Nguyễn Thị Mây
Chốc chốc, con Tê giác lại thúc giục:
- Chủ nhân, đi thôi, kẻo trễ!
Nó làm tôi thêm quýnh quáng. Bực quá, tôi quát:
- Im! Bộ ngươi tưởng hóa trang thành một ông già Noel dễ lắm hả?
Nó nhướng cặp mắt ốc nhồi nhìn những miếng bông gòn dán vòng quanh cằm tôi rồi bật cười:
- Trông giống cụ ... non lắm!
Mím môi, trợn mắt, tôi dứ dứ nắm đấm:
- Coi chừng ta đấm gãy sừng đó!
Con vật càng cười to hơn. Nó lắc lư đầu khiến cho cái bị to kềnh chứa đầy đồ chơi đang được máng trên cái sừng phải bật lên những tiếng rổn rẻn. Tôi biết nó ngầm bảo:
- Đừng giỡn! Bẻ sừng tê giác còn khó hơn nhổ một cây cổ thụ.
Tôi dịu giọng:
- Này, bạn thân yêu. Hãy chờ thêm tí nữa. Dù sao, ta không muốn bọn trẻ chê ta ... xấu xí.
Chớp chớp mắt, Tê giác tỏ vẻ thông cảm:
- Được, nhưng chủ nhân đừng quá lo lắng về dung nhan của mình. Thật ra, bọn trẻ chú ý đồ chơi ngài mang đến cho chúng hơn là bộ râu giả của ngài.
- Có lý! Nhưng hình tượng ông già Noel đẹp đẽ lắm. Ta không thể làm bọn trẻ thất vọng.
Tê giác không thèm cãi cọ nữa, nó nằm bẹp xuống đất. Lim dim mắt. Nỗi phấn chấn của tôi xẹp xuống như quả bóng xì hơi. Dù biết trẻ em chờ đợi lòng tốt, sự quan tâm, chăm sóc của người lớn hơn là mong đợi một cụ già lọm khọm ăn mặc sặc sỡ. Nhưng tôi vẫn thích mang dáng dấp nhân ái truyền thống. Tôi mặc vội bộ quần áo đỏ viền trắng. Mang thắt lưng đen tuyền, chụp cái mũ hình chóp lên đầu rồi đến trước gương soi. Tôi suýt lăn ra cười. Trông tôi giống một đứa trẻ sắp hát tuồng hơn là một vị thánh chuẩn bị đi ban phát hạnh phúc.
Chờ tôi trèo lên lưng, bấu chặt cái sừng, Tê giác mới bay vút lên. Bầu trời đêm tuyệt đẹp. Ánh sao nhấp nhánh cài lên nền trời nhung đen thẩm. Gió lồng lộng. Tôi phải nằm rạp xuống sát lưng Tê giác để bộ râu bông gòn không bị xé rách dần. Còn Tê giác thật tinh nghịch. Đang bay vù vù, bỗng khựng lại, làm tôi thót cả ruột. Đúng lúc đó, nó lại bay vun vút tới trước, mặc cho tôi thét rùm trời.
- Mi điên rồi hả? Có chịu giảm tốc độ không?
Nó cười khùng khục, lắc đầu:
- Thấy vậy, tôi vẫn còn chậm so với một chiếc mô tô đang phóng trên đường bộ.
Thò tay quẹt mũi nó một cái, tôi cười:
- Mi muốn đua tốc độ hả? Nếu vậy, làm ơn để ta xuống đất. Ta chưa muốn chết.
Tê giác bỗng kêu lên:
- Ồ, chúng ta sẽ đến đâu, tới nhà ai trước? Coi chừng đã lạc đường.
- Không sao, nếu lạc, mi hãy nhìn xuống đất. Hễ thấy nơi nào có tháp phát sóng đài truyền hình thì quay lại đó. Tìm về trung tâm thị xã bằng cách đó chính xác không thua nhắm hướng sao bắc đẩu. Bây giờ, hãy bay đến xóm nhà lá!
Sợ Tê giác thắc mắc, tôi vừa chỉ tay vừa giải thích:
- Mi cứ bay đến vùng ngoại ô, nơi có ánh đèn thưa thớt. Dân xóm này rất nghèo. Họ chỉ lo chuyện ăn uống, chứ ít khi nghĩ đến việc mua đồ chơi cho con cái. Ta sẽ ưu tiên cho bọn trẻ ở đây.
Con Tê giác thật tuyệt. Nhanh như chớp, nó đến đúng nơi tôi cần đến. Cả hai lúng túng hết mấy giây vì không tìm thấy ống khói để chui xuống. Nhưng rồi mọi việc cũng được giải quyết nhanh gọn. Nhà bé Thủy ở đầu xóm. Vách lá nhà sau rách một lỏm vừa đủ để tôi đút đầu vào quan sát. Tìm một chỗ đặt xoong nồi bằng nhựa cao cấp. Sáng mai, khi thức dậy, Thủy sẽ vui mừng biết bao khi thấy món đồ chơi hằng mơ ước đang nằm chễm chệ trên mặt bàn gỗ cũ kỹ. Thủy không còn dùng gáo dừa để giả làm nồi, dùng vỏ nghêu làm chén đựng những cọng mì sợi bằng dây tơ hồng, rắc lên vài cánh hoa cẩm tú. Vậy mà, năm sáu đứa con nít vây quanh, tranh nhau: “Chị Thủy, bán cho em một tô mì !” Chính tôi, trong một dịp đi học nhóm, ngang qua, trông thấy cũng ghé lại, đòi mua mì.
