14/5/2015
BLAO,
Chuyện của mình.
Bài số 6
MINH SƠN MIẾU
(Miếu Ba Cô)
Đèo Bảo Lộc
Bác sĩ Yersin năm 1893 đã đến vùng đất cao nguyên Langbian, đến 1910 thì có quyết định xây dung khu dân cư gọi là trung tâm nghỉ mát cho kiều dân Pháp ở Đông dương tại Đà Lạt.
Thế là hệ thống đường xá nối liền với Đà lạt tiến hành. Trong đó có quốc lộ 20 nối liền Sài gòn , gần Blao có một khoảng đường vượt qua vùng núi đồi hiểm trở khoảng đường đó là đèo Blao, nơi đó người xưa kể lại ngoài loại máy ủi, thuốc nổ phá đá thì phần việc còn lại là do sức lực con người với cuốc với xẻng...công việc là đào, lấp, khuân vác...ngoài một ít người Pháp, Việt làm đốc công còn lại là phu mộ từ nhiều nơi đặc biệt là người thiểu số quanh vùng . Lao động cực nhọc, núi đồi hiểm trở, tai nạn luôn xảy ra, thêm vào đó là sơn lam chướng khí, thân phận con người phu bị coi rẻ rúm để rồi biết bao nhiêu người gục ngã trên đoạn đường này.
Ngay chỗ 2 khúc cua ,khoảng giữa có khe suối, dân phu làm láng trại dừng chân, lưng chừng một ngọn núi đá mà ngày xa xưa ấy cây cối thâm u, buổi sáng trên 10 giờ mới thấy ánh nắng. buổi chiều 2 giờ đã phủ sương mù. Cái vách núi ẩm ướt đó sẽ sáng lóa vào ban ngày nhờ ánh mặt trời, rồi về đêm cũng được sáng lên nhờ phản chiếu trăng sao, trở thành ngọn núi sáng, để rồi người ta đặt tên là Minh Sơn . Tại đây nhóm phu làm đường thương nhớ những người đã khuất , cũng như sợ hải trước oai linh của của thần sông thần núi, từ nắm nhang khấn vái rồi thành am, thành miếu cạnh ngọn núi sáng lóa kia để có tên gọi là Minh Sơn Miếu, tên này ít khi dùng đến để về sau có tên quen gọi là Miếu Ba Cô, như tại Bảo lộc từ rất lâu rồi người ta quen gọi là chùa làng, chùa Blao, chùa Bảo lộc thực sự chùa có tên Phước Huệ (Phước Huệ Tự).
Hiện nay tại miếu Ba Cô ở đèo Bảo lộc có dùng chữ Minh Sơn Cảnh, tôi nghĩ nó xuất phát từ Minh Sơn Miếu mà ra. Theo nhiều người kể lại đầu tiên miếu là một cái khám nhỏ nằm trên một tảng đá cạnh bờ vực của dòng suối phía bên tay phải đường từ Sài gòn lên. Sau đó mới chuyển về phía đối diện là vách núi cạnh dòng suối như ta đang thấy . Từ Minh Sơn Miếu về sau quen gọi miếu Ba Cô, bởi nơi đây thờ 3 cô gái bị chết tại đây vì tai nạn xe hơi
* Nó là một câu chuyện , tôi đã từng nghe như một truyền thuyết và tôi vẫn nhớ về câu chuyện ấy, bấy giờ chỉ biết nghe không bận tâm tìm hiểu bởi lẽ lúc ấy mình còn trẻ tuổi thêm vào đó nó chẳng có gì dính líu đến mình nghe vậy biết vậy. Nơi chốn ấy từ cái tuổi thiếu thời tôi có dịp đi qua và cứ thế cho đến giờ đã là cái tuổi 70 tôi vẫn thường qua lại, và cứ như thế mỗi lần qua lại nhắc cho tôi nhớ đến một câu chuyện, câu chuyện làm nên cái địa danh gọi là Miếu Ba Cô.
