Nhật Bản không chỉ có hoa anh đào.(tt)
3/Người Nhật biến mất. Xã hội Nhật tôn trọng tối đa quyền tự do cá nhân, và không quản lý người theo hộ khẩu, tức là người Nhật…. không có hộ khẩu, nên họ có quyền sống ở bất cứ đâu trên đất nước mình. Có tiền thì mua nhà ở trung tâm, không tiền thì ở tỉnh lẻ xa xôi hẻo lánh, không lo chuyện đường xa hay kẹt xe đi làm trễ, vì hệ thống giao thông công cộng của Nhật rất hiện đại, chuyện một người ở tỉnh lẻ mà vẫn hàng ngày đi làm tại thủ đô rồi trở về nhà trong cùng ngày là bình thường. Chính vì không bị quản bằng hộ khẩu nên họ có quyền đi bất cứ đâu mà không bị tra xét, vì vậy, khi vướng vào mặc cảm nào đó trong cuộc sống (nợ nần, thất tình, đổ vỡ hôn nhân, thất nghiệp…), họ sẽ tự dưng biến mất khỏi nơi cư trú, ẩn mình đâu đó mà người thân cũng vô phương tìm kiếm. Chính quyền không quản lý, nên dù gia đình có nhờ chính quyền can thiệp cũng không được. Họ chỉ can thiệp khi người mất tích phạm pháp mà thôi.
4/Người Nhật vô gia cư. Những tưởng xã hội Nhật văn minh, giàu có như thế thì sẽ không có người vô gia cư. Có đấy, có nhiều là khác. Chỉ một buổi sáng sớm đi tham quan Hoàng Cung ngay thủ đô Tokyo, chúng tôi đã đếm được không dưới chục người vô gia cư nằm rải rác dưới những gốc cây cổ thụ trong công viên trước Hoàng Cung. Họ còn ngủ vì lúc ấy chưa đến 8 giờ sáng, bên cạnh chỉ có một cái túi nhỏ, chứa toàn bộ gia tài trong đó. Chỉ có vậy, từ ngày này sang ngày khác, mà không bị “dọn dẹp”, vì Nhật quan niệm: họ đâu có làm gì phạm luật. Họ vô hại, và không làm phiền ai. Họ là những người, có thể vì thất nghiệp nên không có tiền trả tiền thuê nhà, phải ra đường ở (nhà bên Nhật rất đắt đỏ, nên không dễ sở hữu, vì nhà cửa đất đai hoàn toàn của tư nhân, tư nhân chính là người định đoạt giá cả thị trường). Những người dọn dẹp công viên giúp người vô gia cư bằng cách né mấy gốc cây có người nằm, quét lá xa xa, giúp họ “ngon giấc”. Đến khoảng chín giờ sáng, họ biến đâu mất. Chắc nhắm thấy đã tới giờ đông khách du lịch, họ tự động trả lại mặt bằng công viên sạch sẽ như mọi ngày. Đối với người vô gia cư, chỗ ở là gốc cây công viên, đồ ăn thì đã có những đoàn thiện nguyện thu gom thức ăn ế cuối ngày từ những cửa hàng tiện lợi phát chẩn cho. Một điểm đáng khen của người Nhật là họ không bao giờ ăn xin, đói thì chịu nhịn đến chết chứ không bao giờ ngửa tay xin xỏ. Nếu ta bắt gặp người ăn xin thì có thể đó là một người ngoại quốc sống trên đất Nhật.
Ở Nhật có mô hình “khách sạn con nhộng” (capsule hotel), giống như một loại túi ngủ, giá rẻ, để ngủ qua đêm, tránh mùa lạnh cho những người gần như homeless. Giống y như cái kén, chỉ ngồi hoặc nằm cong cong chứ không đứng được, nhưng cũng đủ tiện nghi để “sống sót”: có đèn, có bàn viết, có mền, gối….Người nào lỡ đi quá khuya không thể về nhà (vì ban đêm tiền vận chuyển mắc gấp 10 lần buổi sáng) thì cứ việc ghé vào capsule hotel hay những quán internet 24/24, uống ly cà phê là coi như qua đêm yên ấm.
