22/10/2015
PHÁT TRIỂN
TRỒNG LÚA NƯỚC THỜI CỔ ĐẠI
(Hùng Vương - An Dương Vương:
4.000 - 2.180 năm trước)
TS. Trần Văn Đạt
PHẦN I: Xuất hiện trồng lúa nước sơ kỳ
1. MỞ ĐẦU
Từ thời kỳ Đồ Đá Cũ đến thời kỳ Đồ Đá Mới và Kim Khí, cư dân đất Việt đã tích tụ hiểu biết về thiên nhiên, xã hội và con người ngày càng nhiều hơn, qua các nền văn hóa khảo cổ học như văn hóa Sơn Vi trong hậu kỳ Đá Cũ đến nền văn hóa Hòa Bình-Bắc Sơn-Đa Bút của thời đại Đá Mới; văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu và Gò Mun của thời đại Đồng Thau. Nền kinh tế nông nghiệp ra đời đã giúp cho đời sống con người chuyển đổi từ du mục đến định cư và sau đó phát triển nhanh hơn mọi mặt để tiến đến nền văn minh hiện đại hôm nay. Họ đã thuần dưỡng những cây lúa dại đa niên trở thành hàng niên và cây lúa trồng, có khả năng sản xuất đáp ứng nhu cầu lương thực dân tộc ngày càng đông. Nghề nông nghiệp lúa tiến bộ được biểu hiện qua kỹ thuật canh tác và các công cụ sản xuất hữu hiệu hơn như rìu, cuốc, cày, mai... bằng đá, đồng, sắt. Ngành trồng lúa rẫy đạt đến mức cực thịnh và nông nghiệp lúa nước bắt đầu xuất hiện sau khi mực nước biển thoái dần. Kinh nghiệm tích lũy của cư dân qua các nền văn hóa nêu trên là tiền đề quan trọng cho sự lớn mạnh cộng đồng Việt Cổ và hình thành đất nước Văn Lang vào thiên kỷ II và I trước CN, khai sáng nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ trong thời Cổ Đại, và xuất hiện thời đại Hùng Vương-An Dương Vương lớn mạnh trên bờ Biển Đông.
2. GIAI ĐOẠN TRỒNG LÚA RẪY VÀ LÚA NƯỚC SƠ KỲ
2.1. Văn hóa Phùng Nguyên (cách nay 4.500 – 3.500 năm)
Đây là nền văn hóa rất quan trọng, làm trung gian giữa thời đại Đồ Đá và thời đại Kim Khí, mốc ngoặc của nền văn minh vượt bực của dân tộc. Qua các công trình khai quật và kết quả khảo cổ quý giá đã thu đạt được trong nền văn hóa Phùng Nguyên và các văn hóa tiếp theo từ thời Pháp thuộc cho đến nay, các nhà khảo cổ học và sử học khẳng định đã có nhiều bằng chứng cụ thể không những cho sự xuất hiện nền văn hóa Đông Sơn, còn xác nhận thực tế “lịch sử 4.000 năm văn hiến của nước Việt Nam” và địa bàn hoạt động có thật của “đất Phong Châu một thời Hùng Vương” (Viện Khảo Cổ Học, 1999). Tuy nhiên, lịch sử đến nay ghi nhận triều đại Hùng Vương chỉ có 18 đời Vua (khoảng từ 700 đến 258 năm tr. CN). Một khoảng lịch sử dài (1.300 năm) bị mất dấu tích!
Nền văn hóa Phùng Nguyên đánh dấu thời kỳ tan rã của chế độ công xã nguyên thủy và hình thành một xã hội mới có giai cấp sớm nhứt. Dân tộc Việt cổ bước vào thời đại mới với sức sống mãnh liệt, óc sáng tạo không ngừng và sự đoàn kết giữ nước. Vào thời đại đó, đất nước đã có nền văn hóa khá cao, một nền nông nghiệp hoạt động vững chắc với văn minh lúa nước phồn thịnh, góp phần vào nền văn minh cổ đại của loài người. Đó là thời đại Hùng Vương bắt đầu từ trước đây 4.000 năm với tập hợp của nhiều dân tộc gốc Nam Á (Văn Tân và cộng sự viên, 2008).
