22/5/2016
Bài 2: Tổ Chức Nghiên Cứu và Đào Tạo
Chuyên Viên Nông Nghiệp
Đến giữa thế kỷ XIX, nông dân Việt Nam vẫn còn chăn nuôi, canh tác theo phương pháp cổ truyền dựa vào kinh nghiệm dân gian, có tính cách quãng canh, sử dụng nhiều lao động, với năng suất thấp kém. Trong nước, chưa có một cơ quan khảo cứu và đào tạo chuyên viên hoặc huấn luyện nông dân trong ngành nông, lâm, ngư, mục; trong khi đó, kiến thức khoa học và kỹ thuật Tây phương phát triển mạnh liên tục từ thế kỷ XVIII được thế giới áp dụng vào mọi lãnh vực, gồm cả nông nghiệp.
Sau khi chiếm 3 tỉnh Miền Đông Nam Kỳ (1862), người Pháp chú ý ngay ngành nông nghiệp. Họ ra nghị định thành lập Vườn Bách Thảo năm 1864. Năm sau thành lập Hội Nông Nghiệp và Kỹ Nghệ Nam Kỳ. Hai năm sau (1866), Hội đổi thành Hội Nghiên Cứu Đông Dương tại Sài Gòn (Société des Études Indochinoises de Saigon), chỉ nhằm cung cấp kiến thức nông nghiệp cho những người khai thác trồng trọt. Tiếp theo, một số cơ sở lần lượt ra đời tại Sài Gòn: Nha Canh Nông và Thương Mại Đông Dương (Direction de l’Agriculture et du Commerce de l’Indocnhine) (1898), Nha Canh Nông Nam Kỳ (Direction de l’Agriculture de la Cochinchine) (1899), Phòng Thí Nghiệm Phân Tích Hóa Học Nông Nghiệp và Kỹ Nghệ (Laboratoire d’analyses chimiques, agricoles et industrielles) (1898), Sở Khí Tượng (Service météorogique)… Các cơ quan này có nhiệm vụ nghiên cứu, giải quyết những vấn đề kỹ thuật cho công tác khai thác ĐBSCL (1).
Ngoài lúa gạo, người Pháp đặc biệt quan tâm đến các loại cây công nghệ như cao su, cà phê, trà, cây có dầu và các đồng cỏ để chăn nuôi (Dumont,1995). Vài thí nghiệm về phương pháp canh tác và tuyển chọn giống lúa được thực hiện trong giai đoạn nầy (Angladette, 1966). Chẳng hạn, người Pháp du nhập giống lúa Miến Điện để trồng thử vào năm 1888 tại tỉnh Mỹ Tho. Kết quả cho thấy giống lúa Miến Điện cho năng suất cao trên vùng đất cao, nhưng không thích hợp với các vùng đất thấp. Vào năm 1893, họ trồng thử một lần nữa, nhưng thất bại vì lúa giống đem về quá muộn và không được tuyển chọn kỹ lưỡng. Các chuyên gia Pháp nhận thấy du nhập lúa giống không đem đến kết quả tốt cho ĐBSCL, nên họ chuyển hướng chú trọng nhiều hơn vào tuyển lựa giống trong nước. Cuộc lai tạo giống đầu tiên trong ngành lúa gạo được thực hiện vào năm 1917 tại Trung tâm thí nghiệm lúa Cần Thơ, giữa 2 giống lúa Tàu Hương và Carolina du nhập từ Java, Indonesia (Carle, 1927).
