ĐỜI PHIÊU BẠT (hay ÁO DÀI ƠI )tập 3,tập cuối
Phụng Hiệp ngã bảy ngày ấy còn hoang sơ lắm ,cũng chợ nổi nhưng không đông đúc, ồn ào và dày đặc ghe xuồng như hiện nay .
Năm 1977 sau ngày giải phóng được 2 năm, tư Lê bước chân xuống vùng đất sông nước này. Có thể nói ở đây mạng lưới giao thông đường thủy chằng chịt và nhiều hơn đường .....bộ
Lúc đó đường bộ ,ngoài quốc lộ 1A ( quốc lộ 4 cũ )là trục lộ chính chạy liên tỉnh thì các con đường khác trong tỉnh Hậu Giang chỉ là đường đất hoặc đường đá cấp phổi rất khó đi.
Dân ở đây muốn di chuyển từ nơi này đến nơi khác đều dùng xuồng, ghe, tác ráng (vỏ lãy)giống như ở miền Đông, miền Trung người ta đi xe đạp hay gắn máy vậy. Vì vậy gần như nhà nào cũng có 1 chiếc ghe, xuồng để "làm chân". Mà đã đi ghe, xuồng thì ít chiếc nào có. .....mui (trừ tác ráng ). Bởi vậy mới có bài vè :
" Ai về Cái Tắc, Tầm Vu
Nhớ mua cây dù che nắng che mưa. "
Theo nguyện vọng của tư Lê, hai Nhỏ nhượng lại chiếc xuồng tam bản để làm kế sinh nhai với giá rẻ.
- Cảm ơn tấm lòng của anh hai và gia đình, tư Lê nói, nhưng do số của mình "cô đơn " sẵn rồi, vậy anh giúp mình 1 chiếc xuồng làm kế sinh nhai là quý lắm . Mình không dám đòi hỏi hơn đâu .
- có gì đâu, nếu chú mày muốn "độc lập tự do " thì cứ lấy chiếc xuồng nhà anh mà mần ăn. Khi nào có tiền trả dần cũng được.
Chuyện "mần ăn" của tư Lê là giăng câu, đặt lọp, chài lưới . Ban đầu cũng vô vàn khó khăn, ,không dễ như may áo dài. Có bữa về trắng tay. Nhưng ông bà ta có nói : việc gì cũng phải học mới biết. Trì chí ắt làm nên. Giờ đây tư Lê trở thành tay "sát cá "số một. Cá tôm ăn không hết, đem ra chợ nổi ngã bảy bán rồi cho bớt nhà hai Nhỏ và cho. ....bạn nhậu.
Thời gian năm 77, dân cư còn thưa thớt ,cá, tôm, rắn. ...nhiều vô kể . Con nào con nấy mập ú, chả bù hiện nay việc săn bắt thủy sản ngày càng khó khăn vì mật độ dân ngày càng đông. Chuyện tranh sống giữa người và loài vật càng trở nên ác liệt. Người ta ra sức tận diệt cuộc sống của chúng để có miếng ăn hằng ngày. Thôi thì đủ cách tiêu diệt như cho nổ mìn, dùng điện sur ,....Tư Lê thấy mà ngán ngẫm.
Nhớ lại ngày đầu xin "ra riêng " với nhà hai Nhỏ vì không muốn làm phiền gia đình người ta. Đêm đó nằm dưới ghe nghe mưa rơi lộp độp trên nóc mui mà nước mắt tư Lê lăn dài xuống gối. Tiếng ểnh ương, bù tọt trong đồng kêu rân hoà lẫn tiếng hát nhão nhoẹt từ cái máy cassette cũ của ai đó làm cho tư càng thêm tủi:
"Sống lang thang như kẻ không nhà,
Biết đêm nay đi về nơi đâu ?
Người yêu ơi sao quá xa ta. ...."
Chiều hôm sau ,vừa cập bến sông trước nhà hai Nhỏ thì một đám "lâu la" chừng 7 người do hai Nhỏ dẫn đầu ào ào xuống xuồng khiến nó chồng chềnh muốn lật. Tư Lê la oai oái :
- Trời đất, tui hỗng biết lội ( bơi ) mấy anh ơi, ,!!