Lúc ấy là một đoàn sinh gia đình Phật tử Minh Đức, theo đoàn ra chùa Djiring để cung nghinh xá lợi Phật, vào buổi trưa vì chùa nhỏ, người đông cho nên chúng tôi được cho ra chơi ở dưới những gốc thông sau chùa vốn là cái nghiã trang Phật giáo của xứ này. Người trông coi nghĩa trang đã vui miệng chỉ cho chúng tôi xem hai ngôi mộ khá đặc biệt là một cái bình thường còn một cái được đắp thêm một nấm nhỏ ở bên trên, lúc ấy chỉ là hai nấm mộ đất không nhớ có gắn bia hay không, cùng một câu chuyện mà mấy chục năm qua tôi vẫn còn nhớ và xem nó là tiểu sử của một cái miếu nhiều người biết đến.
Chuyện kể rằng "...... Đoạn đường ở đèo Blao phía từ Sài gòn lên khi leo dốc qua khúc cua sắp đến chiếc cầu đúc gần đó có một miếu nhỏ, là chỗ mà các tài xế thường ngừng lại trước hết là cho xe mát máy, có thể vào cắm nhang ở miếu nhỏ bên cạnh đường, cùng lúc lấy sô đến lạch suối từ sườn núi bên kia đường, lấy nước đổ cho mát máy......
....Có một chuyến xe đò chở đầy khách cũng đã ngừng lại như thế, khi mà tài xế đem thùng đi lấy nước thì chiếc xe bổng từ từ lui xuống rồi trôi nhanh dần, tình thế vô cùng nguy hiểm, tài xế chạy theo xe không kịp... khách trên xe la hoảng, nhốn nháo , thì ở phía sau xe một người đàn bà nhảy xuống, rồi một người nữa cũng nhảy xuống. Chiếc xe như bị hảm thắng và đứng chựng lại. Kết quả khá đau thương chiếc xe đã cán qua hai người , đó là hai chị em ruột và người em đang mang bầu sắp đến ngày sinh nở. Hai người bị thương nặng được đưa về nhà thương ở Djiring nhưng không kịp, riêng người em mang bầu người ta cố gắng cứu đứa bé nhưng cũng thất vọng và nhờ đó mới biết được đó là con gái. Vì chưa sinh ra nên người ta để nguyên trong bụng mẹ và chôn thành hai nấm mộ như đã nói trên"
Trở lại chuyến xe, nếu hai người con gái trên không nhảy xuống xe thì toàn bộ chiếc xe đó sẽ rơi xuống vực, nói thêm rằng lúc ấy đường mới làm xong cho nên sườn núi còn trống trơn, cây cối chưa mọc lại nếu bị rơi thì xe sẽ rớt xuống rất sâu... như vậy rỏ ràng hai người con gái đó trước tiên thấy tình huống như thế định nhảy ra để thoát thân nhưng không ngờ vấp ngã, tự nhiên lấy thân chận xe lại, trở thành hai người ân nhân cho toàn bộ khách trên xe, thương tiếc và nhớ cái ơn đức ấy mà bà con đi trên xe lập miếu thờ và luôn hương khói để tỏ lòng nhớ ơn cứu tử mỗi khi qua lại. Vì là hai chị em và một thai nhi là con gái nên người ta gọi là ba cô, tên miếu ba cô có từ đó.
Thiết nghĩ hai người con gái đó phải có danh tánh phải có quê quán,chắc chắn ở gia đình các cô đều biết. Còn cộng đồng ? Trong bối cảnh xã hội ở giai đoạn thiếu thông như thế nên tung tích của các cô gái cũng không ai được biết, còn việc tỏ lòng kính mến biết ơn, người ta thờ cúng cũng chẳng để ý đến tên đến tuổi làm gì .
Giải thích thêm là hệ thống xe đò chở khách thường dùng xe Renault hoặc xe Peugeot 203 là lọai xe có cửa ở 2 bên tay lái và một cửa rộng ở cuối xe , nơi đó có một cái bệ bước lên xuống, như vậy nhảy ra không tốt sẽ bị rơi vào gầm xe. Hai cô gái trên vừa không biết cách nhảy vừa hoảng loạn nên đã xảy ra tình huống thương tâm như trên.
Nạn nhân bị ở đèo Blao, tại sao phải đem ra tận Djiring ?
