9/8/2015
Khuyên đừng… uống rượu
Y học thường thức – Bác sĩ Trần Văn Diên
Rượu có công thức hóa học là R-OH. Khi R = CH3-CH2- thì phân tử rượu này là: CH3-CH2-O…H, tiếng Anh (ethanol), tiếng Pháp (êtanol), rượu đến bao tử thấm vào máu thì nguyên tử H (hydrogen) liền phân cực phát nhiệt, nên khi vừa nốc cốc rượu đế xong thì có ngay cảm giác đả đả ấm rần rần chạy khắp châu thân thấy… sướng…phê!
R-O…H, là acid hữu cơ đấy các bạn ạ!
Rượu vào bao tử ngăn cản tế bào nơi đây hấp thu sinh tố B6, sinh tố B6 giúp sự chuyển vận của tế bào thần kinh tủy sống chuyển vận tín hiệu đến não, liên đới với tâm thần, cơ quan nội tạng, bắp cơ chuyển động, người ghiền rượu có tướng đi khập khểnh gót chân nện mạnh xuống đất. Một phân tử rượu vào máu phải nhờ gan giải độc làm mệt gan, cơ hội này siêu vi khuẩn nẩy nở làm viêm gan A, B, C, ung thư gan, xơ gan. Rượu làm tâm lý bất thường, gây ra nhiều bệnh như nhồi máu cơ tim, quên trước quên sau. Rượu vào máu làm não khó kiểm soát liên đới chuyển động bắp cơ nên dễ gây ra tai nạn khi lái xe. Nên bỏ rượu ngay!
Ghiền rượu có thể bắt đầu ngay khi uống đều đặn một lượng nhỏ, lúc đó chưa ở trạng thái say sưa, ghiền rượu diễn tiến chậm chạp. Người ghiền rượu thường không có ý thức tính độc hại do rượu gây ra. Rượu tàn phá cơ thể từ thể xác lẫn tinh thần nên việc điều trị duy nhất là từ bỏ triệt để các thức uống gốc R-O…H là bia hay rượu thuộc loại acide hữu cơ nhẹ, nhớ kỹ… hãy bỏ rượu!
Ghiền rượu bắt nguồn từ tâm lý xã hội. Câu nói “nam vô tửu như kỳ vô phong” hoàn toàn sai lầm, ghiền rượu không phải là di truyền, vì bắt chước theo thói quen của xã hội. Hôm nay vui quá bạn và tôi uống đến “gục cần” là xuất xứ bài dân ca “Auld Lang Syne” của nước Scotland: “Should auld acquaintance be…”
Rượu trong nhiều nền văn hóa là chất ghiền được xã hội công nhận. Với nhiều dân tộc như nước Việt Nam thì rượu đã hoàn toàn đi vào đời sống thường ngày. Quan niệm rằng đàn ông có tửu lượng cao thường được xem là có tính khí đàn ông, đáng khâm phục. Việc này gây khó khăn cho việc thảo luận vấn đề rượu và khuyến khích cho việc lạm dụng rượu trở thành ghiền có hại cho sức khỏe cả tinh thần lẫn thể xác… giảm thọ… đấy!
Cho nên phổ biến về hậu quả của chứng ghiền rượu có khi được xem nhẹ và cho là không cần thiết “Hãy nâng ly cho đã thèm có gì đâu mà lý sự hoài nghe mà phát mệt”.
Theo thống kê ở nước Đức có 4,3 triệu người ghiền rượu, trong đó 30% là phụ nữ, với con số là khoảng 5 triệu người uống rượu ở mức độ nguy hiểm là ghiền. Con số ghi nhận trong năm 2000 có 16.000 người lìa đời vì uống rượu, trong số đó có 9.550 trường hợp chầu trời vì xơ gan.
