Ký sự- Phóng sự:
Dọc đường gió bụi (tt)
Mong Phước Minh
Xin chào tất cả các anh, chị, em, cháu...là người thân, bạn bè, cùng các bạn mới, quen và không quen,
Lời đầu tiên tôi và bà xã xin gửi lời cảm ơn tới tất cả, đã nhiệt tình theo dỏi bài viết và gửi lời chúc tốt đẹp cho 2 kẻ “lang thang” này.
Thiệt tình các bạn đã tạo cho tôi một bất ngờ lớn rất thú vị, khi chỉ đọc qua một chút “dạo đầu” của chuyến đi. Điều này khiến tôi xúc động vô cùng, bởi đó là món quà quí báu mà các bạn đã tặng cho chúng tôi.
Hôm đầu tiên lên đường, do mệt mõi sau chặng đường dài 200km từ Tp Long Xuyên lên Sài Gòn qua đường N2, tôi chỉ kịp cập nhật chút tình hình ngày đầu chuyến đi, rồi ngủ. Vậy mà từ hôm sau, tôi nhận quá xá nhiều comment chúc mừng, chia sẻ...
Thú thật, lúc dừng chân ăn cơm và nghĩ trưa ở Thạnh Hóa, ngoài nỗi háo hức, hồi hộp...khi bắt đầu chuyến phiêu bạt mới, tôi cũng nằng nặng một nỗi âu lo về những thử thách sắp tới trên những nẻo đường sé vượt qua. Nhất là khi nhìn người bạn đồng hành vừa chợp mắt ngủ nhanh trên chiếc võng bên đường giữa đồng không mông quạnh! Chắc chắn giấc ngủ ấy là một mõi mệt do chuẩn bị chuyến đi từ sáng sớm và cũng do đoạn đường dài dằn xóc phía sau xe!
Bất chợt tôi thấy cay cay khóe mắt, khi nghĩ đến những chia sẻ nhọc nhằn của người bạn đời đã luôn phía sau mình từ mấy chục năm qua.
Hôm nay, cũng như rất nhiều lần rong chơi đây đó, buổi trưa nắng gắt là thời điểm chúng tôi nằm nghĩ lâu dài, vừa để làm nhẹ bớt mõi mệt trãi qua trong buổi sáng, vừa để tránh cái nóng găt giữa trời trưa có thể làm bà xã bị say nắng, như đã từng! Đường về Bình Dương cũng chỉ chừng 100 km nữa, nên tôi không vội vã gì.
Rồi tôi miên man nghĩ về những lần rong chơi trong quá khứ của 2 đứa bây giờ đã già. Quen nhau từ năm 1967, tới nay ròng rã 52 năm, chợt thấy như giấc mộng, một giấc mộng có thực với rất nhiều kỹ niệm đáng yêu!
Tôi thì chỉ nằm cho khỏe cái lưng, rồi nghĩ ngợi miên man, nhớ chuyến xuyên Việt năm rồi, thấy trên khắp các nẻo đường đất Bắc có rất ít quán nước, lại chẳng hề có quán võng nào, nên phải 1 lần nằm đại dưới gốc me trước hiên ngôi nhà đóng cửa, chợp 1 miếng mắt, vì lúc đó lắc đầu hoài mà không tỉnh, sợ lũi vô xe hơi thì ...bỏ thây cả 2 vợ chồng!
Lại nhớ đến những đoạn đường mưa dầm tháng 8, mịt mù bụi nước, nhìn đường không rõ nhưng vẫn cố gắng chạy hoài không nghĩ, vì chẳng có nhà cửa 2 bên đường, thỉnh thoảng mới trốn được dưới chân cầu vượt!
Đường ngoài Bắc lại không thấy “Sơn, sửa, vá ép Honda”, nên lúc nào cũng lo sợ bể bánh, hư xe. Mình thì không sao, chỉ sợ bà xã lạnh lẽo giữa đường xa mưa bão! Nghĩ tới đó tôi thấy rùng mình!
Cho nên, sau khi giã từ Tam Đảo, chịu thêm một trận mưa “tối tăm mặt mũi” từ Vĩnh Yên qua Sơn Tây, cả 2 đành phải gác lại cung đường Tây Bắc, lên xe lữa về quê!
Bây giờ, nhìn bà xã đang ngon lành giấc ngủ bụi, mình chợt thấy cay cay khóe mắt, vì mấy chục năm dài chịu cực khổ ngồi chặt phía sau, cùng mình ngang dọc khắp nơi, vừa ngắm cảnh, vừa chụp hình để mình rảnh tay lái và để nhắc chừng...có xe bự sau lưng kìa anh!
Phía sau quán là đồng không mông quạnh, làn gió mát bây giờ bổng nổi cơn giông, mây đen nặng phía chân trời, tôi thấy cơn mưa to sắp đến, nên vội đánh thức bà xã nhanh chóng lên đường! Và mọi chuyện tiếp theo là cuộc hành trình khá vất vả từ Đức Hòa về Sài gòn như đã nói, đó là một thay đổi ngoài dự kiến.
Để giải thích về sự thay đổi này, tôi xin mời các bạn xem lại nhật ký lữ hành ngày 30-8-2018, đoạn đường từ Bắc Ninh sang Vĩnh Phúc, rồi lên Tam Đảo.
