13/3/2016
DÌ TƯ NHÀNH Nguyễn Thị Kim Thu
|
Tôi vào nhà chưa được lâu lắm thì nghe đứa em trai đang đứng trước nhà nói “Dì Tư, chị Hai con vừa ở Anh về, mời Dì vào nhà chơi, chị Hai con gặp lại Dì mừng lắm đó”. Tôi nghe có tiếng trả lời “Dậy hả, Dì cũng muốn gặp chị Hai của con, coi sau 30 năm thay đổi thế nào?”. Tôi không biết ai, vội ra phòng khách. Quá đỗi ngạc nhiên, đó là Dì Tư Nhành. Tôi vội chạy lại nắm chặt hai bàn tay Dì, cảm động. Dì nói “Mèn ơi, mấy mươi năm rồi mà thấy nó không thay đổi mấy!”. Chúng tôi không có bà con gì với Dì, nhưng đặc biệt từ hồi nhỏ chúng tôi xem như Dì ruột, và ngược lại Dì xem chúng tôi như cháu ruột, lúc nào cũng chăm sóc chúng tôi, mặc dầu Dì rất nghèo. Cả xóm ai cũng thương mến Dì, chứ không hẳn riêng chúng tôi.
Không ai biết tên thật là gì, nhưng mọi người già trẻ lớn bé ở trong xóm tôi đều gọi là Dì Tư Nhành. Có người nói Nhành không phải là tên thật mà vì ngón tay cái của Dì có mọc thêm một ngón tay nhỏ xíu. Dì cũng trạc tuổi Má tôi. Tuy làm lụng vất vả dãi dầu mưa nắng Dì vẫn còn phảng phất nét đẹp dịu hiền của thiếu nữ miệt vườn. Ba tôi nói Dì gốc Cù Lao Mây trên sông Hậu. Thuở trẻ Dì đẹp có hạng trong vùng, thuộc con nhà khá giả, tuy ăn học ít như mọi thiếu nữ ở thôn quê, nhưng công dung ngôn hạnh được gia đình giáo dục kỹ, đặc biệt tài nấu nướng. Dì vào làm dâu cho một gia đình giàu có ở Cù Lao Mây. Trong thời buổi loạn lạc, vào một đêm tối trời một toán người xông vào nhà bắt chồng Dì bịt mắt dẫn đi, mấy ngày sau xác chồng nổi lềnh bềnh trên sông cách nhà vài cây số. Dì trở thành góa bụa ở tuổi 30, dẫn hai con, một trai một gái, tản cư về xóm tôi, cất một căn nhà tôn nhỏ dọc mé sông, như các gia đình tản cư khác. Để nuôi hai con còn nhỏ, cùng lứa tuổi chị em tôi, Dì tảo tần từ sáng tinh mơ cho tới trời tối mịt. Từ sáng sớm Dì nấu thức ăn sáng như xôi (xôi bắp, xôi mặn), bắp chà, khoai lang luộc, bánh canh giò heo, bánh canh tôm nước dừa, bánh tầm bì, bì bún, bánh ít trần mặn, bánh lá dừa, bánh ú, đôi khi bánh bao, v.v. Dì quảy gánh hàng, đi qua từng nhà. Dì không cần rao hàng, vì lũ con nít đã reo lên “Dì Tư Nhành hôm nay bán … ngon lắm, má ơi mua cho con đi!”. Thế là nhà nhà lần lượt mở cửa mua thức ăn sáng của Dì. Phải công nhận là những món Dì nấu thì ngon tuyệt vời, mà lại rất rẽ. Dì thương con nít, Dì thường múc cho thêm, nhất là mấy đứa nhà nghèo. Khi đến cửa nhà tôi thì thức ăn đã gần cạn, chị em tôi đón chờ Dì để mua ăn trước khi đi học. Có khi để chấm dứt buổi bán sớm hơn, Dì múc cho chị em tôi tô nào cũng nhiều hơn bình thường, thấy vậy Má tôi trả tiền thêm, nhưng Dì không lấy phần thêm, nói rằng hôm nay đã lời đủ rồi, cho các cháu ăn no để học thật giỏi.