Nhà thằng Tí trống hoét. Vào dễ ợt. Hình như cửa không bao giờ khóa. Họ đâu có gì để mất. Tôi đặt lên bàn thờ ba của Tí một hộp “Hoa đèn”. Chỉ cần nhấn nút, ba đóa hồng có cài đèn ở giữa nhụy bật sáng. Một điệu nhạc du dương cất lên, làm vui hẳn khung cảnh ảm đạm này. Lâu lắm rồi, từ ngày ba Tí mất, nhà nó vắng lặng lắm. Mẹ Tí phải đi phụ hồ. Một nghề đòi hỏi phải có mặt thường xuyên ở công trường. Tí ở nhà một mình buồn đứt ruột.
Nhà Bé Bi ngộ ghê. Mái dột nát. Vách cũng trống trước, hở sau. Nhưng được tấn kỹ ở cửa ra vào. Ba mẹ Bé Bi sợ bé lén ra khỏi nhà lỡ lọt xuống ao gần đó thì khổ. Họ đâu ngờ nhốt Bé Bi như vậy chẳng khác nào bắt con cóc bỏ lên dĩa. Nó vẫn nhảy như thường. Bé Bi lôi cái ghế đẩu cho ngã nằm dài trên mặt đất. Bé lôi xềnh xệch tới bậc cửa, bấu chặt khung cửa, Bé Bi bước lên tám ván chắn và nhảy ra ngoài. Hôm bọn tôi bắt gặp cảnh Bé Bi lăn như cuốn chiếu vừa tức cười vừa hoảng vía. Liều 1ĩnh kiểu này có bữa u đầu, vỡ trán. Tôi chọn hai chiếc vòng đeo tay có lục lạc cho Bé Bi đeo. Mỗi bước đi của bé sẽ vang lên tiếng nhạc. Bà hàng xóm sẽ nghe được và ... can thiệp đúng lúc.
Chúng tôi còn đến nhà những đứa trẻ con nhà khá giả ngoan ngoãn. Những món quà tặng chúng mang tính nghệ thuật chứ không thực dụng như quà tặng trẻ xóm nhà lá. Bé Thúy sẽ nhận được một cây sáo trúc. Thằng Trùm Tỉn một cây còi thể dục. Thúy Liễu sẽ nhận một hộp vải vụn. Liễu mặc sức thiết kế thời trang cho ... búp bê...
…Tôi đang thao thao bất tuyệt với câu chuyện kể của mình thì Bảo cắt ngang:
- Nói dóc vừa thôi ông. Từ hồi đó đến giờ tao đã nghe nhiều người nói dóc rồi nhưng chưa ai nói dóc ... bay bổng như mầy. Còn bày đặt xen lẫn giữa hiện đại và truyền thuyết nữa chứ. Hứ, người ta đang học bài, khi không rủ rê ra đây nghe nói dóc.
Nhìn điệu bộ Bảo, tôi không khỏi bật cười. Mặt nó vênh lên, môi bĩu ra, hai mắt nhắm híp.
Trang che miệng cười khúc khích:
- Em thấy anh Phong kể chuyện cũng lạ lắm chứ bộ. Phải chi ông già Noel cũng tặng đồ chơi cho em.
Thằng Bảo bỗng vỗ đùi đánh bốp:
- Tại sao tụi mình không giả làm ông già Noel, đi tặng quà cho con nít xóm mình.
- Liểu mà giả làm bà già Noel thì giống hơn.
- Tụi mình giả làm ông già Noel và bà già Noel. Đồng ý không?
Thằng Bảo lại thắc mắc:
- Lấy quà ở đâu để tặng?
Cả bọn ngớ ra mấy phút. Rồi cũng chính Bảo vỗ đùi đánh bốp:
- Lấy từ trong thùng đồ chơi của bọn mình.
Tôi nhớ đến thùng đồ chơi của tôi. Mỗi kỳ sinh nhật, ba mẹ, ông bà đều tặng quà cho tôi. Món nào cũng đẹp và đắt tiền. Tôi quý chúng lắm. Không phải vì chúng đắc tiền mà vì tấm lòng của người tặng. Bây giờ, tôi sắp mang nó đến cho người khác, chia sẻ niềm hạnh phúc bấy lâu tôi có. Ông bà, ba mẹ biết được chắc cũng không nỡ giận. Tôi bỗng thấy mình lớn hẳn ra, chững chạc và nhân ái như một ông già Noel./-