Trong những từ thường được dùng để nói về chó, thì từ “khuyển” nghe nhẹ nhàng, êm tai hơn “cẩu” hay “cầy”(cẩu, liên tưởng “cẩu tặc”; cầy, liên tưởng “thịt cầy”).
Nếu nhà ai có nuôi loài vật này, thể nào người ta sẽ gọi chú chó của mình bằng một cái tên thân mật nào đó, do cả nhà xúm lại nghĩ ra( như Bi, Ban, Bun, Cún, Ki, Kem, Suka, Kina…), hoặc đơn giản hơn, gọi theo màu lông của nó: Đốm, Vàng, Vện, Mực, Bông, Khoang…, chứ ít ai gọi chó bằng …”chó” mỗi khi nhắc đến con vật thân yêu, vì khi gọi “chó ơi chó “, thoạt nghe sẽ giống như một tiếng chửi. Thiệt tình, cho đến giờ, tôi vẫn không hiểu và bất bình rằng vì sao, mỗi khi tức giận hay căm thù ai đó, con người thường lôi con vật tội nghiệp này ra thành từ để chửi, thể như làm như vậy, họ rất hả hê, vừa đã cái miệng, vừa sướng cái bụng, thỏa mãn được nỗi hận vì đã ám chỉ được kẻ kia chỉ có giá trị ngang bằng một con chó ( xin lỗi nhé, nhiều, rất nhiều những kẻ xấu xí đã đánh mất lòng tự trọng, sự liêm sỉ…, thua xa chó). Bao nhiêu từ ngữ tệ hại đã đổ lên đầu con vật đáng thương: đồ con chó, đồ chó, chó má, chó đẻ, chó chết, chó hoang, chó ghẻ, chó cái, chó săn, chó sói…..( ở nước ngoài cũng không ngoại lệ, khi ghét ai, người ta thường chửi “son of bitch”, đồ con của chó cái). Từ nhẹ nhất trong những từ mà chó bị lôi vào cuộc, là từ “chảnh”( làm tàng, làm phách, tỏ vẻ ta đây). Khi đề cập về một người “ta đây”, chỉ cần một từ chảnh là đủ hiểu người kia như thế nào, cần gì phải chua nghĩa “chảnh chó” mới là sát nghĩa. Tôi chưa từng trông thấy một con chó chảnh, nên không biết chó chảnh thể hiện “sự chảnh” ra sao, có giống như người chảnh thể hiện cái chảnh không. Thật bất công với chó, bởi còn có nhiều sinh vật khác “hình tượng” hơn chó nhiều, “sẵn sàng” dành cho người ta trút nỗi căm hờn, uất ức nén nghẹn trong lòng: đồ ruồi muỗi, sâu bọ, hùm beo, gấu ngựa, lợn lòi, lang sói, chuột chù, rắn độc, cọp cái….Ngặt nỗi, người ta lại không thích dùng những từ này, dường như chúng không “đã”, không “đậm đà” bằng kiểu “chửi chó mắng mèo”. Chó thì nào có tội tình gì đâu, trừ tội….bệnh dại; trái lại, chúng là loài gần gũi với người nhất trong số các loài gia súc, gia cầm.
