Ông Tư sờ soạng hết mấy cái túi áo nhưng không thấy cái điện thoại mắc dịch đang reo om sòm. Sau cùng ông cũng tìm được nó, nằm sâu trong cái túi quần tây.
- Hello, ba nghe đây con.
- Con tới rồi, đậu xe ngoài cổng, ba xuống đi.
Ông Tư biết mình chậm chạp nên đã mặc sẵn quần áo, giày vớ chỉnh tề ngồi đợi từ trưa. Ông lệ mệ lần từng bước xuống cầu thang. Còn có mấy nấc nữa là đến mặt đất rồi nhưng hai đầu gối ông đã thấy mõi nhừ. Ông đứng lại để thở, miệng lầm bầm “đã biểu nó mua nhà trệt mà nó có nghe mình đâu!”. Ông vừa xoa xoa hai đầu gối vừa nghĩ lại mới thấy nực cười cho sự khó tánh vô lý của mình. “Nhà của tụi nó chứ có phải nhà của mình đâu mà đòi nhà trệt với nhà lầu!”
Từ khi bà Tư mất, tinh thần ông Tư xuống hẳn, lẫm cẫm hơn, sức khỏe của ông cũng giảm sút theo rất nhanh. Ông không màng nhà to cửa rộng nên đem bán hết tài sản rồi chia cho hai đứa con. Ông nghĩ với số tiền hưu khá cao, ông dư sức sống thoải mái tuổi già mà không cần nhờ đến con. Cho đến ngày nào ông không còn tự lo cho mình được nữa, ông sẽ xin vào nursing home cho xong một kiếp người. Bây giờ còn khỏe ông tạm thời sống với đứa con trai út độc thân. Nó thường ở nhài cô bạn gái, thỉnh thoảng mới về nhà nó, mang theo bạn bè bày nhậu nhẹt rần rần rồi kéo nhau đi mất để lại chiến trường ngổn ngang . Ông dọn dẹp đâu vào đó cho nó. Nhưng chứng nào tật nấy, ít lâu sau nó lại kéo bạn về quậy tiếp. Ông thấy bị phiền hà nên cự nự. Thằng ut không nói gì, nhưng từ đấy ít thấy nó về nhà. Ông hối hận lắm nhưng bù lại ông được sống yên tỉnh hơn trong căn nhà đẹp mà không phải lo chuyện trả bills.
Ông thong thả đi trên lối đi ngoằn ngoèo xuyên qua cái công viên nhỏ, hai bên là những dải hoa hồng thật đẹp. Cả khu công viên nầy chỉ trồng một loài hoa hồng màu trắng, một sự trùng hợp lạ lùng, vì đó là loài hoa mà ngày xưa Bà Tư rất thích nên ông Tư trồng rất nhiều trong vườn sau nhà ông.
Con trai lớn của ông là Hải đang đậu xe bên lề đường đợi ông như thường lệ. Con dâu ngồi ở ghế trước bên cạnh chồng, ló đầu ra khỏi cửa xe cười rất tươi rồi rướn cổ la to vì cô biết tai ông già nghễnh ngãng:
- Ba khỏe không ba?
Nhìn con dâu ngồi chểm chệ trong xe để ông già lọ mọ mở cửa xe, ông thấy khó chịu. Ông cố dằn sự ấm ức, thở ra thật mạnh để kiểm soát cảm xúc của mình rồi hỏi lại, có vẻ ngạc nhiên:
- Ủa, mấy đứa nhỏ đâu rồi con?
Ông vừa hỏi vừa với tay mở cánh cửa sau chiếc xe Lexus mới tinh còn thơm mùi nệm da mới.
- Tụi nó có lớp piao tối nên bận ba à. Con dâu trả lời.
Ông Tư im lặng. Một nỗi thất vọng lan tràn. “Bận học đàn mà quan trọng hơn gặp ông nội sao?” Ông tự hỏi.
