12/6/2016
Trở lại Kalaw (tt)
Tiếp tục lại là một hình ảnh quen thuộc luôn gặp tại những nước nghèo, 1 chiếc xe đẫy thô sơ, là phương tiện mưu sinh của những người bán sức mình để tìm miếng cơm, manh áo. Một hình thức lao động giản đơn mà những người nghèo chân chính tại các nơi còn chậm tiến thường chọn lấy, rất nhiều người trong số họ, chỉ mong muốn một phương tiện mưu sinh khác, nhẹ nhàng hơn, nhưng nhiều khi không thể nào đạt được.
Tôi chợt gặp một nhóm các chú mèo con đang vô tư nằm phơi nắng, hình ảnh này chắc khó gặp ở Việt Nam, bởi vì chúng sẽ trở nên mồi ngon của bọn “mèo tặc” rồi chuyển thành “mồi bén” của đệ tử lưu linh hiện diện đầy đường xó chợ ở đất nước tự hào về con số sản xuất hàng tỷ lít bia một năm! Cũng tương tự, đám bồ câu trên mái nhà phần lớn sẽ được “chết già” vì dường như trong thực đơn chính của người dân Miến không thấy có món bồ câu đút lò, hay bồ câu ra ràng tiềm thuốc Bắc…
Tôi tiếp tục qua vài con đường khác, rồi thẳng ra quốc lộ 4, tức là đường Pyi Taung Sue, đi Taunggyi(rẻ phải) hoặc trở xuống quốc lộ Yangon-Mandalay(rẻ trái). Tôi thấy vài chiếc xe đò nhỏ loại 12 chỗ hoặc pick up hoán chuyển thành xe chở người, không có băng ghế, hành khách chen chúc nhau ngổi bệch xuống sàn xe, hoặc gá đở cái mông lên tấm bửng! Đây là xe khách địa phương chỉ lưu hành trong khu vực Kalaw-Taunggyi-Heho-Inlay-Pindaya…
Cũng như Cambodia và Lào, do hoàn cảnh nghèo của đất nước, phương tiện giao thông còn thiếu thốn, nên người dân vẫn thoải mái chất lên những chiếc xe đò với số lượng không…hạn chế, nếu còn chỗ. Tôi không biết, điều này có nằm trong luật cấm của CSGT Myanmar hay không, nhưng tình trạng đó phổ biến khắp nơi trên đất nước Chùa Vàng, kể cả tại thành phố lớn như Yangon.
Thật ra, khi qua Lào, Cambodia, Thái Lan và bây giờ là Miến Điện, việc chở quá số người qui định, hoặc chở người trên xe tải, bán tải, xe cải tiến... không thấy bị xử lý, kể cả nước phát triển nhất khu vực như Thái Lan. Dĩ nhiên việc tận dụng khoang hành lý trên xe bán tải để chở khách không nhằm mục đích kinh doanh tôi thấy cũng không quá đáng, còn liều lĩnh chở người theo cái kiễu Cambodia thì thật sự không nên.
Cuối cùng, trước khi kết thúc buổi sáng rong chơi một mình tại Kalaw vào ngày thứ 2, tôi chạy ra đường Pyi Taung Su, tức là quốc lộ 4 đi Taunggyi, để nắm tình hình chuẩn bị cho những cuộc rong chơi xa hơn về miền nông thôn tuyệt vời trên vùng đất cao nguyên nàyvào những ngày sắp tới.
Ngay đối diện với chợ Kalaw, tức phía bên trái đường Pyi Taung Su hướng về phía thủ phủ Taunggyi, là 1 dãy những văn phòng dịch vụ du lịch, các “Travel Agency” này ngoài việc mua bán vé xe, vé tour của các hãng lữ hành, còn là nơi đảm trách các chuyến trekking nổi tiếng đi hồ Inlay. Tôi tiếp tục chạy thêm một đoạn về phía Taunggyi, bây giờ một phần Kalaw có dáng dấp của Đà Lạt thân yêu. Những đồi thông còn sương sớm lãng đãng trên các nóc nhà đầy màu sắc, gây nên một cảm giác thân quen. Thành thật mà nói, so với Đà Lạt, Kalaw hoàn toàn chẳng thấm vào đâu về cái đẹp, tôi cũng chưa thấy cái tiềm năng nào về một Kalaw quyến rủ như thành phố hoa đào của nước ta. Kalaw vẫn còn hoang sơ, không có hàng ngàn biệt thự kiễu Pháp thời thuộc địa hay hiện đại thời chuyển giao thiên niên kỷ, khiến tạo nên một đặc thù độc đáo hấp dẫn du khách khắp nơi như thành phố ngàn thông của Việt Nam. Kalaw không có những hồ nước mộng mơ như Xuân Hương, Than thở, Suối Vàng…hoặc những thác nước quyến rủ như Prenn, Datanla…khiến du khách sau khi thăm rồi cũng muốn có ngày trở lại. Kalaw còn thiếu nhiều thứ lắm, nhưng Kalaw chắc chắn sẽ là điểm nóng về du lịch ở bang Shan, Myanmar, trong tương lai bởi những cái riêng khác mà Đà Lạt không có được. Tôi sẽ cố tìm ra những cái riêng này trong những ngày sắp tới.