Bất nhẫn hơn, khi thấy món thịt cầy lại là món ăn khoái khẩu hàng đầu của các bợm nhậu. Trời phái chó xuống thế gian này đâu phải dùng vào việc làm thực phẩm. Bởi còn nhiều con thú khác hiện hữu trong cuộc sống chỉ với một mục đích duy nhất là làm thức ăn như: heo, bò, dê, gà, nai, lươn, rắn, thỏ, ba ba, ốc, nghêu…..Chúng dư sức thoải mãn nhu cầu làm “mồi đưa cay” cho các bợm, cần chi đến một sinh vật vốn dĩ sinh ra là để làm bạn với chúng ta. Thử mà xem, cứ chập tối đến, rảo một vòng quanh những khu nhậu nhẹt đông đúc thì sẽ thấy vô số những chú chó tội nghiệp đang trên đường đi “hóa kiếp” qua hàng trăm món nhậu: cầy tơ Nhật Tân, cầy thui chín món, chó thui rơm, cầy nồi đất( Nam Định), cầy chặt (Hải Phòng), thịt chó Việt Trì( Phú Thọ),v.v và v.v….Thèm chó, những khi chó chưa kịp về lò giết mổ vì“ đồ tể” còn mải bận lang thang trên đường tìm mồi, người ta phải nhậu đỡ bằng món, cũng là cầy nhưng là “giả cầy” (thịt heo), chứ không được là món gì khác. Cũng vì mấy quán nhậu càng lúc càng đông lên, nên nạn cẩu tặc càng lúc càng nhức nhối. Không những chó bị giết hại, mà cẩu tặc, tức là kẻ trộm chó, đôi khi cũng không thoát được cái chết vì bị người dân tức giận trút lên người những đòn đánh chí mạng. Cẩu tặc không tha bất cứ loại chó nào: từ những chú chó tròn lẳn ngọt thịt vô phúc lọt vào tầm ngắm của họng súng xung điện tự chế thì chắc chắn phải đi chầu diêm vương; đến những chú chó kiểng (thường nuôi trong thành phố) cũng không thoát được cái tròng thòng lọng nhanh như cắt của “xe bắt chó”( không phải xe bắt chó của đội thú y chuyên bắt chó chạy rông trên đường). Có thoát được án tử nhờ thân thể gầy còm, ít thịt, hay nhờ vì là giống thịt không ngon( cẩu tặc rành rẽ mấy loại thịt chó lắm), hoặc nhờ vào hình dáng xấu xí, nhỏ thó…, thì đối với đại đa số chủ nhân của chúng đều là những người yêu quý chú chó của mình vô cùng. Nên lỡ hớ hênh để chó lạc thì coi như đánh mất một thành viên trong gia đình, sẽ đau khổ, nhớ nhung, tiếc nuối, kéo dài trong nhiều ngày tháng. Khổ chủ nào “may mắn”được cẩu tặc gọi điện đòi tiền chuộc thì mừng húm, nhảy cẫng, biết được chó cưng của mình đã thoát cảnh “lên rơm”, bao nhiêu tiền cũng ráng gom mà chuộc.
Ở miền Bắc, món thịt cầy được xem là món ăn truyền thống khoái khẩu, là món nhậu không thể thiếu, trong khi miền Nam không mấy ai ăn thịt chó. Khách đến nhà, có quý trọng lắm họ mới mời ăn thịt chó( thịt cầy, mộc tồn, nghĩa là cây còn, đọc lái là con cầy). Chả thế mà từ rất lâu, đã có câu ca dao nói về những thứ gia vị không thể thiếu cho từng con thú bị làm thịt , như:
Con gà cục tác lá chanh,
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi.
Con chó khóc đứng khóc ngồi,
Bà ơi đi chợ mua tôi đồng giềng ( riềng).
Trên thế giới, chỉ ở Việt Nam và vài nước Châu Á ( Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippine) mới dùng chó làm thực phẩm. Còn đại đa số các nước Châu Âu, Úc, Mỹ (và các nước Hồi giáo) tuyệt đối không ăn thịt chó. Họ rất yêu chó, còn xếp thứ tự ưu tiên: trẻ em, phụ nữ, chó, rồi mới đến đàn ông. Chó là đề tài bất tận trong phim truyện, sách báo ….mà hẳn ai cũng đã từng vài lần xem qua. Có một nhà hoạt động bảo vệ động vật nổi tiếng, diễn viên điện ảnh người Pháp, Brigitte Bardot (B. B), tự nhận mình là người “yêu điên cuồng “động vật, đã lập quỹ B.B. Foundation, dành toàn vẹn phần đời còn lại để chăm sóc và bảo vệ động vật, trong đó chó là loài động vật được bà yêu thương nhất. Có rất nhiều tấm hình B.B. chụp chung với những chú chó cưng được phổ biến trên thế giới, là cách truyền đi thông điệp “hãy yêu thương những động vật quanh ta”.
Từ lâu, người ta đã xem chó là loài gia súc gần gũi, đáng yêu nhất của con người, dù cũng có nhiều người chọn cho mình những pet( thú cưng) khác như mèo, chuột lang(Guinea pig), chuột cảnh( Hamster) , thỏ, khỉ….. Chó thông minh, tình nghĩa, trung thành tuyệt đối với chủ mà những con thú kể trên không có được. Chó còn là người bạn tuyệt vời của con người. Những người sống một mình thường chọn chó làm bầu bạn, ranh giới người vật, chủ tớ dường như không có. Họ thủ thỉ nói chuyện, dắt đi chơi, mặc áo khi trời đổ lạnh, tắm táp khi trời nóng nực, bắt ve, bắt bọ, cho ngủ chung giường, ở chung phòng, âu yếm, nựng nịu, vuốt ve. Chó không biết làm buồn chủ, không biết ghen tuông với chủ, tự nguyện làm thân “khuyển mã”, cúc cung phục vụ cho đến hơi thở cuối cùng. Không phải ngẫu nhiên mà chó là giống duy nhất người ta dùng để phục vụ trong quân đội (quân khuyển), hoặc trong những đội đặc nhiệm (chó nghiệp vụ), vì tính cách thông minh, nhanh nhạy, trung thành, không hề đòi hỏi đặc ân từ chủ, cũng chẳng màng “bệnh ngôi sao”, dù chúng xứng đáng là những “tinh khuyển” lão luyện trăm đánh trăm thắng.
