|
|
|
QUYỂN 5 |
|
|
|
|
|
|
|
Về Tân Châu học nghề cá |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
16/9/2019
VỀ TÂN CHÂU HỌC NGHỀ CÁ
Nguyễn Phước Bửu Huy
Khởi hành
Mới 6 giờ, trời đã hửng sáng vì sắp vào mùa hè, một ngày đầu tháng 5 năm 1978. Đoàn xe khách 4 chiếc do nhà trường thuê đã đậu sẳn ở sân “chữ U”, nơi khuôn viên văn phòng chính và khu giảng đường của Đại Học Nông Nghiệp IV (nay là Đại Học Nông Lâm). Anh Nguyễn Công Dân, trưởng lớp tôi, đi từng phòng cư xá đánh thức anh em dậy, chuẩn bị hành trang lên đường. Đây là chuyến đi thực tập dài ngày đầu tiên cho sinh viên năm thứ 3, do Khoa Thủy sản tổ chức cho cả hai lớp khóa 1 và khóa 2. Lớp tôi có 34 người, lớp khóa 2 đông hơn, gồm 2A và 2B, gần 70 người. Tổng số hơn 100 sinh viên. Thầy Hồ Thanh Hoàng (Chủ nhiệm Khoa), cô Tử Khánh, thầy Nguyễn Tường Anh (Bộ môn Sản xuất giống), cùng một số đàn anh hướng đẫn đoàn sinh viên. Lương thực mang theo chất đầy trên mui xe, nào là bột mì, hạt cao lương (còn gọi là bo bo), chỉ có ít gạo. Thời đó gạo cấp phát theo chế độ tem phiếu, còn khan hiếm. Gần tám giờ, đoàn xe bắt đầu khởi hành, trực chỉ về miền Tây, đến vùng Tân Châu- tỉnh An Giang.
Ảnh minh họa: Đường về miền Tây Đây là lần đầu tiên tôi rời xa Saigon về miền Lục Tỉnh.
Nhìn hai bên đường, những cánh đồng luá hè thu trải dài. Cảnh nông thôn, làng quê miền Tây còn khá hoang sơ. Đoàn xe phải qua hai lượt bến phà: Mỹ Thuận rồi Vàm Cống. Tiếng mời gọi, rao hàng, cảnh chen nhau xuống phà khá nhộn nhịp. Mỗi lần qua phà, tất cả hành khách phải xuống xe đi bộ qua vì sợ xe tuột thắng, không an toàn, rơi xuống sông. Tai nạn này đã bị xảy ra tại một số bến phà. Nhiều địa danh, tên gọi những chiếc cầu trên đường đi qua, nghe thật là mộc mạc, lạ tai như: cầu Cái Vồn, Cái Bè, Cái Tàu, Lai Vung, Lấp Vò, cầu Mương Trâu, cầu Chắc Cà Đao, Mặc Cần Dưng… mà lần đầu tôi được biết.
Phà Mỹ Thuận, phà Vàm Cống (xưa)
Đường từ thị xã Sa Đéc về tỉnh An Giang khá hẹp, chỉ vừa hai làn xe chạy, lại rất là xấu, nhất là đoạn qua huyện Lấp Vò, nhiều chổ bị ổ gà, ổ trâu, ngập nước, đoàn xe phải “bò” từ từ đến bến phà Vàm Cống. Khi đến gần Châu Đốc, lại còn phải qua thêm một phà nhỏ ở xã Châu Giang nữa rồi mới đến thị trấn Tân Châu. Ban đầu, cả đoàn còn phấn khởi, các thầy, cô, sinh viên, nói cười rôm rả, về sau ai cũng mệt nhoài, ngủ gà ngủ gật. Sau gần một ngày ngồi trên xe. Chúng tôi đặt chân đến Tân Châu lúc chiều tối. Thị trấn này nằm cách thị xã Châu Đốc khoảng 35 km, phía bên phải nhánh sông Tiền Giang, giáp với biên giới Cambodia. Bên kia sông là xã Thường Phước thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Thị trấn Tân Châu vào thời đó chỉ có độ 14- 15.000 dân, tập trung quanh khu chợ. Đoạn sông qua khúc này khá rộng, bắt đầu vào mùa mưa, nước lũ từ thượng nguồn đổ về, mực nước sông dâng lên mỗi ngày, chênh lệch có nơi từ 20-30 mét so với mùa khô. Nên nhà dân phải làm sàn, rất cao. Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long vừa mới trải qua một trận lũ dữ dội. Trước chuyến đi này, tôi không hề có một chút khái niệm gì về vùng đất Tân Châu, chỉ nghe nói là nơi sản xuất lụa có tiếng. Mục đích chuyến thực tập này là để sinh viên tìm hiểu, làm quen với nghề vớt cá Tra bột, ương cá giống, xem người dân làm nghề khai thác đáy cá trên sông, cách chế biến khô, mắm dân gian và điều tra ngư loại học. Thật là một chuyến thực tập hứa hẹn nhiều điều thú vị.