“Trước tiên là tìm đường qua Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. Phải ra quốc lộ 18, hướng về Nội Bài, rồi hỏi lần người đi đường. Cơn mưa ngày càng nặng hạt, tối tăm mặt mũi. Tôi ngậm tăm siết chặt tay ga, không nhanh, nhưng cũng không quá chậm khiến gió giật làm mình chao đảo. Đường quốc lộ miền Bắc bây giờ đầy xe, tội nghiệp bà xã cũng thấy tình hình khá căng thẳng, nín khe trong mưa gió gào thét bên tai; nhưng thỉnh thoảng cũng nhắc chừng "tài xế". Mưa to nhiều lúc không mở mắt hẳn được, phải hi hí, đành lấy kính mang vào, có mù mờ nhưng cũng đỡ hơn!
Tôi chạy miệt mài, đường quốc lộ nhiều xe chạy tóe nước, văng thẳng vô mặt, môi phải mím chặt để tránh ... ô nhiểm cái miệng. Thỉnh thoảng lại lọt vào vũng nước sâu, nước văng vô máy khiến xe chạy không ngọt, sợ tắt máy muốn chết. Mà chết máy trên đường quốc lộ đầy xe lại thiếu nhà cửa này, nhất là giữa khi mưa bão mịt mù thì thật là thảm họa! Cái này tôi không dám nói chơi, mình lớn tuổi rồi mà bơ vơ với chiếc xe chết máy, thêm bà xã chịu lạnh giữa trời gió rét, trong lúc nhà cửa, chợ búa để nhờ sự giúp đỡ, thì cách xa hàng chục, thậm chí đôi ba chục km, thì chết đứng là cái chắc!
Nói thật tôi quá lo sợ! Đó là chưa kể sự cố xẹp bánh, không biết xãy ra lúc nào, nhất là đã bị 2 lần rồi. Cái này mới đáng sợ hơn. Chết máy vì bugi bị nước thì tháo ra, che chắn chùi khô, hoặc lấy cái bugi mới mua sơ cua thay vào, thì con Daehan chắc chắn nổ tiếp. Còn bị xẹp bánh giữa đường này thì ... trời ơi cứu con!
May mắn thay, cuối cùng 2 chúng tôi cũng an toàn tới thị xã Vĩnh Yên (tỉnh lỵ của Vĩnh Phúc). Từ đây lên Thị trấn Tam Đảo còn 25km. Thấy 1 quán cà phê có tên đặc biệt, Book CaFe, thiết kế sang trọng, với những kệ sách gồm nhiều ngôn ngữ như Hàn, Nhật, Việt, Anh, chúng tôi ghé vào nghĩ mệt, gọi 2 Cappucino nóng cho ấm lại sau gần 100km dầm mưa.
Quá mõi mệt và lạnh lẽo sau 4 giờ băng mình trong mưa gió, tôi định nghĩ lại Vĩnh Yên. Nhưng bà xã nói còn 25 cây số nữa, mình... tới luôn bác tài!
12km đầu tiên là con đường mới rộng thênh thang. Sau đó là bắt đầu đoạn đường đèo dốc dẫn lên trung tâm du lịch của Tam Đảo, đó là thị trấn nhỏ xinh nằm trên cao độ 900m của núi Thiên Nhị. Vẫn còn ám ảnh bởi cơn mưa tầm tã vừa qua, chúng tôi bổng ... giật mình vì hơi nước lạnh lùng tràn xuống từ khu rừng thông bên sườn núi. Tưởng đâu mình lại sắp dầm mình trong mưa gió tiếp theo, nhưng không, đó là sương khói, là hơi nước bụi mù đang ngập tràn qua núi. Tầm nhìn bây giờ chỉ khoảng vài chục thước, xe phải bật đèn để tránh tai nạn xãy ra. Đường lên "thiên thai" bao giờ cũng thế, Đà Lạt, Bạch Mã, Sapa... đều đẹp tuyệt vời, nhưng không hề giống nhau. Đường lên Tam Đảo lại ngập tràn sương phủ, nhưng không phải lúc nào cũng dày đặc đến chẳng thấy lối đi, mà có khi giăng kín, có lúc mỏng manh khiến rừng cây khi mờ khi tỏ, đẹp nét liêu trai đến... lạnh người!
Mà lạnh thiệt, lạnh do sương giá, do độ cao và do con đường đang thi công mở rộng, chỉ chừa lối đi nhỏ dốc ngược uốn lượn quanh co bên bờ vực, sương bay mờ ảo.
Con Daehan già cỗi gắng sức tàn vượt dốc 10%, ở số1, số 2... khiến bốc mùi khét lẹt phải tạm dừng đôi lần nghĩ mệt! Mà việc dừng xe trên dốc đôi khi cũng có nguy cơ bị té ngã do đường trơn trợt, do sức già không đủ chống chỏi với trọng lượng người, xe và hành lý cồng kềnh! Một thực tế mà chúng tôi phải đối phó, trong chuyến đi này, là đường trơn trợt!
Tuy nhiên, khó khăn rồi cũng qua, sau khi gặp 1 toán học sinh đi phượt nơi gần cuối đèo, dừng lại khoe " chiến tích" cùng bọn trẻ, mà biển số xe 67F-7246 hùng hồn chứng minh, chúng tôi cũng tới được Thị trấn Tam Đảo.
Lúc đó khoảng 4h chiều.”
Mong Phước Minh
|