16/8/2015
Bài 5
Bt.Blao
B/ Xuất xứ và tên Cây :
Nó xuất hiện từ Trung quốc , Bắc Bộ, Trung bộ,Nam bộ và cà Tây Nguyên…
1/ Tên Khoa Học:
Cây gỗ Sưa: Dalbergia Tonkinensis Prain thuộc chi Dalbergia, họ đậu Fabaceae.
Ghi nhận trong Danh lục đỏ Việt Nam và được Chính phủ Việt Nam quy định trong nhóm IA của Nghị định 32/2006/NĐ-CP là loài đặc biệt quý hiếm, có nguy cơ đe doạ tuyệt chủng. Nghiêm cấm khai thác vì mục đích thương mại.( Trích)
Trên khoa học là Dalbergia Tonkinensis Prain ?
Theo danh pháp nếu viết đúng phải là Dalbergia tonkinesis Prain Ta hiểu là cây trắc này ở miền bắc, phia bắc , do ông David Prain nhà thực vật người Anh tìm ra.
Song Song đó Cây Trắc trắng có tên khoa học là Dalbergia boniana Gagne. Cây này do ông Francois Gagnepain người Pháp tìm ra.
Cây trắc ở miền nam tên khoa học Dalbergia cochinchinensis Pierre. Cây này do ông Pierre người Pháp tìm ra.
Về cách viết, ta thấy chữ tonkinensis, bonian,cochinchinensis.. không viết Hoa. Còn tên của người tìm ra như Prain, Gagne, Pierre … phải viết theo mẫu chữ khác so với kiểu chữ tên khoa học.
2/Tên Việt Nam : Cho đến bây giờ qua các phương tiện truyền thông, báo viết, báo mạng ta có các tên sau :
Sưa – Sưa Đỏ - Sưa Trắng –Trắc trắng –Trắc Thối – Cẩm Lai Bắc Bộ - Huỳnh Đàn- Huỳnh Đàn Đỏ - Huỳnh Đường – Hoàng Đàn – Huê Mộc – Hoàng Hoa Lê – Hoàng Hoa Lý – Thàn mát – Trắc Thối Giao Chỉ.
Như vậy là có đến 15 cái tên, có nhiều lắm không ? có đúng như thế không ? xin mời quí vị hãy vào mạng gõ hai chữ Cây Sưa quí vị sẽ thấy.
Với số tên như thế nhưng dò tìm, tra cứu trong Sách Cây Cỏ Việt Nam của Phạm Hoàng Hộ ta thấy ( Tôi chỉ có bộ sách này, không rỏ có bộ sách nào nói về cây rừng Việt Nam nữa không ?):
1- Cây Sưa còn có tên là Trắc Trắng,tên khoa học là Dalbergia boniana . Gagn. Thuộc họ đậu Papilionoideae ( Cây Cỏ Việt Nam quyển 1 trang 885)
2-Cây Hoàng Đàn tên khoa học Chamaecyparis funebris Endl. Thuộc họ Tùng Cupressaceae (Cây cỏ Việt Nam trang quyển 1 trang 224)
3-Cây Huỳnh Đàn có nhiều giống xuât hiện nhiều ở rừng từ Tây nguyên cho đến đồng bằng Nam bộ ví dụ Huỳnh Đàn Nam Bộ tên khoa học là Dysoxylum cyrtophylum. Miq. –Huỳnh đàn Biên hòa tên khoa học là Dysoxylum hoaensis .Pell.Thuộc họ Meliaceae (Cây cỏ Việt Nam quyển 2 trang 392 )
4- Cây Thàn Mát : Milletia ichthyotona Drake. thuộc họ Fabaceae( Cây Cỏ Việt Nam quyển 1 trang 895)
Như thế Cây SƯA còn gọi là TRẮC TRẮNG, TRẮC THỐI, HUÊ MỘC không phải là cây HUỲNH ĐÀN và cũng không phải là Cây HOÀNG ĐÀN.
