2/2/2019
Hoa và Mùa Xuân
trong Thi Ca Việt
GS Thái Công Tụng
|
1. Dẫn Nhập
Trong thi ca Việt, nhiều thi sĩ nhạc sĩ đã gửi gắm lòng mình qua những sự vật thường gặp, khi thì loài cây, khi thì đóa hoa hoặc các bức tranh tâm lý từ ghen tuông đến người yêu, tình dang dở v.v..
Các nhà thơ, nhà viết nhạc thường nhạy cảm hơn người thường và họ lại có khả năng dùng giai điệu hay hình ảnh, màu sắc để diễn tả tâm tình và ý tưởng của mình theo phong cách nghệ thuật, và nhờ đó dễ gây xúc động nơi người đọc, người nghe. Nhan nhản trong các bài hát, ta bắt gặp hoa ngọc lan, hoa tigôn, hoa cúc, hoa mai, hoa đào, hoa quỳnh v.v.
Cây cũng vậy có mặt trong ca dao, thơ, nhạc, từ cây cau, cây khế, cây xoài, cây nhãn, cây gạo…Tình yêu trong trắng, tình yêu học trò, tình dang dở, tình đơn côi… đều lấy hoa làm biểu tượng vì thi ca Việt Nam đầy hoa, từ hoa thường gặp ven lề đường như hoa trinh nữ, hoa sim miền đồi núi Trung Việt cho đến các loài cây cảnh quanh vườn như dàn hoa thiên lý, hoa thạch thảo, hoa tigôn hoặc quanh sân trường như hoa phượng.
Nhiều thành ngữ có chữ hoa như nước chảy hoa trôi, bèo dạt hoa trôi.
Nhiều sách có tựa đề có chữ hoa như Bùi Tín với Hoa xuyên tuyết, Nguyễn Chí Thiện với Hoa địa ngục, Hoàng Văn Chí với Trăm hoa đua nở trên đất Bắc nói về Nhân Văn giai phẩm v.v.
Vào những ngày sum họp bà con, gia đình, bạn bè trong những dịp đầu Xuân, luôn luôn có hoa: hoa ở phòng khách, hoa trên bàn thờ vì hoa mang nhiều ý nghĩa.. Ngoài các hoa đặc trưng của ngày Tết như hoa mai, hoa đào, còn có nhiều loại hoa tươi khác, đa dạng về hình thù, màu sắc, vv… Hoa thì nhiều loại: có màu hồng, màu đỏ, màu tím (Màu tím hoa sim), hồng đậm, hồng lợt, có hoa màu trắng vv…
Nhiều cây cho hoa mỗi năm một lần (fleurs annuelles), hoặc hai năm mới cho hoa (bisannuel), có cây trồng bằng củ (bulbe) như hoa cây Iris, cây tulip nhưng cũng có cây gieo bằng hạt.
2. Mùa Xuân.
Áo dài hoa phượng
Một năm có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Sau mùa Đông lạnh lẽo thê lương là mùa xuân lại đến tươi trẻ với những nụ hoa, những cành lá bắt đầu mọc lại. Nhưng khi ta đang là mùa xuân ở Canada thì ở Australia thuộc Nam bán cầu lại là mùa Thu. Trong thiên văn học thì mùa xuân bắt đầu từ xuân phân (khoảng ngày 21 tháng 3 ở Bắc bán cầu va ngày 23 tháng 9 ở Nam bán cầu) và kết thúc vào lúc hạ chí (khoảng ngày 21 tháng 6 ở Bắc bán cầu và 21 tháng 12 ở Nam bán cầu).
Vào mùa xuân khí trời ấm áp hơn nên có dịp lễ Thanh Minh:
Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ, hội là Đạp Thanh
Gần xa nô nức yến anh
Chị em sắm sữa bộ hành chơi xuân
Thế nào là ngày xuân phân? Đó là lúc ngày và đêm dài bằng nhau. Thực vậy vào Đông thì ngày chưa đi đã màn đêm u tối, ngày ngắn đêm dài và hết ngày xuân phân thì ngày dài ra có nghĩa mặt trời vẫn còn chiếu sáng có chỗ 9 giờ đêm, 10 giờ đêm trời vẫn sáng. Và vì có tác động của ánh nắng nên hiện tượng quang hợp mạnh hơn nên cây cối đâm chồi nẩy lộc nhanh hơn, mạnh hơn:
Xuân vừa về trên bãi cỏ non
Gió Xuân đưa lá vàng xuôi nguồn
Hoa cười cùng tia nắng vàng son
Lũ ong lên đường cánh tung tròn
Nhà nhạc sĩ Tuấn Khanh cũng đồng cảm với tạo vật nên mới thốt ra trong bài Mùa Xuân đầu tiên:
Anh ơi! Xuân đến bên thềm rồi nhắp rượu hồng vơi đi
Hết rồi mùa chia ly cho tình Xuân vừa ý
Xin yêu thương đến đôi bạn hiền để xóa hết cô đơn
Rồi quyến luyến nhau hơn cho người em thôi giận hờn.
