19/11/2015
CÓ MỘT CHẶNG ĐƯỜNG
KS Nguyễn thị Huyền Ngân
|
1955, trường Quốc Gia Nông Lâm Mục ra đời tại Bảo Lộc (tiền thân của trường Đại Học Nông Nghiệp sau này), trực thuộc Bộ Canh Nông. Trường có 3 cấp học: Cao Đẳng, Trung Đẳng và Bổ Túc, hệ 3 năm.
1963, trường chuyển về Sài Gòn, tọa lạc 45 Cường Để Q.1(Đinh Tiên Hoàng ngày nay), có tên Cao Đẳng Nông Lâm Súc Saigon.
1967, trường chuyển từ Bộ Canh Nông sang Bộ Giáo Dục.
1968, trường đổi thành Trung Tâm Quốc Gia Nông Nghiệp .
1972, trường lại có tên Học Viện Quốc Gia Nông Nghiệp.
Và năm 1973, tôi bước chân vào Học viện khi tròn 18 tuổi. Là dân thành phố thứ thiệt, chưa từng mục sở thị cây lúa hay con trâu, thế mà lơ ngơ thế nào lạc bước vào đây. Thật ra thì cũng không đến nỗi “ngây thơ “lắm đâu, cũng có lý do cả đấy. Thời ấy, không có ngày hội hướng nghiệp cho học sinh vừa tốt nghiệp Tú Tài 2 (có 2 kỳ Tú Tài: học xong lớp 11 sẽ phải thi Tú Tài 1, đậu rồi mới được học lớp 12). Mạnh ai nấy tự mò hướng đi cho mình. Tôi cũng không ngoại lệ. Tình cờ bắt gặp cuốn sách “Kim Chỉ Nam dành cho thí sinh thi Đại Học”, sau khi liếc qua nhiều ngành không ấn tượng lắm, bất chợt gặp được 1 cái trường mà không biết có phải là trường ….Đại Học không (vì gọi là Học viện cơ), tạt xuống cái dòng ‘tốt nghiệp ra trường sẽ mang danh Kỹ sư”. Ôi chao, nói nào ngay, với mớ tuổi của tôi khi ấy, chức danh Kỹ sư nghe sao mà “oách” thế, chả gì cũng ngang ngang….Bác sĩ (câu cửa miệng rằng học ra đi làm Bác sĩ, Kỹ sư….). Thế là kết, ghi danh thi tuyển.
Trường Nông Nghiệp khi ấy chỉ tuyển ba khoa: Canh nông , Thủy lâm, và Chăn nuôi Thú y. Thủy lâm không tuyển nữ, nên nữ sinh chỉ còn 2 ngành để chọn. Sự suy nghĩ trẻ con khi đó liền có 1 sự so sánh: Nông thì trồng lúa, nghĩa là quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, chắc là ….da sẽ đen (con gái rất sợ bị đen ,xấu), còn CNTY là nuôi con chó, con mèo ở trong nhà (tệ lắm thì ở trong… chuồng), nghĩa là" mưa không tới mặt, nắng không tới đầu”, chắc chắn mát mẻ!!!!.Thế là chẳng đắn đo, liền chọn ngay tờ đơn xin thi tuyển màu cam (để phân biệt với Canh nông màu vàng, Thủy lâm màu xanh lá cây). Ôi,mới thấy đôi khi người ta chọn nghề với tư duy…chẳng hiểu gì cả!!!
Nộp xong đơn dự thi, tôi có hơi run.Nhìn quanh thấy toàn những gương mặt sáng láng đang chen chúc nộp đơn, lại là dân ban B (toán,lý hóa), còn mình là dân ban A (vạn vật, (tức môn Sinh học), lý ,hóa), nghĩa là toán hơi bị dốt, ấy là chưa kể mình lại có chút máu lãng mạn của dân văn chương (ban C), không biết có bảng vàng đề tên được không đây, mà “rủi” có đậu thì có" sống sót” được hết “bốn mùa thay lá”???.Số lượng tuyển sinh lại rất ít: Nông 100, CNTY 60, Lâm 40), số người dự thi lại cao, hơn con số ngàn. Ném lao phải theo lao, chỉ còn con đường “chăn” chữ (vì chọn CNTY mà, không thể nói “gạo” bài hay “học cày bừa" gì ở đây được nhé!). Đã vậy, nhà nghèo, không có tiền theo lớp luyện thi, tôi phải xin đề thi những người quen từng thi những năm trước để luyện chay, vừa luyện vừa tự an ủi: vẫn còn rất nhiều trường khác (Y,Nha, Dược, Sư phạm, Bách Khoa Phú Thọ…) thi khác ngày, hoặc bét lắm thì vẫn còn các trường không thi tuyển (chỉ ghi danh) như: Văn khoa, Luật khoa, Khoa học Đại học đường …sẵn sàng chào đón….