Trong ba loại đó cây Sưa và cây Huỳnh đàn có lẽ hình dáng cây và lá gần giống nhau (nhận xét qua loa cho là hai cây tương tự nhau. Thật sự là rất khác nhau ?) Để rồi từ cây Huỳnh Đàn với cây Hoàng Đàn là một sự cách biệt hoàn toàn về dáng cây lá…vì Huỳnh đàn họ Meliaceae còn Hoàng đàn họ Cupressaceae, sự nhập nhằng diễn ra do tên của 2 cây một bên là chữ Hoàng một bên là chữ Huỳnh, mà tiếng Việt ta xem hai tiếng Huỳnh và Hoàng nghĩa như nhau? Như vậy là nhầm lẫn cây Huỳnh đàn thành cây Hoàng đàn
Nói theo góc độ bình thường sự lẫn lộn này có thể do cố ý với mục đích tôn vinh thêm cái quí, cái hiếm của loại cây gỗ mà người ta muốn giới thiệu ? Khi nói đến cây Sưa thì lấy cây Huỳnh đàn, khi nói đến Huỳnh đàn thì lấy cây Hoàng Đàn làm đối chứng về giá trị của cây gỗ.. Thực sự các cây trên hoàn toàn khác biệt nhau về tính chất cây, về họ thực vật về cả phân bố vùng đất sinh sống nữa.
Không rỏ vấn đề cây cối ngành chuyên môn có ý kiến gì không , riêng về mặt truyền thông thể hiện trên báo đài thiết nghĩ làm sao cho người đọc, người nghe hiểu được điều mình muốn đề cập chứ không phải chỉ cứ rập khuôn sao chép. Và cũng nên biết rằng việc đặt và gọi tên cây là một khoa học đã được thống nhất trên toàn thế giới.
***
….Tôi đang ngồi trên một toa xe lửa, xe chạy khá chậm, vì đang leo dốc. Quanh tôi người ta đang xầm xì : Oh la la, Belle vue, belle vue…Thì một người cao to mắt xanh mũi lõ, mới nhìn như diễn viên điện ảnh Robert Hải của Việt Nam, ông ta đưa tay chào tôi, rồi nói giọng lơ lớ :
– Chao ông, tôi là Paul Doumer, hân hạnh gặp ông và chuyển lời của mẫu quốc mời ông về làm Viện Sĩ Hàn Lâm cho nước Đại Pháp chúng tôi, mong ông suy nghĩ chấp nhập, Chúng tôi đang đợi đề tài nghiên cứu của ông.
Tôi chưa kịp định thần thì tiếng còi xe lửa hú lên, tiếng máy gầm to, trời tối xầm lại , thì ra xe lửa đã chui vào đường hầm.. định tâm nhớ lại thì ra tôi vừa được gặp toàn quyền Đông Dương trên chuyến xe lửa về Đa lạt dự lễ khánh thành khách sạn Palace. Và tôi nghĩ ra rồi cái chuyện về cây Sưa này đã làm động đến giới khoa học lâm nghiệp của nhà nước Pháp, họ nghe tôi đang tìm hiểu giới thiệu cây này, công trình to lớn này đã làm cho họ chú ý và hứa phong cho tôi làm viện sĩ hàn lâm ? dù rằng để chỉ trả lời cho hai ông bạn vàng của tôi ở miệt đồng bằng miền tây Nam bộ.
Rồi tiếng còi tàu lại hụ lên , ánh sáng bắt đầu lờ mờ, Ngài toàn quyền không còn ngồi ở đó nữa, tôi lại thấy một ông tây khác, cũng mũi lõ mắt xanh bận bộ đồ Kaki vàng đội nón cối có bộ ria như của Hitler, như chừng nhảy từ rừng cây bên ngoài vào toa xe, chạy xầm xập vào chỗ tôi ngồi mặt hầm hầm giận dữ, rút trong túi ra một mãnh giấy để vào tay tôi rồi vụt nhảy ra khỏi cửa toa, nhanh như chớp, nhanh như lúc nhảy vào. Người tôi bỗng rùng mình, vì không khí lạnh bao trùm, quanh tôi những chiếc ghế trống trơn dù rằng xe vẫn băng băng …Tôi vội mở tờ giấy ra đọc, thì thấy loại chữ viết khá kỳ lạ” Trên đầu tờ giấy có dấu ấn và vương hiệu của Napoleon, còn chữ viết không phải chữ Pháp, chữ Nga, chữ La tin, chữ Anh và cũng không phải cả chữ Koho nữa.
“ Kao nghè,
Toi bit nghè lang tềm hiuu kuve kai kay cưa, zin tra lòi rúc khóc kho nghee là : ngùi Al Neam kiua qvui vy tich kay lào tì jọi nó la kay cưa.
Kao nghee.
Thì ra đây là chữ Quốc ngữ đầu tiên, do giáo sĩ Alexandre de Rhodes biên soạn , xin đọc là “
Chào Ngài,
Tôi biết ngài đang tìm hiểu về cái cây Sưa, xin trả lời đứt khoát cho ngài là, Người An Nam của quí vị thích cây nào thì gọi nó là cây Sưa. Chào ngài.
