5/3/2015
Có ai trong đời này có một cái dịp canh lửa nồi bánh tét và đón đêm giao thừa lạnh lẻo, đơn độc và không phải ở tại nhà mình như tôi không nhỉ?
Không có một nơi đến để hưởng xuân, tôi phải lên Bảo Lộc, nhà Má Chánh như một đứa con học xa nhà về ăn tết năm 1976. Anh Từ, Thư ký Hợp Tác Xã, Thi Lùn và ba cô em gái là thanh niên trong chi đoàn đều phải tham dự “Đêm vui đón xuân” với bộ đội. Tôi vừa tình cờ vừa cố ý nhận trách nhiệm canh nồi bánh tét. Tôi bảo Ba Má Chánh cứ đi nghĩ sớm đi. Các con ruột phải đi vắng, coi tôi như con nuôi, Má Chánh bảo tôi:
“Thôi cố thăm lửa nồi bánh hỉ. Làm cà phê uống đi hỉ.”
Tôi vui lắm vì ít ra tôi có một việc đặc biệt trong những ngày đặc biệt này. Tôi cố nén nỗi buồn đi, cố đưa nó vào bếp lửa hồng, thoát nó ra qua các bài hát, tiếng đàn. Tôi cố biến cái khung cảnh “ngồi canh nồi bánh tét” thành một bức tranh tuyệt đẹp, cái nỗi buồn xa nhà thành cái thú vị của việc rất có ích này.
“Ô, con quen thức khuya rồi. Mạ đi ngủ trước đi.”
Ở nội trú trong trường, chúng tôi thỉnh thoảng có rủ nhau nấu cái gì đó để ăn khuya những khi làm bài tập khó hoặc đói không thể ngủ được. Cái bếp kê đơn sơ, cái nồi nho nhỏ, cái nồi cơm nhỏ cho 5 người ăn. Ít ra cũng có hai ba đứa nồi bên nhau. Tụi tôi thấy ấm cúng gần gũi. Giờ đây tôi ngồi trước cái nồi to tướng, chứa 50 đòn bánh tét, bếp lửa đỏ rực như để làm ấm cái không gian trong gian bếp thô sơ không có vách này. Tuy thế ngọn lửa nóng bỏng kia dường như không thể làm ấm được lòng tôi- xa nhà- uất nghẹn chuyện riêng tư- những chuyện mà tôi không thể kể ra được nhất là trong những ngày này, những ngày của gia đình, của thành tựu, của tương lai. Bên trong căn nhà kia mọi thứ có sẵn cho mọi người trong gia đình trừ tôi ra, người tá túc trong những ngày nghỉ tết này.
Tôi muốn đổi mọi thứ để lấy một chỗ trong gia đình này. Tôi muốn mình thành một đứa con thông thường trong một mái nhà thông thường với những niềm vui thông thường. Những ai và những điều gì làm tan nác gia đình tôi phải trả lời tôi, phải chịu tội lỗi họ gây ra và phải gánh chịu nỗi đau khỗ như tôi đang phải chịu đựng. Tôi cho thêm một thanh cũi vào bếp. Tôi trỗi lên một khúc nhạc. Cây đàn của Hào Cận- du ca Đuốc Việt- cho tôi mượn trở thành người thân thiết nhất của tôi lúc này. Tôi đàn giai điệu của bản “Lòng mẹ.” chứ không phải “Ly rượu mừng.” Tôi hát nho nhỏ những câu trong bài như để xin lỗi mẹ tôi, như để kể lễ với mọi người rằng tôi tết này không về nhà. Tôi thầm tự hỏi tôi liệu tôi có đúng không khi mà lúc này có bao người thân đang mong chờ tôi. Mẹ tôi đang khóc vì nhớ tôi. Chị tôi có thễ cũng đang khóc vì đang khổ trên khu kinh tế mới, Long Đất, vì nhớ nhà. Em tôi có thể đang “phê” với chúng bạn ở đâu đó nhưng trong thâm tâm nó chẳng ai biết nó đang nghĩ gì. Chẳng biết có khi nào nó nghĩ đến mẹ tôi không? Chẳng có ai biết khi nào gia đình tôi mới có một cái tết xum họp.