Tiếp theo là một tràng cười rổn rảng của đám đông :
- Thì chìm 1 lần là biết lội thôi. He he
Vẫn tiếng nói như sấm của hai Nhỏ :
- Tao biết chú mầy mới ra riêng ắt buồn nên hôm nay rủ mấy chiến hữu tới nhậu cho vui và để anh em biết nhau. Đây là dân rặt "Nam kỳ" hết đó. Dân xứ một Ngàn rặt từ cha sanh mẹ đẻ như tao tới giờ. Vậy bữa nay mầy bắt được bao nhiêu nhậu hết, còn tụi anh lo rượu.
Hai Nhỏ đúng là nhà tâm lý số một!
Thế là tối đó , tính luôn tư Lê nữa là 8 người say bí tỉ đã kết nghĩa huynh đệ bằng cách cắt máu. .....vịt ăn thề. Một đĩa tiết canh vịt bự tổ chảng do ba Vịt Đồng hùn vô cho bữa nhậu thêm xôm tụ. Ba Hớn chuyên nuôi vịt thả đồng. Lâu rồi người ta gần như quên cái tên cúng cơm của giả ( hắn, tiếng miền Nam ) mà gọi bằng nghề kiếm cơm là ba Vịt Đồng ,lâu dần rồi quen.
Sau khi xây tua hết 2 lít, ai nấy đều gật gù. Ba Vịt Đồng cất giọng rè rè :
- Lỡ mai thất nghiệp , về quê anh cắm câu,
Câu con nhái bầu,
Anh ngắt cái đầu,
Rồi anh đem nó đi kho .....ó ó ó tiêu. ...hé hé. ...
Tiếp theo, 6 Đờn cò phụ họa bằng câu xề cải biên :
- "Ăn tăng đồng súp lê xà lúp,
Tú sơ là xà cúp mông cưa
nàng ơi tim mõa đu lưa
nàng dìa bên Mẽo bao giờ mới gặp nhau? ! ..!"....... . he he ( * 1)
Sợ tư Lê buồn, hai Nhỏ nạt :
- Thôi ! tụi bây đừng có chọc ghẹo nó nữa. Hoàn cảnh nó bây giờ tụi bây phải thương nó nhiều hơn chớ !
Nghe nói thế, trong thâm tâm tư Lê rất thương và nể phục người anh kết nghĩa này. Không biết bao giờ mới đền đáp.
Đêm đó, tư Lê đóng một giấc tới sáng bét giữa "bãi chiến trường" ly, chén , mồi nhậu lạnh tanh, còn"chiến hữu" rút quân từ hồi nào.
Rồi một ngày mới lại đến với tư Lê. Anh chống xuồng trôi theo dòng nước về hướng bảy Ngàn. Lục bình trôi lên trôi xuống theo tiếng kêu bìm bịp báo nước lớn nước ròng .
Trên bờ, hàng bông điên điển trổ bông tỏa màu vàng rực trong nắng sớm, lòa xòa xuống mặt nước tạo nên quang cảnh tuyệt đẹp của buổi bình minh.
Theo lộ trình mà dân địa phương đặt ra từ ngày xưa là từ ngã Bảy Phụng Hiệp đi vào, cứ 1 cây số là ấp một Ngàn, 2 cây số là 2 Ngàn và 7 cây số là. .....7 Ngàn . Thời điểm năm 77,người dân đi chuyển từ mười mấy ngàn ra ngã Bảy đều dùng đường thủy vì hai bên sông là đường đất rất khó đi, nhất là về mùa mưa thì càng gian nan ,bùn lầy nhão nhoẹt . Ngày nay, hai bên sông là lộ cán nhựa phẳng phiu. Thảo nào con bé đặt may áo dài đi vèo 1 cái từ Bảy Ngàn tới xuồng tư Lê từ sáng sớm.
Ngày ấy Bảy Ngàn nổi tiếng nhiều tôm cá, rắn, chuột đồng . Tư Lê thường đi ghe vào đây để săn bắt có khi đến tối mịt mới về trụ ở bến đò nhà hai Nhỏ.