Năm 2004 thanh tra về các chất gây ghiền của chính phủ liên bang Đức đã báo cáo có 40.000 người vĩnh viễn ra đi tại Đức mà hậu quả là do uống quá nhiều rượu, trong số đó 17.000 người bị xơ gan. Hằng năm có vào khoảng 2.200 trẻ sinh ra có khuyết tật vì người mẹ lạm dụng rượu. Ước đoán có khoảng 250.000 thanh thiếu niên và tuổi trưởng thành sẽ ghiền rượu. Ghiền rượu thuộc mọi tầng lớp của xã hội, nhất là giới trẻ thiếu tình thương vì cha mẹ bận lo sinh kế hằng ngày nên xao lãng việc chăm sóc con cái.
Vị bác sĩ người Mỹ là Dr. E. M. Jellinek, chuyên nghiên cứu về bệnh nhân ghiền rượu, đã đưa ra vào năm 1951 một mô hình về diễn tiến của chứng ghiền rượu mà vẫn còn phổ biến cho đến bây giờ. Bác sĩ này phân biệt chứng ghiền rượu ra làm 4 giai đoạn:
I. Giai đoạn đầu: Bắt đầu uống rượu do động cơ xã hội rồi trở thành quen luôn vì rượu tạo “cảm giác nhẹ nhõm lâng lâng” khi buồn bực lo âu hằng ngày, bởi vì bản thân không biết cách để đối phó với những căng thẳng nội tâm. Lúc đầu người uống rượu lại nghĩ rằng cảm giác nhẹ nhõm xuất phát tự nhiên chứ không phải do ảo giác của rượu, vô tình rượu có “cơ hội” tác động vào người. Thời gian dần dà qua ngày tháng, cảm thấy thoải mái sau khi làm việc, có rượu làm giảm âu lo phiền muộn lại vô tình đã kề bên rượu. Tửu lượng lại tăng theo thời gian, trạng thái chuyển từ uống thỉnh thoảng sang “uống liên tục để được cảm giác nhẹ nhõm” và càng ngày tửu lượng càng tăng dần mà đương sự không hề để ý.
II- Giai đoạn trước khi ghiền: Trong giai đoạn này bia, rượu nhẹ hay rượu mạnh không còn là thức uống nữa mà trở thành “thuốc” hết sức cần thiết, dần dần nhận thức được là mình uống rượu khác với mọi người, lúc nào cũng nghĩ đến rượu, ngày càng nhiều hơn nên cách uống “thèm khát” bắt đầu xuất hiện, dốc hết cả ly hay nhiều ly cùng một lúc. Có lúc cảm thấy có điều gì đó không đúng vì lối uống rượu của mình nhưng cứ đam mê uống. Lượng rượu ở thời điểm này đã là rất nhiều nhưng chưa được chú ý đến vì chưa dẫn đến say sưa quá độ. Giai đoạn này thì khả năng làm việc và sức đề kháng cơ thể giảm dần, thường bị bệnh cảm lạnh vì có sự xuất hiện rối loạn lưu thông máu huyết trong cơ thể.
III- Giai đoạn nguy kịch: Ghiền rượu tới giai đoạn nguy kịch, mất khả năng tự chủ, sau khi uống một lượng rượu nhỏ là đòi hỏi mãnh liệt muốn uống nữa và chỉ chấm dứt khi người ghiền rượu “gục cần” thì mới ngưng, khi say thấy hành động sai hứa sẽ bỏ rượu ngay nhưng thất bại liên tục vì không thể lìa rượu mỗi ngày.
Rồi say sỉn liên tục, tâm lý bất thường, gây xung đột với mọi người, phát ngôn bừa bãi nhưng không hề nhận lỗi, mỗi lúc càng nhiều hơn. Lúc tỉnh rượu biết ngay hành động sai quấy, nhưng khi có rượu thì lại trở về thói cũ. Thường không nhận thấy lỗi lầm ở chính mình, hay bắt bẻ người khác một cách vô cớ với thái độ rất hung hãn. Người ghiền rượu không hề quan tâm đến mọi người chung quanh nữa và cứ mãi uống rượu. Hậu quả là sức khỏe suy sụp, ốm yếu, nội tạng rã bành tô, run tay, đi khập khểnh, đổ mồ hôi… và rối loạn sinh lý vì quên việc ăn uống bổ dưỡng mới thật cần thiết cho thân thể. Ghiền nên thích uống và uống rượu từ sáng đến chiều tối luôn luôn ngà ngà say sỉn nay trở thành thông lệ.