Vì lúc đó Blao chưa có nhà thương (Bệnh viện) còn ở Djiring là tỉnh lỵ nên có bệnh viện.
Cũng nhớ lại rằng, sau khi nghe câu chuyện tại nghĩa trang Djiring, trong một lần theo đoàn của Chi hội Phật học Công Hinh về Ma-đa-Guôi thời ấy gọi là Đa Hòa thiết lập Niệm Phật Đường , bằng chuyến xe đò của bà Phó Ngữ , tôi lại nghe một lần nữa, khi xe đang đi qua đèo, cô Bạch Tuyết đã kể lại chuyện tai nạn xe của hai chị em tại đèo này, đã làm cho ông Phước Sơn tài xế la không cho nói trên xe, đó là điều không tốt.... Bạch Tuyết là con gái của ông Nguyễn Hóa , một nhân viên Bưu điện , người quản lý đường dây điện thoại đoạn đi qua đèo Blao thời ấy, có lẽ đã nghe người cha kể lại câu chuyện thương tâm của hai người con gái nhảy xuống xe ...
Cũng nói thêm rằng, thời gian đó các tài xế hể cứ đến khúc cua gần đến miếu thì nhấn còi ba cái coi như thủ tục chào kính, nhưng thực tế đó là còi cảnh báo vì nơi đây trước khi đến miếu từ phía Sài gòn lên hay Đà lạt xuống đều qua một cái cua rất gắt.
*****
Sau khi đọc ít lắm hai bài viết trên hai tờ báo lớn, không hiểu có phản ảnh nào hoặc một minh chứng nào cụ thể hơn không ? như là danh tánh, gốc gác của các cô hoặc mồ mả nơi nào?? , tôi nghĩ cần có ý kiên chí ít cũng có thể làm rỏ hơn về vấn đề này vì trong tôi từ bao năm nay vẫn nhớ câu chuyện ngày nào ở nghĩa trang Djiring và cho đó là lịch sử của miếu Ba Cô. Một câu chuyện thương tâm, một câu chuyện có hậu bởi có như thế người ta mới ghi ơn, mới thờ cúng. Chứ không phải chuyện huyễn hoặc, ma quái như ta đã nghe.
Tôi đã tìm đến Di linh để tìm gặp người quản trang ngày xưa, rất tiếc ông ta không còn, tìm kiếm khu vực mộ cũ ở nghĩa trang may ra có dâu vết nào không thì không có kết quả gì bởi lẽ nhiều mộ không còn bia, nếu còn bia thì đa số viết bằng chữ hoa..đã qua năm mươi năm rồi..
. Và tôi cũng tìm để cố gặp những người kỳ cựu nơi đây may ra có manh mối gì không về vụ việc này, thì có ông Nguyễn thế Tích ( em của ông quản trang), ông Huỳnh Chạy năm nay đã trên 70 tuổi cũng chỉ nói lơ mơ rằng thời tuổi trẻ cũng nghe người ta đồn đại về việc mấy cô gái bị lật xe ở đèo Blao, còn có chôn ở đây không thì họ không nhớ và cho biết rằng nằm trong thời gian trong thập niên 1940 hay đầu thập niên 1950 mà thôi.
Khoảng năm 1971 -72 một số Thân, hào, nhân sĩ ( cụm từ thường dùng để gọi những người có công lao,có hiểu biết, có công trạng được nhiều người kính trọng ) như các ông Bùi Thơm, Lê cao Lợi, Lê Hữu Tình, Lê Viết Định,Trần Thuận, Dương Xuân Dần... cùng một số giáo sư giảng dạy ở các trường Nông lâm Súc, Công lập Bảo Lộc lập hội tên là Tổ Tiên Chính Giáo mang ý thức về cội nguồn. Đã có một đặc san ra đời mang tên Dấu Xưa trong đó có bài của ông Lê Cao Lợi đề nghị lập đền thờ Hùng Vương tại núi Đại Bình. Việc làm khác được tiến hành là trùng tu tôn tạo lại đình làng Công Hinh bây giờ là xã Thiện Lạc quận Bảo Lộc và Minh Sơn Miếu tại đèo Bảo Lộc. Khi nói đến việc này thì ông Huỳnh bá Cường vốn là lính thiết giáp của tiểu khu Lâm đồng nhớ là có hộ tống ông Trung tá Lưu thành Hữu (tỉnh trưởng ) cùng một số thân hào nhân sĩ kể trên xuống tham quan miếu để tiến hành trùng tu.