Nếu đi từ ngoài vào khoảng sáu Ngàn thì đã thấy từ xa sừng sững một tòa nhà to lớn mà người ta thường gọi là "Lầu Trắng ". Nghe nói ngày xưa là dinh thự và kho lúa của "Ông Tây"nào đó, bây giờ trở thành hoang phế. Khi đến gần người ta thấy rõ hơn lổ chỗ hàng ngàn vết đạn trên "thân thể" nó .
Lầu Trắng ( vì được quét vôi màu trắng ) vẫn còn đó. Chiến tranh qua đi ,nó vẫn trơ gan cùng năm tháng với thân thể đầy thương tích. Không biết "ông chủ Tây"đã nằm xuống nơi mảnh đất này hay đã về cố hương? Người chết cứ chết, người sống cứ sống. Bánh xe lịch sử, bánh xe luân hồi vẫn mãi lăn, mãi lăn. ..... ( * 2)
1982 ,thắm thoát mà tư Lê về đây được 6 năm . Sáu năm lênh đênh trên sông nước. Giờ đây anh thuộc nằm lòng từng ngõ ngách, bờ, bụi của con sông từ ngã Bảy vô tới. ...Mười ba ngàn. Chỗ nào cá tôm hay trú ẩn anh biết ráo. Và giờ đây anh cũng là một tay lặn có hạng trong vùng, không như những ngày đầu mới xuống . Và điểm lại từ hồi xuống đây tư Lê học được hai nghề tuyệt chiêu là săn bắt cá đồng do các chiến hữu Một Ngàn chỉ bảo sau mấy chầu nhậu quắt cần câu thọ giáo và ngón đờn cổ với cây đàn ghi ta phím lõm ( * 3) do sáu Đờn cò chỉ dạy. Từ 6 câu cho tới các bài bản như xàng xê ,sơn đông hớn mã, xuân tình, ....Tư Lê đều đờn được tuốt.
Lúc nầy xuồng anh "đóng đô" ở Ngã Bảy nhiều hơn, không còn trụ ở bến nhà hai Nhỏ như trước nữa. Vì sau khi thu hoạch cá tôm xong, anh dông thẳng ra chợ nổi ngã Bảy "giải quyết" luôn rồi lâu dần thành cư dân nơi chợ nổi nầy.
Những ngày đầu xuống đây, chợ ngã Bảy cũng có lúc hợp lúc tan. Sau khi bà con đem nông sản thu hoạch được ở vùng sâu, họ đem ra đây để trao đổi hàng hoá với nhau . Người mua kẻ bán rất rôm rả . Nhưng khi xong việc, ghe xuồng rút lui, ai về nhà nấy.
Nhưng rồi dần dần khu vực ngã Bảy Phụng Hiệp trở thành điểm hẹn của dân trong vùng và các vùng phụ cận. Người mua kẻ bán tấp nập hơn . Giờ đây xuồng ghe lúc nào cũng 24/24 dày đặc như một cái xóm nổi. Người ta bán đủ thứ, từ nông sản trong quê đem ra, tới thức ăn như cơm, cháo, chè , quán nhậu, kể cả bán thuốc Đông dược( thuốc Bắc ) , Âu dược (thuốc Tây ) ..v.v... đều trên ghe thuyền cả và người ta có thể di chuyển bộ từ chỗ này qua chỗ kia bằng cách bước qua những chiếc ghe đậu san sát nhau.
Tư Lê đã hoà nhập với cuộc sống như vậy .
Thế rồi áng chừng cuối những năm thập niên 80, lác đác một số trường trung học trong tỉnh cho học sinh mặc lại. ...áo dài. Các cô giáo cũng tìm lại mấy chiếc áo dài cũ bỏ treo trong tủ cả chục năm, tưởng chừng như quên lãng theo thời gian. Thôi thì tân trang lại cho nó vừa với khổ người hiện tại để lên đứng lớp cho nó. ....lịch sự.
Cô về điểm phấn tô son lại,
Nhạo với nhân gian một nụ cười.
