|
|
|
QUYỂN 5 |
|
|
|
|
|
|
|
Tái cơ cấu sản xuất lúa gạo VN |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
5/3/2015
Vài ý kiến về:
TÁI CƠ CẤU SẢN XUẤT LÚA GẠO VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP GIẢM NGHÈO
T.S. Trần Văn Đạt
|
Tại các nước đang phát triển, nhà nước thường không có chánh sách hỗ trợ thiết thực cho nông nghiệp nên phần lớn nông dân trồng lúa nếu không là đại điền chủ, đều có mức sống ở ngưỡng nghèo khó lâu năm. Thái Lan xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới liên tục hơn nửa thế kỷ qua cũng không ngoại lệ; vì thế chính phủ của bà Yingluck Shinawatra đã phát động rầm rộ chương trình hỗ trợ giá lúa lớn lao trong nước để cải thiện đời sống nông dân; nhưng rất tiếc chương trình này không được kế hoạch hữu hiệu và quản lý chu đáo đã gây thất thoát và lãng phí không nhỏ cho ngân sách quốc gia. Để hiểu thực trạng nông dân, cần xác định nguyên do thực tế làm cho họ trở nên nghèo và tìm giải pháp thích ứng giúp họ có được thu nhập cao hơn hầu sớm thu hẹp khoảng cách quá lớn giữa nông thôn và thành thị. Những hoạt động tái cơ cấu ngành sản xuất lúa gạo VN cần phải đặt trọng tâm vào tái cấu trúc mức thu nhập của người trồng lúa, nhứt là cần đổi mới tư duy của những người liên hệ từ gia tăng sản xuất số lượng sang sản xuất chất lượng, thể hiện qua tăng giá trị và lợi nhuận, tránh xa chủ trương có phần nào mị dân như “giữ vị trí nước xuất khẩu lúa gạo lớn thứ 2 hoặc tiến lên hạng nhứt thế giới”. Hiện nay, các nhà làm chánh sách, quản lý và nghiên cứu trong nước đang trăn trở khi thấy Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chiếm đến 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước, nhưng đa số người trồng lúa đang ở ngưỡng nghèo!
3 nguyên do chính làm người trồng lúa bị nghèo:
- Lý do đầu tiên là nông dân sở hữu diện tích đất trồng lúa phần lớn manh mún, hạn hẹp nên thu nhập không đủ nuôi gia đình, chưa kể đến giá lúa thấp. Theo Thống kê nông nghiệp, Việt Nam hiện có 10 triệu ha sản xuất nông nghiệp (lúa 7,2 triệu ha) với khỏang 70 triệu thửa đất và gần 14 triệu hộ nông dân mà đa số trồng lúa. Mỗi hộ có từ 2-10 thửa đất nhỏ! Các hộ này thường phải làm them ngành nghề khác ngoài canh tác lúa để có lợi tức đủ nuôi gia đình. Đã đến lúc cần lọai bỏ chánh sách hạn điền hoặc phải mở rộng hạn mức lớn gấp bội hiện nay.
- Thứ hai, giá lúa nội địa cũng như thế giới sụt giảm liên tục từ giữa thập niên 1970, từ 750 đô la/tấn gạo xuống còn độ 400 đô la/tấn năm 2014, do sản lượng lúa tăng lên hàng năm. Chẳng hạn, ở xã Phú Hữu (An Phú, An Giang) Ông Nguyễn Văn Gấu kể: “Vụ đông xuân vừa rồi ngay trong thời điểm thu mua tạm trữ giá lúa tươi hạt dài chỉ đạt từ 4.400 – 4.500 đồng/kg, thấp hơn tới 1.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Đông xuân là vụ sản xuất thuận lợi nhất trong năm nhưng lời chưa tới 1 triệu đồng/công. Đặc biệt mấy năm nay từ khi có đê bao, vùng này chuyển sang làm lúa 3 vụ thì lợi nhuận giảm mạnh. Cụ thể, trước đây làm 2 vụ thì mỗi năm có thể kiếm lời khoảng trên 3 triệu đồng cho mỗi công đất. Nhưng khi làm 3 vụ thì chỉ lời thêm được 1 triệu đồng/công, lợi nhuận giảm tới 2/3.” (1). VN càng tăng gia sản xuất và xuất khẩu lúa gạo càng làm cho giá cả xuống thấp như đã chứng kiến trong nhiều thập niên qua!
