4/02/2018
TÌNH TRẠNG SẢN XUẤT & THƯƠNG MẠI LÚA GẠO TẠI VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI 2017/18
T.S. Trần Văn Đạt
Vào cuối tháng 12-2017, các vụ lúa ở Bắc bán cầu vừa thu hoạch xong, trong khi các nước trồng lúa ở Nam bán cầu đã gặt hái từ lâu và đang chuyển qua vụ 2018. Theo tiên đoán của cơ quan FAO tại Rome, sản xuất lúa thế giới trong 2017 tương đối thuận lợi đạt đến 756,7 triệu tấn, 0,2% hơn vụ 2016, mặc dù điều kiện khí hậu bất thường xảy ra tại nhiều nơi, với diện tích trồng toàn cầu khoảng 163 triệu ha (1 và 2).
Tại Châu Á, sản xuất lúa chiếm gần 75% tổng sản ngạch thế giới hay đạt đến 684,2 triệu tấn trong 2017, tăng 1,4 triệu tấn so với mùa kỷ lục 2016. Các nước có mùa lúa tương đối thuận hòa gồm Trung Quốc, Indonesia, Philippines và Thái Lan; các nước khác như Cambodia, Iran, Iraq, Lào, Malaysia, Myanmar, Pakistan và Timor Leste cũng thu hoạch khá hơn. Trái lại, một số nước ở Nam Á như Bangladesh, Nepal, Sri Lanka gặp khí hậu bất thường; và một số nước sản xuất kém hơn 2016, như Ấn Độ. Afghanistan, Triều Tiên, Nam Hàn, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhựt Bổn và Việt Nam.
Riêng tại Việt Nam, tình trạng sản xuất lúa 2017 gặp thời tiết mưa bão kém thuận hòa hơn 2016. Tại Đồng bằng sông Cửu Long nước mặn xâm nhập vào đầu mùa và nước lũ đến sớm hơn mọi năm, trong khi tại Miền Trung và Miền Bắc trải qua thiên tai bão lụt liên tiếp; cho nên, sản xuất lúa cả nước được tiên đoán 43,3 triệu tấn, kém hơn năm trước 270.000 tấn. Dù thế, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tình trạng xuất khẩu nông lâm thủy sản rất tốt trong 2017, kim ngạch đạt mức kỷ lục 36,37 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2016 (3). Kim ngạch xuất khẩu gạo chiếm 7,3%, hay 2,66 tỷ USD.
Còn các châu lục khác, như Châu Phi có mùa trồng lúa tốt hơn, sản xuất 31,1 triệu tấn, hay 1% hơn 2016 dù gặp hạn hán và ngập lụt tại vài nơi ở Burkina Faso, Gambia, Niger, Tanzania và Madagascar. Sản xuất lúa tại Ai Cập tương đối thuận lợi do ngành trồng lúa được cấp thêm nước tưới và giá cả thị trường hấp dẫn. Năm 2017 nước này sản xuất 6,4 triệu tấn, hay 80.000 tấn hơn 2016.
Ở Nam Mỹ và Caribbean, sản xuất lúa phục hồi nhờ khí hậu thuận lợi và năng suất cao, đạt đến 28,4 triệu tấn, đặc biệt ở Brazil, Colombia, Guyana và Uruguay, bù đắp cho thất mùa ở Argentina, Bolivia, Chile, Ecuador và Peru. Brazil là nước sản xuất lúa lớn nhứt của vùng, năm 2017 trúng mùa với sản lượng 12,3 triệu tấn, tăng 16% so với 2016. Còn nhiều nước ở Trung Mỹ và Caribbean gặp nhiều trận bão nên sản xuất không tốt như kế hoạch; nhưng theo tiên đoán FAO, sản xuất có dấu hiệu tích cực tại Haiti, Honduras, Mexico, Dominican Republic và Panama. Tuy nhiên, trong 2018 sản xuất lúa của vùng có thể giảm sút do xuống giống muộn.
