1/10/2015
TRUYỆN NGẮN
THẦM LẶNG TỎA HƯƠNG
Nguyễn Thị Mây
------------
Đêm dần sâu. Trăng nhợt nhạt hắt những vệt sáng loang lổ lên mặt sông lặng lờ, ngầu đục. Phố khuya vắng ngắt. Quyên đã giặt sạch mớ quần áo nhưng chưa muốn vào nhà. Quyên yêu phố đêm, thích nhìn những cây cột đèn đứng chôn chân trầm tư đợi mặt trời. Quyên lặng ngắm những khung cửa đóng kín, say ngủ. Mọi thứ bất động, trừ Quyên . Quyên ngồi bệt trên sàn gỗ, thòng hai bàn chân trần xuống nước, khuấy mạnh. Cảm giác mát lạnh len vào người Quyên bật cười. Nụ cười hiếm hoi trong ngày, giữa cuộc đời oằn nặng, lo toan.
Nhà Quyên có sáu người. Một kết hợp lạ lùng. Một nửa ruột thịt, một nửa là người dưng. Ông bà ngoại đã nhặt được mẹ Quyên trong một cái thúng cũ đặt cạnh góc đa đầu xóm. Và mẹ Quyên đã nhặt được chị Bảo, chị cả của Quyên lúc còn đỏ hỏn, nằm khóc ngất giữa một bọc quần áo cũ đặt cạnh một đôi giày cao gót và chiếc nón bài thơ bên dòng sông thản nhiên chảy xiết. Có lẽ nước đã cuốn người đàn bà bất hạnh ra biển. Chị Ngọc Bảo trở thành con gái của mẹ. Mẹ quí chị như một báu vật trời ban. Mẹ sung sướng nhìn chị ngày một xinh xắn hơn và học giỏi hơn nhiều trẻ khác cùng tuổi.
Nhưng, ba cưới mẹ. Quyên chào đời. Tiếp đến là cu Toàn. Chị Ngọc Bảo bỗng nhiên mất giá. Chị trở thành cái cớ cho ba mẹ cãi nhau. Cuối cùng, chị trở thành nguyên nhân của sự ra đi của ba. Vì mẹ đã cương quyết không ném chị Bảo vào viện mồ côi. Mẹ cho rằng: “Sống mà không có lòng nhân, không biết ban phát hạnh phúc thì cuộc đời nào có ý nghĩa gì”. Ba thét vào mặt mẹ: “Nhân đạo thì không gạo nấu! Đồ ngốc”. Mẹ cười lạt: “Ích kỷ sẽ giàu có à?” Ba gầm lên: “Để rồi xem. Đói rã ruột cả lũ mà còn làm bộ làm tịch. Để coi mấy người hối hận ra sao”.
Ba đi rồi cả nhà đói thật. Bỗng dưng cả nhà lâm vào cảnh túng cùng. Ông ngoại bị bán thân bất toại, bà ngoại buồn rầu, khóc ngày khóc đêm, mắt sưng húp, suýt bị mù. Bà không còn đi buôn được nữa. Một mình mẹ oằn vai gánh bún bì bán rong. Nhiều hôm, mẹ ế, cả nhà phải ăn bún thay cơm. Chị Bảo xin được nghỉ học để đi làm thuê, lấy tiền giúp gia đình. Chị bị mẹ mắng cho một trận: “Mới khó khăn chút đỉnh đã nản lòng. Con không nhìn thấy mẹ vì dốt mà bây giờ vất vả hay sao?”. Chị Bảo khóc rấm rức: “Tại con mẹ mới khổ!”. Mẹ ôm chị vào lòng, vỗ về: “Nếu thương mẹ, con phải ráng học thật giỏi để sau này nuôi mẹ, nuôi các em hoặc giúp đỡ người khác”.
Từ đó, chị Bảo cứng cáp hẳn lên. Học bài xong, chị vấn cao mái tóc dài, kẹp gọn, xắn tay vào việc nhà. Chị rót nước cho ông, đấm lưng cho bà, tắm cho cu Toàn và tết tóc cho Quyên.
