà siêu vi khuẩn học Linfa Wang, thuộc Duke National University of Singapore cho rằng bệnh là do virus tiềm ẩn trong động vật chuyền sang người (zoonotic virus). Các nhà khoa học chưa định danh được loại virus lạ mới xuất hiện này, có vài nhà khoa học nghi ngờ là virus này có liên quan với coronavirus của SARS, nhưng các nhà khoa học Trung quốc chính thức tuyên bố là do vi khuẩn Chlamydia một loạivi khuẩn phần đông truyền qua bộ sinh dục. Chính vì tuyên bố ngu dốt này cộng với thói bưng bít và chờ lệnh cấp trên đã đưa đến tình trạng viêm dịch phổi tại Vũ Hán và các thành phố lân cận bùng phát nhanh chóng ngoài tầm tay, không thể kiểm soát được như hiện nay.
21/01/2020 Nhân viên y tế mắc bệnh.
15 nhân viên y tế tại Vũ Hán được xác nhận là bị nhiễm bịnh Viêm phổi Coronavirus, đồng thời xác nhận là bệnh truyền nhiễm người-qua-người. Cơ quan Y Tế Quốc Tế WHO (World Health Organization) kêu gọi Trung quốc cùng họp vào ngày 22/1/2020 để xem xét việc tuyên bố khẩn cấp toàn cầu được hay không.
Đồng thời các nhà khoa học phương Tây yêu cầu các nhà khoa học Trung quốc phải tường trình minh bạch những gì Trung quốc biết cùng những khám phá mới về bịnh này, và đòi hỏi các nhà khoa học Trung quốc phải chia sẻ trình tự hệ gen (genome sequences) của virus lạ này.
Cũng cùng ngày 21/1/2020, Hoa Kỳ xác nhận có một trường hợp một người Mỹ 30 tuổi ở Seatle thuộc tiểu bang Washington bị nhiễm coronavirus khi người này từ Trung quốc về, và như vậy Hoa Kỳ là nước thứ 5 tường trình có lây nhiễm coronavirus ở ngoài phạm vi Á Châu. Bệnh nhân này hiện nay khỏe mạnh.
Hoa Kỳ lập tức cảnh báo mức nguy hiểm, và các phi trường quốc tế New York City, Los Angeles và San Francisco bắt đầu kiểm soát và đo thân nhiệt hành khách ngay từ ngày 17/01. Phi trường quốc tế Atlanta, Chicago, Illinois cũng bắt đầu chế độ kiểm soát này.
22/01/2020. WHO đình hoản quyết định tuyên bố tình trạng khẩn cấp thế giới. Vì sự thiếu minh bạch hợp tác phía Trung quốc, nên WHO chưa tuyên bố, và đợi buổi họp chung diễn vào ngày hôm sau, 23/01 (Nhưng vào ngày 23/01 WHO vẫn chưa tuyên bố được, vì tình trạng lây truyền bệnh cũng chưa được rõ ràng).
Cũng trong ngày 22/01, các nhà khoa học phương Tây bắt đầu tìm cách trích bắt coronavirus này để nghiên cứu về cách truyền bệnh, và nghiên cứu trình tự hệ gen của chúng. Nếu thành công thì dễ dàng tìm cách chữatrị bằng thuốc men và tạo vaccine chủng ngừa.
23/01/2020. Cô lập thành phố Vũ Hán
Nhà cầm quyên Trung quốc cấm mọi phương tiện giao thông đi ra và đi vào Vũ Hán, nơi có 11 triệu dân cư.
Cũng trong ngày 23/01 này, thành phố Huanggang, cách Vũ Hán 70 km với 7 triệu dân, cũng bị cô lập.
Một thành phố thứ ba, Ezhou cũng có biện pháp tương tự.
Các nhà khoa học cố gắng định danh con vật nào là nguồn gây bệnh đầu tiên cho người. Các nhà khoa học Tàu cho đó là con rắn (snake). Tuy nhiên các nhà khoa học khác không tin điều này vì từ trước tới nay chưa có chứng cứ về sự lây truyền bệnh từ rắn đến người, mà chỉ có lây truyền bệnh từ động vật có vú và chim. Chẳng hạn nhà siêu vi khuẩn David Robertson của Đại học Glasgow, UK, nói rằng không có bằng chứng gì loài rắn truyền lây virus cho người.