Thế là tự tin thi đại. Ai dè …đậu đại. Thế là ….học đại! Ngày đi xem kết quả, tôi chạy bay về nhà, vừa chạy vừa hét" con đậu rồi,đậu rồi”, khiến cô bạn hàng xóm ngạc nhiên vì" đậu gì mà đậu hoài vậy?”, bởi lẽ khi đậu Tú tài 2 tôi cũng có kiểu ăn mừng y chang vậy! (Đợt thi Tú tài 2 năm đó là kỳ thi tự luận cuối cùng, năm sau là năm thi trắc nghiệm, gọi là Tú tài IBM. Nhưng đó cũng là kỳ thi IBM duy nhất ở miền Nam, vì sau đó, chưa kịp có kỳ thi thứ hai thì giải phóng).
Một “tuần lễ nhập môn” dành cho tân sinh viên là màn chào sân của đàn anh khóa trước đón lính mới chúng tôi. Mỗi khoa ra sức sáng tạo cho tuần gặp gỡ này, với những trò chơi, đố vui, hát hò, đàn địch, múa may, kịch mục…gì gì cũng được, miễn là làm sao cho lính mới thấy yêu thích không khí vui vẻ của trường, của khoa mình vừa quyết định gắn bó với. Khóa đàn anh (liền kề) rất biết cách “dợt" các em, khiến các em (đang chân ướt chân ráo đầy bỡ ngỡ), ai cũng ….rúm ró mỗi khi bị"điểm tên, chỉ mặt”. Cả 2 khóa anh em cộng lại chỉ hơn trăm người, nên nhanh chóng quen và thân nhau ngay từ những ngày đầu, khiến tân sinh viên cảm thấy yêu thích ngôi trường mình vừa bước chân vào.
Và những buổi dã ngoại (chỉ là đi lên trường mới tận những ….Thủ Đức, khi ấy vừa xây xong, chưa kịp đưa vào sử dụng), thật khó quên trong ký ức tân sinh viên. Ôi là mênh mông đồng cỏ, mênh mông nắng gió, mênh mông hương đất….Chưa từng đi xa nhà quá 2 cây số, nên nơi đây cứ như là chân trời đang rộng mở. Tầm nhìn dường như đang bị thuyết phục, và trong suy nghĩ mình đã có lựa chọn ưa thích.
Nhưng có cần gì đến tận Thủ Đức ….“xa xôi”mới thích thú đến vậy, ngay tại 45 Cường Để cũng có khối thứ hay hay. Giảng đường A15 rộng bao la (so với lớp học chỉ hơn 40 người ở bậc trung học), nơi cả 3 khoa học chung những môn đại cương, thầy cô phải giảng bài bằng micro nhanh và nhiều, toàn phải ghi tốc ký bằng mọi cách có thể, rồi có đi học hay không lên lớp…mặc kệ, chẳng sợ trễ giờ, chẳng sợ điểm danh…bao nhiêu là thứ lạ lẫm quá…Nhưng dù có hay hay thế nào, khi đụng đến các môn học hóc búa, cả đám tân sinh viện mới bắt đầu thấm thía! Môn nào cũng mới lạ, hình như chẳng dính dáng gì với những kiến thức mình đã học ở trung học: nào Sinh thực, Sinh động, nào Sinh lý, Sinh hóa, rồi thì Xác suất với Thống kê, với phương trình và ma trận….Những buổi T.P (travaux pratiques) trong phòng thí nghiệm với áo blouse trắng để mổ ếch, cá lóc…; soi kính hiển vi những vi phẫu của thân cây, lá ,hoa…Môn này chưa thông đã dồn dập môn khác, những con số và cái chữ cứ chằng chéo như “bát quái trận đồ”. Càng học càng thấy…không hiểu gì hết! Và bắt đầu thấy…đuối , oải, mệt, lo. Tỉnh giấc mộng,mới biết: để được gọi là Kỹ sư, đâu có dễ!.
“Đẩy xe bò” vậy mà cũng qua năm thứ nhất với đầy những lo lắng, hồi hộp vì …không biết bị “ao” lúc nào. Đầu xuôi đuôi lọt, năm sau chữ nghĩa chạy ro ro, ngon trớn, dù có vừa đi thực tập vừa “tức cảnh sinh tình”, dù có ra đồng ngắm lên trời trong mây trắng, ngắm xuống cỏ mượt lá xanh ….Để … làm thơ! Ai bảo học CNTY chỉ thấy trâu bò thôi nhỉ!