Chiều. Khi mặt trời rụng xuống đọt cây xa, ba chị em dắt tay nhau đi rước mẹ. Chị Bảo giành gánh hàng để mẹ bế cu Toàn dù nó đã lớn xộn, chân thòng gần tới đầu gối mẹ. Quyên đi sau rốt, ngẫn người nhìn ráng chiều nhuộm ửng hồng lưng áo bà ba sờn bạc của mẹ, đẫm chiếu lưng chị Bảo còng xuống vì gánh nặng. Lòng Quyên nao nao. Nửa thấy bồi hồi, sung sướng, nửa chua xót cảnh nhà vắng bóng ba. Quyên mong biết bao nhiêu hình ảnh ba đi bên mẹ, dắt tay Quyên hoặc gánh nặng kia nằm trên bờ vai lực lưỡng của ba. Chị Bảo được tung tăng chân sáo, cất giọng trong trẻo hát một bài ngợi ca tuổi thần tiên. Nhưng điều đó không hề xảy ra. Cảnh sum vầy ấy mãi là mơ ước hão huyền.
Ông bà ngoại lần lượt qua đời. Nhà thêm buồn tẻ. Rồi chị Bảo tốt nghiệp THSP, nhận nhiệm vụ ở một vùng nông thôn sâu. Cu Toàn học Đại học hàng hải ở tận thành phố HCM. Mỗi năm, nó chỉ về thăm nhà vào dịp Tết Nguyên đán. Chỉ còn Quyên với mẹ ra vào quạnh quẽ. Những lúc Quyên lo việc bán hoa, mẹ một mình thui thủi. Bà thường giúp Quyên tỉa tót những chậu hoa kiểng, tạo dáng cho bằng thăng, cho nguyệt quế. Mẹ bắt sâu ở những chậu hồng bạch, hồng vàng. Quyên lo mẹ vất vả sẽ sinh bệnh. Nhưng bà đã trấn an con gái: “Trồng cây là một việc làm mang nhiều ý nghĩa đối với mẹ. Vừa được giúp đỡ con gái, vừa thư giãn, vừa góp phần làm đẹp cuộc đời”. Nghề bán hoa kiểng đến với Quyên thật bất ngờ. Hôm đó, Quyên cũng mang đồ ra sông giặt giũ. Quyên ngạc nhiên hết sức khi thấy một thanh niên ngồi ủ rũ giữa những chậu cây cảnh tuyệt đẹp. Tò mò, Quyên lân la đến gần dò hỏi mới biết đấy là một khách thương hồ bất đắc dĩ. Cha anh ta bệnh nặng đã khá lâu. Anh bán dần mòn những vật quý báu trong nhà để có tiền chữa bệnh cho cha. Đến nay, bệnh vẫn chưa thuyên giảm. Nhà chẳng còn gì ngoài những chậu hoa kiểng này. Chuyến tàu mang anh ta từ dưới quê lên tỉnh lúc mặt trời nằm ngay đỉnh đầu, đến giờ vẫn chưa có ai mua giúp. Quyên nhìn lên bầu trời lấp lánh sao khuya. Gió hây hây, mang cái lạnh đầu đông lan tỏa. Thoáng rùng mình. Quyên chạy vào nhà bàn bạc với mẹ. Mẹ đồng ý cho Quyên dùng tiền để dành mua hết hoa kiểng. Thật may! Hôm sau, có một du khách khi lái xe du lịch ngang nhà Quyên, chợt thấy cặp cò xanh mướt đứng co chân trên mặt chậu, hai con rồng xanh điểm hoa trắng chờn vờn muốn bay lên. Ông ta liền ghé lại ngắm nghía, trầm trồ, năn nỉ mua hai cặp kiểng ấy. Ông ta tự động đưa ra giá cả tương đương hai chỉ vàng. Quyên mừng quýnh, tưởng nằm mơ. Cô bần thần cả ngày vì số tiền ấy gấp mấy lần vốn mua nhiều chậu kiểng. Sau một đêm thao thức, Quyên quyết định chọn nghề bán hoa. Công việc thuận lợi ngoài sức tưởng tượng của Quyên. Những cây xanh mang dáng động vật đã đem lợi nhuận lớn đến cho gia đình. Cả nhà không cho mẹ đi bán nữa. Bà ở nhà trông nom vườn tược, chăm sóc con. Quyên không ngờ những chậu xương rồng bé tí, chỉ to hơn cái bát một chút lại thu hút khách thiếu nhi vô cùng. Mấy cô cậu thường kéo đến ngắm những cái gai tua tủa tỏa ra từ phiến lá xanh dầy. Chúng kháo nhau: “Phải gọi là xương rắn mới đúng. Lẽ nào xương rồng mà bé thế này”. Những thanh niên, thiếu nữ yêu hoa hồng, hoa Forget me not. Những bậc cao niên lại thích thiên tuế, bồ đề, cây si, ... Loại nào Quyên cũng có mối đem đến tận nhà. Quyên mua, làm đẹp vuông sân chẳng bao lâu chúng được khách yêu hoa đến rước về nhà họ. Cứ thế, cuộc sống êm đềm trôi.