5/Người Nhật trầm cảm. Xã hội quá hoàn hảo, khuôn mẫu, khiến người Nhật phải sống ép xác, dễ lâm vào tình trạng bế tắc. Chỉ cần trong một giây phút cô đơn mất phương hướng, họ sẽ hành động điên rồ. Cạnh chân núi Phú Sĩ là khu rừng Aokigahara, khu rừng tự sát, nổi tiếng là địa điểm lý tưởng để tự tử, không kém cầu Golden Gate của Mỹ, là nơi mà mỗi năm có hàng trăm người đến đây tự kết liễu cuộc đời, đến nỗi chính quyền phải dựng ngay ở cửa bìa rừng bảng cảnh báo “hãy suy nghĩ kỹ trước khi tìm đến cái chết”, bởi cánh rừng này là nơi chỉ có vào mà không có ra, dù chỉ là định “vào rồi ra”, đã cẩn thận đánh dấu con đường bằng cách treo những dải dây trên cây. Nơi đây được mệnh danh “biển cây”(jukai), khu rừng nguyên sinh với thảm thực vật dày đặc, lá trên cao giao nhau không một kẽ hở, dưới đất thì vô số những hang hốc, dây nhợ rễ cành rậm rạp. Điều đặc biệt, vào đây la bàn không hoạt động được, nên không thể làm gì khác là loay hoay trong rừng đến chết, dù có hối hận mà thay đổi ý định, cũng đành chịu vì không thể tìm được lối ra. Ngoài ra, trong văn hóa Nhật có một sự kiêu hãnh là …tự tử khi bị xúc phạm hoặc tự ái (harakiri, mổ bụng tự sát kiểu chiến binh samurai), thế nên khi thất bại (thất nghiệp, thất tình, thất thế, bí bách trong cuộc sống…), họ chọn giải pháp này như một cứu cánh. Thống kê hàng năm cho thấy, chết vì tai nạn giao thông ở Nhật chỉ khoảng 4000 người, nhưng chết vì tự tử lại lên đến 30.000/năm! Quả thật là một con số đáng suy nghĩ.
----------------------------------
Trên đường ra sân bay Narita, tỉnh Chiba (cách Tokyo 60km) để trở về Việt Nam, chào Sayonara (từ biệt) với bác tài dễ mến đã đồng hành cùng chúng tôi suốt 6 ngày trên đất nước Nhật Bản, trong tôi dấy lên những cảm xúc vui buồn lẫn lộn. MADE IN JAPAN, là một niềm tin có thật mỗi khi nghĩ về đất nước Nhật, con người Nhật, hàng hóa Nhật, văn hóa Nhật…..thì nay, khi trực tiếp tiếp cận với Nhật, niềm tin tuy không giảm, nhưng đã bị những trải nghiệm thực tế làm cho chúng bớt lấp lánh. Bên cạnh ánh hào quang rực rỡ khiến cho cả thế giới nghiêng mình bái phục, là những nỗi nhức nhối của thực tế xã hội làm cho rất nhiều du khách, chắc cũng giống tôi, phải xuýt xoa tiếc rẻ.
Nhưng dù sao, tôi cũng học được nhiều điều từ Nhật qua chuyến đi tuyệt vời này. Arigato, Nihon. (Cám ơn, Nhật Bản).
09/05/2017
NGUYỄN THỊ HUYỀN NGÂN
Vài nét lịch sử về quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản:
1/ Từ cuối thế kỷ 16, các thương nhân Nhật thường xuyên qua lại vùng biển Đông Nam Á buôn bán, trong đó có nước Đại Việt (đời Lê). Sang thế kỷ 17, chúa Nguyễn Hoàng cho phép thương gia Nhật Bản buôn bán và cư trú ở Hội An (Quảng Nam). Chùa Cầu Hội An là cây cầu do thương nhân người Nhật xây dựng trong giai đoạn này. Nhưng đến năm 1635, Nhật ban hành luật bế quan tỏa cảng, chỉ cho phép thương nhân Nhật buôn bán với Trung Quốc, Triều Tiên và Hà Lan nên việc giao thương với Việt Nam bị gián đoạn.
2/ Phong trào Đông Du: năm 1904 Phan Bội Châu và Kỳ Ngoại Hầu Cường Để lập Duy Tân Hội nhằm thu phục nhân tâm, tập hợp sĩ phu yêu nước, tìm cách chống lại thực dân Pháp. Năm 1905, Phan Bội Châu, Đặng Tử Kính, Tăng Bạt Hổ sang Nhật để tìm hiểu tình hình, gặp được Lương Khải Siêu (nhà cách mạng người Trung Quốc) khuyên không nên cầu viện quân sự của một nước (Nhật) để đánh đuổi một nước khác (Pháp), mà chỉ nên gửi thanh niên sang Nhật học tập cái hay của họ rồi về nước giáo dục, thức tỉnh tinh thần yêu nước của nhân dân, chờ thời cơ đứng lên chống ngoại xâm. Phan Bội Châu đã làm theo lời khuyên, từ cầu viện chuyển sang cầu học. Và phong trào Đông Du ra đời. Số học sinh xuất dương sang Nhật du học lên đến 200 người .
Cùng với phong trào Đông Du, là các phong trào Duy Tân của Phan Chu Trinh (1906) chủ trương bất bạo động “Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh” và phong trào Đông Kinh nghĩa thục của Lương Văn Can (1907), phỏng theo mô hình Khánh Ứng nghĩa thục của Nhật, mở mang dân trí thông qua những lớp học miễn phí (nghĩa thục). Các phong trào rầm rộ khắp nơi khiến Pháp lo sợ tìm cách ngăn chặn. Năm 1908, Pháp ký hiệp ước với Nhật, cho Nhật vào Việt Nam mua bán, đổi lại, Nhật phải trục xuất hết những nhà cách mạng và du học sinh lưu trú trên đất Nhật. Năm 1909, Phan Bội Châu và Kỳ Ngoại Hầu Cường Để cùng các lưu học sinh phải về nước. Phong trào Đông Du tan rã (1905-1909).