1. Viện Khảo Cứu Nông Học
Tại Miền Bắc, ba Trại Thí Nghiệm của Sở Canh Nông Hà Nội được thành lập vào 1904 ở Phú Thy (tỉnh Hưng Yên) cho vùng Châu Thổ và tại Thanh Ba và La Phổ (tỉnh Phú Thọ) cho vùng Trung du để nhằm phục vụ xuất khẩu các cây kỹ nghệ (Dumont, 1995). Ở miền Nam có Trại thí nghiệm cây ăn trái ở Bàu Cá, cây thuốc lá ở Hớn Quản và cây cao su ở Xã Trạch (Capus, 1918). Tuy nhiên, công tác nghiên cứu còn rải rác thiếu sự điều hợp. Cho nên, Viện Khoa Học Đông Dương được thành lập tại Sài Gòn và sau đó trở thành Viện Khảo Cứu Nông Học vào năm 1919, trong đó có Phòng Thí Nghiệm Di Truyền và Tuyển Chọn Lúa. Vào 1924, Viện trở thành Viện Khảo Cứu Nông Học và Lâm Nghiệp Đông Dương (Dumont, 1995) đặt trực thuộc Tổng Thanh Tra Nông Lâm Súc, gồm có phòng thí nghiệm hóa học, côn trùng học, vi khuẩn học, di truyền học, thực vật bệnh học, kỹ thuật lâm học… Viện này được tiếp tục hoạt động cho đến khi thực dân chấm dứt. Sau đó, Viện đổi tên Viên Khảo Cứu Nông Nghiệp cho đến năm 1975 (Hình 1). Sau 1975, Viện được đổi tên 3 lần (3):
1977: Bộ Nông Nghiệp đổi tên Viện Khoa học Nông nghiệp phía Nam thành Viện Kỹ thuật Nông Nghiệp miền Đông Nam bộ.
1981: Hợp nhất cơ sở II của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam và Viện Kỹ thuật Nông Nghiệp miền Đông Nam bộ thành Viện Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam.
1998 cho đến nay: Viện có tên Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam (IAS: Institute of Agricultural Sciences for Southern Viet Nam) (Hình 1).
Hình 1: (1) Viện Khảo Cứu Nông Nghiệp (2) Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam (3)
2. Các trường Nông, Lâm và Súc
Nền giáo dục nông lâm chỉ bắt đầu trong thời Pháp thuộc. Bên cạnh các phòng, viện và cục nghiên cứu và sản xuất, người Pháp đã thiết lập các trường nông lâm để đào tạo chuyên viên phục vụ nhà nước cai trị và các ngành khảo cứu để tăng gia sản xuất trong nước (1):
- Trường Thú Y Đông Dương: Năm 1904, Pháp mở ngành đào tạo thú y tại Việt Nam để phòng chống dịch bệnh gia súc và kiểm tra thú sản. Đến năm 1910, Ban Thú y của Trường Y Khoa Hà Nội và bệnh xá Thú y được cải biến thành Trường Thú Y Bắc Kỳ. Năm 1917 cải tổ thành Trường Thú Y Đông Dương.
- Trường Cao Đẳng Nông Lâm Hà Nội thành lập năm 1918, với thời gian học 2 năm rưỡi và một khóa thực hành 9 tháng tại các sở nông lâm hay các đồn điền tư nhân.
- Trường Canh Nông Thực Hành Tuyên Quang thành lập năm 1918 nhằm đào tạo các nhà trồng trọt bản xứ hoặc phụ giúp các chuyên viên châu Âu.
- Trường Nông Lâm Thực Hành Bến Cát thành lập từ 1917 có mục tiêu như trường Tuyên Quang, nhưng ít người theo học vì khó tìm việc làm. Năm 1926 trường đổi thành Trại Nông Nghiệp dành đào tạo những giám thị canh tác cho đồn điền.
Sau Hiệp định Genève năm 1954, Học viện Nông Lâm được thành lập ở Miền Bắc và Trường Quốc Gia Nông Lâm Mục Blao (Bảo Lộc) được thành lập tại Miền Nam do Nghi định 112 BCN/NĐ ngày 19-11-1955 (Hình 2). Trường Blao đào tạo ba ngành nông, lâm, súc ở hai cấp bậc: cấp Cao đẳng Nông Lâm Mục đào tạo Kỷ sư dành cho sinh viên đã học hết chương trình trung học trong 3 năm cho 4 khóa đầu tiên, và 4 năm kể từ khóa 5 về sau. Cấp Trung đẳng Nông Lâm Mục đào tạo Kiểm sự dành cho học sinh đậu bằng Trung học đệ nhứt cấp (hết lớp 9), Trung học phổ thông hoặc tương đương, với thời gian học 3 năm. Cấp Huấn sự với thời gian học một năm. Ngoài ra, còn có thêm các khóa học chuyên ngành theo mùa tùy nhu cầu, như đào tạo các kỹ thuật viên cải cách điền địa, hợp tác xã, trồng hoa, chăn nuôi… Trường trực thuộc Nha Học Vụ Kỹ Thuật và Thực Hành Canh Nông, Bộ Canh Nông. Khóa đầu tiên Trung cấp khai giảng ngày 12-12-1955 và khóa 1 Cao Đẳng ngày 19-11-1959 (4).