Chuyện đi “hầm cá Vồ”
Theo sắp xếp của trưởng lớp, có lẽ đã được các thầy liên hệ trước, mượn trường học, thuê mấy chục nhà dân cho đoàn thực tập sinh. Anh em bắt đầu xách ba lô, hành lý, chia nhau thành từng tổ về các nhà dân trong ấp Long Thị (theo kiểu home stay). Tổ của tôi gồm bốn người, Dương Việt Dũng, Phan Đình Kính, Trịnh Biên và tôi. Nhiều gia đình đã nhường chổ của họ, cho sinh viên chúng tôi có nơi sinh hoạt, học tập. Họ cho mượn nhà mà không đòi hỏi gì nhiều. Căn nhà sàn nơi chúng tôi ở khá đơn sơ, sàn cao gần hai mét, vách bằng ván gỗ, mái lợp lá, có cầu thang tre đi lên. Gia đình này rất tốt bụng, dành hết toàn bộ gian phía trước cho chúng tôi, họ chỉ ở vách phía sau. Ngoài chiếc tủ bàn thờ nhỏ, còn lại chẳng có thứ gì. Anh em cứ trải chiếu ra sàn mà ngủ. Trong nhà không có buồng tắm, nhà vệ sinh, chỉ có mấy cái lu chứa nước mưa để uống phía sau nhà bếp. Hỏi ra mới biết ở đây, nhà nào cũng không có cầu tiêu vệ sinh, có nhà chỉ che mấy vách lá đơn sơ làm chổ tắm mà thôi. Hằng ngày, họ ra sông tắm, giặt giũ quần áo, kể cả múc nước sinh hoạt. Nước sông đem về, chỉ lóng phèn là uống. Còn muốn đi vệ sinh thì đến chổ cái ao nhỏ phía sau vườn nhà, có dựng chiếc thùng gổ, chiều cao chưa tới nửa mét, đặt trên mấy cây cọc chênh vênh (gọi là “hầm cá Vồ”). Vị trí “hầm” rất là trống trải, có thể nhìn thấy mặt nhau. Có khi vừa “thả bom”, vừa chuyện trò một cách tự nhiên. Tôi tự hỏi: “Đây là một nét văn hóa vùng miền ở đây chăng?” Các bạn nữ thì vô cùng ngại ngùng, lo lắng vì không quen việc tắm sông, tắm vách, và nhất là chưa hề biết đi “hầm cá Vồ”. Các chị em rất là ghê sợ, xem như là một cực hình khi phải bước lên miếng ván, có nơi chỉ kê vài thanh tre để bắt lên cái thùng giữa ao. Không cẩn thận, sẽ bị lọt tỏm xuống “hầm” như chơi. Cạnh bờ sông, nằm sau chợ Tân Châu, gần mấy bến đò, cũng thấy những chiếc bè cá nhỏ bồng bềnh, không có vách, chỉ có mái lá che tạm, đặt mấy cái “thùng” công cộng như vậy, dành cho bà con đi chợ. Sau khi tận mắt chứng kiến cảnh này, không ai trong đoàn còn dám ăn cá Tra nữa cả. Vậy mà ngoài chợ, họ lại bán đầy và người dân mua ăn bình thường. Nhiều người cho đến nay, vẫn còn ấn tượng không tốt về con cá này
Đổi lương thực
