26/11/2015
Chuyện của mình.
Bài 10
Sau khi đậu văn bằng Tiểu học, tôi phải ra Di Linh trọ học, bởi lẽ tại đây có trường trung học công lập Lê Lợi mới mở được 2 năm vì Di Linh lúc bấy giờ là thủ phủ của tỉnh Đồng nai Thượng..
Thời đó tuổi trẻ chúng tôi có những cuộc chơi sưu tập khá hay đó là Sưu tập Tem, sưu tập Progam ( thường là những tờ rơi sơ lược truyện phim sắp chiếu của rạp Hoàng Huê, cao hơn nữa là sưu tập Ainsin ( huy hiệu) của các trường hay hội đoàn, hội trại…những sưu tập này nhằm mở mang kiến thức của người chơi
Việc sưu tập tem của tôi được dồi dào nhờ tôi ở trọ tại một tiệm hớt tóc cùa anh Mai trên đường Lê Lợi, nơi các ông tây ở các đồn điền thường lui tới, nhờ vỏ vẻ vài câu tiếng Pháp tôi xin được tem của họ. Nhưng nguồn trao đổi mạnh nhất có lẽ là ông Si-tếc chủ cửa hiệu chuyên bán hàng cho Tây, ông ta vốn là người Pháp lấy vợ Việt, cũng chơi tem.
Cửa hàng nằm ngay chợ cũ Di Linh là nơi giao du của những người Pháp là chủ các đồn điền quanh vùng họ gặp gở ăn uống và khiêu vũ, hình như trước đây là là nhà cercle, ( Cửa hàng này nó vẫn được tiếp tục cho đến năm 1975 mới ngưng, chuyện đáng nhớ là những năm trước đó ai từng qua lại tuyến đường Sài Gòn- Đà lạt không thể nào quên ghé lại nơi ấy để mua vài ổ bánh mì do nơi dây sản xuất).
Trong quày hàng ngoài thức ăn thức uống hoặc được đóng chai đóng hộp..còn có những trái cây, trong đó có một loại quả thoạt nhìn tựa quả xoài nhưng tròn tựa như bóng đèn điện, khi được hỏi thì ông ta cũng chỉ trả lời : fruit avocatier có nghĩa là trái của cây avocat được chở từ Pháp qua chưa có tên tiếng Việt?
Nghe danh là trái cây từ Pháp đem qua, thú thật lúc đó chúng tôi không rỏ ngọt bùi chua đắng thế nào, ngày ấy loại quả này theo chúng tôi quí hiếm chắc ngang ngửa với “bôm”, với nho. Được biết giá bán 1 kg là 50 đồng. Trời ơi quá mắc, lúc bấy giờ bọn tôi đi học từ Bảo lộc ra được ba má cho 10 đồng để vừa ăn sáng vừa đi xe đò của cả một tuần, làm sao mà nếm được cái loại quả mắc mỏ đó, chỉ là mơ ước thôi!
Cuối cùng chúng tôi ba bốn đứa đều được nếm loại quả quí đó nhờ người bạn tên Nhiều mua một quả trị giá 15 đồng, chủ yếu bạn ấy là sẽ lấy hạt để ươm, khi quả được bổ ra làm 4 miếng, phần nạc màu ửng vàng mềm nhão tựa như bơ, ai nấy cũng chưng hửng khi nhón miếng đầu tiên, lạt phèo hơi béo, thế thôi. Ngon nghẻ đâu ?
