Còn bây giờ thì khác. Giàu mới cần ăn chay, vì …sợ chết! Với mức độ thịt cá bị tẩm đủ loại thuốc độc như hiện tại: thịt heo có chất tạo nạc Salbutamol, Clenbutarol (làm cho thịt có màu đỏ tươi, rất đẹp) là nhóm chất độc hại mà tổ chức lương nông thế giới (FAO) và tổ chức y tế thế giới (WHO) cấm sử dụng trong nhiều năm nay. Thịt trâu giả dạng thịt bò, gà qué trước khi xuất chuồng được bơm chích nước bẩn vào cho nặng ký…rồi thì nào là thịt ôi thối, dòi bọ lúc nhúc, thoắt cái được hô biến thành thịt tươi roi rói nhờ chất tẩy rửa, chất tạo mùi, thuốc nhuộm màu….Cứ đến chợ hóa chất đầu mối Kim Biên (Q.11) thì bất cứ loại thuốc làm tăng trọng, tẩy rửa, tạo nạc, kích thích ….đều được bày bán công khai, mua bao nhiêu cũng có, giá tiền nào cũng có, và mua bán dễ dàng như mua một món hàng gia dụng. Người ta không có nỗi sợ địa ngục nên vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả, xem thường sinh mạng đồng loại, và xem thường cả mạng sống của mình. Họ có hiểu rằng, những hóa chất họ vừa bán ra kia, sau một thời gian chạy lòng vòng, để đến khi thành món ăn, chính họ sẽ là người tiêu thụ? Chả trách giờ đây, chỉ tính riêng ở Việt Nam, tình trạng ung thư đã tới mức báo động vì mỗi ngày đều đối mặt với thực phẩm bẩn ( biết đâu trong cơ thể mỗi người đều ẩn náu một mầm bệnh nào đó rồi cũng nên!), đến nỗi “thực phẩm sạch” bây giờ lại là phương châm giành thị phần cạnh tranh của những siêu thị, nhà hàng uy tín. Cái đáng ra là bình thường, thì nay lại trở thành bất thường như thế đó.
Người giàu ăn chay, nên những món chay cũng vì thế mà biến hóa cho hợp với thị giác của người “bị” ăn chay. Không còn những món chay đạm bạc rau củ quả cắt ra, xào nấu hằm bà lằng thành một nồi to tướng, rồi mạnh ai nấy múc vô chén cơm ăn ngon lành. Nghệ thuật ẩm thực chay đã thành nghệ thuật “tạo hình” với vô vàn món y như “mặn” --mặn nhưng không phải mặn--, như: chả ram, chả quế, đùi gà, gà xé phay, tôm rim, cá lóc kho, thịt quay….Càng bắt mắt bao nhiêu, càng đắt tiền bấy nhiêu vì công lao “tạo dáng”nhiều. Có hề chi với những túi tiền nặng trịch, miễn sao không bị ngộ độc thực phẩm để còn được sống lâu hưởng thụ của cải chứ. Chỉ cần nhìn những dòng xe đắt tiền đậu hàng dãy dài trước những quán chay trong thành phố thì đủ hiểu. Ăn chay được cái là không phân biệt giàu nghèo, càng không phân biệt tôn giáo, không còn độc quyền của người đạo Phật nữa, và ăn chay không còn là vấn đề “tâm tịnh”, mà thực tế hơn, trần trụi hơn là tránh nạp phải chất độc vào người. Nạp sức khỏe cũng từ miệng, mà bệnh cũng theo miệng đi vào tàn phá cơ thể. Tội lỗi từ cái miệng mà ra hết.
Những tháng chay lớn trong năm là tháng tư ( âm lịch, thượng ngươn), tháng bảy ( trung ngươn), tháng mười ( hạ ngươn), có người ăn chay cả tháng. Còn những tháng khác, có người ăn mười ngày, có người chỉ ăn hai ngày, rằm và mùng một âm lịch. Họ ăn đều đặn, và nghiêm chỉnh. Còn tôi, ”chay đụng”, đụng đâu ăn đó khi thích, khi thèm, vì tôi chỉ “tu hú”thôi, không thích theo một nguyên tắc nghiêm túc nào. Đơn giản như chân lý: ở hiền gặp lành, và để đức cho con. Nhưng phải công nhận một điều, ăn chay, hay nói chung là ăn rau củ quả, người ta đằm tính hơn nhiều. Có lẽ vì thế, người thích ăn thực vật thì ít làm điều ác hơn,vì chúng lành tính. Vậy đó, cứ bình tĩnh sống thư thái. Tu tại gia và tu tại tâm, tôi quan niệm vậy, nên đã sống rất tốt từ nào đến giờ rồi, dù có chay hay không chay. Trong rừng ca dao tục ngữ có nhiều câu tôi tâm đắc, như :
---Ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối.
--- Dù xây chín đợt phù hồ,
Không bằng làm phúc cứu cho một người
---Tu đâu cho bằng tu nhà,
Thờ cha kính mẹ mới là chân tu.
Tôi vẫn giữ thói quen đi ăn cơm chùa, nhưng ý nghĩa của ăn chùa bây giờ không còn là sự háu ăn “không tốn tiền”của trẻ nít nữa. Mà tôi thuộc tuýp người khó chịu. Những quán chay thường “ăn theo” chùa, nên quanh chùa lúc nào cũng có ít nhất hai ba quán ( không phải của chùa) cạnh tranh với quán của chùa. Và tôi giữ nguyên suy nghĩ bất di bất dịch: chỉ ăn quán của chùa, với ý nghĩ đây cũng là một cách cúng chùa. Vả lại, tôi thích sự thanh đạm trong không gian chùa, thỉnh thoảng nghe vọng lại tiếng chuông, tiếng gõ mõ, tiếng tụng kinh trầm mặc lẫn trong mùi trầm hương thoang thoảng quẩn quanh. Ở đấy, tôi còn có thể đọc được những lời hay ý đẹp dạy làm người, được viết theo kiểu thư pháp, trông vừa đẹp mắt vừa ý nghĩa sâu sắc để nghiền ngẫm. Tôi đã tìm thấy “tâm tịnh” khi đến những quán như vậy. Bởi tôi biết những ngôi chùa này thường cưu mang những mảnh đời bất hạnh, cơ nhỡ nên mỗi suất mình ăn có thể đóng góp được chút vật chất nhỏ nhoi nào đó chăng. Ngoài ra, đến quán chùa, tôi được cái an ủi nữa là, mọi người ở đây ý thức chuyện “ăn cơm chùa ‘’ là một phước hạnh nên cả người bán lẫn người mua đều nhẹ nhàng, từ tốn, không có chuyện chen lấn, xô đẩy, cằn nhằn, tức tối…..thường thấy ở những quán cơm mặn. Cứ nghĩ vậy rồi tận hưởng vậy cho lòng nhẹ nhàng, dù biết rằng nó chỉ thoáng qua đôi chút trong cuộc đời ta bà này. Vậy là đủ vui .
01/04/2016
NGUYỄN THỊ HUYỀN NGÂN