Ổn định xong nơi ở, chúng tôi được Mai Hương, lớp phó phụ trách hậu cần, phát khẩu phần lương thực, mỗi người được 13 kg một tháng, gồm có bột mì, bo bo và ít gạo. Cả tổ nhận được hơn 100kg, dùng để ăn trong suốt thời gian thực tập. Chúng tôi phân công nấu ăn, rủ nhau đi ra chợ. Chợ Tân Châu nhỏ, nhà lồng chợ lụp xụp, nằm sát bờ sông, khá tấp nập, đang vào đầu mùa mưa nên cá, tôm rất nhiều. Trước khi lên đường, nhà trường đã báo lịch trình chuyến đi, cho biết một số tình hình biên giới Tân Châu còn bất ổn. Cambodia vừa mới được giải phóng vài tháng trước, tàn quân Pol Pốt vẫn còn. Thầy cô nhắc nhở anh em phải cẩn thận, chịu khó, chịu cực, sống hòa mình với người dân, cố gắng quan sát, tìm hiểu thực tế để học hỏi. Không ngờ khi đến đây tôi lại thấy cuộc sống khá là thoải mái, bình dị, người dân hiền hòa, chân thực. Tôi ngạc nhiên, thích thú thấy trong chợ bán đầy gạo thóc, thực phẩm, thịt, cá, tôm, giá sinh hoạt rất rẻ so với thành phố. Hàng hóa tiêu dùng thì đa số của Thailand, nhập lậu từ Cambodia. Nào là vải vóc, quần, áo, giày dép, đủ kiểu, đủ loại mỹ phẩm như kem dưỡng da UA, UB, dầu gội đầu, kem đánh răng, sà bông thơm. Mấy cô bạn nữ rất thích, mua khá nhiều về làm quà cho gia đình. Một số nam thì khoái nhất là thuốc lá hiệu “Samit”. Trong lúc ở Sai Gòn hiếm có mấy thứ này, giá rất cao. Do chính sách ngăn sông, cấm chợ vào thời đó quả là khắc nghiệt, ở vùng nông thôn thì thừa gạo, thóc, thậm chí họ đem nấu cho heo, cho gà ăn, còn chốn đô thị lớn như Sai Gòn thì thiếu thốn đủ thứ, xem lương thực như là “gạo châu, củi quế”. Đồ dùng là hàng nội địa, chất lượng “dõm”.
Đường phố Tân Châu
Chúng tôi bèn tính toán lấy phần bột mì, bo bo đem đi bán, hoặc đỗi lấy thêm gạo về nấu cơm. Trong lúc ở đây họ đang rất thiếu bột mì, giá gấp đôi gạo. Vậy là cứ một ký bột mì chúng tôi đổi được hai ký lô gạo, còn bo bo thì bán lấy tiền mua thức ăn và vật dụng cần thiết. Dân trong thị trấn rất vui vẻ khi thấy đoàn sinh viên từ thành phố về, các bà bạn hàng ở chợ cũng nhiệt tình đổi lương thực cho chúng tôi, đôi bên cùng có lợi. Lần đầu tiên tôi thử đi xe “lôi”, chiếc xe có đến bốn bánh, khác với xe xích lô ở Sài Gòn, chỉ có ba bánh, khách ngồi phía trước. Xe do một người đạp, kéo theo cái “rờ mọt” hai bánh đằng sau, có thể “lôi” được 4 người, không kể người đạp xe. Dùng để chở nhiều thứ hàng hóa và có thể tháo rời thùng xe khi cần thiết. Trông thô sơ nhưng rất tiện dụng. Đây là phương tiện vận chuyển và mưu sinh phổ biến của nhiều người dân ở vùng này.