Rồi cũng nghe có tin rằng trong đồn điền Sê-Đơ-Ca trên đường đi Gia Bắc có trồng loại cây này vì giống quí hiếm cho nên nơi đây người ta cho tự do ăn tại chỗ nhưng không được lấy hạt đem về. ( Nghe qua thì thấy hay hay, nhưng thực tế sau này gần gủi với loại quả này thì mới biết, trái có chín trên cây đâu, vì khi trái chín trên cây cho đến rơi rụng thì đã hư thối rồi, cũng có lọai khi chin vỏ sẽ dổi màu thành tím, nhưng thực tế vỏ có đổi màu nhưng nạc chưa mềm chín, chỉ có hái già rồi ủ chin bằng các thăm dò độ cứng mềm. Để biết trái đến độ già chưa thì người ta lắc để nghe, hoặc cảm thấy được hạt lúc lắc ở bên trong, nhưng đó là chuẩn thôi chủ yếu người ta dựa vào màu sắc của vỏ cũng như độ lớn của quả, rồi hái chứ không thể thử từng quả , vì quả thường ra ở đầu nhánh việc hái phải dùng sào dài cho nên không thể dùng tay trực tiếp để có thể lắc được. Vậy thì ở sở Sê-Đơ-Ca cái chuyện muốn ăn thì cứ ăn bỏ hạt lại là chuyện huyễn hoặc là chuyện tung hê loại quả hiếm này ở thời ấy mà thôi?
Khoảng năm đó, tại Bảo lộc trong sân của ông Trương Út gần nhà, mà anh em chúng tôi quen gọi là Chú chin, có trồng một cây lạ qua 3 năm trồng thì cây cho rất nhiều quả, khi ra quả mới biết chính là cây Avocatier, quả đang mơn mởn như thế bỗng lá héo rụng, thời ấy người ta gọi là giống cây này không hợp ở đất này. Kỳ thực loại quả này sau này mới rỏ là người ta hái khi quả đã già, sự phân định già non loại này rất khó vì thế có thể hái nhầm quả non, và như thế lấy hạt của quả non tương lai cây sẽ bị chết yểu.
Năm 1963, khi vào học trường trung học Nông Lâm Súc Bảo Lộc trong một lần tham quan tại trung tâm thực nghiệm Bảo lộc, tôi đã thấy trước lô trà giống, bên cạnh lô cây muồng đen đã có một lô trồng loại cây nầy được gọi tên là cây Bơ, theo ông Ngô R cho biết đây là loạt hột giống do tổng thống Phi Luật Tân ( Philippine) gửi tặng cho tổng thống Ngô Đình Diệm, ông Diệm giao cho trung tâm tại Blao trồng thử vào năm 1959, 1960, không chỉ với lô cây cao to chuẩn bị cho trái mà họ đã cho tiến hành giâm cành tại vườn ươm sương mù Vĩnh Cữu, hầu nhân giống nhanh chóng để cung cấp cho dân.
Chuyện kể, có một Phật Tử ở Bảo lộc thấy loại trái cây mới, quí hiếm gửi xuống kỉnh cho thượng tọa Nhất Hạnh ở Sài gòn mà không chỉ cách ăn, người nấu bếp cứ nghĩ như là loại rau củ giống như su su, củ cải, su hào… nên gọt vỏ bổ ra nấu canh, kết quả là nồi canh không ăn được vì đắng nghét, loại quả này khi chín thì nạc mềm bở ra có vị béo nhạt, khi nạc còn cứng hoặc mới dẻo chưa bở sẽ có vị đắng gắt khó chịu. Vì mềm dẻo, béo ta cho thêm đường, hoặc sữa đánh lên tương tự như bơ là một chế phẩm của sữa bò . Nên người ta đặt tên là quả Bơ
Thời gian này, loại quả bơ đã được bày bán, cách ăn đơn giản vẫn là nạo nạc quả ra trộn với đường ăn, cao cấp hơn là trộn với sữa hộp hoặc có thể dầm với nước đá, sau này dùng cả máy xay sinh tố.
Cách ăn dân dã nhất vẫn là bổ đôi quả ra lợi dụng phần vỏ cứng, rồi bỏ đường vào phần lõm của hạt đã lấy ra , múc ăn có miếng lạt miếng ngọt khá thú vị.