1974, trường chính thức được gọi là Đại học Nông Nghiệp Saigon. (thuộc Viện ĐH Bách Khoa Thủ Đức).
Thú thiệt, lúc trước, khi có ai hỏi tôi học trường nào, tôi nói đang học ở Học viện QGNN, thì không ai biết (và cả tôi cũng không biết luôn), Học viện là gì, tại sao lại gọi là Học viện mà không gọi Đại học cho …dễ hiểu (và dễ …oai nữa). Thì bây giờ, tôi có thể đường hoàng khoe mình là….sinh viên Đại học một cách rất ư tự tin, không còn mù mờ, ú ớ như khi còn học ở …Học viện nữa. Con gái mà, thích nghe những lời …có cánh!
Đang học giữa năm thứ hai thì giải phóng. Bốn khóa 13,14,15,16 bị đình trệ việc học chuyên môn để bắt đầu một giai đoạn tập làm nông dân thứ thiệt, y như những nông dân i tờ rít chính hiệu: đào kênh, xúc đất, chích heo bò; lên bờ xuống ruộng, tay nổi gân, chân đóng phèn….Thật là một giai đoạn ảm đạm, u tối. Ngay đầu tháng 5/1975, trường tuyển sinh khóa 1/1975 (coi như chúng tôi là những đứa con vô thừa nhận vậy!). Sinh viên rơi rụng dần. Mỗi lớp còn loe ngoe mười mấy người. Các sinh viên từ trường tư thục có đào tạo ngành nông nghiệp như Minh Đức, Hòa Hảo…,các học sinh miền Nam của các trường nông nghiệp phía Bắc nhập vào…cũng không làm cho lớp học đông vui hơn.
1975, trường đổi tên thành Đại học Nông Nghiệp 4 (để tiếp nối với 3 trường nông nghiệp đã có ở ngoài Bắc).
1985, trường có tên Đại học Nông Lâm Nghiệp TP.HCM, do có sự sáp nhập trường Cao Đẳng Lâm nghiệp Trảng Bom (Đồng Nai) với ĐHNN4 (Thủ Đức-TP HCM)
1995 trường mang tên Đại học Nông Lâm (thành viên ĐH Quốc Gia TP.HCM)
Và từ năm 2000, trường chính thức mang tên trường Đại học Nông lâm TP. HCM (thuộc Bộ Giáo Dục và Đào Tạo) cho đến nay.
Ra trường năm 1979, tức là chúng tôi tốt nghiệp cùng năm với khóa 1/1975 (bốn khóa bị trễ 2 năm như nhau, vì học chính trị và lao động ngoài chuyên môn). Ngày ra trường không kèn không trống,,không áo mão cân đai: mạnh ai nấy lên khoa nhận tờ giấy chứng nhận đã học xong khóa học, tờ giấy này (không phải bằng cấp) chỉ có giá trị trong vòng 2 năm, để đề phòng những ai không nhận lệnh phân công của nhà trường chỉ định thì xem như không được xét tốt nghiệp sau này, coi như công học hành thành …công toi. Ngày lên khoa để nhận lấy tờ giấy vô hồn, nhận những câu mệnh lệnh lạnh lùng, nhận những tia mắt nhìn vô cảm mới thấy cay đắng thế nào!!!…Nhưng có đắng cay gì đi nữa thì cũng phải…lặng lẽ ra về!!!
Điều an ủi duy nhất là: chính vì trưởng thành trong giai đoạn giao thời gian khổ ấy mà đa số chúng tôi đều thành công trên đường đời sau này: những ai còn đeo đuổi ngành học đã chọn đều đạt tới học vị cao nhất (PGS,TS), chí ít cũng Giám đốc Nông, Lâm, Ngư trường…,còn ai rẽ ngang trên mọi ngả đường mưu sinh đều có những thành công rực rỡ về kinh tế. Những dịp gặp nhau ôn lại thời gian khó, ai cũng công nhận lời Nguyễn Công Trứ là đúng:
Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả
Anh hùng hào kiệt có hơn ai.
Thấm thoát vậy mà đã 42 năm, kể từ khi tôi còn là cô tân sinh viên rụt rè, nhút nhát đứng trước ngưỡng cửa trường. Mà nay đã bước vào cái tuổi bên kia đồi. Dường như chỉ là một cái chớp mắt! Một chặng đường.
NGUYỄN THỊ HUYỀN NGÂN
Khoa CNTY khóa 15(1973-1979)