Bây giờ ít còn thấy trước cánh cổng sắt lạnh lùng của những ngôi biệt thự treo tấm bảng “coi chừng chó dữ”, vì dường như đã lỗi thời. Bởi từ một chú chó Berger to đùng, mỗi buổi ăn tốn vài ba ký thịt bò là chuyện thường, hay chỉ là một chú chó ta ăn toàn thức ăn thừa của chủ, đến một chú chó Bắc Kinh, chó Nhật lùn tịt như núm bông, như món đồ chơi xinh xắn, thậm chí chó chihuahua nhỏ xíu ăn khảnh “thực như miêu”, thì chủ của nó đều có thể yên tâm như nhau: ngủ ngon giấc, làm việc khuất ở cổng sau, đọc báo tuốt tận trên lầu… nhờ vào tài giữ nhà, là tiếng sủa ầm vang ( dù chó lớn hay chó con) khi chúng vừa nghe có tiếng động thật khẽ ở ngoài ngạch cửa. Nhiều chó nhà nhưng có gien chó săn sẽ trở thành tay sát chuột tài tình, bắt con mồi nhanh không thua mèo.
Tưởng tượng trong nhà có một chú chó trắng như bông, suốt ngày tha thẩn trong vườn, dù đang lim dim đôi mắt chứ đôi tai thì lại dỏng lên nghe ngóng, mũi khụt khịt đánh hơi, miệng nhe đầy răng nanh đe dọa, còn bốn cái chân thì vụt nhanh như tên …., chỉ với một mục đích bảo vệ chủ. Còn chủ thì chỉ cần thoáng trông thấy cái đuôi ngúc ngoắc biểu cảm mỗi khi đi đâu về là nghe trong lòng ấm áp vô cùng. Chó biết khi nào chủ vui, lúc chủ buồn, ai là khách quen, ai khách lạ. Chó luôn trong tư thế sẵn sàng xung trận, sẵn sàng chiến đấu vì chủ. Chiếc xe chủ đi nếu chưa kịp dắt vào hẳn trong nhà, đã có chó phóng ra ngồi canh bên cạnh; cô cậu chủ nhỏ đi học về, chó nhẩy cẫng lên vẫy đuôi mừng rỡ, dụi đầu, liếm láp tay chân. Có thể đa số những chú chó bình thường không tài giỏi như nhiều chú chó nổi tiếng khắp thế giới đã được dựng thành phim: những chú chó trung thành, ròng rã bao năm trời ngồi bên mộ người chủ đã khuất; những chú chó vượt đoạn đường dài hàng mấy trăm cây số để tìm về nhà chủ cũ; những chú chó đã xả thân cứu chủ trong đống đổ nát sau trận động đất hay trong đám cháy….Nhưng từng chú chó của từng người chủ thảy đều giống nhau tuyệt đối ở điểm: thông minh, trung thành, can đảm, thân thiện và tận tụy.
Vậy thì, nếu con người vẫn còn tính người, xin hãy đừng ăn thịt chó. Suy luận như vầy: loài chó là giống tiến hóa cao tầm ngang với loài người, coi như một người không biết nói, nhưng biết biểu cảm tràn đầy: biết buồn vui, thương yêu, quyến luyến, trung thành. Nếu ai nỡ ăn thịt chúng, gần giống như đang ăn thịt đồng loại, chắc chắn người đó có tính ác. Và, nếu “lương tâm chưa bị chó tha”, xin đừng mang giống chó ra mà rủa xả mỗi khi căm giận. Xin đừng.
24/8/2016
NGUYỄN THỊ HUYỀN NGÂN
hoituthienquangnam.com/video/linh-my-nghiem-trang-chao-vinh-biet-nguoi-hung-4-chan-trong-doi-cuu-ho-119-ifc9i.html