27/9/2015
CÂU CHUYỆN TẾT TRUNG THU
Tạ Hoàng Trung
Người già thực ra chỉ là trẻ em sống lâu, chỉ còn mấy ngày nữa là tết tụi mình, cùng nhau tìm hiểu chút xíu lời bài hát đã từng được nhiều người ưa thích: “ánh trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng cuội già ôm một mối lo”. Vậy chú Cuội là ai?
Chú Cuội theo chuyện xưa bên tàu tên là Ngô Cương. Xưa kia Ngô Cương đã tu và đắc đạo thành tiên, nhưng sau vì làm nhiều điều xằng bậy trên thiên đình đã bị Ngọc hoàng nổi giận, bắt đày xuống cung trăng, trao cho việc chặt và bóc vỏ cây quế đỏ. Thế nhưng cây quế đỏ này lại cứng như thép, nên ngô Cương chặt mãi, bóc hoài cho đến bây giờ cũng chẳng xong. Vì vậy mỗi đêm nhìn lên mặt trăng, chúng ta mới thấy bóng Ngô Cương đang lúi húi ở dưới gốc cây quế.
Còn ở Việt chúng ta thì Ngô Cương lại chính là chú Cuội. Và cái bóng mà người Tàu gọi là cây quế đỏ, thì lại chính là cây đa thần. Vì thế mới có câu:
“ Thằng cuội ngồi gốc cây đa,
Bỏ trâu ăn lúa, gọi cha ời ời.
Cha còn cắt cỏ trên trời,
Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên”.
Chú Cuội theo truyền thuyết. Đó là một kẻ đi nói dối cha, về nhà nói dối chú. Suốt đời đánh lừa mọi người. Hồi còn nhỏ, ngày kia vì cha mẹ đi vắng, chú phải coi nhà. Buồn tình, chú bỗng nghĩ ra một trò chơi, nên vội kêu la thất thanh:
- Bớ làng nước ơi, cháy nhà, cháy nhà. Cứu tôi với.
Mọi người hối hả mang chậu, xách thùng tới tiếp cứu. Thấy vậy, chú bèn cười ngặt nghẹo đến vãi cả nước mắt. Lần khác, chú ngồi thổi cơm, chẳng may để lửa bén vào đống rơm và căn nhà bốc cháy. Chú cũng kêu la thất thanh:
- Bớ làng nước ơi, cháy nhà, cháy nhà. Cứu tôi với.
Thế nhưng, lần này chẳng một ma dại nào đến tiếp cứu cho chú cả. Vì thế, dân gian mới bảo:
“ Bắc thang lên đến tận mây,
Hỏi sao Cuội phải ấp cây cả đời.
Cuội nghe hỏi thế, Cuội cười,
Bởi hay nói dối nên ngồi ấp cây”.
Cũng bởi hay cái tính táy máy này, mà chú Cuội bỗng trở thành hình ảnh tượng trưng cho những kẻ chuyên môn lừa gạt: nói dối như cuội. Hay nói một đàng làm một nẻo: hứa cuội có nghĩa là hứa lèo, hứa thì rất nhiều mà chẳng làm được đí gì sốt, đầu voi đuôi chuột, trăm voi không được một bát nước xáo.
Tại sao ngày tết Trung thu mà người ta lại kể chuyện về Chú Cuội, một đứa trẻ hư đốn trong ngày vui của các em? Có lẽ không phải tình cờ hay ngẫu nhiên, vì kho tàng văn học cổ tích là tiếng nói của khát vọng con người vươn tới sự hoàn thiện. Cha ông kể chuyện về chú cuội để răn đời, để dạy con cháu, đừng sống như chú cuội kẻo phải ôm gốc cây đa cả đời. Vì ngày tết Trung thu được xem là ngày tết của thiếu nhi, của tuổi thần tiên, nên cha ông ta đã dùng rất nhiều những câu chuyện thần tiên để hướng các em tới sự hoàn hảo nhất của con người.
Vì những điều tốt đẹp mong rằng quý ông quý bà xui xẻo là bạn tui mà có chức có quyền bớt nói đía như cuội đi để bà con được nhờ, khe khe khe. Mời bà con thưởng thức hàm thụ bánh trung thu năm nay, bao bì thì đẹp tuyệt vời nhưng bánh có độc hại hay không thì chưa biết à. Sau mùa trung thu xem có ai nhập viện không biết liền,
Thân ái,