Xe đậu cách lề đường khá xa nên ông không với tới cửa, phải bước xuống lề đường mới mở được, chui vào, nhưng vướng phải cái nón làm nó rơi xuống đất. Ông có thói quen đội nón khi ra đường, ngày cũng như đêm vì cái đầu hói dễ bị lạnh. Ở tuổi ông khom lên xuống để lượm vật gì dưới đất là cả một cực hình. Con dâu thấy vậy bước xuống xe lượm giùm cái nón và giúp ông chui vào xe. Ông không đội nón nữa mà vất nó xuống nệm xe. Chiều California khí trời mát lạnh nhưng trong người ông nóng bức. Xe chạy thật êm ra lộ chính, bây giờ mới nghe Hải hỏi cha trong khi mắt anh vẫn chăm chú lái xe:
- Ba muốn ăn gì hả ba?
Hải nói rất nhẹ giọng đầm ấm, nhưng không biết sao khi nghe tiếng nói của Hải cất lên, ông Tư đang bực mình bổng nổi lên cơn giận. Ông trả lời cụt ngủn.
- Cho tôi ăn gì cũng được.
Câu trả lời cộc lốc của ông làm Hải chưng hửng, không biết mình đã làm gì sai trái khiến cha giận. Anh biết tánh cha già gần đây thay đổi, hay giận hay hờn, không biết đâu mà lường. Ông lại giận rất dai, có khi không chịu ăn uống cả ngày. Anh phân bua nói giã lã:
- Thì con phải hỏi để còn chọn nhà hàng nào mà Ba thích nhất chứ.
Ông Tư nghe xong lại càng thấy bực mình hơn, không còn thấy muốn ăn uống gì nữa cã, tuy ông đã nhịn ăn từ trưa để dành bụng cho bữa tiệc chiều nay. Ông nghĩ thầm, hôm nay là ngày lễ Vu Lan báo hiếu, đáng lý nó phải chuẩn bị trước mọi chuyện trước đến đón ông, sao đợi đến bây giờ mới hỏi? Thì ra nó mời ông đi ăn cũng chỉ để “trả nợ quỉ thần” cho có lệ.
Nhưng đối với ông Tư hôm nay là một ngày vô cùng quan trọng. Sáng sớm ông đã đốt nhan đèn trên bàn thờ để báo cho bà Tư biết rằng các con sẽ đến thăm bà. Ông đã để sẵn cái lục bình không, sẵn sàng để cắm những đóa hoa tươi các con mang đến cúng mẹ. Ông mong gia đình đoàn tựu, được nhìn những gương mặt rạng rở của con cháu, được nghe những lời yêu thương, những cử chỉ trìu mến mà ông thấy thiếu thốn từ ngày bà Tư mất. Tiếc thay thực tế không như ý muốn nên ông vừa thấy tủi thân mình vô phước, vừa thấy giận sao các con quá vô tình. Ông tự nhủ:
“Thôi bỏ đi, mình già quá rồi, còn sống được mấy ngày bên con cháu, sao lại giận với hờn làm gì. Thây kệ chúng nó”.
Tuy nói như vậy nhưng ông không thể dằn được nỗi thất vọng khi nghĩ đến “ Bận gì đến nỗi không thể đến để đốt một nén hương cho mẹ ngày lễ Vu Lan sao”?!
Ông thấy chán nản vô cùng, ngồi thừ ra, không còn muốn nói chuyện hay ăn uống gì nữa cả. Có cái gì đang ngăn trong cổ họng. Ông già rồi đâu có màng chuyện ăn uống. Ông chỉ thèm không khí gia đình, được gặp con cháu đông đủ để chúng có dịp chứng tỏ tấm lòng hiếu thảo đối với đấng sinh thành. Ông chỉ cần nhìn một đáo hoa hồng trên bàn thờ cho bà Tư và một lời thì thầm “mẹ ơi con yêu mẹ” của các con.
Ông nhớ hình ảnh người vợ lam lủ ngày xưa lặn lội núi rừng nuôi chồng tù tội, mua gánh bán bưng nuôi con, cam chịu cực khổ không một lời than thở. Ngày ra tù cha con ông gặp nhau, thằng Út lần đầu tiên gặp cha đã sà vào lòng ôm cổ ông vừa kêu “ba” vừa bẽn lẽn vì chưa quen mặt. Lúc đó ông bị bịnh sốt rét hành hạ nằm liệt giường mấy tháng. Một hôm ông ăn được chén cháo tôm thật ngon, hỏi ra mới biết chính Hải, lúc ấy mới 7 tuổi, đã hì hụp quần đìa bắt được con tôm nên vội chạy riếc về nhà cho má nấu cháo cho ba ăn mau hết bịnh. Nó thiếu tình cha nên nó biết quí, cũng như hôm nay ông đang thiếu tình con, ông quí lắm nhưng không biết phải làm sao để bày tỏ nỗi lòng cho con hiểu!
