Sống chậm
Không cố tình theo chủ nghĩa sống chậm, chỉ tại bản tính cố hữu chậm chạp mọi mặt: nghĩ chậm, làm chậm, phản ứng chậm (mà nói kiểu văn vẻ “chậm một nhịp”) so với mọi người, hắn bèn nhận luôn về mình là “người sống chậm”.
Hồi nhỏ, hắn nghĩ mình không thông minh vì chậm. Một việc nếu đến với người khác, ứng xử của họ sẽ nhanh hơn gấp nhiều lần. Hắn ao ước phải chi mình nhanh nhẹn, lanh tay lẹ chân như mọi người, luôn xung phong lúc giải bài toán, lúc thảo bài luận thì hắn sẽ học giỏi lắm. Nhưng hắn luôn ngồi đực ra trước trang giấy, mân mê cây viết, đầu óc đặc quánh, không thể nghĩ được một điều gì cho ra hồn. Lúc ấy, hắn nghĩ trong bụng chắc rồi cả đời sẽ chẳng làm nên trò trống gì, tương lai trở thành công chức quèn sáng cắp ô đi tối cắp về là may mắn lắm, không khéo còn phải vất vả với lao động tay chân cũng nên. Ai cũng đinh ninh như thế, quá chậm lụt ù lì thì làm sao biết khi nào thời cơ đến để nắm bắt. Cái ngữ ấy (hắn) sống một cuộc đời an phận tầm thường đã là tốt rồi, mơ chi ngóc đầu lên cao. Họ thì quáng quàng nắm bắt cơ hội, lăn xả việc nọ việc kia đến bở hơi tai trong khi hắn như người sống trên mây. Có lẽ họ nói đúng. Thôi thì, cha mẹ cho hắn cái hình hài lù đù, ông trời cho hắn cái trí khôn lẹt đẹt, biết sao giờ?
Thế nên hắn rất ngạc nhiên khi bây giờ bỗng dưng người ta hô hào sống chậm dữ quá. Họ đang sợ cuộc sống hối hả, vội vã, cuốn họ vào guồng quay không dứt ra được. Nó làm cho con người không hưởng thụ được gì. Ngay từ lúc mới sinh hắn đã có bản năng sống chậm, gọi là sống chậm bẩm sinh, nên chẳng cần đợi đến trào lưu, hô hào nọ kia hắn mới ý thức phải sống đừng nhanh. Mỗi sáng mở mắt, hắn không hấp tấp bật dậy hay lật đật xỏ dép, cuống cuồng công việc của một ngày mới đang chờ phía trước. Trái lại, hắn sẽ lim dim, nướng thêm chút xíu thời gian cho cảm giác khoan khoái của ngày mới len lỏi vào từng ngóc ngách thân thể, nhâm nhi câu thơ “cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta còn thêm ngày nữa để yêu thương”. Mới đầu ngày thì vội vàng chi, vả lại có một chút thôi thì nhằm nhò gì. Ông trời đã công bằng ban cho mọi người rất đều nhau nhiều thứ như thời gian, thiên nhiên…., còn người ta có biết sử dụng chúng hữu hiệu hay không là do tự mỗi người. Hắn chậm chạp chứ hắn đâu có ngu ngốc, một chút xíu đầu ngày như thế là một cách nạp năng lượng hữu hiệu vô song.
Hắn sợ tốc độ. Kiểu chạy xe của hắn rất dễ bị người ta phản ứng bằng cách bóp còi. Tiếng còi làm người xung quanh giật mình, đồng thời báo hiệu cho mọi người biết rằng cuộc sống lúc nào cũng rất vội. Không phải vậy thì sao trong dòng xe kẹt cứng vô phương nhúc nhích cũng nhấn còi, chạy vượt đèn, ngược chiều, lúc sáng sớm hay đêm khuya, trước bệnh viện hay ngang trường học tiếng còi cũng không buông tha. Hắn tự hỏi bây giờ sao thiên hạ nóng nảy quá chừng, vun vút về phía trước bất kể giờ giấc, bất kể nơi chốn. Họ được gì với sự vội vã? Còn hắn lỡ thấm nhuần truyện ngụ ngôn Con thỏ và con rùa của La Fontaine.
