(Phần 2 )
NGƯỜI CHA NUÔI
Xe đò của chúng tôi đến Dốc Mơ - Gia Kiệm. Ông già hỏi tôi xem chốc nữa tôi xuống xe ở đâu. Tôi giải thích rằng tôi phải ghé lại ngay ngã tư Thủ Đức và đi bộ 100 mét thì đến trường.
Ông chìa ra môt tờ giấy bạc hai đồng.
-Cậu cầm lấy để làm lộ phí. Đi xe đò xuống bến xe trên đường Petrus Ký nhé! Cậu có thể đi bộ qua đường Phan Thanh Giản nhé, đến hẻm số 374. Cậu cứ hỏi tên tôi, ai cũng biết:”Ông Năm Thương Binh”. Mà này! vào hẻm sâu hai, ba cua quẹo gì đó. Sáng chủ nhật tôi chờ cậu, khoảng 9 giờ rưỡi cậu nhớ không? Hai cha con tôi mong gặp cậu lắm đó nghen.
Tôi như lại bị thôi miên thêm một lần nữa. Tôi cầm tờ giấy bạc, đút ngay vào túi áo. Tôi lập lại địa chỉ và hứa sẽ đến đúng giờ. Ông Năm Thương Binh nhìn tôi xuống xe, vẫy tay chào tạm biệt và trên đôi môi thâm đen đó tôi nhận thấy một nụ cười, rất nhân hậu, rất hiền lành và bao dung.
Hôm chủ nhật ấy, tôi cứ mãi mong cho trời mau sáng. Tôi lựa một bộ đồ rất phù hợp với Ông Năm- áo ka ki ba túi hơi sờn cũ, quần ticket nhung nâu, cũng đã rất bạc mầu, cái mũ bê rê đen, cái túi khoác vai màu nhà binh- rất sinh viên của thời ấy. Tôi đón chuyến xe buýt 8 giờ và đến con hẻm đã định trước nửa tiếng. Tôi thấy mình bồn chồn, lo lắng tôi nhớ lại nhân vật Vân Hùng trong những vở kịch của Kim Cương và tự hỏi không biết liệu rằng ông Năm có rủ tôi làm chuyện gì bậy bạ không? Ông có ý gì xấu xa không! Tôi phải hỏi mấy lần mới tìm ra nhà ông Năm. Tôi đi qua đi lại nhiều lần vì chưa đến giờ hẹn. Tôi ghé vào một quán cà phê cóc khá gần đó. Gọi một ly cà phê đen, tôi lân la hỏi chuyện bà chủ quán.
- Phải đó là nhà của ông Năm Thương Binh không vậy bác?
- Đúng rồi. Cậu tìm ông Năm chi vậy? Tôi chưa thấy có ai đến thăm ông ta cả.
- Dạ cháu là bà con xa… mới gặp lại Ông Năm hồi tuần rồi.
Thấy cửa nhà ông hé mở, tôi vội trả tiền và bước nhanh đến trước cửa nhà. Tôi ngạc nhiên y như cô gái nhỏ trong nhà khi nhìn ra tôi vậy.
- Em ơi! Có phải đây là nhà của ông Năm không em? Có ổng ở nhà không em?
Không trả lời hoặc vì lung túng mà quên bẵng đi. Cô bé quay về phía sau một chút kêu lên, một giọng rất thanh tao:
- Ba ơi! Có ai kiếm ba nè, Ba ơi.!
Một giọng nói quen thuộc vọng ra từ sau cái màn dơ bẩn cũ mèm bằng loại vải thô rẻ tiền.
- Con mời anh vô nhà đi con. Ba ra tới giờ. Chờ tôi một chút nghe cậu.
Cô bé đẩy cái cánh cửa một cách nặng nhọc. Con bé trông gầy còm, mái tóc dài không được chải chuốt, bộ đồ nhầu nát như mới vừa từ lấy xuống từ sào quần áo chưa được xếp lại vậy.
Tôi nhận ra ngay 2 khuôn hình đen trắng của hai người trên cái tủ ly gần như trống không. Một cái lư hương đầy chân nhang. Tôi cũng liếc nhìn quanh căn nhà chừng 30 mét vuông này. Ở góc trái cửa, có một bàn học sinh còn rất mới. Trên cái bàn xinh xắn ấy, có một cái kệ sách vừa tươm tấc vừa sạch sẽ. Chắc phải có một tay của một người đàn bà khéo léo để trang hoàng góc học tập này.
- Cậu chờ tôi có lâu không? Nãy giờ tôi lo làm bếp. Lát nữa ở lại ăn cơm trưa với hai cha con tôi nhé. Vân nè! Con đi ra góc hẻm này mua cho ba một bó rau muống nữa đi con. Nè nói với bà Tám lựa rau non nghen con.