Riêng về miếu ở đèo Bảo lộc, nguyên trạng lúc bây giờ là miếu gỗ có nền xây đá chẻ mái lợp tôn đã cũ kỹ, theo như người cháu ông Đặng Hà kể lại thì cái miếu này do ông Jano một người Pháp hình như con của người pháp có đồn điền trà Đại lào hay ở đồn điền Mimosa ngay đầu đèo hỗ trợ tiền xây dựng ? hiện nay tại miếu có một am bên cạnh bờ suối thờ một tấm bia nhỏ đề chữ Jano 1934-1969. như để ghi công..
Khoảng năm 1972 thì ban trùng tu miếu bắt đầu làm việc, do ông Bùi Thơm phụ trách xây dựng, thợ thì đem từ Bảo lộc xuống làm . Ông Bùi Tiến Dũng hiện ở phường Blao là người lái xe của ông Mười Tụng chở cát đá và xi măng để xây miếu( ông Dũng hiện nay bán phở đêm ở gần ngã ba đường Trần Phú và Huỳnh Thúc Kháng , hiệu phở mang tên là Phở Mười <2015>). Thời gian đó ông bà Đặng Hà đã trông coi miếu, nghe nói từ những năm của thập niên 1960 ông Hà chỉ lui tới chăm sóc ban ngày , đến sau năm 1970 mới ở gần như thường xuyên hơn . Được biết là ông bà Hà và Căn đều ở Đại Lào, gần đầu đèo, khoảng đầu thập niên 1960 vì vấn đề an ninh hai gia đình mới dờì lên Bảo Lộc hai anh em làm nhà gần nhau cạnh đường vào sở trà Chauvel, hiện con cháu ông Hà còn ở căn nhà ở góc đường Nguyễn thị Minh Khai và Trần Quốc Toản tp Bảo lộc <năm 2014>
Năm 1972 nhân dịp viếng thăm của anh Võ Đình Cường TB Hướng Dẫn Trung Ương GĐPT. VN đến Bảo lộc , tôi có tham gia đoàn hộ tống tiễn đưa anh đến cuối đèo Bảo lộc, lúc trở về có ghé lại cắm nhang ở miếu Ba cô, vẫn là cái miếu vách gỗ không sơn, trên nền đá xanh bàn thờ không có hình tượng nhiều, trong các vật phẩm cúng tôi thấy có thuyền buồm, gương lược và cả búp bê nhựa càng làm cho tôi nhớ kỹ câu chuyện được nghe gần 20 năm trước về chuyện hai cô gái và một thai nhi.
Theo lời của anh Đức con của ông Đặng Minh Căn cho biết : ba mẹ ông rời Bình Định vào lập nghiệp ở Đại Lào vào đầu thập niên 1950 không nhớ là cùng đi với bác Đặng Hà hay không? ông Hà là anh của ông Căn.
Đại Lào là tên gọi một khu dân cư mà đa số là làm công nhân cho vài đồn điền trà của người Pháp, là vùng đất sát với đầu đèo Blao. Ngày ấy khi nhắc tới Đại lào thì người dân thường nói đến các tên Tổng Nốt, Trần ngọc Quýnh , Xu Quang là những người trí thức có sở trà riêng được nhiều người nơi ấy tôn kính.) Ở đây trong thời gian đầu thập niên 1960 ông Căn vốn là một nhà giáo đã mở lớp dạy học vì người theo đạo Phật nhiều tâm đạo, có lập một Niệm Phật Đường đầu đèo, sau đó bị bỏ đi vì chiến tranh . Chính trong thời gian này ông Đặng Hà đã lui tới chăm sóc ngôi miếu dưới đèo Blao.