Những khi hắn ngang qua mấy chợ đông đúc (Bình Tây, An Đông, Bến Thành, Tân Bình…) nhìn đàn người lũ lượt mang vác hàng hóa, chạy kiếm hàng từ gian này sang gian khác, xe đưa hàng ra xe chở hàng vào, xuất đi tỉnh, nhập vào kho… tấp nập không ngơi tay, miếng ăn cứ đứt quãng từng chặp, giấc ngủ thì chập chờn từng khúc ….không biết trong một ngày họ hưởng thụ lúc nào? Về nhà? Cũng thế, tiếp tục hối hả, vội vàng, đôn đáo, quăng bắt….: cộng trừ sổ sách, bổ sung hàng thiếu, bán tháo hàng thừa, giao dịch điện thoại, kiểm đếm tiền bạc… ngày nối tiếp ngày với hàng núi công việc. Họ viện lý do còn trẻ, còn khỏe, còn cày bừa cho tương lai, và cũng vì muốn cho cuộc sống tốt lên nên đua với thời gian, hy sinh hưởng thụ. Và kết quả có tốt lên không? Hằng bao gia đình khi nghèo khó có nhau, khi giàu lên thì vợ chồng lục đục, chồng áp phe này, vợ hợp đồng kia, tối tăm quay cuồng trong hàng đống công việc mà quên đi hạnh phúc gia đình còn có con cái và nhiều yếu tố khác ngoài tiền. Rồi li dị, rồi chia đôi tài sản, chia đôi con cái, ông ôm một núi tiền, bà quơ một núi bạc. Mục đích sống là gì? Là mưu cầu hạnh phúc. Khi đã thấm thía tiền bạc không mang lại hạnh phúc thì đã muộn.
Còn như hắn đây mới đúng nghĩa người hạnh phúc. Hắn thẩn thơ ra vườn những lúc rảnh rỗi, vạch xem bắt sâu từng chiếc lá, tưới từng gốc cây cho nảy thêm mầm, thưởng ngoạn một nụ lan ngày hôm nay đang nhú được đến đâu. Ngước lên bầu trời biết cái đẹp của sắc nắng vàng tươi ban sáng, biết chạm tay đón nhận cơn mưa muộn ban chiều, biết hứng lấy giọt nắng đầu tiên lúc bình minh, biết vẩn vơ khi tia nắng hoàng hôn cuối cùng đang dần lui xa về hướng chân trời, biết thưởng thức một cuốn sách hay, biết nghe những âm thanh quyến rũ một bản nhạc bất hủ, biết nhấm nháp ngụm trà theo hơi hướng “trà đạo”, tách cà phê còn nghi ngút khói bay….Còn cả một kho những trăng sao, mưa gió, cỏ cây, hoa lá… đang chờ được khám phá, chẳng thích thú lắm sao?
Không cần đợi đến tuổi già mới gọi là sống chậm, cứ chậm theo cách sống của mình, như của hắn. Hài hòa, vẫn làm, vẫn chơi. Thời gian đâu có chờ ai, thiên nhiên thì sẵn có, cảnh đẹp luôn hiện diện. Hắn từng đọc được đâu đó một đoạn văn:
“Tôi sẽ tập ăn chậm để thấy được vị ngọt của hạt gạo quê nghèo, đi chậm để thấy hai hàng cây bên đường thay lá, sống chậm để nhận thấy tình đời tình người lấp lánh quanh tôi”.
Chậm, mỗi khi có thể. Thiên nhiên cho con người ta rất nhiều thứ, có sống chậm mới đủ thời gian hưởng thụ “của trời cho” một cách trọn vẹn nhất.
Chậm, cho khoảng lặng tâm hồn lắng đọng, để điều kỳ diệu cuộc sống được bật ra: nhịp đập của trái tim yêu thương, tiếng lòng nhân ái nhiều thêm, và chạm tay vào hạnh phúc ấm áp gia đình. Sống chậm để lắng nghe, để cảm nhận và tận hưởng những niềm vui nho nhỏ ở quanh mình…..
Những người trước kia từng chê hắn sống chậm, bỗng một hôm gặp lại, đã ngạc nhiên mà thốt rằng: hắn sống đúng.
27/7/2017
NGUYỄN THỊ HUYỀN NGÂN
|