Làng nghề lụa
Một mặt hàng nổi tiếng được sản xuất từ vùng này là lụa Tân Châu. Đó là hàng lụa tơ tằm, có màu đem tuyền, láng bóng. Phụ nữ thường mặc. Được biết đây là một nghề thủ công, truyền thống từ lâu đời, nhiều gia đình sống bằng nghề này từ cha truyền con nối. Sau khi dệt xong, họ dùng trái Mặc nưa (tên khoa học: Diospyros mollis) để nhuộm đen tấm lụa. Cây Mặc nưa mọc nhiều trong vùng, trái hình tròn, bằng ngón tay cái, màu xanh. Trái được xay nhuyễn, tiết ra mủ có màu vàng, khi nấu sôi sẽ biến thành màu đen. Nhúng vải lụa vào đun nhiều giờ và làm nhiều lần để nhuộm, sau đó đem ra phơi nắng. Tấm lụa được căng trải dài trên mặt ruộng hoặc làm dàng cao để phơi cho khô đều, không bị nếp nhăn. Nắng càng gắt, thì vải càng bóng đẹp. Sản phẩm này được bán khắp cả nước và còn xuất cảng với tên gọi là “lãnh Mỹ A”.
Ảnh minh họa:
Phơi lụa sau khi được nhuộm Mặc nưa (Nguồn: Infonet)
Nghề vớt cá Tra bột
Công việc chính của chúng tôi hàng ngày là đi xem người dân vớt cá Tra bột. Tìm hiểu cách ương cá, phân loại, định danh các loài cá nước ngọt đánh bắt được. Ngoài ra, còn tìm hiểu cách chế biến khô cá Tra phồng, làm các loại mắm như: mắm cá Lóc, cá Trèn, cá Sặc, nước mắm cá Linh. Những giang đáy cá Tra đặt ngang trên sông, chiều rộng khoản 15-20 m, mắt lưới khá nhỏ, như tấm vải mùng, túi lưới đáy dài, hình chóp nhọn về phía sau, được gom lại vào một cái thùng “đục” bằng tôn, chiều dài 1.5m, miệng hình vuông cở 40x40 cm, gắn phao nổi để hứng cá con. Gọi là đáy cá Tra, nhưng trong mùa mưa lũ này, có nhiều loài cá con khác cũng trôi theo giòng nước bạc vào đáy. Mùa cá này chỉ kéo dài 1-2 tháng, đầu mùa mưa, tháng 5-6 hàng năm. Lúc nước “quay” là thời điểm nước lũ tràn về, chỉ chảy xuôi một dòng về phía hạ lưu, không còn bị thủy triều chi phối. Sáng sớm, họ đem cá vào bờ đỗ ra thau lớn, dùng tay khuấy nhiều vòng tạo dòng xoáy. Cá Tra, cá Basa nhỏ như con lăng quăng, hoặc bằng cọng tăm, bơi thành đàn ngược vòng xoáy, còn các cá khác yếu hơn, bị gom tập trung vào giữa rốn xoáy. Người dân chỉ việc dùng vợt vớt cá Tra, cá Basa ra thau riêng, còn lại là đem đổ bỏ vì số cá con này sẽ chết. Cách đếm cá bột cũng rất đơn giản, đong bằng một cái ly nhỏ, loại ly dùng uống rượu đế, gọi là ly “sây chừng”. Đếm ngẫu nhiên số cá trong một ly, rồi cứ thế mà đong để nhân ra số lượng cả thau. Thương lái các nơi đến chỉ tìm mua cá Tra, cá Basa về ương làm giống. Các cá khác họ không nuôi, vì quá nhỏ, dễ chết, cũng không chế biến gì được, chỉ làm phân bón. Cách khai thác cá kiểu này thật là lãng phí, tiêu diệt hầu hết các loài cá tạp khác và thiên nhiên sẽ sớm bị cạn kiệt nguồn cá.