Sáng nay, chị Bảo về thăm nhà. Chị phá vỡ sự yên tĩnh cố hữu của khu vườn bằng tiếng khóc ngằn ngặt của một hài nhi. Đó là đứa bé bị bỏ rơi trước cổng trường nơi chị công tác. Nó khóc đến khản cổ vì khát sữa và lạnh. Người bu lại xem nhưng chẳng có ai dám bế. Chị Bảo đến, vẹt đám đông, len vào, nâng đứa bé bất hạnh lên. Chị mang nó về chỗ trọ và bắt đầu ... làm mẹ. Nhưng rắc rối xảy ra với chị. Anh Thanh, người yêu của chị không đồng ý. Anh lý luận chị không có thời gian, kinh nghiệm để chăm sóc, nuôi dưỡng một hài nhi. Chị còn phải tự học để tiến thân. Khi thành hôn, chị phải quán xuyến việc nhà chồng. Mẹ anh cũng không đồng ý việc làm của chị Bảo. Chị xác nhận những điều anh Thanh đưa ra đều hợp lý nhưng thiếu tình người. Chị phải làm sao trước cảnh ngộ thương tâm của thằng bé. Dửng dưng ư? Rồi nó sẽ ra sao? Dĩ nhiên, người gánh trách nhiệm là cha mẹ của đứa bé chứ không phải chị. Nhưng họ đã ném nó ra vệ đường như ngày xưa, mẹ chị đã trốn chạy trách nhiệm, để mặc chị bên bờ sông lộng gió. Chị không thương đứa bé sao được. Nó cũng bất hạnh như chị. Nếu không có mẹ cưu mang thì chị sẽ ra sao? Chị muốn noi gương mẹ. Nghe chị kể, mẹ cảm động đến không cầm được nước mắt. Bà khen chị Bảo biết suy nghĩ, bà an ủi: “Ở hiền sẽ gặp lành”. Hai người lăng xăng với thằng bé. Chốc chốc thay tả, mớm sữa, ru ngủ, ... Quyên nấu cơm, dọn sẵn, mời năm lần bảy lượt vẫn chưa ai chịu lên mâm. Quyên dỗi, bỏ ra vườn hoa ngồi khóc. Khóc chán, Quyên cảm thấy mình lãng xẹt. Ai đời ganh tị với một hài nhi. Nếu ở vị thế chị, Quyên cũng làm vậy thôi. Phải nhìn nhận có tiếng khóc của nó, ngôi nhà ấm hẳn. Dù bận bịu, gương mặt mẹ bừng sáng niềm vui. Mẹ vốn nhân từ kia mà. Sao Quyên là con ruột mà chẳng giống mẹ thế? Quyên mắc cỡ, đứng bật dậy, bê mớ tả lót của thằng bé ra sông giặt. Giờ này, chắc nó đã ngủ say. Thế nào mẹ với chị Bảo cũng nhớ ra cái bao tử rỗng tuếch đang đòi phục vụ. Quyên mĩm cười, bưng thau đồ sạch vào nhà. Quyên muốn hong nóng thức ăn để mẹ và chị được ngon miệng ... Vừa đến đầu ngõ, Quyên đã nghe giọng chị Bảo nói như reo:
- Thuyền Quyên. Mau vô ăn cơm! Thằng nhỏ thiệt ngộ ghê! Dỗ hoài không chịu ngủ. Nhưng đã có ba nó bế rồi. Mình cùng ăn cho vui.
Anh Thanh đã đến tự lúc nào. Anh đang bồng thằng bé. Trông dáng điệu lúng túng của anh mà tức cười. Quyên quay nhìn gương mặt rạng rỡ của chị Bảo, nước mắt Quyên bỗng dưng tràn ngập bờ mi.
Ngoài vườn, những đóa hồng thầm lặng tỏa hương, phảng phất.
Tranh sưu tầm