Năm 1953-54 tôi có dịp đi Sài gòn nhờ quá giang xe của ông Ba phấn khi đi qua đèo cũng được nhắc đến chuyện cái miếu này linh thiêng chỗ này rất nguy hiểm và nhớ là xe đi qua một cái cầu sắt sát vách núi , trong lúc một chiếc cầu bằng bê tông cốt thép bắt ngang qua đã bị đánh sập, ông Ba nói đó là thời Nhật Pháp đánh nhau, tôi còn nhớ là thấy cả xác một chiếc thiết giáp sét rỉ còn nằm dước dòng suối cho đến năm 1965- 1966 vẫn còn . Khi đó tôi bắt đầu xuống Sài gòn để học.
******
***
Ngày nay khu vực của miếu rộng rải và xây dựng khang trang hơn, đó là công sức của 3 cô con gái của ông Đặng Hà , được biết việc xây dựng tôn tạo có được sau năm 1975, quang cảnh nơi đây có bãi đậu xe, nhiều cơ sở thờ phượng, dòng suối cũng được sửa sang, đất đồi được khẩn hoang...tạm gọi là điểm dừng chân lý tưởng trên đoạn đường đèo .
Giờ đây được gọi tên là : Miếu ba cô, điện Tam Cô, Minh Sơn Cảnh. Là loại hình tín ngưỡng dân gian không thuộc một hệ thống quản lý của tôn giáo nào
Qua khỏi bãi đậu xe , ngay căn nhà thờ đầu tiên chúng ta đã thấy bảng "nơi tôn nghiêm cấm chụp ảnh." điều ấy đã nói lên một ẩn chứa gì đó về miếu này, vì trong miếu có khá nhiều thông tin được trình bày cho khách thập phương đọc như:
1 - Vách bên phải một bảng kẻ bằng sơn kể công trạng của gia đình ông bà Đặng Hà đối với miếu ?
2 - Vách bên trái gắn ba bảng nói đến lai lịch ba cô con gái của ông Đặng Hà ,lời thơ như sấm truyền viết theo thể thơ lục bát và có ý như một sự truyền kiếp để có ba cô đang trú tại nơi đây ?
3 - Ở nhà thờ trong cùng đây là miếu chính trước cửa ghi " Minh Sơn Cảnh-Điện Tam Cô- Đặng Hà dựng 1924 " Trong chính điện : -
- Ở giữa , phần sâu bên trong thờ nhiều hình tượng của các mẫu ( có thể đây là phần của cái miếu cũ),
- Phía trước bên trái thờ các vị Phật, bên phải là bàn thờ ông bà Đặng Hà.
Theo tôi việc sắp xếp như thế không theo một chuẫn mực nào.
4-Trước hành lang nhà thờ trong cùng, hướng lên núi có rào chận và một tấm bảng ghi " xin đừng lên, phần mộ bên trên của gia đình, mộ của ba cô đã dời đi ".
Khu xây dựng thêm này là trên phần sân của cái miếu được trùng tu do nhóm tổ tiên chính giáo thực hiện.
Nhắc lại “ Đến đầu tháng 4 năm 1975 khi Lâm Đồng vừa được giải phóng thì máy bay của không quân VNCH thả bom định đánh sập cầu , để cản đường quân Giải Phóng về Sài gòn, rất may bị chệch rơi vào trong sân thành một hố rất lớn.
Theo lời anh Đức cháu ông Đặng Hà kể lại, lúc đó anh và gia đình Bác Hà đang ở trước sân miếu thì có 2 chiếc A 37 bay lượn trên đầu, rồi một quả bom nổ ở gần vách núi sau miếu, tất cả lật đật chạy xuống gầm cầu thì quả bom thứ 2 nổ ngay trước sân miếu tạo thành một hố rất lớn đã đánh sập căn nhà gỗ nhỏ mà ông bà Hà ở.
Một người bình thường, dừng chân ghé lại chiêm bái hoặc đọc qua lược sử miếu, chắc cũng chẳng bận tâm làm gì.
Nhưng nếu ở một góc độ khác sẽ tinh ý thấy rằng phần lựơc sử này được viết gần đây, nói rỏ hơn là sau khi ông Đặng Hà mất 1991 đến những bài sấm truyền cũng được viết năm 2003.