Hình 2: Trường Quốc Gia Nông Lâm Mục
3. Lịch sử và tiến trình phát triển Trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc Sài Gòn
Do Nghi Định 1184/GD/TC ngày 24-8-1963, cấp Cao Đẳng của Trường Quốc Gia Nông Lâm Mục Blao được đổi tên Trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc Sài Gòn (CĐNLS), cấp Trung Đẳng trở thành Trường Trung Học Nông Lâm Súc Bảo Lộc. Trường CĐNLS hoạt động được một năm ở Bảo Lộc phải di đời về Sài Gòn từ năm 1961 vì gặp nhiều khó khăn do chiến tranh gây ra. Khóa 5 của Trường (NLS-5) bắt đầu khai giảng năm thứ nhứt tại Sài Gòn. Lúc đó, Trường chưa có cơ sở chính thức, phải tạm dùng Nha Học Vụ Kỹ Thuật và Thực Hành Canh Nông mà Bác Sĩ Đặng Quan Điện (mất 2008) làm Giám Đốc Nha kiêm nhiệm Giám Đốc Trường Cao Đẳng Sài Gòn làm trụ sở chính của Trường.
Do đó, từ Khóa 1 đến Khóa 5 sinh viên phải đi học nhiều nơi (Trường Đại học Khoa Học, Viện Khảo Cứu, Viện Di Truyền, Thảo Cầm Viên…), riêng Khóa 5 theo học đa số thời gian tại Lớp SPCN (Sciences, physiques, chemiques et naturelles) thuộc Đại học Khoa học, gần trường Trung học Trương Vĩnh Ký trên đường Cộng Hòa (nay đường Nguyễn Văn Cừ). Còn các môn học đại cương dành cho 3 ngành Nông-Lâm-Súc học chung và môn học Anh ngữ được tổ chức tại cơ sở tạm thời. Năm thứ 2, lớp học được dời đến trường mới. Đó là thành Cộng Hòa cũ với 3 tầng lầu trên Đại lộ Cường Để (bây giờ là Đinh Tiên Hoàng).
Cơ sở Trường CĐNLS có hai nhánh, chính giữa là Đại lộ Cường Để: nhánh trái nhìn từ Đại lộ Thống Nhứt (bây giờ là ĐL Lê Duẩn) dành cho khu hành chánh, thư viện và phòng thí nghiệm, xa bên trong là khu cư xá sinh viên, bên trái là Quán cơm trưa xã hội và Hợp tác xã sinh viên, bên phải là cư xá của vài nhân viên trường (như Ông Nguyễn Phối Lưu); nhánh phải là những lớp học và sinh hoạt sinh viên, kế bên Đài Truyền hình VN (Hình 3). Đối diện với trường CĐNLS là trường Đại học Nha Dược (đối diện khu Hành chánh NLS) và trường Đại học Văn Khoa (đối diện với nhánh lớp học). Hiện nay, khu trường CĐNLS không còn nữa do bị phá hủy và thay thế bằng tòa building cao 8 tầng: Trường Quản lý Cán bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 2 thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, và nhánh bên kia là Đài Truyền hình Thành phố.
Hình 3: Cơ sở Trường Nông Lâm Súc Sài Gòn
Trong hơn nửa thế kỷ qua, Trường đã thay đổi tên 7 lần và trải qua những giai đoạn trưởng thành lớn mạnh như sau (4):
- Nghị Định 112-BCN/NĐ ngày 19-11-1955, Trường Quốc Gia Nông Lâm Mục Blao được thành lập.
- Nghi Định 1184/GD/TC ngày 24-8-1963, cấp Cao Đẳng được đổi tên: Trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc Sài Gòn; cấp Trung Đẳng được cải biến thành Trường Trung Học Nông Lâm Súc Bảo Lộc.
- Sắc Lệnh 158/SL/VHGD/TN ngày 9-11-1968, trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc đổi tên Trung Tâm Quốc Gia Nông Nghiệp thuộc Bộ Văn Hóa, Giáo Dục và Thanh Niên, gồm trường Cao Đẳng Nông Nghiệp, Cao Đẳng Thú Y và Chăn Nuôi và Cao Đẳng Thủy Lâm. Mỗi trường do một Giám Đốc điều khiển.