Tại Bắc Mỹ, diện tích sản xuất lúa giảm tại Hoa Kỳ do cạnh tranh đất trồng với các màu khác. Theo tiên đoán của Bộ Nông Nghiệp, năm 2017 Hoa Kỳ sản xuất lúa thấp nhứt kể từ 1996, hay chỉ 8,1 triệu tấn, 20% kém hơn dự đoán hàng năm, do giá cả thế giới không hấp dẫn, diện tích trồng thu hẹp và bão lụt hoành hành ở miền Nam trong tháng 4 và 5; tuy nhiên trận bão lớn Harvey vào tháng 9 chỉ ảnh hưởng phần nào trên mùa lúa chét (ratoon) tại bang Texas mà thôi. Vụ lúa hạt dài của miền Nam Hoa Kỳ bị giảm sút nhiều nhứt đến 24% so với 2016, ở mức 5,7 triệu tấn. Tại miền Bắc California, trồng lúa muộn hơn do tình trạng quá ẩm ướt đã làm giảm sản xuất lúa hạt tròn và hạt trung bình đến 9% ở mức 2,4 triệu tấn. Trong khi xuất khẩu gạo đạt đến 3,3 triệu tấn, 3% cao hơn 2016. Giá gạo hạt dài 580 USD/tấn trong tháng Giêng 2018.
Châu Âu: Mùa lúa tại châu lục này không bằng vụ 2016, nhưng cải thiện năng suất bù đắp phần nào cho diện tích trồng bị cắt giảm vì giá cả xuống thấp; do đó sản xuất trong 2017 khoảng 3 triệu tấn lúa hay giảm bớt 0,5%. Hai nước trồng lúa lớn của Châu Âu là Ý và Tây Ban Nha. Sản xuất lúa tại Ý chỉ đạt 1,5 triệu tấn hay giảm 5% so với 2016 do diện tích sút giảm. Tại Tây Ban Nha, sản xuất chính thức được báo cáo đến 840.000 tấn, hay tăng 2% so với năm trước, do trúng mùa năng suất cao. Còn sản xuất lúa tại các nước Châu Âu khác giảm sút trong 2017 do khí hậu nóng và thiếu nước tưới, ngoại trừ Pháp và Romania. Tại Nga, sản xuất giảm bớt 6%, chỉ thu hoạch 1,0 triệu tấn lúa, do giá không hấp dẫn, diện tích bị cắt bớt dù năng suất được cải thiện.
Châu Úc: Năm 2017, sản xuất lúa tại châu lục này tăng 195% so với 2016, nhờ nguồn nước tưới tiêu được cung cấp dồi dào, vụ mùa thuận lợi lúc trồng và năng suất cao. Sản ngạch lúa thu hoạch đạt đến 809.000 tấn và xuất khẩu 0,3 triệu tấn gạo. Tuy nhiên, vụ 2018 được tiên đoán giảm 2% hay chỉ sản xuất khoảng 800.000 tấn lúa do nguồn nước giới hạn.
Về thương mại thế giới (1 và 2), số lượng gạo trao đổi được ước đoán 45,9 triệu tấn, tăng lên 11% so với năm 2016, do nhu cầu đòi hỏi cao hơn tại các nước Iran, Iraq, Madagascar, Nigeria, Philippines và đặc biệt Bangladesh và Sri Lanka. Tuy nhiên, một số nước khác như Colombia, Indonesia, Ghana và Nepal nhập khẩu gạo ít hơn, nhờ sản xuất nội địa cải thiện. Về xuất khẩu, Myanmar và Trung Quốc tham gia mạnh hơn năm trước, Ai Cập xuất khẩu gạo ít hơn liên tiếp năm thứ hai; EU, Hoa Kỳ và Uruguay xuất khẩu nhiều hơn năm 2016, bù đắp phần nào cho xuất khẩu ít hơn ở Argentina, Brazil, Ai Cập, Pakistan và Paraguay. Trong khi ba nước xuất khẩu lớn: Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam đã cạnh tranh ác liệt trên thị trường lúa gạo quốc tế.
Ngoài ra, Châu Phi tăng nhập khẩu đến 11% mặc dù các nước ở Tây Phi Châu cố gắng cải thiện trồng lúa để tiến đến tự túc.