- Thứ ba, thiếu chánh sách hỗ trợ thỏa đáng của nhà nước. Tại các nước phát triển như Âu Mỹ, Nhựt Bổn, Đại Hàn có chương trình hỗ trợ nông nghiệp rất lớn, nhờ đó nông dân có mức sống gần hoặc ngang hàng với người thành thị. Thí dụ, Nhựt hỗ trợ giá gạo nội địa gấp 5-6 lần cao hơn giá gạo thị trường thế giới, do đó, rất nhiều nông dân bán thời gian trồng lúa trên những mảnh đất có diện tích nhỏ hẹp, có nơi chỉ vài trăm m2! Họ sản xuất lúa dư thừa trong nước. Tại Việt Nam, nhà nước đã thiết lập mức lời cho nông dân trồng lúa là 30%, nhưng rất ít khi người trồng lúa hưởng được mức lời này do đầu ra phải trải qua nhiều tầng bậc. Giới truyền thông đưa tin (1): “Tại ĐBSCL có khoảng 4 triệu hộ nông dân trồng lúa với sản lượng khoảng 24,5 triệu tấn lúa, nếu tính quy mô trung bình một hộ là 4,4 nhân khẩu, dù có giữ lại 30% lợi nhuận từ làm lúa của người nông dân thì thu nhập của họ chỉ đạt 3,8 triệu đồng/người/năm. Con số này tương đương 230 USD/người/năm hoặc là 316.250 đồng/người/tháng.” Rõ ràng nông dân cần có chánh sách hỗ trợ thực tế hữu hiệu hơn để họ có mức sống cao hơn hiện nay.
6 giải pháp chủ đạo giúp nông dân vượt ngưỡng nghèo:
Trước hết chỉ cần thực hiện hiệu quả hai giải pháp đột phá ưu tiên, người trồng lúa có thể tự vượt ngưỡng nghèo: (i) cần có luật lệ cơ hế khuyến khích tích tụ đất đai và (ii) cần cơ cấu chánh sách hỗ trợ nhà nước hợp lý cho nông nghiệp nhằm tăng lợi nhuận nông dân. Nếu một hoặc cả hai yếu tố này không hội đủ điều kiện cần thiết, mục tiêu tái cơ cấu thu nhập nông dân khó thành tựu, hoặc giả nếu có kết quả tạm thời cũng chỉ nửa vời thôi. Những nỗ lực thúc đẩy “Cánh đồng mẫu lớn” hoặc “Cánh đồng liên kết” hiện nay chỉ giúp nông dân giải quyết phần nào khó khăn ở đầu vào và đầu ra, nhưng không bảo đảm lợi tức thu nhập cao cho họ.
Do đó,
- Cần có luật đất đai cho phép nông dân tích tụ đất gấp bội hiện nay để khuyến khích xuất hiện những trang trại lớn, những đại điền chủ, doanh nhân làm ăn hữu hiệu hơn trong nông nghiệp lúa gạo. Chính các thành phần này giúp tăng gia hiệu năng sản xuất, qua đầu tư cho hạ tầng cơ sở, phát triển cơ giới hóa ngành trồng lúa, hạ thấp giá thành và quản lý tốt đất đai. Bằng chứng thực tế đã từng thấy ở nền nông nghiệp tiên tiến tại các nước phát triển.
- Cần cơ cấu chánh sách hỗ trợ nông nghiệp lớn hơn từ khâu sản xuất đến hậu thu hoạch theo đà phát triển kinh tế quốc gia để làm đòn bẩy nâng cao mức thu nhập nông dân. Trên thế giới, các quốc gia có ngành nông nghiệp đều có chánh sách hỗ trợ này, nhưng thường quá ít tại các nước đang phát triển nên nông dân luôn nghèo, và rất to lớn tại các nước phát triển giúp nông dân có được lợi tức cao. Rõ ràng chánh sách hỗ trợ nhà nước là yếu tố chủ đạo cải tiến mức thu nhập của nông dân.
- Ấn định lợi tức 30% hiện nay chưa đủ tốt cho nông dân trồng lúa do
đa số còn sở hữu đất đai quá ít (dưới 1 ha), nên cần có những giải pháp linh động hơn như vừa nêu trên theo từng thời kỳ phát triển kinh tế nếu muốn giúp nông dân tăng thu nhập đáng kể. Cần xây dựng hệ thống cung cấp thông tin thị trường lúa gạo nội địa và thế giới đáng tin cậy và tạo lập mô hình tin học (modeling) với các thông số đầu vào (input parameters) cần thiết cho từng địa phương, nhứt là những vùng sản xuất lúa quan trọng để xác định giá thành mỗi vụ hợp lý, chính xác và khoa học, với tham gia đóng góp của nông dân và giúp họ kế hoạch hóa sản xuất theo định hướng thị trường và giảm thiểu sản xuất dư thừa lỗ lã.