Sau buổi bán thức ăn sáng, Dì vội vã đi chợ mua vật dụng để chuẩn bị bán buổi xế và buổi chiều tối. Buổi xế thì Dì thường bán một trong các thứ như chuối nướng bọc nếp, chuối chiên, chuối chưng, chuối xào dừa, đủ loại chè, đậu hũ, bánh ít, bánh bò, hay bánh da lợn. Còn buổi tối thì thường là cháo cá, cháo thịt hay cháo gà. Cái hay của Dì là thay đổi món ăn hàng ngày, và theo mùa, chẳng hạn mùa bắp thì sáng xôi bắp, xế chè bắp, tối bắp nướng. Mỗi buổi Dì chỉ bán một hay hai món, như vậy phải một hay hai tuần mới đáo lại món ăn, nên sáng nào lũ con nít cũng chạy ra xem hôm nay có món gì rồi reo lên đòi mẹ mua ăn. Cái hay nữa là Dì ước tính được số lượng bán hàng ngày nên Dì bán hết hàng, không có bửa nào dư thừa. Vì vậy, ngoài cái ngon, rẽ, và thay đổi món ăn hàng ngày, theo mùa, các món Dì nấu rất vệ sinh, chén bát sạch sẽ, nên ai ai cũng ưa thích.
Dì lúc nào cũng vui vẻ, sẵn sàng giúp mọi người, nhất là đám giỗ, tiệc tùng, cưới hỏi, Dì đều tự nguyện đến giúp. Dì nấu ăn rất ngon, biết nấu từ các món dân dã cho tới các món nhậu, món tiệc tùng. Chị em tôi thỉnh thoảng hỏi Dì bí quyết nấu những món ăn dân dã, chẳng hạn làm sao nấu cá chốt không tanh, bánh tét có màu xanh mà nhưng màu đỏ âu v.v. Dì tận tình chỉ dẫn không dấu diếm.
Dì đã nuôi cả xóm và gia đình tôi như vậy trong khoảng 25 năm, kể từ lúc tôi còn thật nhỏ cho tới khi có chồng có con, rồi các con tôi cũng đòi ăn các món của Dì. Bởi vì vào thời trước 1975, chỉ có một mình Dì Tư Nhành buôn bán hàng rong thức ăn cho nguyên cả một xóm khá lớn của tôi, mà giá rất rẽ, có thể rẽ hơn là tự mình nấu cho một vài người, nên mọi gia đình trong xóm đều là khách hàng của Dì. Ai ai cũng yêu mến Dì. Các con của Dì sống rất nề nếp, lễ phép và học hành rất thông minh, là cái gương tốt của nhiều gia đình trong xóm. Cả hai đều đỗ đạt, đều vào Đại học Sư Phạm Cần Thơ.
Sau biến cố 1975, thời “ngăn sông cấm chợ” mọi thứ thực phẩm trở nên hiếm hoi và đắt đỏ, Dì bỏ nghề vì không thể tìm đủ nguyên liệu như đường, sữa, bột ngọt, bột mì, dầu ăn, v.v. giá rẽ để nấu ngon với giá bình dân. Tôi ít khi gặp Dì, nghe nói là Dì dùng ghe đi buôn hàng chui để sinh sống.
Tuy nhiên, một lần, không biết ai cho Dì biết là tôi sắp sửa đi Anh đoàn tụ gia đình, Dì đến nhà khẫn khoản mời tôi đến nhà để Dì nấu đãi tôi và các con vài món ăn dân dã “chứ qua bên đó làm sao có được những món ăn quê mùa này”. Dì nghèo, nhưng tấm lòng rộng mở bao la như cánh đồng “cò bay thẳng cánh” của miền Tây Nam Bộ.
Gặp lại Dì, tôi thật mừng. Dì bảo “Chiều nay, cháu đến nhà Dì nấu cho ăn món cháu thích ngày xưa, bây giờ Dì rỗi rãnh rồi”. Tôi cảm động vô cùng. Dì nói tiếp: “Ngày trước, Dì cực nhọc thật nhưng thân thể khỏe mạnh. Bây giờ hai đứa con bắt Dì ở nhà, hàng tháng chúng cung cấp tiền cho Dì sống thoải mái, cái gì cũng có, mà còn dư thừa nữa, như dư thừa mở trong máu, dư thừa huyết áp cao, chứ ngày xưa đi bộ suốt ngày mà người khỏe như trâu”. Dì cười, nụ cười hồn nhiên và đôn hậu của người mẹ miệt vườn vùng sông Hậu.
Sông Cần Thơ, nhìn từ cửa sổ ở một khách sạn tại Ninh Kiều
Chiều nay ngồi bên cửa sổ, ngoài trời tuyết bay lất phất, tâm tư tôi đang tưởng nhớ đến vùng sông Hậu ấm áp đầy ấp tình người, đến những người quen trong xóm hiếu khách và hiền hòa, như dòng nước Cửu Long ngọt ngào muôn thuở.
Reading, tháng 3/2016