Sáng sáng, chiều chiều, nhìn đám học trò với áo dài trắng tung tăng trên lộ khiến tư "ngứa nghề". Rồi một hôm tư Lê dông ghe về một Ngàn . Vừa cập bến nhà hai Nhỏ tư Lê hí hửng :
- Cái tấm bảng NHÀ MAY TƯ LÊ anh còn giữ không? Cho tui lấy lại nha.
Hai Nhỏ ngạc nhiên :
- Thì tao vẫn còn treo ở sau vách bếp đó. Mà. ....chú mầy lấy lại mần chi vậy?
- Thì tui định trở lại nghề may. .....áo dài anh hai ơi.
Thoáng nhíu mày suy nghĩ, hai Nhỏ chợt vỗ vai tư Lê cái bốp thiếu điều muốn xệ vai :
- Hay đó! Chú mày tính như vậy là có lý lắm. Hiện nay tao thấy phong trào mặc áo dài đang bắt đầu "sung " trở lại. Nội cái đám học trò không thôi thì chú mầy làm không xuể đâu, tha hồ hốt bạc. Hơn nữa, vùng này còn mấy ai biết may áo dài đâu? .Thất truyền hết rồi.
Vậy là chiều hôm đó, hai anh em hì hụi tháo tấm biển NHÀ MAY TƯ LÊ bị đóng đinh cứng ngắt sau bếp, đem xuống gắn lên chiếc xuồng đồng thời khiêng luôn xuống cái bàn máy may bám bụi sau gần chục năm không sử dụng .
Vì cái tấm biển dài quá cỡ nên tư Lê phải treo nó theo chiều dọc của mui ghe. Cầm trên tay cái giẻ lau. Từng chữ trên tấm biển hiện rõ dần sau lớp bụi dày :
NHÀ MAY TƯ LÊ CHUYÊN ÁO DÀI
Bảo đãm quí bà quí cô , quí ông hài lòng
Lưng ong - tà úp - eo thon
Sau gần một buổi kỳ cọ, tấm bảng được phục hồi gần như mới. Tư Lê cảm thấy hài lòng. Giờ đây cái "nghề của chàng" được dịp tung hoành trở lại. Nhìn tấm biển, tư Lê nhớ lại những ngày hạnh phúc bên vợ con mà lòng buồn vô hạn. Tấm biển này cũng trôi nổi như cuộc đời anh. Từ Sài Gòn nó cùng tư Lê vượt gần 300 cây số để tới vùng sông nước này và "ngủ " Đông suốt thời gian dài ,nay chợt thức dậy cùng chủ nhân tiếp tục nghiệp tiền định.
Và những ngày sau đó, trên vùng sông nước thuộc lưu vực ngã Bảy, người ta thấy một chiếc xuồng vừa. .... quen vừa lạ rong rủi trên kênh rạch. Quen là vẫn chiếc xuồng đó, vẫn ông chủ tư Lê ngồi trên đó với chiếc máy đuôi tôm Kohler nổ máy phành phạch rẽ sóng lướt đi. Nhưng lạ là ở bên hông chiếc xuồng có tấm biển ngồ ngộ mà từ trước tới giờ chưa ai từng thấy, đó là : NHÀ MAY TƯ LÊ CHUYÊN ÁO DÀI.
Tiếng lành đồn xa, cha mẹ các em học sinh đến đặt may áo dài cho con ngày càng nhiều, nhất là dịp tựu trường. Có những nhà vì xa quá không tiện ra ngã Bảy thì tư Lê cho xuồng chạy tới nhà phục vụ may đo tại gia dù nhà đó xa ở "hốc bà tó" nào tư Lê cũng tìm tới. Dần dà , chiếc xuồng với ông chủ tiệm may là tư Lê trở thành nhà may di động nổi tiếng khắp vùng mà không còn tiếng " tư Lê sát cá" nữa.
