|
|
|
QUYỂN 5 |
|
|
|
|
|
|
|
Bông lúa Long Xuyên |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
13/11/2018
BÔNG LÚA LONG XUYÊN
- Đinh Viết Khiêm - |
|
Bông Lúa Long Xuyên
Hôm nay chợt thấy hình cánh đồng lúa vàng ở Long Xuyên, nhớ những câu chuyện về tượng đài bông lúa ở đây, qua lời kể lại. Tấm hình bên tượng trưng cho năm năm tồn tại ngắn ngủi của tượng đài này: bên trái là hình Tết năm 1972, và bên phải hình những ngày sau 04/1975.
Long Xuyên là vùng đất mới nhưng linh của người Việt - trung tâm Phật giáo mới với vùng Thất Sơn huyền thoại. Cuối thập niên sáu mươi, các hệ phái phật giáo và nhân sĩ ở đây nhận ra ngoài các chùa miếu tôn kính thần phật, vùng đất này còn cần có một tượng đài tôn vinh thiên nhiên hào phóng và xinh đẹp đã nuôi dưỡng cư dân nơi đây. Câu chuyện cổ tích Hạt Ngọc Trời được nhiều người nghĩ tới ngay lập tức, nhưng trồng lúa thì hầu như ai cũng biết, còn dựng một biểu tượng nghệ thuật cho hạt lúa thì phải làm sao đây. Không ai biết. Vì vậy rất cần tới sự giúp đỡ.
Lá đơn chung gởi lên Ty Kiến Thiết tỉnh Long Xuyên, sau đó được chuyển về phủ Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, nhờ giúp đỡ nhân sự và phương tiện thực hiện đã bất ngờ gặp gỡ nhu cầu thể hiện triết lý chính trị mới của Đệ Nhị Cộng Hòa: Tự Túc và Tự Cường, khi cuộc cải cách điền địa Người Cày Có Ruộng đang diễn ra mạnh mẽ. Hình ảnh cây lúa nước của miền đ̣ất này vươn lên trong nước lụt, trổ bông, và kết hạt thể hiện được tinh thần đó. Dự án được chấp thuận và ngân hàng Việt Nam Thương Tín của chính phủ đứng ra tài trợ cho dự án này - trị giá khoảng mười triệu đồng lúc đó.
Điêu khắc gia Mai Chửng - người Bình Định - được giao trọng trách thiết kế một tượng đài nghệ thuật thể hiện các ý tưởng nói trên. Kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng - người thiết kế miếu Bà Chúa Xứ đầu thập niên Sáu Mươi, và kiến trúc sư Nguyễn Quang Nhạc được giao nhiệm vụ chọn lựa địa điểm kiến tạo. Thị xã Long Xuyên - còn có danh Thị Xã Bình Yên - với kiến trúc và quy hoạch đô thị khá hoàn chỉnh từ thời Pháp thuộc được lựa chọn. Tượng đài sẽ được đặt ở quãng trường trên đường Trưng Vữ Vương - đường Hai Bà Trưng ngày nay, trước rạp hát Minh Hiền. Về mặt kiến trúc đô thị, khu vực này của Long Xuyên cũng tương tự như giao lộ Nguyễn Huệ và Lê Lợi trên Sài Gòn.
Mai Chửng nghĩ tới một bông lúa mới trổ, hạt tròn căng nên đặt tên cho tác phẩm của mình là Bông Lúa Thì Con Gái - Virgin Blossom. Về mặt sinh học thì ý tưởng này không chính xác vì lúa thì con gái là lúc lúa lên mơn mởn chưa trổ bông, và giai đoạn lúa trổ bông hạt tròn căng là lúc lúa đã trổ đòng đòng và đương ngậm sữa. Nhưng nghệ thuật là vậy, thể hiện cái đẹp mà người nghệ sĩ cảm nhận và thuyết phục mọi người bằng kết quả công việc. Để làm được điều đó, người nghệ sĩ cần có tự do.
Các bản vẽ của Mai Chửng thuyết phục mọi người, và việc sử dụng những tấm đồng gò từ phế liệu chiến tranh để hình thành tượng đài khiến nó càng thêm ý nghĩa. Để hình thành nên tượng đài, Mai Chửng đã trực tiếp làm việc ngày đêm trong xưởng chế tác ở Long Xuyên, và làm việc rất ăn ý với họa sĩ Lý Xinh - quê ở Thốt Nốt, chuyên vẽ các tấm pa nô quãng cáo cho các rạp xi nê địa phương, thượng sĩ công binh kiến tạo Nguyễn Tấn An ở Nha Công Chánh Long Xuyên, và KTS Đoàn Phát Minh ở Ty Kiến Thiết Long Xuyên.
Phần bệ tượng đài được xây trên nền đất khô ở quãng trường, nhưng một lão nông ghé ngang coi đã góp ý lúa mọc trên đất khô thì làm sao trổ bông, nên một hồ nước đã được đào bao bọc lấy chân tượng, bên dưới thả cá và các giống cây thủy sinh. Phần bệ tượng cũng được thiết kế lại, thêm những tấm phù điêu thể hiện công phu công việc trồng lúa.