Ngoài ra, đất nước Việt Nam chỉ được nhắc đến trong lịch sử nhân loại cách nay hơn 4000 năm, khi sứ giả đầu tiên của Việt Thường (từ Quảng Trị đến Quảng Nam?), một trong 15 bộ của nước Văn Lang, sang chầu và dâng tặng “rùa thần” dài độ một thước cho vua Đường Nghiêu vào năm Mậu Thân, năm thứ 5 (nhà Đường Nghiêu: 2357-2258 tr CN) (Trung Tâm Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Quốc Gia,1998).
Nền văn hóa Phùng Nguyên tập trung ở khu vực hợp lưu của các sông Hồng, sông Đà, sông Lô, sông Thao và sông Đáy, thuộc phía nam tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Hà Nội và phần phía nam của tỉnh Bắc Ninh. Nền văn hóa này xuất hiện và phát triển từ 2.000 năm đến 1.500 năm tr CN. Người Phùng Nguyên thường cư trú trên các gò đồi cao, cách mặt ruộng độ từ 0,5 đến 5-6 m. Tầng văn hóa không dày lắm từ 0,7 đến 2 m. Về nhà ở chưa được rõ ràng, nhưng các nhà khảo cổ đã tìm thấy ở Văn Điển (Hà Nội) nhiều hố đất đen hình tròn, kích thước tương tự nhau, ăn sâu xuống đất, trông giống các hố chôn cột nhà. Họ cũng tìm thấy di tích xưởng chế tạo công cụ đá ở Gò Chè, chế tạo mũi khoan ở Bãi Tự và vòng trang sức ở Tràng Kênh, với trình độ kỹ thuật chuyên môn cao.
Công cụ sản xuất gồm có cuốc đá hình tứ giác có lưỡi lệch về một bên, rìu đá tứ giác có lưỡi cân xứng, trong đó có nhiều rìu chế tạo bằng đá ngọc Nephrite có màu sắc đẹp (Hình 1). Ngoài ra, còn có nhiều đục đá chiều dài 3-4 cm, thân rộng hơn 1 cm và bề dày 0,3-0,5 cm, dao đá, liềm đá. Chiếc liềm đá có công dụng quan trọng trong công việc gặt hái ngũ cốc, cắt cỏ; sự có mặt của liềm đá cho thấy tầm quan trọng của sản xuất lương thực ngày xưa (Viện Khảo Cổ Học, 1998).
Ngoài ra, nhóm công cụ sản xuất còn có cưa đá, mũi khoan đá, bàn mài (bàn mài bằng, bàn mài rãnh, bàn mài trong), hòn kê, hòn đập, bàn đập.
Hơn 50 địa điểm tìm được với nền văn hóa Phùng Nguyên cho thấy những làng định cư lâu dài có đời sống nông nghiệp dùng rìu cuốc đá, chủ yếu trồng trọt, chăn nuôi, săn bắt và đánh cá. Sự phát hiện lưỡi liềm đá ở Gò Bông và nhiều chiếc rìu nhỏ; cho thấy có nền nông nghiệp trồng lúa phát triển ở ruộng nước và trên đất cao (rẫy). Ngoài ra, còn có các đồ đựng bằng gốm có kích thước lớn để tồn trữ ngũ cốc cho biết cư dân Phùng Nguyên có đời sống định cư lâu dài.
Hình 1: Di vật văn hóa Phùng Nguyên
(http://tusach.thuvienkhoahoc.com/wiki/H%C3%ACnh:)
Các nhà khảo cổ cũng tìm được các tượng động vật như tượng đầu gà ở Xóm Rền làm bằng gốm. Các ngôi mộ khai quật còn tìm thấy hàm lợn ở Lũng Hòa, xương chó ở Tràng Kênh cho biết người Phùng Nguyên đã biết chăn nuôi nhiều thú vật mà ta có ngày nay.