Nói khác đi Ngôi Miếu này có một lịch sử mới. Chính vì thế mà gần đây nhiều tờ báo mạng cũng như báo viết đã có bài về miếu này phần lớn khai thác những chuyện kỳ bí, linh thiêng , nhưng đều đăng tải cái lịch sử đã được kẻ bằng chữ màu nâu trên tấm bảng sơn vàng đặt trong nhà thờ đầu tiên.
Hãy loại bỏ những điều huyễn hoặc kỳ bí ra , thiết nghĩ rằng có vài điểm cần kiểm chứng lại vì đây là một cơ sở mà ai cũng thấy cũng biết dù nó tự phát theo tín ngưỡng dân gian bấy giờ, Nó đã có một hình tướng như ngày nay thì phải có cái bắt đầu và sự phát triển.
Xin nêu những vấn đề sau :
1/Miếu Được thành hình năm 1924 ?
a) Trong thời gian này quốc lộ 20 chưa làm hoặc mới bắt đầu làm có chăng mới chỉ là đường đất hoặc cấp phối, đầu thập niên 1930 mới bắt đầu tráng nhựa.
Một người từ Huế vào làm cai thầu đoạn từ Blao về Sài gòn là ông Nguyễn Nhơn sau lập nghiệp ở Blao, nhà hiện nằm trước cổng văn phòng quận Blao (nay là phường Blao thành phố Bảo lộc). Một người nữa là ông Huỳnh bá Cang là phu làm đường chặng đèo Blao cũng ở giai đoạn này ,sau ông lập gia đình tại đây và sinh đứa con đầu lòng là ông Huỳnh bá Cường năm nay 80 tuổi, hiện ở Đại Lào < 2013>)
Ông Phước Sơn, thuộc một gia đình kỳ cựu ở xứ này kể rằng, khoảng năm 1930 ba ông là Nguyễn văn Ngữ đã theo đường Gia bắc từ Phan thiết lên bằng xe bò, trú ở Djiring làm cai chỉ huy phu lục lộ làm đường lên Đà lạt. Sau mới về Blao ở ferme lập vườn , khoảng năm 1950, 60 dân ở đây đã nói đến sở trà, sầu riêng và Măng cụt của bà Phó ngữ rồi, gia đình này từ năm 1948 đã có xe chở khách đi Đà lạt hiệu Renault mang tên là Trung Đức.
b)- Đà lạt được bác sĩ Yersin tìm ra năm 1893, bắt đầu xây dựng từ 1910 rồi bị trở ngại vì đệ nhất thế chiến đối với Pháp, mãi đến 1930 mới tạm gọi là thành phố nghỉ mát chủ yếu chỉ phục vụ cho dân Tây.
* Vậy đường thì chưa có, Đà lạt chưa là thành phố nghỉ mát. Vậy thì làm sao có chuyện đi chơi của 3 cô gái ? đề thành hình cái miếu ?
Thời ấy có thể đi xe lửa đến Tour Chàm rồi theo đường sắt răng cưa đến Đà lạt. Còn đường bộ thì theo quốc lộ 1 hay tàu lửa đến Phan thiết đến Ma Lâm theo đường Gia bắc đến Djiring người thời đó kể là đi bộ, xe bò hoặc ngựa.(khoảng cuối thập niên 1930 bà nội dẫn ba tôi đến Blao như thế . Tôi còn biết một số bà con bên nội của tôi lại định cư ở Ma lâm gần đường tàu vì ngại ở rừng thiêng nước độc)
2 - về chuyện 3 cô gái ?
a ) -Nói đến chuyện 3 cô gái ở Sài Gòn cùng tài xế đi Đà Lạt chơi , là nhà có xe hơi riêng như vậy là gia đình cực giàu có và danh giá thời bấy giờ. Việc 3 cô tự đi chơi xa là một vấn đề cần đặt ra về khuôn phép lễ giáo , con gái Việt rất khó lòng được cha mẹ đồng ý cho đi như thế. Rồi đến khi trên đường từ Đà lạt về , đến đèo Blao bị lật xe, ba người con gái chết , rồi bỏ xác chôn tại đó ? tại sao bỏ xác tại rừng một cách đơn giản như vậy ? Tình máu mủ, tình người chẳng lẽ rẻ rúm như thế? tình cảm gia đình với cha mẹ, với họ hàng, anh em ,Tại sao lại vô tâm như vậy? Trong lúc họ là con của nhà danh giá giàu có tại Sài gòn?