Năm 2017, giá gạo thế giới phục hồi phần nào, tăng lên từ tháng 7 đến nay, đặc biệt với gạo thơm, gạo hạt trung bình và ngắn (gạo Japonica). Còn gạo Indica kém chất lượng giảm bớt 5%. Đến cuối tháng 10, giá gạo có khuynh hướng giảm tại Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan, trong khi vẫn còn mạnh tại Hoa Kỳ và Việt Nam do số lượng có thể xuất khẩu khan hiếm. Theo tiên đoán, thị trường gạo ở Á Châu có khuynh hướng giảm cho đến ít nhứt vào quý 1-2018 với mùa thu hoạch mới.
Trữ lượng gạo thế giới vào cuối năm 2017 tăng 0,9% đến 168,6 triệu tấn so với 167,1 triệu trong năm 2016. Sự gia tăng nhẹ chủ yếu là do việc dự trữ tại các nước nhập khẩu của Đông Nam Á. Mặt khác, trữ lượng của các nước xuất khẩu, đặc biệt là ở Thái Lan đã giảm mạnh. Vào năm 2018, trữ lượng thế giới có thể tăng 1,1% lên 170,5 triệu tấn, tương đương với 1/3 lượng tiêu thụ trên thế giới.
Dự báo của FAO về thương mại gạo thế giới 2018 đang ở mức 45,8 triệu tấn, chỉ 340 000 tấn ít hơn 2017, căn cứ vào kỳ vọng nhu cầu nhập khẩu sẽ còn vững chắc ở châu Á, nhờ sức mua lớn hơn của Indonesia, Philippines và Saudi Arabia. Trong khi đó nhập khẩu vẫn còn ổn định ở Châu Âu và Hoa Kỳ và giảm ít nhu cầu ở châu Phi, Châu Mỹ La tinh và vùng Caribbean, do nguồn cung cấp địa phương phong phú và giá quốc tế cao. Trong số các nước xuất khẩu, Ấn Độ và Thái Lan được dự đoán là sẽ giảm xuất khẩu nhiều vào năm 2018, do số lượng dư thừa tồn trữ giới hạn và cạnh tranh dữ dội hơn. Triển vọng tiêu cực đối với Argentina, Uruguay và Liên bang Nga, vì sản lượng dự kiến sẽ thiếu hụt. Ngược lại, Việt Nam và Pakistan được tiên đoán đẩy mạnh xuất khẩu trong năm này, với Úc, Brazil, Campuchia, Trung Quốc và Myanmar cũng dự kiến có đủ nguồn cung cấp cho xuất khẩu năm 2018.
Sau đây tình trạng sản xuất và thương mại lúa gạo tại một số nước trồng lúa quan trọng trên thế giới:
Thái Lan: Nước này đang có chủ trương giảm bớt diện tích trồng lúa trong nước, nhưng tăng năng suất với lúa tưới tiêu. Trong mùa này, Thái Lan có 440.000 ha lúa bị ngập ở miền Đông-bắc, nhưng theo tiên đoán FAO, mức sản xuất lúa vẫn tăng độ 3% hơn 2016, đạt đến 33,7 triệu tấn; đó là nhờ nước ngập rút nhanh, cánh đồng được trồng lại, cộng thêm lúa mùa khô có đầy đủ nước tưới tiêu sản xuất thêm lúa bù đắp thiệt hại. Năm 2017, Thái Lan xuất khẩu 11,5 triệu tấn gạo, tăng 15% so với 9,9 triệu tấn của 2016, giá gạo xuất khẩu giảm bớt 2-3%. Theo Hiệp hội xuất khẩu Thái tiên đoán năm 2018 xuất khẩu gạo giảm 10% do số lượng gạo dành cho xuất khẩu bị giới hạn.
Vào tháng 12-2017, gạo Thái 100% B ở mức 403 USD/tấn Fob so với 395 USD vào tháng 11. Gạo hấp Thái đã ổn định ở mức 409 USD, trong khi gạo tấm A1 Super tăng 3,4% lên 339 USD so với 328 USD trong tháng 11. Đầu tháng 1, giá cả vẫn ổn định.
Trung Quốc: Hiện nay, nước này có chủ trương giảm bớt trồng lúa từ hai vụ còn một vụ mỗi năm do thu nhập kém và giá gạo nhập thấp, trong khi một số tỉnh Đông-bắc đang khuyến khích chuyển trồng bắp sang trồng lúa Japonica cho lợi tức cao hơn. Mặc dù mùa lúa gặp một số bất lợi như trồng muộn, mưa liên tục và giảm diện tích trồng lúa sớm, nhưng năng suất cao; cho nên, sản lượng thu hoạch của Trung Quốc ước đoán ở mức độ 208,6 triệu tấn trên 30,2 triệu ha.