Trong nền văn hóa Phùng Nguyên còn xuất hiện kim loại đồng và kỹ thuật luyện kim: hợp kim đồng thau gồm có đồng và thiếc, được gọi “sơ kỳ đồ đồng”. Một mảnh vòng hay dây kim loại được tìm thấy ở Bãi Tự, Tiên Sơn (Bắc Ninh) (Phạm Văn Thích và Hà Văn Tấn, 1970), dây chì (Diệp Đình Hòa, 1978). Nền văn hóa Phùng Nguyên mở đầu cho thời đại đồng thau Việt Nam và chuẩn bị cho quá trình hình thành nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng, khởi đầu của nhà nước và dân tộc Việt Nam ngày nay.
2.2. Nền văn hóa Đồng Đậu (cách nay 3.500 - 3.000 năm)
Các di chỉ Đồng Đậu thuộc xã Minh Tân, huyện Yên Lạc, Tỉnh Vĩnh Phúc được phát hiện vào năm 1962. Đây là nền văn hóa nối tiếp Phùng Nguyên, có đời sống tiến bộ hơn, xuất hiện từ 1.500 đến 1.000 năm tr CN. Đặc tính của nền văn hóa Đồng Đậu là kỹ nghệ luyện kim và chế tạo đồ đồng thau, chẳng hạn mũi tên, mũi nhọn bằng đồng thau đẹp và cân đối, được gọi là “trung kỳ đồ đồng”. Ở hầu hết các di tích Đồng Đậu như Đồng Đậu, Đồng Dền, Đông Lâm, Đồi Đá đều tìm thấy khuôn đúc và nồi rót đồng. Rìu đồng cũng khá phổ biến được xếp làm 3 loại: rìu hình chữ nhựt, rìu có vai và rìu có lưỡi hơi lệch. Ngoài ra, còn tìm thấy giáo đồng, mũi tên, lưỡi câu đồng, dũa đồng, búa đồng (Hình 3 và 4); trong khi các nhà khảo cổ còn tìm thấy công cụ đồ đá chiếm vị trí đáng kể: rìu đá, đục bằng đá, giáo đá, lao đá và các di vật đá dùng trong trang điểm: vòng tay, khuyên tai, hạt chuỗi.
Kỹ thuật luyện đúc đồng đã tiến bộ vượt bực, cung cấp các dụng cụ mới hiệu quả hơn như: mũi rìu, giáo, lao, mũi tên, lưỡi câu, so với các dụng cụ bằng đá. Người Đồng Đậu còn dùng đồng thau để chế tạo khuôn đúc đồng, đồ se sợi, chạc gốm và nặn các tượng động vật như tượng bò, tượng gà, tượng rùa… Các tượng này cho biết những con thú đó là nguồn thực phẩm chính cho sự tồn tại và phát triển của cư dân Đồng Đậu.
Đến nền văn hóa Đồng Đậu, các nhà khảo cổ khẳng định cư dân Đồng Đậu là cư dân nông nghiệp, làm ruộng khô, ruộng nước, trồng cây có củ, quả xung quanh nơi cư trú. Ở địa điểm Đồng Đậu, độ sâu 3,40 m, các nhà khảo cổ tìm thấy nhiều than tro và nhiều hạt gạo cháy, có niên đại 3050 ± 100 năm cách ngày nay (Hình 4) (Viện Khảo Cổ Học, 1999); điều đó cho biết lúa gạo là nguồn thức ăn của cư dân Đồng Đậu. Đây là lần đầu tiên tìm thấy dấu vết cây lúa trong thời cổ đại ở Việt Nam. Các nhà khảo cổ còn tìm thấy các hạt lúa có hình dạng khác nhau ở Gò Mun có tuổi carbon cách nay độ 3.120 (±100 năm) (Sakurai, 1987). Ở di chỉ Tràng Kênh (Hải Phòng), họ còn phát hiện nhiều phấn hoa của một giống lúa nước, có niên đại 3.405 ± 50 năm (Nguyễn Phan Quang và Võ Xuân Đàn, 2000).