- Tái cơ cấu nông nghiệp đặc biệt ở ĐBSCL: Kinh nghiệm trong thập kỷ qua cho biết sản xuất lúa gạo càng nhiều và xuất khẩu càng lớn lúa gạo càng bị rớt giá, mức thu nhập nông dân ngày càng thấp hơn; do đó, Bộ NN & PTNT cần có chánh sách và kế hoạch xoay trục từ đặt trọng tâm sản xuất lúa gạo cho an ninh lương thực sang ngành nghề có lợi tức cao, như trồng rau-hoa-quả, thủy hải sản và chăn nuôi cùng sản xuất nguyên liệu thức ăn gia súc nội địa. Một nước sản xuất dư thừa lúa gạo, vấn đề an ninh lương thực quốc gia cần chú trọng nhiều khâu tồn trữ và phân phối hơn là sản xuất. Ngoài ra, cần có tư duy mới xoay chuyển từ số lượng qua chất lượng, thể hiện qua tăng giá trị và lợi nhuận trong các chương trình sản xuất (2). Ngành sản xuất lúa gạo quốc gia cần thiết lập mục tiêu sản xuất hàng năm theo nhu cầu trong nước và thế giới để bảo đảm lợi tức cao cho nông dân, thay vì căn cứ trên diện tích đất trồng sẳn có. Hãy giảm bớt tỉ trọng nông nghiệp đóng góp vào GDP quốc gia và giảm bớt diện tích trồng lúa hơn nữa để nông dân có được thu nhập cao theo luật kinh tế cung cầu.
- Cần cải tiến khâu thu hoạch và hậu thu hoạch, chủ yếu đẩy mạnh cải tiến phân đoạn kho vựa tồn trữ và canh tân công nghệ biến chế để không những giảm bớt thất thoát lúa gạo hàng năm từ 15-18% như hiện nay xuống ít nhứt 10%, đồng thời làm tăng thêm giá trị sản phẩm chính và phụ cũng như các thành phẩm biến chế khác; điều đó góp phần bảo đảm an ninh lương thực trong nước.
- Cần có luật lệ nối kết các doanh nhân, đặc biệt doanh nhân biến chế xuất khẩu với người trồng lúa để vừa khuyến khích tích cực hoạt động xây dựng thương hiệu quốc gia và quốc tế vừa giàm thiểu tầng lớp trung gian, bảo đảm chất lượng đầu vào và đầu ra của sản phẩm cũng như cơ cấu lợi tức hài hòa giữa hai nhóm quan trọng này. Dĩ nhiên luôn có bàn tay thúc đẩy của Hiệp Hội Lương Thực VN và sự hiện diện rõ nét của ngành khảo cứu trong quá trình sản xuất-tiêu thụ hàng hóa này. Công ty Lương Thực Miền Nam (VINAFOOD 2) đúng khi khuyến cáo “…hướng đi duy nhất cho ngành lúa gạo trong tương lai là doanh nghiệp chế biến xuất khẩu phải chủ động liên kết với nông dân tổ chức vùng nguyên liệu cho riêng mình” (3). Bao giờ VN thực hiện xong?
Trần Văn Đạt, Ph. D.
31/01/2015
Tài liệu tham khảo:
1) Quang Thuần & Chí Nhân. 2014. Người trồng lúa ngày càng nghèo.
(http://www.thanhnien.com.vn/kinh-te/nguoi-trong-lua-ngay-cang-ngheo-26811.html).
2) Thế Đạt. 2014. Tái cơ cấu sản xuất lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long.
3) Phú Khởi. 2014. Ngành sản xuất lúa gạo loay hoay ở vạch xuất phát.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP |
|
|
|
|
|
|
VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
huunghi68dvb@yahoo.com
Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com
Sáng lập : Dr TRẦN ĐĂNG HỒNG
Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)
Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III (2012) |
|
|
|
|
|
|
|
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/ |
|
|
|
Số lượt người đọc kể từ 5/3/2015: 1049682 visitors (3138849 hits) |