Ảnh minh họa: Giang đáy trên sông Hình mô tả đáy cá Tra bột
Một đêm trăng sáng, tôi và mấy anh em xin đi ghe ra xem đáy cá, lên tận xã Vĩnh Xương, là nơi đầu nguồn, mỗi đêm vớt được nhiều cá bột nhất. Mấy giang đáy nằm sát biên giới. Tôi không thể phân biệt đâu là biên giới giữa hai nước, vì nước ngập mênh mông, người đưa ghe chỉ về phía bờ sông, nơi có cắm cờ Việt và nơi kia cắm cờ Miên, để biết đó là vùng ranh giới hai bên mà thôi. Chuyến đi thật là mạo hiểm, an ninh không bảo đảm lắm, nhưng chúng tôi vẫn muốn phiêu lưu, tận mắt xem cách vớt cá bột như thế nào? Ngồi trên chiếc ghe nhỏ đậu kế thùng “đục”, chứa mấy thau đựng cá con. Trời tối, chỉ nhìn thấy loáng thoáng những đốm đen li ti trong thau nước đục ngầu. Với kiểu lưới đáy này, không con cá nào có thể chạy thoát, kể cả cá lớn. Nghe anh chủ đáy kể có khi cả xác chết trôi vào đáy. Cứ chừng 10-15 phút, anh ta dùng vợt vớt cá bột trong thùng đục lên một lần. Cái vợt hình vuông, bằng miệng thùng “đục”, gắn cáng dài, có thể xếp lại khi đưa xuống và tự bung ra khi kéo lên. Số cá càng lúc càng nhiều, đặc mấy cái thau. Mỗi đêm, anh ta có thể thu được vài chục triệu cá bột. Bỗng trên bờ có tiếng súng vang lên hàng loạt, mấy anh em sợ quá, chui vào ghe, không biết có chuyện gì? Đánh nhau chăng? Đang hoang mang thì tôi nghe tiếng một chiếc ghe chạy từ giữa dòng phía biên giới, đang tấp vào bờ. Thì ra, lính biên phòng dùng súng bắn để làm tín hiệu, kêu chiếc ghe kia vào kiểm tra. Mấy anh em chúng tôi cũng vội vàng bơi ghe vào bờ, không dám ở lại lâu thêm nữa. Cá Tra bột được ương trong ao nhỏ, 100-300 m2, họ dùng lòng đỏ trướng vịt, trộn với bột lá gòn, rãi nổi trên mặt nước cho cá bu lại ăn, rất đơn giản. Sau một tháng, cá đạt cở 0.5-1cm, là cở con giống để bán, thả nuôi thương phẩm. Đơn vị đếm cá giống tính bằng “thiên” (1.000), hoặc “muôn” (10.000). Cá giống thiên nhiên này có sức sống khá mạnh. Tỷ lệ sống khá cao, có thể lên đến 50-60%. (Hiện nay, cá Tra giống ra đời bằng sinh sản nhân tạo, tỷ lệ sống đến giai đoạn cá giống chỉ khoản 10-15%).
Chế biến khô cá Tra phồng
Cá Tra là đối tượng đánh bắt và nuôi phổ biến ờ vùng này. Nhiều cá bắt ngoài tự nhiên, kích thước khá lớn, đến 4-5 kg. Có con đến cả chục kí lô. Một hôm, chúng tôi đi xem cơ sở làm cá Tra phồng. Cách chế biến này xuất phát từ vùng Biển hồ Cambodia. Đây cũng là một đặc sản của vùng Tân Châu, Châu Đốc, An Giang. Họ chọn những cá cở 2-3 kg, đang còn sống. Cá càng lớn, làm phồng càng ngon. Cá tươi để nguyên con, làm sạch, bỏ nội tạng, ngâm vào trong nước muối vài ngày cho trương sình lên, thịt cá bắt đầu bủn ra, người ta mới đem xẻ lưng, bỏ đầu, lóc bỏ xương, phơi khô 2-3 nắng, treo lên cho mở chảy bớt ra, thịt cá có màu vàng sẩm, trông khá hấp dẫn. Tỷ lệ chế biến 3-4 kg cá tươi mới làm ra được một ký khô. Khô cá Tra không ngâm nước làm cho sình, được gọi là khô “chai”, vì thịt cá cứng hơn. Khô cá Tra phồng khi chiên đòn, có hương vị đặc trưng, vừa béo, vừa có mùi thơm, hơi “thum thủm”, không đến nổi quá nặng mùi như loại phô mai “thối” Vieux Boulogne của Pháp. Người Khmer rất thích ăn cơm với khô cá Tra phồng, là món truyền thống như là loại mắm “bò hóc” của họ.