3/ Vào năm 1940, phe Trục (Đức, Ý, Nhật) lập căn cứ quân sự tại Đông Nam Á để chống lại phe Đồng Minh (Mỹ, Anh, Nga) trong thế chiến thứ hai, đế quốc Nhật có cớ xâm lược Việt Nam, chiếm đóng từ 1940 đến 1945. Dân tộc Việt Nam chắc chưa thể quên món nợ mà đế quốc Nhật đã để lại trên quê hương mình: nạn đói năm Ất Dậu 1945 tại Bắc bộ khiến cho hơn hai triệu người chết chỉ trong vòng nửa năm. Nguyên nhân chính là do quân phát xít Nhật bắt dân nhổ lúa trồng đay, vơ vét lúa gạo để nuôi quân Nhật, không cho miền Nam viện trợ lúa gạo ra miền Bắc….
4/ Năm 1973, Việt Nam và Nhật bình thường hóa quan hệ.
Và thế là, như ta đã biết, những thương hiệu Nhật đã tràn ngập vào Việt Nam từ ngày ấy. Từ chiếc xe máy (Honda, Suzuki, Yamaha ....), đến xe hơi ( Toyota, Nissan, Daihatsu….), từ những món ăn Sushi, mì Udon, mì Ramen, mì Soba (mì lạnh), Miso soup….đến món trà Matcha, rượu Sake, sữa Yakult, bia Sapporo …., từ tuyến metro (tàu điện) đầu tiên đang dần hình thành với sự giúp đỡ và xây dựng của Nhật, đến những nhánh hoa anh đào Sakura được gửi từ Nhật sang, đang bén rễ rồi sẽ khoe sắc trên đất Việt, chúng ta có quyền hy vọng quan hệ giữa hai nước sẽ thắm tình hữu nghị, bỏ lại quá khứ đau thương về phía sau.
Hiện nay, cộng đồng người Việt tại Nhật khoảng 50 ngàn người, là cộng đồng người nước ngoài đông thứ tám, tập trung nhiều ở Tokyo và Osaka. Họ gồm những du học sinh, xuất khẩu lao động, số ít là dân Nhật gốc Việt, định cư đã lâu. Nên tiếng Việt cũng là một ngôn ngữ mạnh tại đây. Tiếng Việt xuất hiện ở những siêu thị lớn có đông du khách mua sắm, tại bàn hoàn thuế cho người nước ngoài, có hẳn một người phiên dịch tiếng Việt khá chuẩn. Nhiều tờ rơi minh họa nơi tham quan như Bảo tàng nhà máy rượu sake Hakutsuru (chim hạc trắng), địa điểm du lịch tỉnh Shiga…đều có bản tiếng Việt. Trên các đường phố thi thoảng bắt gặp những bảng chữ tiếng Việt “Xin Chào”. Nhưng người Việt tại Nhật thì lại cố tình gieo tiếng xấu cho quê hương khi làm những điều không mấy hay ho. Theo thống kê của Cục cảnh sát Nhật Bản thì người Việt dẫn đầu tỉ lệ tội phạm, cả số vụ lẫn số người: ăn cắp trong siêu thị, cửa hàng; tẩu tán hàng ăn cắp; buôn lậu (tiếp viên hàng không); cướp giật; lao động chui, hết hạn visa thì bỏ trốn….Buồn thay, cả những người mang visa du học cũng nằm trong số tội phạm chứ không chỉ những người xuất khẩu lao động học vấn thấp. Một dạo còn dấy lên nỗi nhục cho người Việt khi trên mạng phổ biến những tấm bảng “Coi chừng ăn cắp” chỉ bằng tiếng Nhựt và tiếng Việt, chứ không phải thứ tiếng nào khác. Sao thế, Việt Nam?
* Mời xem thêm hình ảnh chuyến du lịch Nhựt Bản:
cây thông chiếc thuyền sau chùa Kinkaku-Ji (kyoto) đã 600 tuổi
Ba dòng nước tượng trưng Trường thọ, Sức khỏe, Thành công.
Chỉ được cầu xin 1 trong 3 thứ.
Chùa Thanh Thủy (Chùa nước thiêng, Kiyomizu)
Chùa Asakusa Kannon (Sensoji).Xa xa là tháp Sky Tree, cao nhất thế giới 333m.
Chùa Asakusa Kannon (Sensoji)
Phiên bản Nữ thần Tự do tại vịnh Tokyo (Odaiba).Xa xa là Rainbow Bridge,
ban đêm cứ nửa giờ lại thay đổi một màu.