Về khuya, trời càng lạnh. Tôi càng muốn cho trời thật lâu sáng. Tôi muốn ngồi đây như có người đã đứng chờ lâu đến nỗi đã biến thành tượng đá. Tôi muốn làm cho mọi người trong nhà này hiểu rằng nỗi vất vả mà ai cũng ngại với tôi chẳng có nghĩa lý gì. Tôi ước gì mọi người thấy được hình ảnh này. Tôi ước gì những người thân của tôi hiểu và tha thứ cho tôi. Tôi ước gì sáng sớm mai họ gọi tôi về nhà. Tôi ước gì tôi hiện đang ở tại nhà. Từ tấm bé, trong những cái tết, tôi chưa biết niềm vui về quê nội hay ngoại- Gò Vấp- Sài Gòn. Từ lúc 9 tuổi- lúc ba tôi bỏ nhà đi, bốn người còn lại chưa hề có niềm vui nào, có một cái tết vui vẻ nào. Tôi chưa hề được cảm giác nôn nao chờ nhóm lửa nồi bánh, thức để canh nồi bánh và chờ vớt bánh tét chín. Sáng ngày mồng một nào cũng bình thường lạnh lẽo như sáng của những ngày thông thường khác trong năm. Không có niềm vui như các gia đình khác, nhận bao lì xì của má tôi, tôi cảm nhận được sự vô vị của phong tục này. Tôi chưa hề được ai dạy câu chúc tết nào vì có tết nào tôi phải chúc ai đâu? Ba ngày tết cũng dài bằng ba ngày nào khác trong năm. Không có thân thuộc, bà con đến thăm viếng là chuyện bình thường suốt nhiều năm qua. Tết đến cũng vậy thôi. Má tôi buồn 362 ngày trong năm thế nên 3 ngày tết có thể bà vui hơn một chút vì có các người hàng xóm rủ đánh “tứ sắc”. Em tôi có bạn để đi đâu đó không ai biết, làm gì không ai rõ. Chị tôi- tuổi thiếu nữ- có nhóm bạn để cùng nhau trang điểm, chưng diện để đi dạo chợ tết hay đến nhà nhau tán gẫu. Tôi không có gì để vui. Tôi không có nơi để đến, có chỗ để đi chơi và có người để tán dóc. Các bạn học- những người thích tôi- đều có cái thứ thông thường của ngày tết hết cả rồi.
Chúng nó phải theo gia đình đi đâu đó. Chúng nó phải ở bên gia đình, sinh hoạt chung với gia đình nghĩa là chúng nó không có thể đến nhà tôi chơi như trong những ngày thông thường khác. Tôi cô đơn trong những ngày mọi người rất phấn kích với đầy ắp tiếng chào hỏi, chúc tụng, với những lần lì xì hoặc nhận lì xì, với những trò chơi, với pháo nổ, với rựơu và rất nhiều thứ khác. Tôi tự giam mình trong căn nhà nhỏ má tôi tạo ra sau khi ba tôi bỏ đi. Đó là một mái gia đình thiếu người đàn ông trụ cột. Tôi tự biến tôi thành một phạm nhân trong một nhà giam mà đau đớn thay đó lại là nhà của chính tôi.
Tôi hoang mang nghĩ ngợi đến chuyện gia đình nên đã không nhận ra má Chánh đang đứng ngay sau lưng tôi.
“Thành Xì buồn quá hỉ. Thôi vào ngủ đi “đề đấy mạ lo cho hỉ?”
Tôi giật bắn người, ấp úng vừa trả lời vừa châm thêm một câu củi vào bếp lò:
“Để đó con coi cho. Có gì buồn đâu! Chừng nào bánh chín má?”
“Cứ chăm lửa như bây chừ cho đến gần sáng hỉ. Khi mô thấy buồn ngủ thì kêu mạ hỉ, Thành Xì hỉ?”
Má Chánh gõ nhè nhẹ lên đầu tôi, có đội cái mũ bê rê đen. Má chầm chậm đi lên nhà trên nhưng cái của câu má vừa nói còn ở lại trong đầu tôi,
“Khi mô buồn ngủ thì kêu má hỉ, Thành Xì hỉ?”
Tôi sẽ không buồn ngủ như tôi đã từng thức học bài cách đây khoảng 2 năm ở trên này. Các bài toán khó, những lời giải thích vắn tắc đã từng làm đau đầu tôi. Giờ đây, tôi có một bài tóan rất đơn giản, lời giải thích cũng rất đơn giản và tôi đang cảm thấy đau đầu, đau ngực- nhói đau trong lồng ngực.
Tôi mơ có một đêm như vậy. Tôi mơ được nghe câu nói giống như vậy. Má Chánh coi chúng tôi như con. Năm trước đó 1975, thằng Hậu Bào cũng đã ở trên này ăn tết với mạ đó thôi. Nhưng thằng Hậu Bào khác xa so với tôi. Cái gì trong đầu, trong tim nó khác xa cái gì có trong tôi. Nó dường như buồn giận gia đình nó. Tôi không bị ai buồn giận mà cũng chẳng có điều gì để buồn giận ai cả. Má Chánh vừa làm tôi yên tâm ngồi đây và tôi còn có thể chờ đến lúc cả nhà mở nồi nấu bánh ra, cả nhà cùng bảo tôi đi nghỉ.
Tôi muốn làm tròn vẹn một công việc. Tôi muốn chứng minh một việc đơn giản. Tôi muốn có một niềm vui cũng khá đơn giản- canh nồi bánh tét đêm giao thừa.
Rạch Giá
Lương Ngọc Thành