- Sắc Lệnh 174/SL/GD ngày 29-11-1972, Trung Tâm Quốc Gia Nông Nghiệp đổi tên Học Viện Quốc Gia Nông Nghiệp với 3 ngành nêu trên. Trường gồm trường Cao Đẳng Nông Nghiệp, Cao Đẳng Thú Y và Chăn Nuôi và Cao Đẳng Thủy Lâm và cơ sở khảo cứu; Viện có Viện Trưởng, một Phó Viện Trưởng và một Tổng thư ký. Bên cạnh Viện trưởng có Hội đồng tư vấn và Hội đồng viện.
- Sắc lệnh 010/SL/VH/GDTN ngày 11-1-1974, Học Viện Quốc Gia Nông Nghiệp, Học Viện Quốc Gia Kỹ Thuật và Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật được sáp nhập vào Viện Đại Học Bách Khoa Thủ Đức. Học Viện Quốc Gia Nông Nghiệp đổi tên trường Đại Học Nông Nghiệp, gồm 5 ngành chuyên môn: Nông Khoa, Lâm Khoa, Súc Khoa, Ngư Nghiệp và Kỹ Thuật Nông Nghiệp.
- Từ 8-12-1976, Đại Học Nông Nghiệp đổi tên Đại Học Nông Nghiệp IV.
- Năm 1985, Trường Cao Đẳng Lâm nghiệp Trảng Bom sáp nhập vào Đại Học Nông Nghiệp IV và đổi tên Đại Học Nông Lâm Thành Phố HCM trực thuộc Bộ Giáo Dục và Đào Tạo. Năm 1995, Đại Học Nông Lâm Thành Phố HCM sáp nhập vào Đại Học Quốc Gia Thành Phố. Từ 2000 đến nay, Đại Học Nông Lâm Thành Phố HCM tách khỏi Đại Học Quốc Gia Thành Phố HCM và trực thuộc Bộ Giáo Dục và Đào Tạo.
Trong thời Đổi Mới và kinh tế thị trường, Trường Đại Học Nông Lâm Thành Phố có quá nhiều tham vọng; cho nên Trường mở thêm một số ngành nghề không liên quan trực tiếp đến nông nghiệp. Hiện nay, Trường có cơ sở khang trang tại Quận Thủ Đức. Năm 2008, Trường có đến 12 Khóa - 6 Bộ Môn, 14 Trung tâm, 1 Viện, và 2 Phân Viện Đại Học Nông Lâm tại Gia Lai và Ninh Thuận; với 650 cán bộ giảng dạy, 22.740 sinh viên, trong đó có độ 6.000 sinh viên nông nghiệp. Thời gian học: 5 năm cho Thú y, 4 năm cho các ngành nông nghiệp khác, 3 năm cho ngành Cao Đẳng Tin Học và Cao Đẳng Kế Toán, sau Đại Học 2-3 năm cho bằng Thạc Sĩ (8). Có lúc Trường muốn xin trở thành một Đại Học Bách Khoa!
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Trần Văn Đạt. 2010. Lịch sử trồng lúa Việt Nam. NXB 5 stars Printing Company, 489 trang.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 2015. 70 năm nông nghiệp Việt Nam. NXB Lao động, 607 trang.
3. Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam. 2015. Chặng đường lịch sử (1925-2015). NXB/Nông nghiệp, 52 trang.
4. Đại học Nông Lâm TP/HCM. 2005. Kỷ niệm 50 năm thành lập trường (19/11/1955-19/11/2005). Nhà in Báo Nhân Dân-TP/HCM, trang 21-24.
5. Dương Quãng Hàm. 1941. Việc canh tân, Nguyễn Trường Tộ và chương trình cải cách của ông. Việt Nam Văn Học Yếu Sử. Institute de l’Asie Sud-Est, XIV: 346-354.
6. Dumont, R. 1995. La culture du riz dans le delta du Tongkin. Printimg House in Bangkok, Thailand. pp 592.
7. Carle, E. 1927. 1927. Amélioration des riz de Cochinchine. Agence Économique de l’Indochine, Paris, France, 11 pp.
8. Đại học Nông Lâm TP/HCM.
(http://hcmuaf.edu.vn/contents.php?ids=49&ur=admin&lng=vn).