31/10/2015
Bệnh Phong Cùi
Di Linh (năm 1994), người mặc váy, tay có đeo vòng là người thiểu số
Bệnh cùi gây nên thần kinh ỉm mất bởi Mycobacterium leprae tác hại lâu ngày nên toàn diện cơ thể bị hủy (thần kinh bị mất kéo theo da, cơ thịt mất theo) nên trở thành trơ trụi: mũi, mí mắt, vành tai, môi, càm, ngón tay, ngón chân, da trên thân thể, lưỡi… cùn đi dần dần… khiến mất cảm giác, cơ thể khiếm khuyết dần tạo dáng đi khó khăn, phát âm cũng rất khó nên lời, không làm ăn gì được… cho nên trong dân gian có câu nói lúc giận nhau: “Bộ cùi rồi hả !”.
Khác với triệu chứng của bệnh giang mai là thần kinh bị vi trùng giang mai chết chỉ một vài nơi trong cơ thể như: bắp đùi, cánh tay, cổ, bộ phận sinh dục… thì chỉ tế bào bị hủy hoại một hai nơi gây hư vùng đó mà thôi chứ không tràn lan hết cơ thể như bệnh phong cùi.
Cũng như bệnh tiểu đường lâu ngày làm tê chân rần rần như kiến bò vì thần kinh ngoại biên vùng chân hư hại chết dần nên làm tế bào và toàn mô cơ chết hẳn nên bệnh tiểu đường vào giai đoạn cuối có khi phải cưa chân là thế. Chứ không lan tràn toàn cơ thể đồng một lúc như bệnh phong cùi. Điểm này cũng là điểm khác hẳn giữa bệnh tiểu đường và bệnh phong cùi. Điều đáng nhớ khi gặp câu hỏi thi lấy giấy phép hành nghề tại Hoa Kỳ mà thầy tôi đã căn dặn nhắc nhỡ cho học trò mình trước khi đi thi đạt kết quả 5/5. Thật quả đúng y chang câu tục ngữ Việt Nam ta: “không thầy đố mầy làm nên”.
Vào năm 1994, trong dịp vào Sài Gòn gặp các bạn cùng viếng thăm và ủy lạo trại cùi Di Linh gần Đà Lạt. Đấy là vùng núi những người thiện nguyện làm việc nơi đây là những nữ tu Công Giáo thật từ tâm. Có một nữ tu đã bị lây và phải vĩnh viễn ra đi, chi tiết đã được tường thuật trên đài truyền hình cả nước Việt Nam để vinh danh tấm lòng cao thượng giúp người không nệ thân mình là tấm lòng cao cả vô bờ bến.
Bệnh phong cùi đã được trị liệu hết bởi thuốc đầu tiên Lepson (chữ này lấy từ chữ Mycobacterium leprae) và sau đó là Rifampicine và Dapsone được các nhà chế tạo thành công từ năm 1980. Với điều kiện phải phát hiện ngay lúc bị nhiểm bệnh. Như đã trình bày trên, khi thần kinh đã bị hủy thì không có thuốc nào bồi hoàn cho lành. Tỷ lệ lây giữa vợ chồng chung sống chỉ là 2-3%. Bệnh không di truyền và có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm.
Năm 2008, trên thết giới ghi nhận với số người mắc bệnh phong cùi là 250.000 người. Ở Mỹ bệnh cùi được tập trung về một nơi duy nhất ở tiểu bang Louisiana. Hằng năm trên khắp nước Mỹ có khoảng 100 trường hợp bệnh phong cùi được ghi nhận. Số bệnh nhân phong cùi tại Việt Nam xếp theo mẫu tự địa danh được thông tin cho biết được tập trung tại 13 địa điểm trên toàn cả nước như sau:
01.Bến Sắn (Bình Dương): 664 người
02.Bình Minh (Đồng Nai): 141 người
03.Cẩm Thủy (Thanh Hóa): 70 người
04.Di Linh (Lâm Đồng): 150 người
05.Đắc Kia (Kontum): 373 người
06.Phú Bình (Thái Nguyên): 105 người
07.Phước Tân (Đồng Nai): 270 người
08.Quả Cảm (Bắc Ninh): 257 người
09.Quy Hòa (Quy Nhơn): 430 người
10.Quỳnh Lập (Quỳnh Lưu): 300 người
11.Sóc Sơn (Hà Nội): 31 người
12.Thanh Bình (TP Hồ Chí Minh): 357 người
13.Văn Môn (Thái Bình): 366 người
Người ta quen gọi bệnh phong cùi (bệnh Hansen) vì nhờ kính hiển vi nhận diện vi trùng mycobacterium lepra lần đầu tiên vào năm 1873 là vị bác sĩ (người Na Uy) có tên: Dr. Gerhart Henrick Armauer Hansen. Vì thế mọi người nhớ ơn vị bác sĩ này mà quen gọi: bệnh Hansen. Những nhà sinh học đặt tên theo chủng loại, họ, nhóm… được đặt tên gọi khoa học là mycobacterium lepra, tiếng Anh là leprosy.
Làng quê tôi xưa có 2 người bị bệnh phong cùi chính mắt tôi đã chứng kiến anh cùi Địa hay bơi xuồng trên sông, còn người kia là cùi Sồi có vợ con đông lắm. Làng kế bên cũng có 2 người cũng bị bệnh ấy, một người có vợ con và một người đã chết khi còn rất trẻ.
Năm 2013, đi du hành miền Thất Sơn, ngày đó nhằm ngày giổ của Đức Cố Quản Trần Văn Thành nên đã ghé qua trại ruộng xưa của Đức Cố Quản, hôm ấy rất đông người đến dự, chính mắt tôi chứng kiến một người trung niên đang ngồi ăn xin bên vệ đường có triệu chứng của bệnh cùi, khiến cho lòng tôi ngậm ngùi cảm xúc.
BS Trần Văn Diên ngày 28/10/2015