Ông nhớ ngày xưa, mỗi đêm khi chạy xe xích lô về nhà, các con đợi ông ngoài đầu hẻm để được cha chở trên chiếc xích lô, mặt chúng vênh váo với đám trẻ con trong xóm. Chúng sung sướng được mút cây cà rem hay nhai nhóp nhép cái bánh ú mà ông mua cho. Tiếc thay con của ông ngày nay không còn là đứa bé để ông có thể ôm chúng vào lòng mà hôn, hay cho chúng cây cà rem, cái bánh ú như ngày xưa. Chúng cách xa vời vợi ngoài tầm với của ông già lẫm cẫm, run rẩy.
Rồi ông rưng rưng nước mắt thấy thương Bà Tư, thương cho tình nghĩa vợ chồng sâu đậm. Ước gì bà còn sống thì ông đâu có cô đơn như ngày hôm nay!
Ông chợt nhớ đến đóa hoa hồng trong túi áo mà ông đã hái lén trên đường đi lúc nảy, tuy ông dư biết rằng hái hoa ngoài công viên là điều không tốt. Ông nhè nhẹ lấy nó ra khỏi túi áo, chỉ sợ mạnh tay làm hoa hư hỏng. Nâng niu đóa hoa trong lòng bàn tay, ông vuốt ve từng cánh hoa trắng mong manh mà tưởng như đang ve vuốt bàn tay ân nghĩa của người vợ hiền. Ông hái trộm hoa nầy với ý định sẽ dâng tặng cho bà Tư. Bất chợt một ý nghĩ thoáng qua đầu, ông trao đóa hoa đang cầm trên tay cho Hải, rồi bảo:
- Ba muốn thấy con cài đóa hoa hồng nầy lên áo.
Hải tròn xoe mắt, quay đầu lại nhìn ông và bắt gặp mắt cha già lờ mờ trong ngấn lệ. Anh chợt hiểu ra. Như người say ngủ bất chợt bị đánh thức, anh thấy ngỡ ngàng, xấu hổ. Hối hận ngập lòng. Rồi như một phản xạ, anh quay đầu xe trở lại, chạy thẳng về nhà ông Tư trước sự ngơ ngác của vợ. Tay anh với lấy tờ napkin chùi vội nước mắt. Mắt anh cũng đỏ hoe.
“Hôm nay là ngày lễ Vu Lan, ngày báo hiếu”.
Tuy mắt mũi lòe nhòe, ông Tư thấy Hải tay cầm đóa hao hồng nhìn ông với đôi mắt rưng rưng. Ngày xưa ông thấy hạnh phúc khi nhìn con tươi cười sung sướng cầm trên tay cái bánh ú, nó sung sướng vì nó thiếu ăn. Ngày nay ông nhìn con tay cầm đóa hoa hồng nhưng nó lại khóc. Nó khóc vì thiếu mẹ thì ít, nhưng sung sướng thì nhiều vì vừa ý thức được một điều mà trước đó nó không để ý, đó là nó may mắn còn có cha già ơn sâu nghĩa nặng.
Hạnh phúc tưởng đã chết từ lâu rồi trong cô đơn lại trở về sưởi ấm tim ông. Nếu ngày mai ông phải từ giã cỏi đời nầy, ông không có gì luyến tiếc. Ông sẽ thanh thản ra đi với trái tim ấm áp nồng nàn với tình cha con sâu đậm.
“Cám ơn mình.. cám ơn …xin cám ơn mình”.
Ông thì thầm, môi rung rung nói lời cảm tạ.
Đã lâu lắm rồi ông Tư mới khóc.
Chú Chín Cali
Ni Van Nguyễn
|