Xuân nay ta chúc cho mẹ già vui vườn cà thêm hoa
Vui ruộng đồng bao la tóc bạc phơ đẹp quá
Xin yêu thương đến vơi hận thù để tiếng hát hôm nay
Người chiến sĩ mơ say bên đàn trẻ bé thơ ngây.
Sau mùa Đông tuyết rơi nặng nề, ít khi gặp nhau, ai ở nhà nấy nhưng đến mùa xuân với đàn chim én trở về báo hiệu xuân đến nên nhiều họp mặt của cộng đồng, của bạn bè gần xa, đúng như lời nhạc của Văn Phụng:
Xuân đã về, xuân vẫn mơ màng
trong nắng vàng, khắp chốn tiếng reo vạng
Xuân đã về, xuân vẫn huy hoàng trong gió ngàn mừng đón xuân sang
Vui mùa xuân năm nay gần nhau,
Nhớ khi xưa lúc ngây thơ,
cầm tay hỏi nhau ngẩn ngơ,
đến bao giờ đón xuân mơ
Xuân đã sang nâng phím đàn cùng hát ca,
trong gió ngàn mừng đón xuân sang
Mừng một ngày gần nhau,
cùng mừng xuân mới
Vui mùa xuân năm nay gần nhau,
nhớ khi nào lúc ra đi, cầm tay hẹn cau chờ nhau,
đến bến cầu, nắng xuân sau
Xuân đã sang nâng phím đàn cùng hát ca,
trong gió ngàn mừng đón xuân sang
Mừng một ngày gần nhau,
cùng mừng xuân mới
Vui mùa xuân năm nay gần nhau,
nhớ khi nào lúc ra đi,
cầm tay nhìn nhau, cùng mơ ước,
mơ xuân đến bao lần
Xuân đã sang nâng phím đàn cùng hát ca,
trong gió ngàn mừng đón xuân sang
Mừng một ngày gần nhau,
cùng mừng xuân mới
Người tình chúc nhau trong mùa xuân như trong thơ phổ nhạc: Anh cho em mùa xuân, thơ Kim Tuấn, nhạc Nguyễn Hiền
Anh cho em mùa xuân nụ hoa vàng mới nở, chiều đông nào nhung nhớ
Đường lao xao lá đầy chân bước mòn vỉa phố mắt buồn vin ngọn cây
Anh cho em mùa xuân, mùa xuân này tất cả lộc non vừa trẩy lá
Lời thơ thương cõi đời bầy chim lùa vạt nắng trong khói chiều chơi vơi
Đất mẹ đầy cỏ lúa đồng xanh xa mấy mùa Ngoài đê diều căng gió thoảng câu hò đôi lứa
Trong xóm vang chuông chùa trăng sáng soi liếp dừa Con sông dài mấy nhánh cát trắng bờ quê
xưa Anh cho em mùa xuân trẻ nô đùa khắp trời Niềm yêu đời phơi phới
Cách nay hơn nửa thế kỷ, nhạc sĩ La Hối cũng có một ca khúc đầy ngẫu hứng “Xuân và Tuổi trẻ” với những ca từ tươi vui rất sảng khoái ca ngợi mùa Xuân: “Ngày thắm tươi bên đời Xuân mới. Lòng thắm say bao nguồn vui sống. Xuân về với ngàn hoa tươi sáng. Ta muốn hái muôn đóa hồng. Ta muốn luôn cười với hoa…”. Rồi tiếp theo là điệp khúc với nhịp điệu dồn dập, hân hoan của tuổi trẻ chào Xuân:
“…Vui sướng đi cho đời tươi sáng. Vui sướng đi cho lòng thêm tươi. Ta ca lên đón mừng Xuân mới.
Ta hát ca cho lòng thêm hăng hái. Hát vang lên lên lời ca thắm tươi …
Áo dài hoa phượng
Mùa xuân hoa bắt đầu nở .Vào ngày Tết, ngoài Bắc có hoa đào; ta nhớ ngay thơ của Vũ Đình Liên:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu, giấy đỏ
Ngày tết ở miền Bắc, nhà nhà đều có cành đào (Malus sp.) khoe sắc trong nhà.
Nếu miền Bắc có hoa đào thì trong Nam cũng có hoa mai (Ochna).