Thật ra, không chỉ trong chợ Kalaw, sự giống nhau còn thấy được ở cảnh quan, đường sá bên ngoài. Có mấy bến xe ôm tại vài góc đường y hệt Việt Nam, nếu không nhìn y phục và bảng chữ ngoằng ngoèo thì chẳng khác gì tôi đang ở đâu đó tại quê nhà. Còn nữa, đó là ngôi tháp màu nhủ bàng bạc của chùa Aung Chang Tha Zedi, nằm phía bên kia đường Mint, nơi hướng Tây chợ, là đặc trưng rất Miến Điện để ta không nhầm với Việt Nam.
Tôi ghé qua ngân hàng KBZ lấy 20 USD đổi ít tiền kyat phòng thân, vì thấy chẳng cần mua gì, ngoại trừ để trả tiền uống nước, cà phê…khi ghé đâu đó bên đường. (Xin lưu ý, người Miến chỉ chấp nhận tiền dollar Mỹ không có nếp gấp, không dơ bẩn.)
Theo sự hiểu biết nhỏ nhoi của tôi, bố thí là hạnh đứng đầu trong giáo lý nhà Phật, dù Nam hay Bắc tông. Bố thí không chỉ giới hạn trong vật chất, của cải (tài vật) mà còn bao gồm cả pháp (dạy lời hay, lẽ phải…), cho nên ngay cả những người nghèo, không tiền của, vẫn có thể thực hành hạnh bố thí, miễn là nó xuất phát từ tấm lòng trong sáng, vô vụ lợi! Nụ cười, tình yêu thương, sự cảm thông…nếu có cho đi, cũng không hề làm tổn hại chút nào đến tiền của, người ta có thể phân phát cả ngày cũng không hết, có chia sẻ suốt đời cũng chẳng vơi, mà trái lại, càng chia sẻ, càng phân phát thì hình như nó càng nhiều hơn trong ta và quan trọng nhất chắc chắn nó mang lại niềm an lạc trong tâm hồn! Đưa một cụ già qua đường, nhường chỗ cho một thai phụ, nhặt một cọng rác, bỏ một miểng chai vào thùng rác công cộng… đều là cách bố thí hoàn toàn không mất tiền. Đạo Phật có những điều thật giản dị như thế, suy cho cùng thật dễ làm, nhưng sao có nhiều người khó thực hiện?
Lý do mà tôi mạo muội phiếm bàn một chút về điều này là vì hôm nay tôi may mắn gặp những nụ cười Miến Điện trong lúc lang thang đầu đường xó chợ…Kalaw. Không biết có phải ấy là do ảnh hưởng của Phật giáo hay không mà tôi thấy phần nhiều họ vui vẻ, hòa nhả? Ngoài ra, chắc cũng tại tôi hay cười với họ, vì nhận thấy hơn 90% là mình được một nụ cười đáp trả! (He he, ở Việt Nam cái vụ cười này cũng phải tùy nơi nghen quí vị, gần 10% cái cười còn lại có thể làm bạn …ăn dao hay ăn đấm vì bị gán tội …cười đểu! )
Cái thói quen đi len lỏi qua các đường lớn, đường nhỏ, hẻm to, hẻm bự…tại những nói xa lạ mà tôi có dịp đặt chân đến, nó luôn là điều thú vị. Năm 2013, khi ghé ngang Bangkok, tôi đã dành nhiều thời gian để loanh quanh các con hẻm nhỏ trên chiếc xe đạp gấp, nhờ thế tôi đã bắt gặp không ít các hình ảnh đời thường rất dễ thương. Bây giờ cũng thế, tôi đang muốn chứng kiến những điều bình thường nhất nhưng cũng mang đặc trưng Miến Điện.
Đó là một tụ cờ mà tôi thấy có lẽ rất dân dã như cờ gánh, cờ nhào…của trẻ con Việt Nam. Loại này chỉ mang tính giải trí chứ không có vẻ sát phạt, ăn tiền! Nhìn cái cách họ cười thú vị khi tham gia ván cờ, dù là người xem, tôi chợt thấy vui lây bởi vẻ vô tư, hiền hậu!
Đó là hình ảnh một người cha Ấn Độ đưa con nhỏ đến trường, chẳng khác mấy với những người cha Việt, đây là hình ảnh trước 1 trường tiểu học nhỏ nằm sát chợ Kalaw.