Những bào tử phấn hoa, hạt gạo cháy, vỏ trấu được tìm thấy ở các di chỉ Đồng Đậu chứng tỏ có nhiều loài thảo mộc hiện diện, gồm có khoai lang, rau muống, họ Cam (cây trám), họ na (cây na) và họ Hòa Thảo như cây tre, cây lúa (Oryza sativa) thuộc loại lúa nếp và lúa tẻ có hạt bầu và tròn (Trần Đạt và Đinh Văn Thuận, 1984). Một nghiên cứu về hạt gạo cháy ở di chỉ Đồng Đậu đã báo cáo: “10 hạt thon dài thuộc lúa tẻ… một số hạt thuộc dạng bầu dài giống như lúa nếp nương…Ở độ sâu 1,2-1,5 m thấy chủ yếu là hạt thon ngắn cũng thuộc lúa tẻ (?). Trong các lớp này có hạt tròn dài (nếp) và tròn ngắn (di, cút). Trong lớp Đồng Đậu muộn (sâu 1,2-1,0 m) ngoài các hạt thon dài và thon ngắn (tẻ) có hai hạt bầu ngắn, và tròn dài là lúa nếp.” (Đào Thế Tuấn, 1988). Công việc phân loại lúa tẻ, lúa nếp dựa vào quan sát hình dạng dài ngắn, tròn thon không được chính xác lắm, nhứt là các hạt gạo này bị cháy nám. Chẳng hạn, hạt gạo thon dài chưa hẳn là lúa tẻ vì có nhiều loại nếp cũng có hình dáng thon dài.
Ngoài nghề nông nghiệp, họ còn hái lượm và săn bắt, đặc biệt đối với cư dân sống trên các gò đồi cao. Ngoài những xương tìm thấy từ chó, lợn, gà chăn nuôi, họ còn săn bắt các loại thú hoang: trâu, bò, lợn, hươu, nai, voi trên rừng và bắt tôm cua, cá, ốc, rùa… ở những đầm hồ, suối nước chung quanh khu cư trú.
Hình 3: Đồ đồng văn hóa Đồng Đậu
(http://tusach.thuvienkhoahoc.com/wiki/H%C3%ACnh:
Ph%C3%B9ng_Nguy%C3%AAn.jpg)
Hình 4: Hạt gạo cháy vào thời kỳ văn hóa Đồng Đậu (3.000-3.500 năm trước) (Ảnh: N. K. Quỳnh)
Trong giai đoạn này, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy dấu vết nhà ở của cư dân, với nhiều nền đất vàng nén chặt, trên đó có những lỗ cột, nhưng những ngôi nhà đơn giản hơn nền văn hóa Đông Sơn sau này, với mái bằng rơm hoặc lá cây, xung quanh có những tấm phên che mưa gió.
Người Đồng Đậu còn biết dệt vải, đan lát, đồ dùng bằng mây, tre, những thảo mộc thiên nhiên phổ biến ở các vùng nhiệt đới. Nghề đan lát của Đồng Đậu rất tinh tế, đều đặn và đẹp. Cách đan cầu kỳ và cân đối để tạo ra các vật dụng chứa đựng ngũ cốc, phơi đồ gốm…(Viện Khảo Cổ Học, 1999).
2.3. Nền văn hóa Gò Mun (cách nay 3.100 – 2.800 năm)
Di tích Gò Mun được tìm thấy ở xã Tứ Xã, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ vào năm 1961. Nền văn hóa Gò Mun ra đời sau nền văn hóa Đồng Đậu và trước nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng sau này. Những di tích thuộc văn hóa Gò Mun được phân bố ở trên đồi, gò thấp gần sông suối, đầm hồ. Dấu vết nền nhà trên đất vàng, nện chặt, dày độ 0,20 cm và những hố đất đen ăn sâu xuống, chứng minh cư dân sống trong những ngôi nhà thấp như từng thấy trong nền văn hóa Đồng Đậu, với mái lá hoặc rơm và xung quanh có phên che, đan bằng tre hoặc vách rơm rạ. Một đặc điểm đáng chú ý của nền văn hóa này là cư dân sống tập trung vào một số khu vực, có lẽ do dân số gia tăng, khác với cư dân Đồng Đậu và Phùng Nguyên.