b ) - Chuyện 3 cô ấy chết vì tai nạn lật xe thì có gì quan trọng để dựng lên miếu thờ? Nếu không áp đặt những huyễn hoặc linh thiêng thì việc 3 cô gái mất có chăng thì chỉ gia đình nhang khói vì nghĩ là hương hồn còn vất vưởng nơi đây như những miếu am mà ta thường thấy trên rất nhiều tuyến đường hiện nay trên đất nước mình..
Nghĩ đến thờ phượng là nghĩ đến ân đức, công lao như các đình làng là thờ những bậc khai phá khẩn hoang lập ấp tạo khu dân cư ở một địa phương.
***
Tôi có cơ hội gặp được ông Huỳnh Bá Cường và bà Nguyễn thị Lan là những người kỳ cựu ở Đại Lào . Ông Cường năm nay 80 tuổi người sinh đẻ tại đây, là con đầu của ông Huỳnh bá Cang vốn là người đã tham gia làm đường quốc lộ 20 khu vực đèo Blao, sau đó ông Cang chọn nơi đây là nơi lập nghiệp.
Đặc biệt hơn ông Cường là con rể của gia đình ông bà Đặng Hà , ông kết hôn với người chị cả tuổi Dần vào năm 1954 lúc đó ông bà Đặng Hà ở gần đầu đèo, sau bà Dần con 2 cô em gái nữa. Rất tiếc bà Dần đã mất cách nay 3 năm , hình như mộ phần được chôn ở gần miếu dưới đèo.. (tính đến năm 2014 thì bà 76 tuổi ).
Khi nói về chuyện Miếu ở đèo Blao, ông vẫn nói rỏ là đã có miếu sẳn trước đó rồi, không nhớ tên , lúc ấy đặt trên một tảng đá lớn . Theo bà Nguyễn thị Lan năm nay 71 tuổi ( 2014) ngày tuổi nhỏ thường lui tới miếu nhớ có bà tên Tham người Huế miệng lúc nào cũng nhai trầu ở, sau đó là ông Mười lùn, kế đến là một ông người Tây hay người Ân độ tên là Jano lui tới chăm sóc, theo lời cô Đào con ông Lê Tựu ( gia đình này có thể vào lập nghiệp cùng thời với ông Căng, ông Hà ? ) nói thêm ông Tây này hình như "tốc tốc man man" làm sao ấy, ông để tóc dài, ông ta thường về Sài gòn ăn chơi, nghe nói chết ở Sài Gòn? Anh Đức có nhắc là khi gia đình anh dời ra ở Bảo lộc thì ông Jano có đến nhà chơi với ba anh, mà mẹ anh vẫn thường bảo là ông tây nay "lại cái".Theo lời bà Lan thì sau khi ông Jano rời đi miếu không ai trông coi một thời gian, thấy thế ông Căn mới đem ông Đặng Hà lui tới chăm sóc miếu ?
Ông Cường cho biết thêm là gia đình ông Căn và ông Hà vào đây ở khoảng thời gian đầu thập niên 1950 thôi, ông cũng xác nhận là ông Căn có lập một Niệm Phật Đường đầu đèo được gọi là chùa Quan Âm nằm ngay đầu dốc dẫn vào đồn điền Mimosa, ông Cường và bà Lan cho biết từ chùa Quan Âm lên phía Đại lào là đất ông Bùi xuân Cang, ông Tám Bát, ông Đặng Hà, ông Đặng Minh Căn.... nằm khoảng gần mỏ đá, hay trạm thu phí bây giờ, ông bà cũng cho biết ông Căng có mở lớp dạy chữ ở trong chùa nên còn có tên là Giáo Căn. Sau vì vấn đề anh ninh , gia đình hai anh em ông dời về ở Blao .
Bùi Tho