Lịch sử những dòng kinh ở An-Giang
|
- Mong Phước Minh -
|
Sau khi đào xong kinh Thoại Hà (còn gọi là kinh Đông Xuyên) vào năm 1818, để đánh dấu công trình có ý nghĩa này, Thoại Ngọc Hầu đã nhờ Đốc học Gia Định thành là Cao Bá soạn một bài văn bia, sau đó lại nhờ Châu Đốc đồn tiền lương quân vụ là Đoàn Hầu sửa lại cho đúng. Năm Minh Mạng thứ ba (1822), ông long trọng làm lễ dựng bia và khánh thành miếu thờ Sơn thần, nay là ngôi Đình thần thờ Thoại Ngọc Hầu tại thị trấn núi Sập, thuộc huyện Thoại Sơn.
Bia Thoại Sơn bằng đá, đầu bia chạm to hai chữ Thoại Sơn, chiều cao 3 mét, ngang 1,2 mét, bề dày 2 tấc, mặt bia chạm đúng 629 chữ Hán.
Hiện nay, bia xưa được lưu giữ trong đình, nét chữ trên mặt bia vẫn còn sắc và đẹp. Chỉ tiếc, người đời sau cho sơn phết màu mè, khiến bia mất đi diện mạo lúc ban đầu. Còn ở bên ngoài đình, có 2 bản dịch Bi ký Thoại Sơn bằng tiếng Việt, 1 đặt trước nhà Khách Đình và 1 nằm ở khu du lịch Hồ Ông Thoại, kích cỡ tương tự nhưng kém mỹ thuật hơn.
Công lao phò vua dựng nước, kiến thiết cơ nghiệp nhà Chúa của ông, được sử nhà Nguyễn ghi nhận là “Thụy cầm cương giàn ngựa đi theo hầu vua, nên được tri ngộ, lại bôn ba con đường thượng đạo, qua lại các nước Xiêm, Lào, Lạp man, thực là có công”.
Vậy mà sau khi chết, bị gian thần Võ Du vu cáo Ông đã sách nhiễu nhân dân, thâm lạm công quỹ, vua Minh Mạng ra chiếu giáng chức Ông xuống hàng ngũ phẩm, dù Ông đã mất. Con ông là Nguyễn văn Lâm thì bị tước hết ấm chức. Gia sản của ông bị tịch thu để đem chia cho dân Miên. Đất của ông ở huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn bị phát mãi…
Thế là từ công thần Ông trở thành kẻ tội đồ.
Về sau, khi án oan được cứu xét, gian thần Võ Du bị đày đi Cam Lộ, Quảng Trị; nhưng với ông thì mọi chuyện đã rồi. Mãi đến ngày 25 tháng 7 năm 1924, nhân lễ tứ tuần khánh thọ, vua Khải Định mới giải án oan, sắc cho làng Vĩnh Tế, tổng Châu Phú, tỉnh Châu Đốc thờ phụng vị Tôn thần họ Nguyễn: "... Xưa từng linh ứng, nay tỏ bày chánh trực, Trẫm nhân lễ tứ tuần đại khánh, trải ban chiếu báu, ra ơn dày cử lên cấp bậc, phong làm "Đoan Túc Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần", đồng thời ban chỉ truy phong cho Ông, nhưng ở cấp Trung Đẳng Thần, sắc chỉ này cũng là phó bản, vì bản chính đã bị Vua Minh Mạng thu hồi.
Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh khi nhận xét về vụ án oan của công thần họ Nguyễn trên Đại Việt tập chí, số 29, đã viết lên chua xót: “Đọc đoạn cuối cùng trong tiểu sử (ghi trong Đại Nam chính biên liệt truyện – người dẫn chú), chúng ta bắt đầu đau lòng trông thấy vết lọ mà kẻ nha thuộc bôi lên danh dự của Ngài.
