2/7/2015
Hồi thứ hai
Bt.Blao
Sau khi qua phần mở màn về cái tên của cây quí này là đến phần chia sẻ hiểu biết cho nhau về cái quí cái đẹp của cây, người này chưa dứt người khác đã tiếp lời “ Cây này ngày xưa dùng đề đóng hòm chôn vua chúa, xác không bị rả mục”. “ Chỉ dùng đóng đồ mộc cho vua dùng, ngoài ra thì đóng bàn ghế thờ tự trong đình trong chùa thôi”. “ Gỗ của nó vừa cứng, vừa dẻo, đem đốt có tàn màu trắng có mùi thơm như trầm", “ nó có tính dược liệu nếu trích ra trị được ung thư". “ Gỗ cây này được dùng trong phong thủy trị tà ma, trị sơn lam chướng khi nũa". “ Đúng nó nhiều tính năng quá, giá bán mười mấy triệu một ký lô tôi cho vẫn còn rẻ chán”,“ ước gì có giống mà trồng vài cây để sau này con cháu nó nhờ nhỉ”, “ lâu la gì mà phải đến đời con cháu, chỉ có mười năm thôi các ông ạ" !
- Cái gì cái cây quí hiếm như thế mà trồng chỉ có mười năm thu hoạch được à ?
- Thế mới quí chứ ! Thời buổi này mà cứ đợi dài cổ thì biết làm sao có cái mà ăn, biết đến đời nào mới làm giàu ?
- Thì bỗng vang lên tiếng quát nạt “ Sưa với chã sưa, thối với chã thối, Quí với chã quí … không còn chỗ nào nữa sao mà tập trung đến đây phá cái giấc ngủ của ông , Xéo, Xéo đi ngay !
Tôi vội nhìn sang thì thấy một chàng thanh niên ăn vận chim cò, nằm trên chiếc ghé đá, kịp thấy anh ta tung chân đá vào tấm pa-nô quảng cáo bằng tôn đánh “ Rầm" một phát. Cuộc hội thảo tắt tịt, đám hội thảo viên lấm lét bỏ đi. Tôi nhắm mắt giả vờ ngủ và bên kia tấm Pa-nô chàng trai kia vẫn còn lảm nhảm “ một cây mà biết bao nhiêu tên, chỗ nào cũng có, quí cái nổi gì"?
Rồi gã đứng dậy, bước ra sau vạch quần đưa của quý trên đầu tôi định tè, tôi vội vàng ú ớ lấy tay che mặt. Gã giật mình rút tay ra và la lớn “ Quái ! ai cho ông nằm đây"? Tiếp theo, vung tay nhắm đấm vào ngực tôi, đưa tay ra đỡ nhưng chẳng ăn thua phía ngực trái tôi đau điếng, vì đã trúng đòn…….
***
Tôi nhỏm dậy, định thần thấy đang ở trên giường quen thuộc của mình.
Tôi đang mơ ?
Lạ ở chỗ là cái vai đang nhức? Thì ra, vì giơ tay đở đòn của tên mặc áo chim cò kia tôi đã chạm đến chồng sách trên kệ làm cho một quyển trong ba quyển thuộc bộ sách Cây Cỏ Việt Nam của giáo sư Phạm Hoàng Hộ thuộc hàng nặng ký rơi trúng vào vai .
Cho nên cái sự đau là Sự thật .
Còn cái sự hội thảo về cây Sưa là Sự mơ.
Dù sao, tôi phải cảm ơn trời đất, được chợp mắt trong cái giờ thiêng đó để có được giấc mơ mà tôi gặp được cuộc hội thoại quí báu giữa vườn Bách Thảo tận Hà nội về chuyện cây Sưa của nhiều học giả, nhưng cũng quá tức vì không được biết quí danh cũng như học hàm học vị của quí vị ấy sẳn dịp khoe khoang làm minh chứng luôn, Và thực sự bực mình về cái tên mặc áo chim cò ngủ chèo queo trên ghế đá, nếu không có nó chắc tôi sẽ được nhiều tin tức về cây quí hiếm này trả lời cho ông bạn già của tôi ở đất An Giang rồi.
***
Tôi nhớ đến cách đây mười mấy năm khi mà cây Sưa bắt đầu rộ lên, là cây quí hiếm thì có một số người ươm trồng từ Bắc đem cây con vào miền Nam bán , tại Bảo lộc Lâm Đồng cũng có rao bán, kèm theo đó là một tờ rơi quảng bá trích từ các báo địa phương đăng tải tài liệu về phân bổ của cây, về lý hóa tính ,về giá cả , nói về sự quí hiếm cùng sự mua bán mang giá trị tiền tỉ nữa và chú ý nhất là gọi tên là Sưa, Hoàng đàn, Huỳnh Đàn, Cẩm lai Bắc bộ.
Trong thời gian đó với một cây mà ta có đến 4 cái tên, chỉ đề cập đến 3 tên: Sưa, hoàng đàn, huỳnh đàn. Vì Cẩm lai Bắc bộ chỉ là một tên mang tính chất so sánh mà thôi.
Tim hiểu qua các trang mạng thì vẫn không có một thống nhất chung về tên gọi của loại cây này. Đa số tài liệu đều nói Sưa, là Trắc thối, là Huê mộc vàng , là Hoàng đàn, Huỳnh đàn ... Có phải đó là điểm yếu của chúng ta khi dùng tên thường gọi bằng tiếng Việt , theo tên gọi của địa phương, rất tiếc trong hệ thống truyền thông cũng rập khuôn theo đó nên người đọc nếu phớt qua không nói làm gì nhưng nếu có chút kiến thức về cây cối thì khá hoang mang, thực hư như thế nào? Tại sao một cây có nhiều tên như thế? Có những đặc tính độc đáo như thế?
Trong thời gian đó, ông Võ Duy Đạo một giáo viên cấp 2 giảng dạy tại Bảo Lộc, sau khi về quê ở Quảng Ngãi có đem vào cho tôi một mảnh gỗ dài cỡ 10 phân có màu vàng, khi đốt có mùi trầm hương, ông cho biết là ngoài xứ ông đang lùng kiếm loại gỗ này. Không lâu sau đó thì trên Tuổi trẻ online có đang tải bài “ Giấc Mộng Hoàng Đàn" ở vùng Ba Tơ Quảng Ngãi.
Và tôi còn nhớ rỏ là trong khoảng thập niên 1980 một nhóm thương lái có gặp tôi nhờ tìm kiếm mua những cây Trắc bá diệp kiểng lớn, hoặc những cây mọc tự nhiên ở trên rừng, ngày đó ông Dũng hiện còn ở Bảo Lộc là một thợ rừng có cho biết trên đỉnh núi Đại Bình có xuất hiện loại cây này. Tìm hiểu thêm thì những người lùng kiếm loại cây này vừa dùng gỗ và dùng cả mùi hương để làm trầm. Như ta biết thì những cây gỗ thuộc họ tùng, lá kim thường có mùi thơm tựa mùi trầm như Pơ Mu, Xa Mu, Trắc bá Diệp….không rỏ lúc bấy giờ tìm kiếm những loại này có tác động từ cây Sưa chưa ?
(Còn tiếp)
Cây hoàng đàn
Cây Sưa hoa vàng