Ngoài chữ ký loằng ngoằng thì tôi đọc được hàng chữ Pháp in rất rỏ ràng bằng mẫu tự Gothique là FRANCOIS GAGNEPAIN.
Trời ơi, tôi vừa gặp nhà thực vật học người Pháp, người tìm ra cây Sưa, tôi vội lao ra cửa nhìn theo may ra còn kịp nhìn được dung nhan của người hoặc thỉnh người lại để xin diện kiến và hỏi đôi điều dù rằng ông ta có vẽ giận dữ. Và tôi điếng người vì chiếc xe tôi đang ngồi, không chạy trên đường ray mà đang bay lờ lững trên mây…..
***
-Bác ơi, chuẩn bị xuống trạm .
Giật mình thức dậy, tôi đang ở trên xe giường nằm Phương Trang, người vả mồ hôi vì vừa qua một cơn mơ kỳ lạ. Tôi vẫn còn giữ nguyên tờ giấy trên tay , lơ mơ cố nhướng mắt đọc :
Bệnh viện Tâm Thần Trung Ương 2 thành phố Biên Hòa,
Tên bệnh nhân :: BTBlao,
chẩn đoán : Bệnh loạn thần do lạm bàn về cây cối.
Chỉ định; uống thuốc đủ liều, đúng giờ - Không được uống rượu và hút thuốc lá. Không được nói chuyện về cây cối nữa.
Không còn chối cải gì nữa, tôi đã điên vì chuyện cây Sưa, tôi đã có những ngày tháng vô cùng thú vị ở trong nhà thương điên Biên Hòa, ồ nhiều chuyện buồn cười lắm, chuyện điên mà.
Theo toa của Bác sĩ tôi không được nói chuyện về cây cối nữa, vì khi đề cập đến vấn đề này, sẽ bị tăng máu, lên cơn, sẽ đột quị và sẽ đi an dưỡng tại Biên Hòa nữa. Vì vậy,tranh thủ khoảng thời gian ngắn ngủi trước khi về đến nhà, tôi xin mượn ý của GS Phạm Hoàng Hộ viết trong bài THAY LỜI TỰA ở đầu mỗi quyển Cây Cỏ Việt Nam về việc trồng cây “mỗi người trồng một cây, nhiều người cùng làm như thế thì ta sẽ có một ta sẽ có một khối đồ sộ”.
Vậy xin chuyển đến Ông Nguyễn Trung Quân và Võ Thanh Nghi , cảm ơn quí vị đã trồng thêm một số cây, làm phong phú thêm , xanh thêm cho trái địa cầu của chúng ta. Còn cái chuyện sẽ bán một ký mười mấy triệu đồng xin đừng nghĩ đến, xin quí vị quên đi, quí vị không hưởng được đâu vì cái cây có cả chục cái tên có cả trăm cái quí, cái lợi ích ấy, cái cây không tưởng ấy chắc gì sống mạnh sống khỏe cho quí vị hưởng, dẫu đến lúc cho quí vị hưởng được, thì lúc đó quí vị cũng như tôi theo Phật theo Chúa chu du lên tận sao hỏa, lúc mà tờ lịch treo tường sẽ ghi số 3015 .
Tôi vô cùng xin lổi, nói thế không phải là chạy làng, là xù, là trớt quớt đối với lòng tin cậy của hai vị Nguyễn Trung Quân và Võ Thanh Nghi, bạn bè nhờ đỡ góp ý giúp tìm cơ hội làm giàu thế mà tôi toàn là chuyện đâu đẩu đâu đâu không hà. Toàn là bàn lui ? nhị vị thấy rồi đó, cũng vì cái cây này mà tôi đã điên. Tôi bàn lui cũng chỉ vì cái cây này có sự sống sự chết, có bệnh hoạn có tai nạn, lại để ngoài sương ngoài gió, phải đóng kiềng phải canh giữ. Rồi đến lúc khai thác giá cả bao nhiêu ? được giá như bây giờ không? Mua bán cách nào??
Bây giờ tôi xin bàn tới đây:
Đề nghị quí vị trồng một loại cây mới, nó cũng có nhiều tên, nó cũng đã nổi danh từ ngàn xưa, rất dễ dàng trồng trỉa, mua bán lại công khai, mà giá cả rất cao, một lạng cả trăm triệu cho nên 1kg gỗ sưa giá mười mấy triệu thì nhằm nhò gì?
-Hỏi rằng cây gì mà quí thế? Có thật không? Muốn trồng thì phải làm sao?
Thưa rằng : Hạt giống hiện bán tại các hiệu Kim Hoàn, từ Bắc chí Nam chỗ nào cũng có.
-------------------------------------------------------Bt.Blao