Địa tầng văn hóa của Gò Mun dày độ 1 m, màu đen, chứa nhiều di vật, công cụ lao động, thức ăn, nhà cửa đổ nát, nền nhà, nhà bếp, lò, mộ táng. Người ta cũng tìm thấy những hầm, hố đất đen có thể là những hầm ngũ cốc, hố rác bếp…
Đặc tính nổi nhất của Gò Mun là những công cụ và dụng cụ sinh hoạt của người Gò Mun thuộc đồ gốm, đồ đồng và đồ đá với hình dạng, nghệ thuật trang trí đặc biệt có một phong cách riêng của nền văn hóa này và dễ nhận dạng. Đồ gốm Gò Mun có hình dáng bên ngoài đặc biệt là kiểu miệng gốm và cách trang trí hoa văn (khắc vạch, in, đập và đắp nổi).
Hình 6: Di vật văn hóa Gò Mun
Đồ đồng: 1-2: Rìu; 3: giáo; 4: lao; 5-6: mũi tên; 7: liềm
Đồ đá: 8: Khuyên tai 4 mấu; 9-10: Vòng tay, đồ gốm;
11-16: bát, bình, chậu; 17: chân chạc
(Viện Khảo Cổ Học, 1999)
Về đồ đồng, kỹ thuật đúc luyện, pha trộn nguyên liệu và sáng tạo nhiều hình công cụ như rìu, giáo, lao, mũi tên, mũi nhọn, lưỡi câu, búa, dũa, liềm, tượng người, lục lạc, vòng tay, trâm cài, hoa tai, nhẫn… Cần lưu ý đến liềm đồng dùng để cắt lúa hữu hiệu và nhanh hơn các lưỡi liềm bằng đá. Nhờ hỗn hợp kim loại tốt, những đồ đồng của Gò Mun tìm thấy được ít bị rỉ sét, bền, ít bị sứt mẻ (Hình 6). Đây là “hậu thời đồ đồng”.
Về đồ đá, các công cụ sản xuất và một số đồ dùng vẫn còn quan trọng trong nền văn hóa Gò Mun, như rìu hình tứ giác, rìu có vai, rìu có nấc, đục, bàn mài đủ loại, trong đó có chiếc rìu được khoan lỗ để luồn dây, chì lưới, khuôn để đúc, vòng tay, khuyên tai bằng đá. Người Gò Mun biết áp dụng kỹ thuật cưa, khoan, mài, tiện khá thành thạo.
Cuộc sống của người Gò Mun tiến bộ hơn người văn hóa Phùng Nguyên và Đồng Đậu, có sắc thái riêng biệt vào tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời của nền văn hóa Đông Sơn. Đặc tính của nền văn hóa này là cư dân sống tập trung từng khu vực, chủ yếu với nền nông nghiệp lúa nước và lúa rẫy, hiệu năng kinh tế cao hơn nhờ các công cụ sản xuất bằng đồng.
Trong nền văn hóa Gò Mun, người ta phát hiện một hầm ngũ cốc thối nát, chứng tỏ, chủ nhân của hầm này sản xuất lúa không những đủ nuôi gia đình họ, còn dư thừa chứa trong hầm dự trữ (Viện Khảo Cổ Học, 1999). Cư dân Gò Mun đã rành nghề nông nghiệp, chủ yếu trồng lúa cùng các hoa màu khác ở ven sườn đồi, gò đất thấp chung quanh khu vực cư trú bên bờ các dòng sông, bờ hồ, các đầm lầy với đất phù sa bồi đắp hàng năm. Người Gò Mun trồng lúa theo phương pháp quãng canh trên một diện tích rộng lớn, giống như trồng lúa nổi ở miền Nam, nghĩa là gieo hạt lúa lúc trời bắt đầu mưa, cây lúa lớn dần theo mực nước và thu hoạch lúc lúa chín.