Chờ con bé vừa ra khỏi nhà, chỉ tay về hai bức hình thờ, ông ta nói ngay với tôi:
- Long và vợ nó đó cậu còn nhớ chuyện tôi đã kể không- ba má của Long Vân đó?. Tôi mang con bé về làm con nuôi từ sau ngày giải phóng. Cháu học yếu và cô đơn nữa. Tôi muốn nhờ cậu dạy kèm cho cháu vài môn, nhất là toán. Hằng cuối tuần cậu về đây, ở đây với chúng tôi. Có muối ăn muối, có mắm ăn mắm. Hay là chiều chiều cậu đón xe buýt về đây nghen?
Ông liếc mắt nhìn tôi như để thăm chừng phản ứng của tôi trong khi tôi nghiêm chỉnh ngồi chờ ông tiếp tục.
- Tôi có đi làm ăn xa cũng yên tâm. Cậu đã về Bảo Lộc như về quê được. Tôi rất mong cậu coi căn nhà tồi tàn này như nhà của cậu vậy, bé Long Vân như em ruột của cậu vậy. Tội nghiệp con nhỏ lắm. Tôi đi buôn bán hoài có khi phải khóa cửa, gởi cháu qua bên nhà ông bà Bảy ngoài đầu hẻm đó.
Long Vân vừa bước vô nhà, ông Năm cũng vừa nín bặt. Quay sang cô bé, ông nói cái cách của một bà mẹ.
- Con vô đằng sau lặt rau, rửa sạch xong, con luộc cho ba luôn nhe con. Nè con có nhớ bỏ vô một muỗng cà phê muối không con.
Cả hai chúng tôi chờ đến khi Long Vân ra hẳn phía sau rồi. Tôi dành nói trước.
- Thưa bác! Con phải…
- Cậu đừng có ngại. Khi cậu kể cho tôi nghe về cậu, tôi biết ngay là tôi có thể tin tưởng cậu như người trong nhà này. Cậu có muốn làm anh của con bé Vân không nè? Nó vừa thiếu tình thương vừa thiếu thốn vật chất. Tôi cố đi làm để lo cho nó. Tôi đang để dành tiền để mua căn nhà này. Tôi có chết đi, con nó có chổ để ở.
Tôi thật sự cảm thấy quá ngỡ ngàng không biết phải nói sao. Tôi chưa bao giờ được ai đề nghị điều gì đột ngột quá như thế này. Đời tôi chưa có khi nào được suông xẻ như thế này. Tôi sẽ có một nơi để về hàng tuần, có một em gái để chăm sóc dạy dỗ, có bửa cơm do chính tay tôi nấu.
- Hồi còn bé tôi bị bệnh quai bị nặng. Bác sĩ bảo tôi khó lòng có con được nên không nghĩ đến chuyện có vợ. Tôi coi bé Long Vân như con ruột vậy. Nếu tôi có lấy ai đi chăng nữa, họ làm sao chăm lo cho con bé bằng tôi được. Tôi ít học không thể dạy cháu học. Cậu giúp hai cha con tôi nhé?
Tôi trả lời một cách nghiêm nghị,
- Thưa bác! Cháu cần có ít thời giờ để suy nghĩ và để cháu xem xem em Vân có quý mến cháu không? Có chấp nhận cháu không? Có thật muốn chăm học?
- Tôi nuôi con bé được hai năm nay rồi. Nó rất ham học. Cháu chỉ mong học giỏi để sau này phụng dưỡng tôi thôi.
Tiếng của Long Vân cắt lời chúng tôi.
- Thưa ba! Con luộc rau xong rồi.
- Con lại đây.
Ông vừa ra lệnh vừa vỗ về. Vươn tay ra, kéo Long Vân vào lòng, ông ôn tồn nói.
- Đây là anh Thành. Con chào anh đi. Ba mời anh Thành đến hôm nay để ảnh biết con. Ba nhờ anh dạy kèm cho con các môn con học yếu. Ba còn biết anh ấy đàn ghi ta hay lắm. Con muốn học chơi đàn không?
- Dạ muốn! Con muốn anh Thành ở đây với mình. Con sẽ học giỏi. Con sẽ đàn cho ba nghe. Con sẽ làm mọi thứ để ba vui lòng, nhe ba, nhe anh, con mừng quá!
Cô em gái đỏ bừng đôi má. Hai mắt đen nhánh hơi ứa lệ. Tôi cũng cảm thấy xúc động bởi câu nói thật đơn giản, thật rõ ràng của Long Vân.
(còn tiếp)