9/6/2016
(Nhân mùa Euro 2016 diễn ra tại Pháp từ 10/6/2016 đến 10/7/2016)
Thoạt nhìn, trái banh da chỉ như là món đồ chơi con nít, được đá qua đá lại bởi những đôi chân trần bé xíu trên đường phố hay trong những khoảng đất trống lồi lõm, xấu xí, sau những giờ không phải lên lớp. Ấy nhưng khi nó “lăn” đến chân của người lớn, lập tức nó trở thành …trái bóng, được vờn tới vờn lui, thành môn thể thao ăn chơi của những người lắm tiền nhiều của. Nó hấp dẫn đến nỗi mỗi khi đến mùa thi đấu ( như giải ngoại hạng Anh; Euro, giải Châu Âu; World Cup, giải thế giới), không chỉ làm phấn khích những nước có đội nhà thi đấu, mà ngay đến những nước chẳng dính dáng gì với nó, chẳng bao giờ mơ có ngày với được tới nó, cũng chộn rộn không kém. Như nước ta chẳng hạn. Sự hấp dẫn của môn thể thao vua càng thấy rõ khi mùa bóng đang đến gần. Chuyện đá bóng thì ở mãi tận trời tây nhưng ở đây, mình đã rục rịch từ nhiều tháng trước. Người ta rủ nhau sắm ti vi mới, màn hình rộng để coi đường đi của trái bóng cho rõ, chứ ti vi cũ chỉ thấy lờ mờ mấy cái bóng cầu thủ chạy lăng quăng trông thật chán quá. Vui nhất là chuyện ăn bóng đá, ngủ bóng đá, đang làm việc cũng í ới chuyện đá bóng, cùng với chuyện phá lệ thời gian biểu của thường ngày để ….thức đêm, trữ mì gói, bia bọt, mồi nhắm, cà khịa với bạn bè rủ về nhà hay ra ngoài quán cà phê, để cho có không khí rộn ràng của những đêm được thức trắng! Rồi các tờ nhật báo trong nước đua nhau tặng bạn đọc phụ trương thi đấu của 24 đội bóng với 51 trận thư hùng, từ vòng loại, sang vòng 1/8, vòng tứ kết, rồi bán kết để giành suất cuối cùng là vào chơi trận chung kết. Người hâm mộ môn túc cầu có thể kể vanh vách tên của những cầu thủ xa lạ, những bàn thắng đẹp, cả những bàn thua trời ơi, bình luận từng trận đấu hay cũng như dở với những ngôn ngữ chuyên nghiệp nhất, bình loạn những đấu pháp, đội hình …cứ như là huấn luyện viên thứ thiệt, khen cầu thủ này, chê huấn luyện viên kia, trách vua sân cỏ nọ ….một cách hùng hồn nhất, hệt chuyên gia!
Khi trái bóng lăn, điều gì cũng có thể xảy ra!
Ngoài sân cỏ, ai mà không muốn chinh phục bóng theo ý mình. “Đổ mồ hôi, sôi nước mắt” một cách đúng nghĩa nhất. Chỉ có duy nhất một trái bóng mà đến 22 người trên sân giành giật nó, chưa kể bao nhiêu người ngồi chầu rìa ở bên ngoài ( ban huấn luyện, cầu thủ dự bị, fan nhà…) mong được sở hữu nó. Cầu thủ, trong 90 phút thi đấu chính thức, có khi thêm 2 hiệp phụ, rồi đá luân lưu nữa kia, đã bằng mọi cách để giữ bóng trên phần sân của đội nhà, rê dắt bóng ( để câu giờ khi đang dẫn trước), còn huấn luyện viên hai đội thì chơi trò tranh cướp bóng ( nghĩa bóng) căng thẳng đến bạc đầu, và trọng tài thì luôn căng mắt thổi bóng chính xác để trận không bị vỡ! Chưa kể đến lực lượng ăn theo là: những fan ủng hộ cuồng nhiệt với cờ xí, pháo sáng để khích lệ đội nhà cầm bóng càng lâu càng tốt, đám hooligan thì phá phách như phá bóng, ồn ào, ầm ỹ , làm toàn những chuyện phá bĩnh. Và còn đám cược bóng, chấp bóng với những là kèo dưới với kèo trên.
Vào sân, là gạt hết mọi thứ ra ngoài đường biên, cầu thủ chỉ còn quan tâm một chuyện duy nhất: đi bóng. Tiền đạo: nhận bóng(của đồng đội), tạt bóng (vào trung lộ) , sút bóng; tiền vệ: khống chế bóng, lừa bóng, cướp bóng và chuyền bóng; trung vệ: đoạt bóng; hậu vệ: cản bóng, và thủ môn: chặn bóng, bắt bóng, bởi thủ môn là người duy nhất được chơi bóng bằng tay, trong khi 10 người còn lại trong đội phải vô cùng cẩn thận, bởi nếu lỡ bóng chạm tay thì tức là dâng cho đối phương quả phạt đền oan uổng! Trong khi đó, huấn luyện viên tính toán thả mồi bắt bóng (nghĩa đen) sao cho chính xác nhất. Dĩ nhiên vẫn có trường hợp là “tính không bằng trời tính”, nên không lấy làm lạ là khi huấn luyện viên hai đội được mời phát biểu sau trận đấu, bao giờ họ cũng đề cập đến yếu tố may rủi đã quyết định phần lớn đến tỷ số thắng thua: sút bóng bật cột dọc, tâng bóng vọt xà ngang, bóng sệt trôi ngang khung thành; đệm bóng chệch thành trong gang tấc, mắc bẫy việt vị, đá phản lưới nhà…. hay trọng tài trong một phút “yếu bóng vía”cầm còi không công minh…cũng làm cho kết qủa chung cuộc đầy tính rủi may. Chỉ cần một bàn thắng mong manh dễ vỡ như bong bóng xà bông của một đội, cũng đủ tiễn đưa đội kia “vắng bóng” trong mùa bóng năm này, lặng lẽ về nước trong “bóng tối”. Về “không bóng dáng của nhà vô địch“ là một điều đau khổ cho cả đội rồi, vậy nhưng dư luận không hề tha, hết tổng hợp đến phân tích, bới ra hàng tá sai lầm chiến thuật, sai lầm đấu pháp, sai lầm đội hình…., bóng gió xa gần như xoáy vào nỗi đau thất trận. Huấn luyện viên của nước nào “mang rổ đựng bóng” chắc chắn biết ngay đến thời “xế bóng” của mình, và cái ngày phải“ đứt bóng ra đi” (từ chức) sau mùa bóng không còn xa. Chỉ có một đội bóng duy nhất được giơ cao chiếc cúp vàng vinh quang bóng lộn. Dĩ nhiên, họ (và cả đất nước của họ) được tâng bốc tận mây xanh bởi bao lời có cánh, mỹ miều, bóng bẩy!
Mùa bóng đã đến, mùa giành bóng lại bắt đầu, mang đến cho người ta bao hỉ nộ ái ố, y hệt cuộc đời ở ngoài lề sân cỏ. Ai bảo trái bóng là trò chơi trẻ nít?
(*) Bắt chước kiểu nói của “Chiếc nón kỳ diệu”. Thí dụ: A, có một chữ A.
22/5/2016
NGUYỄN THỊ HUYỀN NGÂN