Ấn Độ: Trong năm 2017, sản xuất lúa của nước này đạt 164,2 triệu tấn, 1% thấp hơn 2016 do khí hậu xấu trong vụ trồng: mưa nhiều ở đầu mùa và thiếu nước cuối mùa ở miền Tây-nam, hạn hán ở cuối mùa tại miền Tây-bắc và Nam và bão lụt ở các bang Tây-bắc và Đông-bắc. Dù thế, Ấn Độ vẫn tiếp tục xuất khẩu 1 triệu tấn gạo mỗi tháng và xứ này xuất khẩu 11,8 triệu tấn trong 2017, đứng hạng nhứt thế giới.
Năm 2017, giá gạo xuất khẩu của nước này vẫn duy trì tương đối ổn định mặc dù sản lượng trong nước giảm, nhờ vào sự tồn trữ gạo theo luật định. Tổng sản lượng xuất khẩu của Ấn Độ tăng 20% so với năm trước. Năm 2018, Ấn Độ hy vọng sẽ duy trì vị thế dẫn đầu toàn cầu dù xuất khẩu ít hơn, và cố gắng tìm kiếm để phát triển thị trường mới ở Châu Phi, đặc biệt là ở Đông và Nam Phi Châu. Vào tháng 12, giá gạo 5% ở mức 390 USD/tấn so với 389 USD trong tháng 11. Trái lại, gạo 25% giảm xuống còn 350 USD so với 354 USD trong tháng 11. Đầu tháng 1, giá vẫn ổn định.
Pakistan: Mặc dù khí hậu gió mùa không đều đặn, sản xuất tại Pakistan đạt đến 11,1 triệu tấn lúa, tăng 5% so với năm trước, nhờ hai tỉnh dẫn đầu sản xuất lúa ở nước này có đầy đủ nước tưới tiêu. Riêng tỉnh Punjab, nơi trồng 90% với lúa Basmati, sản lượng lúa Basmati đạt đến 2,8 triệu tấn, tăng 10% so với năm trước.
Tại Pakistan, giá gạo xuất khẩu giảm 2% do ảnh hưởng giá cả từ bên ngoài và sự cạnh tranh mạnh mẽ ở Châu Á. Xuất khẩu Pakistan, mặc dù hoạt động mạnh mẽ trong quý cuối cùng của năm 2017, với tỷ lệ hàng tháng là 350.000 tấn so với 230.000 tấn trong quý trước, đã không bù đắp cho sự chậm trễ trong năm trước. Tổng cộng, Pakistan xuất khẩu 3,6 triệu tấn so với 4,1 triệu tấn năm 2016, giảm 12,5%. Vào tháng 12, gạo Pak 5% ở mức 375 USD/tấn so với 379 USD vào tháng 11. Đầu tháng Giêng, giá đã tăng trở lại.
Việt Nam: Năm 2017, sản xuất lúa trong nước gặp một số khó khăn trong canh tác: mùa nước lũ đến sớm làm cho những nơi xuống giống cho vụ Hè-thu muộn phải bỏ hoang. Nhiều trận bão xảy ra liên tiếp, mặn nhập đầu mùa và mưa to nhiều nơi đã làm ảnh hưởng đến năng suất lúa không ít. Ở Miền Bắc vụ lúa Đông tiếp tục bị thay thế bằng các màu khác có lợi tức cao hơn. Do đó, thu hoạch lúa cả nước được tiên đoán khoảng 43,3 triệu tấn, kém hơn 270.000 tấn so với năm 2016.
Trong năm này, giá gạo xuất khẩu bắt đầu tăng trở lại do nguồn gạo xuất khẩu bị giới hạn. Vào tháng 9 xuất khẩu 516.000 tấn gạo, tháng 10 xuống 400.000 tấn; tháng 11 xuống 375.000 tấn và tháng 12 tăng lên 410.000 tấn. Trong tháng 12, gạo Việt 5% đạt 391 USD/tấn so với 400 USD vào tháng 11. Gạo 25% cũng giảm xuống còn 369 USD so với 379 USD trong tháng 11. Đầu tháng Giêng, giá có xu hướng tăng lên. Trái với những dự báo khó khăn từ đầu năm, từ tháng 3-4 xuất khẩu gạo có tín hiệu khả quan, nhiều hợp đồng mới được ký kết, thương mại tiểu ngạch với Trung Quốc được nới lỏng. Do đó, khối lượng gạo xuất khẩu năm 2017 đạt đến 5,89 triệu tấn với kim ngạch 2,66 tỷ USD, tăng 22,4% về khối lượng và tăng 23,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016 (3).