VI- Giai đoạn bất trị: Giai đoạn này là hồi kết cuộc với sự tàn phá sức khỏe trong người ghiền rượu lâu năm. Người ghiền rượu xuống dốc về mặt đạo đức, các cơn say sưa ngày càng dài hơn. Ở một số người xuất hiện các chứng tâm lý bất thường vì rượu gây nên bệnh tâm thần, trạng thái run rẩy, đi khập khểnh loạng choạng. Người ghiền rượu chấp nhận sức khỏe hoàn toàn suy sụp.
Người uống rượu lâu năm thì các chứng rối loạn thần kinh xuất hiện. Tâm thần bất an hay bắt bẻ vô lý. Lúc này bệnh tâm thần hiện ra rất rõ rệt. Đưa vào bệnh viện chuyên môn là một việc duy nhất nhằm cứu sống tính mạng là phải bỏ rượu ngay. Tỷ lệ thành công rất nhỏ vì cai rượu cần ý chí cương quyết và thời gian.
Hậu quả khi ghiền rượu: Các bệnh của chứng ghiền rượu là xơ gan, giãn tĩnh mạch thực quản, xuất huyết bao tử, sưng tụy tạng, động kinh, ung thư thực quản, viêm cơ tim, bắp cơ yếu ớt, sức đề kháng của cơ thể giảm, dễ bị sưng phổi, bệnh ho lao, triệu chứng thần kinh bất an, rối loạn chức năng của não bộ…
Người ghiền rượu phải chịu đựng cảnh cơ thể suy nhược, bị cô lập vì mất bạn bè và bà con lối xóm, công việc làm bị ảnh hưởng, hành động vũ lực trong gia đình đưa đến ly dị, kẻ một nơi người một ngã, con cái bơ vơ, sa đọa, lạc lầm… vì tinh thần sa sút.
Cách điều trị: Cai rượu sẽ xuất hiện ngay phản ứng rất mạnh, vào bệnh viện 8-14 ngày, có liền những triệu chứng như buồn nôn, quá xúc động, rối loạn giấc ngủ, bực tức và trầm cảm, run rẩy co giật tay chân, ảo giác xuất hiện, cần chuyên môn về tâm lý.
Điều trị thành công tùy thuộc vào sức mạnh ý chí người ghiền rượu là điều tối quan trọng. Cho nên việc chữa trị ghiền rượu càng sớm càng tốt. Nếu bệnh nhân đã nhận thức được và có lòng mong muốn cai rượu thì cơ hội bỏ được rượu sẽ như ý nguyện. Thống kê cho biết 50% bệnh nhân cai rượu thành công mà thôi.
Nếu uống rượu trở lại sau khi cai rượu xong thì “công dã tràng se cát”, công sức cai rượu với điều trị tâm lý lâu nay đã tan thành mây thành khói! Có nhiều bệnh nhân cai được rượu hoàn hảo sau nhiều lần điều trị. Nhưng cũng có nhiều bệnh nhân nổi chứng uống rượu lại sau một thời gian dài kiêng cử hẳn cho nên không lành bệnh như ý… Thế là “ngựa quen đường cũ”: “Có ai trường sanh bao giờ đâu mà kiêng với cữ cho mất công! Tiếp tục làm bạn lại với hơi men! Vui quá xá! Cụng ly ‘cốp’dô ha! há! ha!…”.
Bác sĩ Trần Văn Diên, Texas USA ngày 04/08/2015
Học sinh ban Công Thôn 1970-1973 NLS Cần Thơ