Một bình hoa tươi dịp Tết sẽ đem lại cho nhà đẹp hơn, may mắn hơn cũng như tạo niềm vui cho cả gia đình trong những ngày đầu năm mới sum vầy. Ta hãy điểm qua vài loài hoa tượng trưng dịp Xuân về:
– Hoa hồng: trong những giống hoa hồng thì hồng lửa là giống hồng được trồng khá phổ biến ở các nhà vườn ở Sa Đéc.
– Hoa mồng gà (Celosia argentea) là một loài thực vật có nguồn gốc vùng nhiệt đới, Châu Á, Châu Phi, và Trung Mỹ, thuộc họ Amaranthaceae. Rất nhiều loài đã được lai giống cho ra những loài với những hình dạng và màu sắc khác nhau, rực rỡ, rất ngoạn mục được trồng làm cây cảnh bởi những gié hoa, và đôi khi trồng trong vườn cây rau cải, cho những lá ăn như rau dền, hay trồng cho hạt. Một vài loài mọc hoang như là cỏ dại trong những cánh đồng canh tác.
Áo dài hoa hồng
– Hoa bông ổi (Lantana camara)
còn được biết đến với tên gọi hoa ngũ sắc, với nhiều sắc màu tươi sáng như vàng, cam, tím, đỏ hay trắng tinh khôi
– Hoa hải đường
Truyện Kiều có câu:
Hải đường lả ngọn đông lân
Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà
hoặc:
Hải đường mơn mởn cành tơ
Ngày xuân càng gió, càng mưa càng nồng
là nhắc đến loại hoa này, loài hoa mang vẻ đẹp tuyệt vời, mong manh nhưng vô cùng quyến rũ. Chùm hoa sắc đỏ, hồng, vàng tinh khôi. Tên khoa học là Camellia amplexicaulis, một loài thực vật hạt kín thuộc chi Trà (Camellia).
– Hoa mẫu đơn (Pivoine) là loài hoa tượng trưng cho sự giàu sang phú quý, ngày xuân gia đình xum họp, nếu trong nhà đặt chậu hoa mẫu đơn, loài hoa vương giả chắc chắn xuân này gia chủ cũng những vị khách sẽ có những kỷ niệm khó phai bên những bông hoa được coi là ‘quốc sắc thiên hương’ này. Hoa này là quốc hoa của Trung Quốc .
– Hoa đồng tiền là loại hoa tượng trưng cho tiền tài, những bông hoa đồng tiền mang lại ước vọng về một năm mới tài lộc và thịnh vượng.
– Hoa cúc (chrysantheme) nhẹ nhàng và thanh thản là một trong những loài hoa nở rộ trong dịp tết Nguyên Đán. Sắc hương của nó tuy giản dị nhưng làm say lòng người. Ngoài ra, loại hoa này còn tươi rất lâu.
Đóa cúc vàng như mặt trời tỏa nắng trong những ngày giáp Tết se se lạnh tạo cảm giác ấm cúng và gần gũi.
Hoa cúc có nhiều màu, nhưng nhạc Ngô Thụy Miên nhắc đến cúc màu vàng:
Áo nàng vàng, anh thường yêu hoa cúc
Áo nàng xanh, anh mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Anh pha mực cho vừa màu áo tím
Cây Cúc là một trong 4 cây cảnh: tùng, cúc, trúc, mai..
Một nhà sum-họp trúc mai
Càng sâu nghĩa bể, càng dài tình sông
(Truyện Kiều)
Cúc trồng làm cây cảnh thuộc chi Chrysanthemum. Một số loài cây còn được sử dụng làm vị thuốc trong y học cổ truyền như cúc hoa vàng Chrysanthemumindicum
Sen tàn, cúc lại nở hoa
Sầu dài, ngày ngắn, đông đà sang xuân
(Kiều)
– Hoa cúc trắng là loài hoa biểu tượng cho sự duyên dáng và lòng hào hiệp. Những cành cúc trắng muốt mang lại vẻ nhẹ nhàng và thanh thản cho những ngày cuối năm bận rộn.
Áo dài hoa sen
Áo dài hoa cúc
Sen tàn cúc lại nở hoa
Giống hoa cúc đồng tiền mini có nhiều màu sắc bắt mắt
– Hoa trạng nguyên (Poinsettia)
Trạng nguyên đỏ cũng là một loài hoa có ý nghĩa trong dịp năm mới. Những cánh hoa đỏ thắm tượng trưng cho niềm vui về sự học hành đỗ đạt, chính vì vậy những gia đình có các “cậu tú, cô cử” thường bày loài hoa này vào dịp Tết.