Tên tuổi của loại trái cây này , dân Sài gòn cũng biết và gọi tên là trái trạng sư, bởi nó có tên Tây là Avocatier dịch nôm na là cây trạng sư. ( hiện nay có quyển tự điển dịch Avocatier là cây lê Tầu, tôi cho là không đúng bởi lẽ hai loại này quá khác biệt)
Sau khi trồng thành công ở Trung tâm thực nghiệm thì cây bơ được trồng nhiều theo các nhà vườn ở Bảo Lộc, như một loài trái cây mới, từ đó người ta mới thấy là nó có nhiều giống: trái tròn trái dài, trái to trái bé, chín tím chin xanh, bơ béo bơ nước..thấy cây bơ ra trái to chất lượng béo ngon, lấy hạt đem trồng nghĩ rằng sẽ cho quả như thế, nhưng không hẳn như thế vì cách nhân giống hữu tính có nghĩa gieo bằng hạt sẽ bị lai giống không còn giống chính ( thuần) nữa. Khoảng năm 1972 nhóm khoa học ở Sài gòn do ông Trần Hiệp cùng kỹ sư hóa chất Phạm văn Mười nghĩ đến trích chất béo của bơ, nhưng không tiến hành được vì tỉ lệ ở mỗi cây một khác. Nhờ có vị béo, nhạt đầu tiên với đường sữa được dùng như một trái cây, món sinh tố ăn chơi. Sau dùng đến muối đánh nhuyễn tựa như bơ có thể dùng ăn với bánh mì, bánh đa.
Có một thời, trái bơ đã bị bỏ quên, khi người ta tìm một chút sữa một miếng đường quá khó khăn thêm vào đó bị coi là món ăn chơi, coi như xa xỉ , trong lúc cần đất cần lao động sản sinh ra cái cần hơn, như trồng khoai củ, trồng trà cà phê..Có những mùa bơ bị bỏ quên, để cho một ý tưởng mới nảy sinh, bơ lại được cắt nhỏ dầm trong nước mắm làm một món ăn dùng trong bữa cơm đạm bạc của người nông dân lao động.
Ngày nay quả bơ hiện diện nhiều nơi nhiều chỗ, trong bữa cơm của người dân lao động, trong bữa ăn thịnh soạn của nhà hàng cao cấp với món trộn rau quả, món ăn chơi đơn giản với đường hay cao cấp hơn với sữa với nước đá trong máy xay sinh tố, một địa hạt khác không dùng để ăn mà dùng để làm đẹp trong ngành mỹ phẩm.
Nhờ khoa học nông nghiệp hiện đại, ngày nay ta có những giống bơ đặc chủng qua nhân giống tháp ghép mà ta có những trái bơ từ hình thức dạng trái màu sắc đến chất phẩm bên trong đều giống nhau.
Bơ Bảo lộc hiện cung cấp cho nội dịa và cả xuất khẩu.
Trở lại cái tên, tên tiếng Việt là Bơ xuất phát từ chữ Beurre một chế phẫm của sữa bò sền sệt và béo. Còn tên tây Avocat có thể xuất phát chữ “ahuacatl” có nghĩa là tinh hoàn, vì dựa vào hình dạng của nó, Ahuacatl cũng tìm thấy trong từ “ahuacamolli” có nghĩa là “nước sốt bơ”
Cây Bơ có nguồn gốc ở một khu vực địa lý rộng lớn kéo dài từ dãy núi trung tâm và phía tây của Mexico qua Guatemala đến bờ biển Thái Bình Dương của Trung Mỹ.
Như vậy từ chữ Ahuacatl người ta đọc trại ra là Avocat ?, mà tiên khởi do người Pháp đem vào trồng ở Việt Nam ở Djiring và Daklak ? ( Di Linh và Ban mê thuột). Những người kỳ cựu nói là họ di thực từ Madagasca ?
Tại Bảo lộc bây giờ tức là Blao xưa trái bơ đã trở thành đặc sản từ những năm 1960, có dịp ngang qua du khách không bao giờ quên chọn mua vài ký làm quà, đến mùa bơ được bán khắp nơi, từ chợ trung tâm cho đến các trạm nhà vườn, và hàng quán theo dọc quốc lộ 20. Có điều đáng tự hào và chắc chắn rằng đây là BƠ CHÍNH HIỆU Bảo lộc, không phải của tầu, không ngâm hóa chất như những loại cây quả khác….
Bt. Blao
Ảnh minh họa - internet