Khô cá Tra phồng
Làm nước mắm cá Linh
Cá Linh là một loài cá nhỏ, cở như con cá cơm, thịt rất mềm, nhiều vảy và xương. Đến mùa lũ, cá Linh nhiều vô kể, ở đâu cũng thấy toàn là cá này. Cá được đong bằng thùng “giạ”, một “giạ” khoản 30 kg. Khi tắm sông, cũng thấy từng bầy cá Linh, cá Lòng tong bơi gần mé bờ. Chỉ cần dùng chài quăng vài cái là có thể bắt được mấy ký cá, đủ ăn cho một bửa cơm. Hầu như nhà nào ở nông thôn đều có những khạp “da bò”, là loại hủ lớn, hình tròn bằng đất nung, sơn men màu nâu sẩm như da bò, để chứa cá Linh làm nước mắm. Khạp to có thể chứa 40-50 kg cá. Họ tự làm để dùng trong gia đình, cách làm cũng khá đơn giản, cá Linh để nguyên con, rửa sạch, trộn với tỷ lệ ba cá một muối, hổn hợp cá-muối này gọi là “chượp”. Thế là ủ “chượp” trong vài tháng, sau đó đem ra nấu sôi, dùng khăn thưa lọc lại lấy nước, làm thành nước mắm. Xác cá thì bỏ đi, hay làm phân bón. Nước mắm cá Linh có độ đạm thấp, chỉ 15-20 độ N, thường màu đục, để lâu sẽ bị hôi dầu, chỉ bảo quản ngắn hạn, chất lượng không ngon như nước mắm cá nục, cá cơm. Có một số nhà thùng làm nước mắm qui mô lớn ở Châu Đốc, như hãng Chánh Hương, nhãn hiệu con cua đỏ khá nổi tiếng thời đó.
Điều tra ngư loại
Tân Châu-An Giang nằm trong khu vực hoàn toàn nước ngọt. Có nhiều loại ngư cụ đánh bắt cá thích hợp vùng sông rạch, khác với khai thác biển. Nhiều ngư cụ có tên gọi nghe rất là “giang hồ” như: lưới chụp, lưới giật, vó gạt, vó càng. Đánh bắt được đủ loại cá, từ cá lớn đến cá nhỏ. Hôm đi điều tra ngư loại, nhóm tôi ra chợ, vào khu bán cá. Mấy bạn hàng bày cá trên mâm, thấy khách đến vui vẻ mời chào. Chúng tôi đứa thì cầm sổ ghi chép, đứa thì hỏi tên cá, cầm vài con lên xem, giả vờ chọn mua, lấy thước đo vi, đếm vảy, rồi trả lại. Họ không hiểu chúng tôi đang làm gì? Điều tra thu thuế, hay chuẩn bị cấm đoán gì chăng? Ban đầu có người nhiệt tình trả lời, nhưng khi thấy chúng tôi chỉ hỏi mà không mua, có người tỏ vẻ khó chịu, mời chúng tôi đi chổ khác để họ làm ăn.