Cũng trong ngày 23/01, WHO quyết định chưa tuyên bố tình trạng nguy cơ khẩn cấp toàn cầu bởi vì “Ở thời điểm này chưa có chứng cứ người lây nhiễm người bên ngoài Trung quốc”, nhưng “điều đó không có nghĩa là không thể sẽ xảy ra”. Đó là lời tuyên bố của Tổng Thư Ký cơ quan WHO ngày 23/01.
24/01/2020 Thêm một người Mỹ nhiễm bệnh.
Một phụ nữ lứa tuổi 60 từ Vũ Hán về lại Chicago vào ngày 13/01. Vài ngày sau bà có triệu chứng nóng sốt. Bác sĩ bèn cho bà cách ly tức khắc và cho thử nghiệm máu cho biết bà bị coronavirus. Hiện giờ bà đã khỏe mạnh, nhưng vẫn còn nằm cách ly ở nhà thương. Bác sĩ cảnh giác là sẽ có nhiều bịnh nhân nữa trong vài tuần tới.
27/01/2020. Số tử vong bệnh gia tăng. Vào ngày 27/01, ít nhất có 80 tử vong được tường trình, tất cả đều ở Trung quốc, và khoảng 2.700 ca tường trình bị bệnh, hầu hết cũng ở Trung quốc. Tường trình cũng có nhiều ca bệnh coronavirus ở Taiwan, Thailand, Australia, Malaysia, Singapore, France, Japan, South Korea, USA, Vietnam. Canada và Nepal.
Từ thành phố Vũ Hán, các nhà khoa học Tàu trước đây bị cấm tuyên bố cá nhân về tình trạng bệnh ở Vũ Hán nay cố gắng bí mật chuyển tin tức về đại dịch của thành phố này ra thế giới bên ngoài. Tóm lược Vũ Hán trở nên thành phố chết, ngoài đường vắng tanh, mọi người tự cô lập trong nhà kín mít, đa số các nhà khoa học cũng ở trong nhà, nại cớ để không đến tham dự các buổi họp hay hội thảo. Nhiều cư dân khác cũng thành công gởi ra thế giới bên ngoài những video mô tả cảnh chết chóc ở mọi nơi trong thành phố này.
Trong lúc đó, tường trình ca nhiễm bệnh gia tăng với tốc độ càng ngày càng lớn, các nhà khoa học phương Tây đã ước tính sự lây truyền bệnh dễ dàng giữa người qua người, và xem khả năng người chưa có triệu chứng bệnh (thời gian ủ bệnh) có truyền bệnh cho người khác hay không. Một số nhà dịch tễ học còn muốn biết là có bao nhiêu người bị lây bệnh từ một bệnh nhân trong một thời gian nào đó để tìm phương pháp ngăn ngừa truyền nhiễm. Họ đưa ra những cách tính để diễn giải tính trầm trọng của bệnh, vì cách tính khoa học chuyên môn, khó hiểu, nên không đề cập ở đây.
28/01/2020. Ca nhiễm bệnh gia tăng 60%.
Số bệnh nhân ở Trung quốc gia tăng, nhảy vọt từ 2.755 vào ngày 26/01 lên 4.515 vào ngày 28/01, và hơn 100 tử vong, theo tường trình của Trung quốc. Ngoài Trung quốc, tường trình có 37 ca bệnh, nhưng chưa có tử vong.
Cũng trong ngày 28/01, tường trình đầu tiên việc lây nhiễm người-qua-người đã xảy ra ở bên ngoài lãnh địa Trung quốc. Tại Đức, một người bị nhiễm bệnh từ một người bạn vừa từ Vũ Hán về. WHO cũng thừa nhận một người Việt Nam bị lây bệnh từ một thành viên trong gia đình vừa từ Vũ Hán về. Tường trình ở Nhật cho biết một tài xế xe tour du lịch bị nhiễm bệnh do chuyên chở du khách đến từ Vũ Hán.
Ở thời điểm này, các nhà khoa học nghĩ rằng bệnh truyền người này qua người khác là do cơ thể tiếp xúc trực tiếp (như bắt tay), hay gián tiếp (như xử dụng chung vật dụng, mở đóng cửa), hay do nước miếng văng phải (lúc ho), như vậy biện pháp vệ sinh, cách ly, tránh lây nhiễm tương đối dễ dàng và có hiệu quả. Tuy nhiên, nếu lây nhiễm qua không khí thì sao? Nếu bệnh có khả năng lây nhiễm qua đường không khí thì việc cách ly sẽ càng khó khăn vô vàng,
29/01/2020. Các nhà khoa học Úc thành công trích bắt và cấy corona virus trong ống nghiệm.