Trạng nguyên – loài hoa mang ý nghĩa của sự đỗ đạt
– Hoa lan được xem là biểu tượng của người quân tử cũng thường được trang trí trong nhà những ngày đầu năm mới là hoa lan. (Bán nhiều ở COSTCO)
– Hoa đèn lồng còn gọi hoa lồng đèn. Nhờ hình dáng mà loại hoa này được xếp vào hàng cây cảnh có tiếng. Có thể trồng hoa đèn lồng trong vườn làm cây cảnh, hoặc trồng trong chậu.
– Hoa đỗ quyên (Rhododendron) thuộc họ Ericaceae. Đây là quốc hoa của xứ Nepal.
– Hoa sứ còn gọi là hoa đại (Plumeria acutifolia) thường trồng ở đền chùa, công viên, cao 3-7 mét, có nhựa mủ. Hoa trắng, thơm, mặt trong phía dưói màu vàng. Người Hawaii thường dùng hoa sứ xâu thành chuỗi, làm vòng hoa quàng vòng hoa vào cổ du khách và chào “Aloha”
Hôm qua mẹ bảo tôi, nhờ hoa sứ nhà nàng
Ướp trà thơm đãi khách họ hàng cô bác đều khen
Nhờ nàng hái giùm tôi, màu hoa thắm chưa tàn
Nụ hoa còn giữ nhụy vàng, chắc nàng hiểu tình tôi
.
Hoa đèn lồng là loại cây không rụng lá, xanh tốt và cho hoa quanh năm.
Những cánh hoa mong manh nhưng lại rất bền.
– Hoa mai đã đi vào văn hóa của dân tộc Việt Nam vì tính chất thanh nhã của loài hoa này. Nghệ thuật hội họa cũng chọn hoa mai làm bao đề tài cho mùa Xuân hay cho ngày Tết.
Ngài Mãn Giác Thiền Sư thời vua Lý Nhân Tôn thế kỷ thứ 11 đã thấy những cảnh vật trong vũ trụ đều là những huyễn tượng không có gì là thường tổn vĩnh cửu. Giống như hoa của mùa Xuân, Xuân hết trăm hoa đều héo rụng, Xuân đến trăm hoa lại đua nở. Đời người cũng như vậy, từ lúc tuổi trẻ, thoan thoát đến tuổi già mà không hay. Tuy nhiên, đừng tưởng Xuân qua rồi tất cả các hoa đều phải rụng hết mà giữa lúc trời Đông giá lạnh, giữa những cây cối trơ trọi đó, vẫn có một cành mai nở rộ. Ngài Mãn Giác đã ngộ được lý Vô Thường, và Ngài đã thăng hoa trong cuộc sinh hóa của vũ trụ:
Thơ văn hay hội họa xoay quanh 4 loài kiểng quí, hay nôm na là “tứ quí”, mà hoa mai đã dẫn đầu: Mai, Lan, Cúc, Trúc. Âm nhạc về hoa mai:
“Con biết bây giờ mẹ chờ tin con
Khi thấy mai vàng nở rộ bên sông…”
(“Xuân Này Con Không Về” – Duy Khánh)
Nghệ thuật thưởng thức hoa mai phát xuất từ Trung Hoa, sau đó lan rộng sang những nước chịu ảnh hưởng của nền văn hóa này. Cụ Nguyễn Du nhìn bộ trà có cây mai làm đề tài nổi tiếng đương thời là bộ chén đĩa trà “mai hạc” có câu thơ nôm trích trong truyện Kiều:
” Nghêu ngao vui thú yên hà
Mai là bạn cũ, hạc là người quen”
Áo dài hoa mai
Tóm lại, hoa mai góp mặt tại quê hương Việt Nam đem lại nếp sinh động trong tâm hồn văn hóa Việt tộc, mai đến rồi đi, rồi trở lại theo chu kỳ của mùa Xuân, của những ngày Tết mới của năm. Mai là biểu tượng đẹp đẽ, hài hoà trong lòng văn hóa Việt. Mai là nguồn vui cho mọi người chúng ta nói chung khi mùa Xuân về.
3. Kết Luận
Những loài hoa tượng trưng cho vẻ đẹp nên ta không lạ gì khi cha mẹ đặt tên con gái cũng dùng tên các loài hoa; do đó ta thường gặp trong cộng đồng người Việt nào là cô Mai, bà Huệ, cô Hồng, cháu Trang, cô Cúc v.v. Hoa đem đến niềm vui, niềm hi vọng cho con người; thực vậy, nghịch cảnh giúp ta vững chắc, nỗi buồn giúp ta lòng nhân ái, thất bại làm ta khiêm tốn nhưng chỉ hi vọng mới giúp ta tiến lên.
GS Thái Công Tụng