Ảnh minh họa: Cảnh chợ cá
Ngoài những loại cá thông thường như cá Lóc, cá Trê, cá Rô. Có nhiều loại cá lần đầu chúng tôi được thấy tận mắt. Những cá lớn như: cá Leo, cá Vồ Cờ, cá Lăng, cá Sửu, cá Hô…, có con to 3- 4 ký. Những loài cá nhỏ khác tên nghe lạ như: cá Éc mọi, cá Kết, cá Sát, cá Nàng, cá Mùi, cá Cóc, cá Nhái….đều được chúng tôi ghi chép cẩn thận tên địa phương. Về nhà còn đối chiếu, đinh danh chính xác tên khoa học để làm báo cáo. Danh sách tên cá càng nhiều, điểm càng cao. Trên đường đi về, chổ nào thấy có bán cá là chúng tôi ghé vào quan sát. Sau này, hể có dịp ra chợ, tôi thường hay vào khu bán cá, đảo một vòng xem có các mặt hàng cá gì? Như là “bệnh nghề nghiệp” vậy.
Kỷ niệm khó quên
Có lẽ kỷ niệm dở khóc dở cười nhất là một buổi sáng, chúng tôi nghe tin bạn Hồ Bạch Liên Anh, nữ sinh nhỏ tuổi nhất của lớp, tối hôm qua bị rớt xuống “hầm cá Vồ”. Có bạn sẽ nói chẳng hay ho gì khi kể chuyện này, cô ấy đã mất mấy năm sau khi ra trường, và tôi cũng xin vong linh nàng tha thứ cho khi nhắc đến tên bạn. Chỉ xem đây như là một kỷ niệm nhỏ, khó quên của thời sinh viên chúng ta. Qủa thật, việc đi “hầm cá” vào ban ngày đã khó, thì ban đêm lại càng khó khăn hơn rất nhiều. Vùng nông thôn này chưa có điện sinh hoạt, họ dùng đèn dầu, hoặc bình accuy để thắp sáng. Đêm đó trời lại mưa, đường đất ra sau hè nhà trơn trượt, cầm chiếc đèn pin nhỏ soi đường, dò từng bước đi ra “cầu ao”, đã sơ ý bị “rụng xuống cầu”. Tôi có lần cũng gặp phải hoàn cảnh cần phải đi đêm, rất may là không bị sự cố gì đáng tiếc xảy ra. Mấy hôm sau, lại nghe tin anh bạn Hoàng Văn Đạo, K2-76, cũng bị rơi xuống hầm cá, như là “tai nạn nghề nghiệp” vậy.
Trở về
Sau hơn hai tháng tại Tân Châu, chúng tôi lên đường trở về. Chuyến về này cũng giống như chuyến đi, cả đoàn xe lại chất đầy trên mui những bao gạo trắng, thay vì bột mì và bo bo. Suốt hơn hai tháng mà lương thực vẫn còn khá nhiều. Đó là nhờ số gạo đổi được, dư thừa gần hai tấn. Đem về làm quà cho gia đình. Thầy Hoàng, trưởng đoàn phải đi xin giấy phép của chính quyền địa phương, xác nhận số gạo dư này là của sinh viên thực tập được phép mang về, nếu không sẽ bi các trạm kiểm soát tịch thu. Chúng tôi xem đây như là một “chiến lợi phẩm”. Lúc chia tay, nhiều người dân lưu luyến tiển đoàn, tặng quà cá khô, mắm, mấy chị em bịn rịn, cảm động, có người không cầm được nước mắt. Khi từ giã gia đình anh Dũng, chủ nhà, tôi chỉ hẹn một cách vu vơ rằng sẽ có dịp trở lại thăm nơi này, thế mà đúng hai năm sau điều đó đã trở thành hiện thực. Trên đường về, xe đi qua hướng Cần Thơ, vòng lên Vĩnh Long, không theo đường cũ, qua phà Vàm Cống, về Sa Đéc nữa vì đoạn đường đó quá xấu. Đường qua Cần Thơ tráng nhựa còn khá tốt nên xe chạy nhanh hơn. Cũng phải qua hai cái Bắc (cách gọi bến phà): Bắc Cần Thơ, vượt sông Hậu và Bắc Mỹ Thuận, vượt sông Tiền để về Sài Gòn. Sau hành trình khoản 9 tiếng, đoàn xe đã về tới sân trường. Kết thúc chương trình thực tập. Thầy trò cũng chia tay nhau về nghỉ hè.