Chiều nay mưa nặng hạt. Trời tháng bảy mưa ngâu có khác. Ngồi bó gối bên ly cà phê đen ở trong xuồng, nhìn màn mưa trắng xoá bên ngoài tư Lê càng thấm thía nỗi buồn không gia đình của mình. Thằng Lai và Ngọc Hân giờ này ở đâu sao chẳng thấy tăm hơi . Thằng Lai giờ này chắc phải là một người đàn ông mạnh mẻ. Nếu tính đến năm 97 này thì nó cũng đã 26 tuổi rồi! Mau thiệt!
Lai ơi, có biết ba nhớ con nhiều lắm không?
Từng giọt mưa tí tách rơi từ mui ghe xuống mạn xuồng. Đều đều như tiếng mõ,gõ nhịp không nguôi. Bánh xe lịch sử, bánh xe luân hồi vẫn cứ lăn, cứ lăn không ngừng nghỉ.
Bất giác tư Lê với lấy cây đàn ghi ta ( guitar ) phím lõm 5 dây treo bên vách mui ghe dạo một đoạn cổ nhạc rồi xuống xề :
" tưởng giếng sâu tui nối sợi dây dài,
hay đâu giếng cạn tui tiếc hoài sợi dây! "..........
Viết xong tối 17.11.2017
Chú thích :
(* 1) : đây là bài ca cổ trong dân gian sáng tác để "chọc quê " mấy cô ca-ve khóc ròng khi tiễn mấy anh lính Lê dương về nước sau hiệp định Genève 1954 . Trong đoàn Lê dương cũng có nhiều anh lính da đen Maroc đi nghĩa vụ cho Pháp . Bài này đã bị 6 Đờn Cò cải biên. Nếu đúng bản "gốc" thì như thế này :
Ăn tăng đồng xúp lê xà lúp ( Entendons soufflé chaloupe )
Tú sơ là xà cúp mông cưa ( Tous celà çà coup mon cœur )
Xừ ơi tim mõa đu lưa ( Monsieu ơi tim moi douleur )
Xừ dìa Maroc bao giờ mới gặp nhau. ?
Tạm dịch :
Nghe tiếng còi tàu rúc lên tha thiết
Khiến tan nát lòng em
Anh ơi, tim em đớn đau
Anh về Ma Rốc cách xa nghìn trùng
(* 2) Lầu Trắng
Đã được san bằng và xây dựng khu thương mại bán cho tiểu thương khoảng 10 năm rồi. Không còn dấu tích gì của một thời là kho lúa gạo của Cần Thơ ngày xưa. Thời điểm tư Lê xuống đây sống về nghề săn bắt cá và làm thợ may thì Lầu Trắng vẫn còn.
( * 3) còn gọi là đàn lục huyền cầm. Tuy lục huyền nhưng chỉ có. ...5 dây và cán đờn được làm lõm xuống để người đàn nhấn nhá tạo ra âm thanh hay tuyệt. Đàn này chỉ dùng đàn cổ nhạc.
ĐOẠN KẾT
Thưa các bạn , câu chuyện nói về cuộc đời của tư Lê tới thời điểm 1997 tạm kết thúc. Trong đó còn để ngõ : vợ con tư Lê còn sống hay đã chết? Nếu còn sống thì có quay về tìm tư Lê không? Mong rằng kết thúc có hậu hén các bạn !
Trong bài cũng để cập tới sự hào sảng của dân miền Tây Nam bộ. Vẫn mộc mạc, chân chất như lớp tiền nhân những ngày đầu đi mở cõi, những ngày lang thang sông nước với Hương rừng Cà Mau của Sơn Nam.
Thưa các bạn, sau một tháng thai nghén, sáng tác, chỉnh sửa ,đến nay tác phẩm đã đến tay bạn đọc. Có thể các bạn lướt qua bài viết chỉ không đầy 1 phút đồng hồ, nhưng đó là thành quả cả tháng trời của tui. Thích thì viết, thế thôi. Đó là đam mê từ nhỏ. Viết để tự sướng, tự vui.
Mà đã nói là "chuyện " thì cũng có cái đúng, có cái không đúng sự thật ,như rắn vẽ thêm chân cho thêm phần hấp dẫn. Cứ coi như xem để thư giản, giải trí vậy nha các bạn.
Nếu có gì không phải mong các bạn góp ý. Đa tạ.
Lê Xuân Sang
|