Tượng đài bông lúa cao mười sáu thước rưỡi cuối cùng được dựng lên năm 1970. Vẻ đẹp của nó hoàn toàn chinh phục mọi người. Đẹp nhứt là những ngày trời nắng. Chính phủ VNCH đặt tên là đài Tự Cường, nhưng dân chúng chỉ gọi đơn giản là Bông Lúa.
Trong quá trình xây dựng, tượng đài gặp rất nhiều đe dọa phá. Tin đồn nói rằng nhóm dân sự chủ trương tượng đài đã phải dàn xếp một số tiền lớn cho những kẻ đe dọa đó dưới danh nghĩa đóng góp gì gì đó để được để yên. Thực hay hư, đó là ̣điềm báo trước không lành.
Sau tháng 04/1975 rất nhiều cán binh Cộng Sản từ ngoài Bắc vô đã chụp hình kỷ niệm ở tượng đài Bông Lúa duy nhứt ở Việt Nam này. Nông dân ở đâu lại không trân trọng hạt ngọc trời cho. Nhưng đến tháng 10/1975 tượng đài này bị phá hủy trong sự tiếc nuối đến ngẫn ngơ của mọi người. Sự ghét bỏ tượng đài này là có thực, và nó bị coi là một biểu tượng của Việt Nam Cộng Hòa, vì có liên hệ tới chương trình Người Cày Có Ruộng, trong không khí hừng hực chuẩn bị cho hợp tác hóa nông nghiệp dưới chế độ Cộng Sản.
Ngày tượng đài bị phá hủy, nghe người đi chợ báo, ông Nguyễn Tấn An đã chạy bộ từ cầu Tầm Bót lên quãng trường đứng nhìn trong uất nghẹn. Sau đó ông đạp xe xuống Thốt Nốt tìm ông Lý Xinh, hai người đã nhậu quắc cần câu trong bi phẫn suốt mấy ngày liền. Nguyễn Tấn An là người giữ lại các bức họa chi tiết của tác phẩm này của Mai Chửng. Thỉnh thoảng ông vẫn bùi ngùi lấy ra ngắm lại. Không biết bây giờ con cháu có còn giữ không. Mai Chửng đã qua đời đầu thiên niên kỷ mới, mang theo nỗi buồn đau xuống tuyền đài. Hầu hết các tác phẩm của Mai Chửng ở Việt Nam đều bị phá hủy hoặc biến mất không dấu tích.
Cuối thập niên chín mươi, tượng đài Bông Lúa được xây lại. Nhìn vô, người ta thấy ngay ý tưởng của Mai Chửng được bê nguyên xi trở lại, nhưng tượng đài mới - cũng bằng đồng - lại nhìn giống như một bó hoa đám cưới hơn là bông lúa ngậm sữa. Thô thiển và kitsch.
Ngày nay ở Long Xuyên không còn có nhiều người biết đã từng có một tuyệt tác Bông Lúa đã từng tồn tại.
( Trích facebook Đinh Viết Khiêm )
Bông lúa ngày xưa 1975
Sau 1975, tượng đài bông lúa di dời về Khu Hành Chánh UB Tỉnh,
chân đế đã thay đổi.( có thể là bản sao )
Mời quí thân hữu đọc thêm:
Nhớ lại thời còn đi học, năm 1965 tôi làm Trưởng Đoàn Thanh Niên Thiện Chí của Trường NLS Cần Thơ, Thầy Trần Đăng Hồng làm Cố Vấn. Thầy trò chúng tôi mỗi cuối tuần cùng nhau xuống tận xã ấp nông thôn, những nơi có an ninh để giúp nông dân cải thiện nghề nghiệp chủ yếu về trồng trọt và chăn nuôi theo khoa học kỹ thuật
mới. Chúng tôi cũng xin các cơ quan như Trung Tâm Bảo Vệ Mùa Màng, Ty Nông
Nghiệp, Ty Mục Súc, Ty Ngư Nghiêp yểm trợ để cấp không cho nông dân phân
bón, thuốc trừ sâu, thuốc ngừa, thuốc trị bệnh gia súc, cá giống con... Chúng tôi đi
đến đâu đều được người nông dân hoan nghênh chào đón rất thân thiện, có những
công tác đem lại kết quả, khi chúng tôi trở lại, bà con tụ lại đón mừng tặng mía,
bắp, đậu, trái cây... rất cảm động. Trong tinh thần lý tưởng của tuổi trẻ, Thầy trò
chúng tôi ai cũng có tham vọng cố gắng giúp làm sao cho giới nông dân ta được
khá lên, giàu lên dù không theo kịp nông dân Nhật, Mỹ cũng không thể thua kém
bất cứ quốc gia láng giềng nào. Mộng ước không thành, Thầy trò chúng tôi bỏ
cuộc. Nay đọc bài "Tượng Đài Bông Lúa Long Xuyên", lòng tôi chùng xuống,
ngậm ngùi, thật buồn !
Huỳnh Công Đoàn
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP |
|
|
|
|
|
|
VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
huunghi68dvb@yahoo.com
Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com
Sáng lập : Dr TRẦN ĐĂNG HỒNG
Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)
Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III (2012) |
|
|
|
|
|
|
|
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/ |
|
|
|
Số lượt người đọc kể từ 5/3/2015: 1061759 visitors (3174422 hits) |