Các nhà khoa học Úc ở Viện nghiên cứu Peter Doherty Institute for Infection and Immunity ở Melbourne tuyên bố đã trích ly được virus từ bệnh nhân nhiễm bệnh coronavirus. Virus này được chia sẻ với các nhà khoa học khác trên thế giới để giúp nhanh chóng chế tạo thuốc men chữatrị và tạo thuốc vaccine chủng ngừa.
Trước đây, các nhà khoa học Trung quốc tuyên bố là đã thành công trích ly coronavirus và cấy trong ống nghiệm, nhưng họ không chia sẻ mẫu virus này với các nhà khoa học phương Tây.
30/01/2020. Cơ quan WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp thế giới.
Cơ quan WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp thế giới về sự bùng phát mảnh liệt chứng Viêm Phổi Coronavirus. Tới nay, theo WHO, có tổng cộng 7.818 ca nhiễm bệnh ở 18 quốc gia, trong số này 99%, tức 7.736 ca xảy ra ở Trung quốc.
Cũng ngày 30/01, Hoa Kỳ xác nhận lây truyền bệnh người qua người đã xảy ra ở Hoa Kỳ. Người đàn bà bị bệnh ở Illinois sau khi từ Vũ Hán về đã lây bệnh cho chồng.
31/01/2020. Phải tính sao đây?
Sự việc truyền lây bệnh quá nhanh, như vào ngày 30/01 số ca nhiễm nhảy vọt lên 9.692. Dựa vào các số liệu nhảy vọt ca bệnh, một mô hình toán học ước tính sẽ có 39.000 ca bệnh trong số 30 triệu dân Vũ Hán và vùng kế cận sẽ xảy ra trong vài tuần tới. Ở thời điểm này tình hình bệnh tật hình như vượt ngoài tầm tay kiểm soát của chính quyền, bệnh truyền lây quá nhanh, lan rộng quá lớn, và trở thành đại dịch.
03/02/2020.
Các nhà siêu vi khuẩn học Trung quốc là người đầu tiên trích ly được coronavirus và cho biết là virus này giết tế bào con người cấy trong ống nghiệm, và chúng vào tế bào qua thụ thể phân tử (molecular receptor) tương tự như coronavirus gây bệnh SARS.
Hiện tại, các nhà khoa học thế giới đã có trong tay trình tự hệ gen của corovirus, nhưng nếu có mẩu virus trích ly sống thì sẽ dễ dàng hơn trong việc nghiên cứu, sẽ thử nghiệm trên con thú để biết cách chúng lây bệnh như thế nào. Các phòng thí nghiệm ở Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Hongkong đã trích ly được coronavirus từ bệnh nhân và chia sẻ mẩu này với các khoa học gia khắp thế giới, và hy vọng sớm tìm được thuốc chữa trị và thuốc chủng ngừa vaccine.
04/02/2020. Cập nhật hiện trạng Coronavirus
Vào ngày 03/02, số ca bệnh đã đạt 20.438 tại Trung quốc và số tử vong lên 420 tại Trung quốc lục địa và 1 tại Hongkong.
Vì thế giới đang quan tâm theo dõi dịch Viêm Phổi này, trong 20 ngày qua đã có trên 54 bài nghiên cứu khoa học viết bằng Anh ngữ liên quan tới coronavirus ở Vũ Hán đăng tải trên các báo khoa học quốc tế như Nature, The Lancet và Journal of Medical Virology, chưa kể nhiều bài viết bằng chữ Tàu phát hành tại Trung quốc. Virus, mang danh 2019-nCoV, đã gây nhiễm vượt quá 20 ngàn ca và trên 420 tử vong, lan tràn qua hơn 15 quốc gia.
Vài bài nghiên cứu ước tính vận tốc lan nhiễm, thời gian ủ bịnh, kể từ lúc bị lây nhiễm cho tới lúc bệnh nhân thấy có triệu chứng
Các nghiên cứu khác tập trung vào cấu trúc của virus, thành phần di truyền mục đích nghiên cứu thuốc chữa trị và phát triển thuốc chủng ngừa vaccine. Các nhà khoa học khác thì nghiên cứu trình tự hệ gen.
TÀI LIỆU:
Nature, Volume 577 Issue 7792, published on 30/01/2020.
Nature News cập nhật ngày 05/02/2020
https://www.nature.com/articles/d41586-020-00154-w