Chợ Kalaw bằng cở chợ Huyện ở nước ta, nằm gọn trong 1 khu vực vuông vức bao bọc bởi 4 con đường Khone Thae Street(Nam), Pyi Taung Sue Road, tức là quốc lộ 4 đi Taunggyi(Bắc), Station Street(Đông) và Min Street(Tây). Dọc theo 4 mặt đó là 4 dãy những kiosque, cửa hàng (cà phê, ăn uống, tạp hóa, điện & điện tử, thuốc tây…). Chợ có 2 cổng chính, I ở đường Khone Thae, II ở đường Pyi Taung Sue, nối nhau là 1 con đường cũng là nơi họp chợ bán hàng nông thủy sản...
Suy nghĩ của tôi có thể mang tính cá nhân, nhưng thật rất thú vị khi nhìn thấy những nét tương đồng với quê nhà trong sinh hoạt, trong cuộc sống đời thường tại những miền đất xa lạ. Nó khiến tôi chợt bâng khuâng nhớ về miền thốn thổ quê tôi khi xa vắng lâu dài, một tấc đất nhỏ có loài hoa dại quen thuộc bên vệ đường, cũng làm tôi trạch lòng “mùi cố quốc”, một chợ quê vắng khách cũng khiến mình “ buồn não nuột bước chân” !
Cho nên, tôi ngã chóng, dựng xe, bước vào chợ, len lỏi theo những khóm hàng nông sản…đang bày ra tràn lối đi. Thật chẳng có gì ngạc nhiên khi tôi gặp nhiều du khách nước ngoài đang xâm nhập cái đời thường giản dị này! Chuyện này không lạ, bởi vì nơi đây họ không gặp cái tiện nghi sắp đặt như nơi đất nước họ, với những gian hàng bày biện ngăn nắp, sạch sẽ…vì thế, họ hào hứng tiếp cận, để cảm nhận cái không khí họp chợ hổn độn và giản dị tại xứ sở còn nghèo khó này! Âu đó cũng là 1 trong vô số nghịch lý của cuộc đời, người nghèo khó luôn ước ao về những tiến bộ, tiện nghi của xã hội phương Tây, trong khi khách Tây lại thú vị thưởng thức cái không khí “chợ búa bình dân” của những nơi chậm tiến, họ không bỏ lỡ cơ hội chen chân vào khu chợ “lộn xộn” này để làm phong phú hơn cái trãi nghiệm thực tế trong bước đường phiêu bạt.
Với tôi, chợ Kalaw không khác gì những chợ quê cấp xã, cấp huyện ở Việt nam, cái giống nhau đó là điều khiến tôi rất thú vị, vì hình như trong tôi cũng đang có một nỗi cảm thông của người đến từ đất nước cùng cảnh ngộ, nghèo!
Như vậy là hôm nay không có kế hoạch đi chơi, Sư nói ngày mai mình sẽ đi Taunggyi rước Koto, bây giờ nếu muốn, ông Minh lấy xe gắn máy chạy lòng vòng chơi.
Tuyệt thật!
Tôi xin mở ngoặc ở đây để nói một chút về Koto, mà Sư hay gọi là “Cồ Tô”. Cháu này chỉ mới ngoài 20 tuối, từ nhỏ chỉ sống quanh quẩn tại Kalaw, là người được Sư tin cẩn giao mọi việc quản lý chùa mỗi khi Sư về Mỹ, cũng là người luôn theo sát Sư trong những chuyến đi xa tại Myanmar. Koto hiền hậu, khá điển trai và thật dễ thương, năm 2013 tôi chỉ biết loáng thoáng cháu trong chuyến thăm hồ Inlay và đi chợ Taunggyi cùng Sư mua thực phẩm, hoa trái về chuẩn bị cho Lễ Dâng Y. Koto cũng là người mỗi sáng theo chân Sư cầm “gà men” đựng thức ăn cúng dường mang về chùa.
Koto vừa hoàn thành những học phần cuối cùng của chương trình Cử nhân Luật tại Đại học Taunggyi. Cũng giống như Đại học Luật khoa, Văn khoa, của Miền Nam trước 1975, sinh viên không cần thiết phải đến trường suốt trong 4 năm học, chỉ cần ghi danh, lấy bài về học rồi trước ngày thi thì tập trung ôn luyện, thậm chí có người không cần tập trung, cứ tự học rồi đợi ngày tham dự cuộc thi cùng những sinh viên khác, dĩ nhiên cũng khó đậu nếu không học hành nghiêm túc. Là sinh viên đại học, nên Koto thông thạo tiếng Anh, nên vừa là trợ lý vừa là thông dịch của Sư Hoài.