Chúng ta bắt ngậm ngùi hồi tưởng lại công nghiệp vĩ đại của Ngài, mà khi quá cố, lại bị kẻ tiểu nhơn cáo gian, không được đấng chí tôn soi xét; rồi tự hỏi: “Oan hồn Ngài có ngậm tủi tự chốn tuyền đài chăng?”.
Dẫu bị triều đình làm nên sự oan khuất là thế, nhưng với hậu thế, công lao của ông thì bia đá có mòn, chứ lòng ngưỡng vọng của dân thì không có phai, như trong Người Việt đất Việt có ngâm ngợi rằng:
Hùng vĩ Lăng ông Thoại Ngọc hầu,
Ngàn xưa coi lại nét thanh cao.
Phò vua, trải mật bao gian khổ,
Công nghiệp còn ghi dấu cựu trào...
Đó thật sự là bi kịch của một công thần suốt đời vì dân vì nước.
Đối với dân Thoại Sơn ngày nay, Ông vẫn là vị quan triều Nguyễn được yêu quí và kính phục. Thoại Sơn mãi mãi sừng sững giữa trời cao cùng với Thoại Hà luôn ngày đêm chảy ngang qua thị trấn, có khi lớn, có lúc ròng, nhưng vẫn đủ ngọt ngào để người Núi Sập, dù có tha hương nơi đất khách vẫn không thể quên mất cội nguồn!
Còn với những học sinh Thoại Ngọc Hầu, dù đã qua lâu rồi thời cắp sách, hay đang cặm cụi đèn sách dưới mái trường hôm nay, chắc chắn luôn hãnh diện vì được mang huy hiệu có tên Ông trên ngực áo. Đồng thời cũng nên cảm ơn Thầy Trương văn Đức, người đã có công thành lập Trường Trung học Thoại Ngọc Hầu vào năm 1948.
Chúng ta tiếp tục đi về phía thành phố Long Xuyên, để đến một địa điểm thú vị khác, cũng thuộc huyện Thoại Sơn, đó là Núi Sập, một thị trấn huyện lỵ có từ lâu đời. Tuy không cao và “hiểm trở” như Ba Thê, không nhiều giá trị khảo cổ quan trọng như Óc Eo, nhưng Núi Sập lại có một thú vị khác vì liên quan đến một “thân phận lịch sử” lừng danh đất nước nhưng lắm oan khiên, đó là Ông Thoại Ngọc Hầu. Một danh thần có nhiều công lớn trong thời mở cỏi, là ân nhân của dân chúng An Giang, khiến được vua Gia Long ban chiếu đặt tên cho sông, Thoại Hà và cho núi, Thoại Sơn.
Ông sinh ngày 26 tháng 11 năm Tân Tỵ (1761) niên hiệu Cảnh Hưng thứ 22, tại xóm An Trung, làng An Hải[2], thuộc huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam thời Nguyễn; nay thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Thời loạn lạc lúc Trịnh-Nguyễn phân tranh, mẹ ông phải dẫn ông và hai em chạy nạn vào Nam, cuối cùng định cư ở làng Thới Bình trên cù lao Dài, nằm giữa sông Bang Tra và sông Cổ Chiên; nay thuộc địa phận huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.
Năm 16 tuổi ông đầu quân theo Chúa Nguyễn, rồi từ đó bôn ba cùng Chúa, thậm chí có lúc lưu vong sang đất Thái, cuối cùng đến ngày thống nhất đất nước(1802), Chúa lên ngôi hiệu là Gia Long. Ông tiếp tục làm quan triều Nguyễn, Trấn thủ nhiều nơi(Bắc Hà, Lạng Sơn, Định Tường) rồi làm Bảo Hộ Cao Miên, 3 năm sau được Vua triệu về Huế(1816), cuối cùng về làm Trấn thủ Vĩnh Thanh(1817) và đây cũng là lúc Ông để lại dấu ấn rất lớn trong cuộc đời phụng sự đất nước, dân tộc bằng công cuộc khẩn hoang lập ấp, khai phá và giữ gìn biên cương nơi vùng đất mới.
Rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn từ khi còn thơ ấu, bôn ba theo mẹ xuôi theo mệnh nước, trôi nổi về phương Nam, khi chết cũng được chôn cất tại Nam Bộ, cuộc đời Ông hoàn toàn gắn liền với lịch sử quê hương thời mở cõi. Công to với nước, nghĩa nặng với dân, nhưng trường hợp của ông cũng là một bi kịch mà rồi đây lịch sử sẽ còn phải nhắc đến nhiều, vì những giá trị thật không thể bị bóp méo!
Công trạng của Ông có thể tóm lược như sau:
1817: lập 5 làng trên cù lao Dài lúc vừa nhận chức Trấn Thủ Vĩnh Thanh.
1818: đào kinh Đông Xuyên(dài 30km), khai thông đường thủy Long Xuyên-Rạch Giá. Vua Gia Long ban chiếu lấy tên Ông đặt cho sông Đông Xuyên là Thoại Hà và núi Sập, bên cạnh là Thoại Sơn.
1819: đào kinh Vĩnh Tế, dài 87km nối Châu Đốc-Hà Tiên, vừa tạo biên giới với Cambodia, tăng cường khả năng phòng thủ biên cương vừa góp phần thuận tiện trong lưu thông thủy về phía Vịnh Thái Lan. Kinh có vinh dự được vua phê chuẩn mang tên Bà Chánh thất Châu thị Tế.
1823: một năm trước khi hoàn tất kinh Vĩnh Tế ông cho lập 5 làng dọc theo bờ, đó là Vĩnh Ngươn, Vĩnh Tế, Vĩnh Điều, Vĩnh Gia và Vĩnh Thông.
1825: ông đắp con lộ Châu Đốc-Lò Gò(ngày nay là thị trấn Angkor Borei), giúp sự lưu thông giữa các địa phương thêm thuận tiện.
1826: làm lộ Châu Đốc-Núi Sam(5km).
Những công trình trên vừa góp phần phát triển kinh tế, vừa cũng cố và bảo vệ chủ quyền trên phần đất vừa khai phá.
Ông bị bệnh mất tại nhiệm sở Châu Đốc ngày 6 tháng 6 (âm lịch) năm Kỷ Sửu (1829) thọ 68 tuổi, thi hài được chôn cất cùng với 2 bà vợ Châu thị Tế(chánh thất) và Trương thị Miệt(thứ thất) tai Sơn Lăng, nằm dưới chân Núi Sam, phía đối diện với Miếu Bà Chúa Xứ, cùng với nhiều quân, dân đã có công giúp ông đào kinh Vĩnh Tế.
Tại ngôi mộ ông có Văn Bia do con trai là Nguyễn văn Lâm lập vào năm Minh Mạng thứ 10, như sau (dịch từ chữ Hán):
Hoàng Việt, Hiển khảo, Thống chế án thủ Châu Đốc đồn, lãnh Bảo Hộ Cao Miên quốc ấn, kiêm quản Hà Tiên trấn biên vụ, được ban Nhị cấp, thưởng Kỷ lục lần thứ tư, và được truy tặng Tráng Võ tướng quân, Trụ quốc Đô thống, tên thụy là Võ Khác. Ông họ Nguyễn, tên húy là Thoại.
Theo bảng tóm lược của Nguyễn Văn Hầu, trong 52 năm công vụ, Nguyễn Văn Thoại (tức Thoại Ngọc Hầu) đã 7 lần sang Xiêm La, 2 lượt sang Lào và 11 năm giữ trọng trách bảo hộ Cao Miên(tức Campuchia ngày nay).
Ngày nay, lăng mộ của Ông và 2 người vợ, cùng với một số thuộc cấp đã hy sinh trong thời đào kinh Vĩnh Tế(Nghĩa Trũng), tôn tạo và chăm sóc khói hương tại chân núi Sam, lăng còn được gọi là Sơn Lăng. Hình ảnh như sau: