Đang yên ổn bỗng lại có tin đồn, công ty sản xuất ở nơi nầy sẽ phải dời đến một địa điểm khác trong tương lai. Tin đồn làm cho tinh thần của nhân viên, tuy rằng ai cũng vẫn bận rộn với việc của mình như mỗi ngày, nhưng khoảng thời gian gần đây thì đã không dễ cho ai tìm lại được những giây phút thoải mái để chuyện trò, hoặc vui đùa với nhau như những ngày trước đó.
Nếu đúng theo như dự đoán của đa số, chỗ làm việc mới chỉ cách khoảng với nơi nầy độ bốn mươi lăm dậm đường (khoảng 72 cây số), thế nhưng thời gian tính trung bình cho mỗi chuyến di chuyển đi hoặc về, tài xế phải kiên nhẫn chịu đựng tối thiểu suốt chín mươi phút tùy theo thời điểm khởi hành, và tùy thuộc tình trạng giao thông trên những tuyến đường vào lúc đó.
Thế là đám công nhân trẻ nơi đây nhốn nháo lên như đàn ong bị phá tổ, nhưng mà lại lặng lẽ từng đứa rồi từng tên, một ngày rồi một ngày, chúng bỗng vụt vổ đôi cánh bay ra và biến mất. Còn lại ở công ty bây giờ đa số là những cựu nhân viên đã có nhiều tuổi với đảng, hoặc với đời, và chính hắn cũng là một thành viên nằm trong danh sách của các ‘cụ’ thợ thầy còn tồn tại nơi đó.
Suốt hơn hai mươi mấy năm trước đây, khi đó chắc hãy còn trẻ, hắn rèn luyện cho mình có sức chịu đựng trong bao năm với ngày hai buổi trên những xa lộ đường xa chẳng kém. Những lúc khi đấy, hắn vẫn thường nhắc nhở tinh thần phải luôn nhẫn nại trong suốt cuộc hành trình dài, để mỗi sáng có thể lái xe an toàn tới xưởng, cũng như mỗi chiều bình an về đến nhà. Thế mà bây giờ, tuy tin chính thức vẫn chưa đến tận tai, nhưng sao hơi ngao ngán lại tràn đầy hai bên phổi. Để rồi đã có lần hắn tự hỏi: “Phải đã đến lúc mình cũng nên về nghỉ hưu chưa vậy?”… và cũng ngay sau đấy thì hắn phát hiện ra căn bệnh lười cuối cùng cũng đã tìm đến với mình.
Bệnh lười của hắn đã có hai triệu chứng xuất hiện rõ nét. Trước tiên về thể xác, chưa chi mà hắn đã cảm thấy uể oải cả thân lẫn xác khi nghĩ đến thời gian phải di chuyển trên những tuyến đường xa, xe chậm chạp. Kế đến về tinh thần thì trong lòng hắn cũng đang ngần ngại để đi tìm việc làm tại những nơi khác gần hơn ở quanh đây, bởi tuổi đã quá sáu mươi thường là khó kiếm được việc, (hắn đã có ý nghĩ là như thế.)
Rồi cũng tự thắc mắc với lòng, nếu về hưu vào lúc nầy có phải là hắn đã chấp nhận mình sẽ trở thành một người vô dụng trong xã hội nầy rồi phải chăng? Nhưng nghĩ lại thì cũng đã liên tục hơn ba mươi tám năm không ngừng tay, vừa đi học vừa đi làm, vừa đóng góp công sức của mình vào sự phát triễn chung của xã hội; dẫu cho rằng sự đóng góp đó có nhỏ bé đến đâu chăng nữa, nhưng so với nhiều người khác quanh đây, hắn cũng nên hảnh diện với lòng.
Hiện thời tuổi qui định để được nghỉ hưu chính thức phải trên hai con số sáu, còn hắn thì chỉ đủ tiêu chuẩn để được hưu non theo luật định. Dựa vào thống kê thì cũng có người quyết định về hưu non, hoặc nghỉ hưu sớm mặc dầu vẫn biết tiền nhận được của mỗi tháng sẽ ít hơn. Nhưng cũng có người vẫn thích chờ đợi lâu hơn, để rồi mỗi tháng nắm giữ được một số tiền nhiều hơn trong tay.
Ở nơi nầy, những ai đã làm việc vất vả suốt cuộc đời thì cũng nên vui vẻ mà nghĩ tới những ngày mình sẽ được nghỉ hưu. Khi đó hãy còn đầy đủ sức khoẻ thì thụ hưởng những giây phút ngao du nơi sơn thủy, hay còn thời gian nhàn hạ chốn dân gian, rong chơi với bạn bè, hoặc vui đùa cùng con cháu.
Thế nhưng khi phải nghĩ đến việc về hưu cho chính mình vào lúc nầy thì không hiểu sao trong lòng hắn lại âu lo không kém. Chẳng phải quan tâm đến tiền hưu non được lãnh sẽ bị cắt giảm nhiều so với tiền hưu chính thức, mà cũng chẳng phải e thẹn để làm kẻ dư thừa trong xã hội… hắn chỉ lo âu vì chưa biết phải sắp xếp như thế nào cho hết thời gian khi không còn việc làm như thường lệ của mỗi ngày.
Biết là tùy theo hoàn cảnh mà mỗi người lúc nghỉ hưu sẽ có những biện pháp giãi quyết khác nhau, cho nên hắn cũng đã từng thử đặt ra một vài kế hoạch riêng cho mình trong thời gian tới. Nếu phải về hưu thì nên làm những điều gì hữu ích cho bản thân, gia đình và xã hội: Trở lại trường học ư? Tham gia câu lạc bộ thể dục thể thao nào đó? Hoặc tình nguyện vào những công tác xã hội?
Thế mà đã một lần, khi trong ngày chợt có ý nghĩ lúc nghỉ hưu sẽ đến trường ghi danh một lớp học nào đó để não bộ được vận động, tức thời ngay đêm ấy hắn đã lạc vào một cơn mộng cũ. Hắn nhìn thấy lại thời gian khi hãy còn chân ướt chân ráo lang thang đến nơi nầy tìm cuộc sống mới. Ngày đến thì hăng say tới công xưởng tìm việc làm kiếm sống, đêm về lại phải nỗ lực đến trường tìm tương lai, cho nên lúc nào tinh thần cũng căng thẳng, và trong lòng thì luôn hồi hộp lo âu với bài vở phải giao nạp cứ luôn cận kề trước mũi.
Bởi trong ngày đó đã nghĩ đến việc tới trường, nên lúc đêm về hắn phải chợt tỉnh giấc, cười thầm; nhưng cũng may mắn thay khi trong màn đen của đêm ấy đã không phải là cơn ác mộng đưa hắn về lại một phiên tòa án nhân dân trong lớp của ngày nào, năm đó, hắn đã trải. [1]
Sáng ngày sau đi làm, trong giờ ăn trưa với vài đồng nghiệp trên cùng một bàn, ngây thơ hắn kể lại giấc mộng của mình vào đêm trước khiến hai người đồng nghiệp kia cũng phải cười lên chế giễu. Tom, một nhân viên kỳ cựu ở nơi nầy từ thời còn trai tráng, nay cũng đã quá tuổi về hưu nhưng trông lão Tom này hãy còn trẻ, điển hình là với mái tóc trên đầu vẫn nhiều đen ít trắng. Thật sự là lão Tom lúc nào cũng vui vẻ, lạc quan với mọi người; không bao giờ trông thấy ông ta phải lo âu với việc làm cho dầu hiện giờ cũng vẫn là người đang kiên trì giữ đất bám thành. Lão Tom phê bình hắn:
-“Về hưu thì ông phải tính tới cái chuyện đi du lịch, đi chơi ở nơi đây nơi đó… tội gì mà còn phải nghĩ đến chuyện cặp sách đến trường.”
Hắn giãi thích:
-“Hiện thời thì chúng tôi cũng phải cần đến bảo hiểm sức khoẻ cho nên nhà tôi mỗi ngày vẫn phải đi làm bình thường.” [2]
Kent, một người bạn đồng nghiệp khác, tuy lớn tuổi hơn hắn một ít nhưng lão này cũng chưa được về nghỉ hưu chính thức, góp ý:
-“Như vậy thì ông nên ghi tên học hội họa, hoặc học vẽ tranh sơn dầu đi”.
Lão Tom xen vào nói ngay:
-“Để tôi kể chuyện nầy cho hai người nghe. Trước đây tôi đã từng nghĩ đến việc nếu phải về hưu sớm thì không biết mình sẽ làm gì cho qua ngày. Tôi cũng đã có ý đi học vẽ nên mang ra bàn với vợ mình. Bà nhà tôi cằn nhằn:
(Ông mang cặp kính cận đã dày, giờ còn tăng thêm kính lão, lại còn không thích đi đây đi đó… tối ngày cứ trốn ở trong nhà, trong phòng ôm cái máy vi tính đó thì làm sao còn có thú nào để đi ra ngoài họa cảnh, vẽ tranh.)
Biết là lúc đó vợ mình đang hờn trách chồng chưa chịu xin phép để cùng đi nghỉ mát, nhưng mà tôi cũng nói đùa lại:
(Ở trong nhà, trong phòng thì mình học vẽ đồ vật, vẽ bông hoa, vẽ chân dung, vẽ người mẫu cũng được mà? Nhìn không rõ thì ngồi gần lại một chút thì cũng sẽ tỏ; còn nếu muốn vẽ cho chính xác thì dùng tay đo chạm thì làm sao mà vẽ chẳng ra.)
Thế là bà nhà tôi ngắt lời đổi ý ngay:
(Thôi đi ông ơi! Tôi mong là ông không phải về hưu để rồi sanh ra cái tật học làm thợ vẽ mò mẫm kiểu đó.)
Nhưng mà nói thiệt, có lẽ lời cầu mong của vợ tôi linh lắm, cho nên đến giờ nầy tôi vẫn còn giữ được việc làm ở nơi đây.”
Cả ba người đều bật lên tiếng cười với câu chuyện vui của lão Tom. Tom lại gợi ý với hắn:
-“Hay là ông đi học nghề nắn đất sét làm đồ sành sứ có phải dễ dàng không?”
Kent thực tế ngăn ngay:
-“Bàn tay của hắn làm mấy cái chậu đựng bông nho nhỏ đó khó lắm. Nếu được thì nên học nắn những hình tượng lớn thì có thể phù hợp hơn.”
Lại nở ngay một nụ cười khác trên môi, lão Tom liên tưởng với câu chuyện của mình khi nãy nên thêm lời góp ý vào:
-“Ý kiến này nghe cũng hay đó. Nhưng mà Kent cũng nên giãi thích cho hắn rõ, nếu không thì hắn cũng dễ bị hiểu lầm là học nắn tượng người thật thì sẽ khổ. Còn ông, cũng nên về nhà bàn thử với vợ, nếu bị hiểu lầm thì không chừng đó cũng là dịp may đấy, được vợ cầu mong sao cho chồng mình khỏi phải về hưu để rồi học nắn tượng. Khi đấy không chừng điều mong ước đó, nó cũng linh ứng giống như chuyện học vẽ của tôi khi trước.”
Bây giờ thì hai người đồng nghiệp kia mới hiểu được ngụ ý đùa vui của lão Tom nên cả ba lại bật tiếng cười. Hắn chợt nghe lại được những âm thanh quen thuộc từ những nụ cười của ngày nào, tưởng chúng đã bay xa nay bỗng trở về. Nhìn lão Tom với cặp kính cận dày gắn trên sóng mũi, trên khuôn mặt đã có những nét nhăn thấy rõ nơi hai bên khoé mắt, nhưng mỗi khi lão Tom mở miệng cười tươi, ai cũng thấy được những nét lạc quan và cởi mở để mọi người đều ngưỡng mộ.
Không khí của những bữa ăn trưa sau đó đã thật sự khác hẳn, hắn tìm lại được niềm an vui trong lòng, và cũng học hỏi thêm những đóng góp bổ ích khác từ những đồng nghiệp chung quanh. Cho dầu chưa ai đang phải nghỉ hưu, nhưng cũng có người đã biết khuyên giữ gìn sức khoẻ là quan trọng, và cũng có người khác góp ý thêm phải có chế độ ăn uống phù hợp thì mới có sức khỏe tốt được. Người nầy nhắc rằng khi về hưu chỉ nên dành thời giờ trong giới hạn để xem truyền hình, lên mạng đọc tin tức hay E-Mail, trả lời Facebook, thì cũng có người kia đề nghị nên tăng giờ đi bộ, luyện tập dưỡng sinh, cùng mở rộng vòng tay sinh hoạt trong cộng đồng, xã hội… hắn cảm thấy thật vui để ghi nhớ những điều nầy trong lòng, và có ý định mang ra san sẻ cùng các bạn của mình vào một ngày nào.
Bạn học cùng trang lứa quanh đây không có ai, chỉ gom góp được dăm ba đứa của tuổi “Xì Trum [3]” thời trung học, cộng với đôi ba người cùng khoa, hay cùng khóa ở trường đại học… thì họ cũng đang sống rãi rát khắp nơi ở những đất nước tự do trên quả địa cầu nầy. Hắn chẳng biết có ai trong nhóm bạn cũng đang trong tình trạng phân vân như mình hiện thời, hoặc có ai đã từng trãi qua những kinh nghiệm lúc tuổi về hưu trước đây phải thế nào… Hắn mở điện thoại nhắn tin với hi vọng sẽ cùng học hỏi và chia sẻ. May mắn thay, có một người đang sinh sống ở miền Đông Bắc đã hớn hở tuyên bố ngay:
-“Sau mấy mươi năm cày mút chỉ, cuối tháng nầy tui sẽ chính thức về hưu (non)”.
Nhóm bạn được tin thì cũng nhanh chóng gởi lời chúc mừng cùng thăm hỏi. Qua bản điện thư ngắn gọn, người bạn miền Đông Bắc hân hoan báo cáo lịch trình về hưu của mình trong tháng đầu tiên thật sự hấp dẫn lắm:
-“Đầu tháng nầy hai vợ chồng tui sẽ bay sang Úc, trước là tham dự đám cưới của đứa cháu, tiện thể thăm luôn bà con cùng bạn bè ở nơi đó. Kế đến là ngồi du thuyền qua Tân Tây Lan tìm thăm… thổ dân… Hì! Hì!! Cuối tháng mới bay về…”
Một người bạn khác ở Tây Âu thì cũng ghi chú với những tấm ảnh màu đính kèm, trông vợ chồng của bạn thật đậm đà hạnh phúc:
-“Năm trước đã hưu. Tui đã làm A-La-Đin [4] với cây đèn thần, cùng vợ ngồi ‘thảm bay’ sang thăm xứ sở ‘Ngàn lẽ một đêm’ để… cỡi lạc đà. Năm nay thì cũng vừa từ Hy Lạp bay trở về đây…”
Hắn lại bật tiếng cười to khi đọc lời trần tình của một bạn khác ở miền Nam:
-“Vợ tui nói nếu tui về hưu, nàng sẽ rất sung sướng để sống bên cạnh tui suốt hai mươi bốn giờ một ngày, bảy ngày một tuần. Tui sợ quá nên quyết định giữ bàn việc của mình cho đến giọt cuối cùng.”
Từ những bạn trên miền Tây Bắc, hắn cảm phục và mong sau nầy chính bản thân mình cũng sẽ học hỏi được tinh thần của một bạn cùng khoa đang sinh sống ở nơi đây. Dầu chưa hẳn bạn đó đã chính thức nghỉ hưu, thế nhưng thường ngày, người bạn nầy cũng đang đóng góp nhiều công sức cho xã hội trong kinh dịch và sưu khảo. Và hắn cũng rất cảm thông cùng đôi người bạn khác đang trong cảnh ngộ:
-“Mình lập gia đình trễ, có con muộn. Cháu còn nhỏ chưa vào đại học nên lúc nầy chưa dám nghĩ đến chuyện nghỉ hưu đâu.”
Đọc xong những mẩu tin của các bạn từ bên này của bến bờ tự do nhắn gởi cho nhau, hắn lại đi tìm hiểu thêm từ những bạn khác ở một nơi chốn xa xưa nào đó trong ký ức. Nơi đó hắn cũng đã từng có được nhiều bạn. Có bạn nay cũng đã nghỉ hưu, nhưng cũng vẫn còn người hãy còn vương vấn, khắc khổ, hay sướng vui với nợ đời. Những bạn đã nghỉ hưu, nếu có người đang du ngoạn trên đất nước nầy hoặc quốc gia nọ, thì cũng có người đang vui hưởng thú điền viên trên quê đồng cỏ nội, hoặc cũng đang vui đùa trong lòng thành phố cũ giúp các con trông nom các cháu. Và sự thật biết được cũng buồn thay, khi tin từ miền quê hương cũ cho đến những vùng đất mới định cư, hắn biết mình cũng có những người bạn khác, họ đã không may từ giã cõi đời.
Dòng suy tư lại cứ tiếp tục theo từng câu chuyện mà tản mạn chạy khắp nơi, cuối cùng thì dẫu chưa san sẻ được cùng ai với những điều học hỏi, nhưng hắn phát hiện rằng trong lòng bỗng đã quên đi những nỗi lo âu của những ngày trước đó.
Biết rằng việc gì đến rồi nó sẽ đến, thế nhưng những học hỏi từ mọi người hôm nay cũng đã giúp tinh thần của hắn có được sự chuẩn bị trước cho một mai kia khi không còn việc làm; và nếu khi đấy có phải sớm về nhà ‘đuổi gà cho vợ’ thì hắn cũng biết mình có thể làm được những gì cho hết thời gian.
Hiện tại bây giờ, tin đồn của ngày đó thì cũng vẫn còn là tin đồn, thế sao lại phải mang vào lòng những nỗi lo. Cho nên (… mỗi sáng thức dậy với tràn ngập niềm vui, biết hôm nay ta sống thêm một ngày trong thế giới tự do, hôm nay ta còn công ăn việc làm, (ta) chưa thất nghiệp… [5]), thì nên lấy đó làm vui, đừng màng đến xác thân có mõi mệt với việc; chỉ nên cố sao cho có được một ngày sống vui và sống khỏe, có nghĩa là ngày đó hắn đang được sống trong hạnh phúc.
Chiếc đồng hồ lại phát sóng làm run nơi cổ tay thêm một lần nữa; đôi lần nó đã nhắc nhở chủ nhân đến lúc phải đứng lên và di chuyển khỏi nơi nầy. Bây giờ thì hắn mới chợt nhớ là mình đang ngồi trước chiếc máy vi tính nầy cũng đã khá lâu, nên mĩm cười như người tỉnh giấc để đứng lên rời khỏi ghế. Hắn ngưng tay, ngừng gõ chữ.