Về chăn nuôi cũng khá tiến bộ để có thêm nguồn thực phẩm. Trong số di vật xương của các loài thú như lợn, gà, chó, trâu, bò, voi… có loại hoang dại và cũng có loại thuần dưỡng. Dù chưa có bằng chứng cư dân dùng trâu bò trong việc làm đất, nhưng cũng có ý kiến cho rằng họ dùng trâu bò để quần thục ruộng nước, kéo gỗ làm nhà…
Tóm lại, trong thời kỳ này nền nông nghiệp chủ yếu dùng cuốc so với thời đại nguyên thủy chủ yếu dùng rìu, bôn. Ngoài nghề lúa rẫy, cư dân đã có nhiều kinh nghiệm trồng lúa nước khi mực nước biển lùi dần. Người dân Phùng Nguyên, Đồng Đậu và Gò Mun tiến từ đất cao xuống các thung lũng, đồng bằng và trồng lúa từ đồi núi xuống vùng trũng thấp, ven sông rạch. Họ cũng biết dùng đến trâu bò trong nông nghiệp cách nay khoảng 4.500-3.000 năm; nhưng săn bắt hái lượm vẫn còn phổ biến với các công cụ sản xuất và thu hoạch bằng đá hoặc bằng đồng.
Sự tiến hóa từ nền nông nghiệp sơ khai phát hiện trong văn hóa Hòa Bình-Bắc Sơn với các bộ lạc trồng lúa, đã hiện rõ nét sinh hoạt sống động trồng lúa rẫy và lúa nước trong các nền văn hóa Cổ Đại: Phùng Nguyên, Đồng Đậu và Gò Mun.
TÀI LIỆU THAM KHẢO (Chung Phần I & II)
1. Bùi Huy Đáp. 1980. Các giống lúa Việt Nam. NXB Khoa Học và Kỹ Thuật, Hà Nội, 563 tr.
2. Bùi Huy Đáp. 1999. Một số vấn đề về cây lúa. NXB Nông Nghiệp, Hà Nội, 154 tr.
3. Bùi Thiết. 2000. Việt Nam Thời Cổ Xưa. NXB Thanh Niên, T.P. Hồ Chí Minh, 463 tr.
4. Đào Thế Tuấn. 1988. Về những hạt gạo cháy phát hiện ở Đồng Đậu (Vĩnh Phúc) năm 1984. Khảo Cổ Học, số 4, tr. 44-46.
5. Lĩnh Nam Chích Quái. 1960. NXB Khai Trí, Sài Gòn, 134 tr.
6. Maspéro, H. 1918. Le Royaume de Văn Lang. BEFEO, XVIII, fasc. 3, 1918.
7. Nguyễn Phan Quang & Võ Xuân Đàn, 2.000. Lịch sử Việt Nam - Từ nguồn gốc đến năm 1884. NXB T.P. Hồ Chí Minh, 479 tr.
8. Patte, E. 1932. Le Kjokkenmodding néolithique de Dabut et ses sépultures (province de Thanh Hóa, Indochine). Bulletin du Service Géologique d’Indochine (BSGI), vol. XIX, pt.3.
9. Phạm Văn Sơn. 1960. Việt sử toàn thư. NXB Thư Lâm Ấn Quán, Sài Gòn, 738 tr.
10. Văn Tấn, Nguyễn Linh, Lê Văn Lang, Nguyễn Đổng Chi và Hoàng Hưng. 2008. Thời Đại Hùng Vương: Lịch sử - văn hóa - kinh tế - chính trị - xã hội. NXB Văn Học, 275 trang.
11. Viện Khảo Cổ Học. 1998. Khảo cổ học Việt Nam, Tập I: Thời đại đá Việt Nam. NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 457 tr.
12. Viện Khảo Cổ Học. 1999. Khảo cổ học Việt Nam, Tập II: Thời đại kim khí Việt Nam. NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 551 tr.
13. Viện Khảo Cổ Học. 2002. Khảo cổ học Việt Nam, Tập III: Khảo cổ học lịch sử Việt Nam. NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 519 tr.
14. Vũ Thế Long. 1979. Di tích động vật ở di chỉ Đa Bút (Thanh Hóa). NPHM, Viện Khảo Cổ Học 1979.