Tân Châu ngày nay
Giờ đây, thị trấn Tân Châu đã rất nhiều thay đổi so với cách đây 40 năm. Nay trở thành một thị xã khang trang, đường xá rộng rãi. Dân số thành thị lên đến 80.000 người. Dự án xây cầu Châu Đốc nối liền qua Tân Châu thay phà Châu Giang đang được thực hiện. Vẫn còn nhiều vấn đề về môi trường, thay đổi dòng chảy, đã làm sạt lỡ nhiều khu vực dân cư ở đây; cuộc sống người dân nông thôn còn khó khăn; làng nghề nhuộm thủ công và sản phẩm lụa Mỹ A nổi tiếng một thời đã bị mai một. Nghề vớt cá Tra bột cũng không còn. Nguồn lợi cá thiên nhiên đã bị giảm sút đáng kể. Một trung tâm sản xuất cá Tra giống công nghệ cao có tên Việt-Úc, công suất lên đến 1 tỷ cá giống nhân tạo mỗi năm, vừa được xây dựng tại Tân Châu (2018), thay cho nguồn giống tự nhiên. Cuộc sống người dân Tân Châu đã khác xưa rất nhiều, phố phường nhà cao, cửa rộng, tiện nghi, sinh hoạt gia đình khá đầy đủ như một đô thị hiện đại. Không còn thấy cảnh đi “hầm cá Vồ” ở đây nữa, chính quyền địa phương đã cấm triệt để việc “bắc cầu” này từ lâu. Xin nói thêm để các bạn yên tâm, ngày nay, cá Tra đã trở thành một ngành nuôi có qui mô công nghiệp, cho ăn bằng thức ăn viên theo tiêu chuẩn quốc tế, và đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Hình ảnh cá Tra nuôi “hầm” dơ bẩn, giờ đây, chỉ là chuyện quá khứ nghèo nàn, xa xưa.
Chợ Tân Châu ngày nay
Khu chợ Tân Châu đã được xây mới, khang trang, rộng lớn. Dọc theo bờ sông được kè đá kiến cố, trở thành điểm du lịch của An Giang.
Lời Kết
Nhớ lại ký ức một thời sinh viên, tuổi đời còn rất tươi trẻ, hồn hiên. Giờ đây, bạn bè tứ tán khắp nơi, người còn, kẻ mất. Chính vì chuyến thực tập này mà khi ra trường, đã quyết định số phận và sự nghiệp của một số anh em chúng tôi, trong đó có Phan Đình Kính, Dương Việt Dũng và tôi, sau đó là Nguyễn Văn Ngày (TS K2-76), đã được nhà trường phân công về An Giang. Kính và tôi về Châu Đốc, còn Dũng trở lại Tân Châu nhận công tác, đã lập gia đình và chọn nơi đây làm quê hương thứ hai.
Lớp Thủy sản K1-75(tác giả đứng bìa phải)
Bài viết này, xin ghi lại những kỷ niệm một thời sinh viên ngắn ngủi và xin gửi đến các bạn đồng môn thuỷ sản Khóa 1 và Khóa 2. Chuyến thực tập về quê lụa Tân Châu để học nghề cá là một trong những chuyến đi khá thú vị. Mỗi bạn đều có những kỷ niệm buồn vui riêng. Cuối cùng, còn đọng lại trong chúng ta một chút gì gọi là “để nhớ, để quên”./.
Garden Grove, Sep. 01, 2019
Nguyễn Phước Bửu Huy (TS K1-75)
|
|
|
|
|
|
|
|
|
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP |
|
|
|
|
|
|
VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
huunghi68dvb@yahoo.com
Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com
Sáng lập : Dr TRẦN ĐĂNG HỒNG
Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)
Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III (2012) |
|
|
|
|
|
|
|
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/ |
|
|
|
Số lượt người đọc kể từ 5/3/2015: 1062687 visitors (3177240 hits) |