Ngành xuất khẩu gạo đã mang về cho VN bình quân khoảng 2 tỷ USD mỗi năm trong gần 3 thập niên qua, nhưng đời sống người trồng lúa vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo khó! Đây là tình trạng chung cho các quốc gia đang phát triển trồng lúa vì ngành này thường gặp rủi ro hàng năm, trong khi nhà nước luôn có khuynh hướng giữ giá thực phẩm chủ yếu ổn định và thấp để phục vụ giới tiêu thụ và tránh tình trạng xã hội bất ổn, nổi loạn có thể xảy ra ở các thành phố lớn như đã từng thấy. Nhà nước đã cố gắng cải tiến tình trạng bất công này, ngay cả có kế hoạch giúp nông dân canh tác có thu nhập lời 30%, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được do khó khăn cơ chế chưa được giải quyết rốt ráo. Lực bất tòng tâm!
Trong năm 2017, nhà nước thực hiện một số biện pháp nhằm cải tiến ngành sản xuất và thị trường lúa gạo nội địa, cũng như đời sống người canh tác để họ hưởng được thu nhập nhiều hơn, chẳng hạn, tái cơ cấu nông nghiệp: Giảm lúa tăng màu; cho phép tích tụ ruộng đất trên quy mô lớn; tái cơ cấu lúa gạo VN bằng chất lượng, tìm đầu ra; tái cơ cấu bảo quản và biến chế...
Cụ thể hơn, chiến lược mới được đề ra trong tháng 7-2017 nhằm cải tiến chất lượng thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 (4):
- Bãi bỏ quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo;
- Điều chỉnh giảm dần lượng gạo hàng hóa xuất khẩu, tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp và mang thương hiệu gạo Việt Nam;
- Đến 2030, chỉ xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn/năm (hiện nay độ 6-7 triệu tấn/năm), nhưng kim ngạch thu về cao; tỷ trọng gạo trắng thường chỉ chiếm khoảng 25% tổng lượng xuất khẩu; gạo chất lượng thấp và trung bình không vượt quá 10%; gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica chiếm khoảng 40%; gạo nếp chiếm khoảng 25%;
- Đến 2030, xuất khẩu gạo đến thị trường châu Á chiếm tỷ trọng khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu, thị trường châu Phi khoảng 25%, thị trường Trung Đông khoảng 5%, thị trường châu Âu khoảng 6%, thị trường châu Mỹ chiếm 10%...
Rõ ràng đây là làn gió mới chợt đến trong nền nông nghiệp VN mà nông dân và giới quan tâm đã chờ đợi từ lâu, đặc biệt về việc cho phép tích tụ ruộng đất và tư duy mới về cơ cấu sản xuất lúa gạo để tạo điều kiện thay đổi cuộc sống của đa số nông dân và nâng cao giá trị công sức lao động của họ trong điều kiện hết sức cực nhọc vất vả ngoài đồng ruộng.
Hãy chờ xem quá trình thực hiện các chiến lược trên như thế nào!
Trần Văn Đạt, Ph.D.
15-01-2018
Tài liệu tham khảo:
2) InterRice. 2016. Monthly report of the world market of rice, December 2017, No. 166. (http://www.infoarroz.org/portal/uploadfiles/20180115070933_15_ia1217en.pdf).
3) Hàm Luông. 2018. Đột phá xuất khẩu nông lâm thủy sản (http://www.sggp.org.vn/dot-pha-xuat-khau-nong-lam-thuy-san-492188.html).
4) Lâm Nguyên. 2017. Phấn đấu vào năm 2030 xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn gạo (http://www.sggp.org.vn/phan-dau-vao-nam-2030-xuat-khau-khoang-4-trieu-tan-gao-453955.html).