Phần 5
NGƯỜI CHA NUÔI- phần 5
Thường mọi sinh viên ghi chép hết những gì giảng viên đọc và khi làm bài, họ viết ra những gì họ đã học thuộc. Họ có điểm 8 hoặc 9 khá dễ dàng. Tôi thì làm ngược lại. Tôi chỉ có điểm trung bình vì cách ghi chép, chỉ những điều hay mới lạ từ bài giảng và cách làm bài của tôi. Tôi tự hệ thống lại những điểm tương đồng, khác biệt. Tôi tóm lược các câu văn dài lượm thượm hoặc khó hiểu, khó nhớ. Họ cầm một cuốn vở dầy cợm và học thuộc từng dòng. Tôi cầm khoảng mười tờ giấy đôi, lầm thầm trình bày theo giọng điệu của riêng tôi. Tôi có điểm 5 hoặc 6 khá dễ dàng nhưng không dễ dàng cho bất cứ sinh viên nào làm được như tôi. Ít nhất tôi cũng tạo ra cái rất riêng tư cho chính tôi. Trước một môn thi, chúng tôi được cho 3 ngày nghỉ. Trong khi tất cả họ cắm đầu cắm cổ học thuộc và trả bài qua lại như cách mà học trò cấp hai cấp ba thường làm, tôi dành một ngày đi Bảo Lộc.
Đối với tôi, về Bảo Lộc, sống ở Bảo Lộc như việc về quê, sống trong chính quê hương mình, trong chính căn nhà của mình. Nếu không có thể đi Bảo Lộc, tôi chơi banh rất nhiều như trút bớt đi nỗi ray rứt, niềm ưu phiền, những điều không có ngôn từ nào có thể diễn tả được. Đêm nào tôi cũng phải nhờ đến tiếng đàn do tôi cố diễn tả. Nhưng có ai có thể bày tỏ được nỗi niềm riêng bằng tiếng đàn ghi ta chưa?
Mấy tháng nay, mấy đứa trong phòng ký túc xá 404 to nhỏ với nhau rằng tôi có chuyện gì rồi. Lúc ấy chuyện người ta đi vượt biên bình thường như chuyện một người nào đó đi nhổ răng, hoặc một cô gái bình thường nào đó đi lấy chồng. Tôi vốn dĩ đã hồi nào đó đến lúc đó hơi quái quái rồi. Hầu như cuối tuần nào tôi cũng về dưới Sài Gòn. Hầu như có tuần tôi về vào buổi chiều khoảng 3 lần một tuần. Tụi nó nghi rằng tôi có áp phe vượt biên. Tôi ít chơi banh hơn, ít đàn cho đến khuya hơn và ít buồn bã hơn. Tôi ăn mặc chỉnh tề hơn. Tôi hớt tóc thường xuyên hơn và tôi lại hỏi chuyện các nữ sinh viên nhiều hơn. Bên giới nữ thì cho rằng tôi có bồ ở Sài Gòn. Có cô còn hỏi móc mỏ tôi:
“Chừng nào anh dọn về dưới vậy?” hoặc:
“Sắp trở thành dân Sài Gòn rồi phải không?”.
Đặc biệt phó trưởng lớp của tôi, Thu Nga, thì nặng tay hơn cả:
“Thành đang đi sai đường rồi. Tập thể không bao giờ bỏ rơi Thành.
Chính Thành là kẻ đang xa rời tập thể chúng tôi.”
Tôi vốn ít nói nay càng ít nói hơn. Ai trong số họ cần đến Ba Năm của tôi nè? Ai trong số họ có thể xúc động với những câu nói câu hỏi của Long Vân được nè. Cái miếng rác của ai đó tôi nhặt lên và quý trọng nó thì lại là cái mà họ ghê tởm lấy tay che mặt. Cái niềm vui đơn sơ tôi thèm muốn thì là cái họ thừa mứa chán chường. Cái mà tôi hằng trông chờ và vừa đến với tôi- hạnh phúc gia đình- thì họ đã được thừa hưởng nhiều đến mức ngán ngẫm. Chuyến đi Bảo Lộc mà tôi quý trọng tận hưởng thì đối với họ là chuyến đi bậy bạ phí thì giờ. Tôi là tôi còn họ chính là họ. Có lần anh chàng trưởng ban báo chí theo năn nỉ tôi.
“Thành khá văn chương lắm. Thành cố viết một bài cho tờ báo kỳ này nghe? Hiện nay tui đang thiếu bài vở quá trời luôn. Nghe, Thành viết liền nghe!!”
Tôi không nói không rằng gì cả. Móc ra từ trong cái túi khoác vai, tôi đưa ngay cho hắn một tờ giấy đôi. Mừng quýnh vì nhận được thêm một bài viết, hắn ngấu nghiến đọc ngay.
Hôm sau tôi nhận được một thư hồi âm. Đọc đi đọc lại vài lần, tôi mới hiểu ra rằng hắn đã đưa bài tôi viết bài cho trưởng lớp duyệt. Nó được coi như bức thư tôi viết cho người cao nhất lớp ấy để giải bày. Trong thư của trưởng lớp viết, có đoạn mà tôi còn nhớ đến ngày nay:
“Ai cũng tự cho rằng mình là bất hạnh. Ai cũng trách móc hoàn cảnh hoặc môi trường chung quanh họ. Ít ai trong chúng ta tự trách móc mình rằng: Ta đã biết yêu chính cuộc đời của mình chưa? Ta đã làm gì cho ai hạnh phúc chưa? Ta đã làm được một điều gì tốt đẹp cho cuộc đời này chưa- nói chung- và cho cuộc đời của chính chúng ta- nói riêng?”
Có lẽ vì anh ta đọc bức thư mà tôi đã viết như để tự bạch, tự vấn lương tâm và để tự dặn lòng trong những lúc tôi quá chán chường chỉ có muốn nghỉ học thôi:
“Nếu phải có chết đi để cho ba mẹ được xum họp và em tôi thành người tốt trở lại, tôi luôn sẳn sàng.”
Có bao nhiêu người nói về tình yêu đất nước? Tôi không màng đến. Tôi chỉ muốn đề cập đến tình yêu chính bản thân mình. Có biết yêu chính mình, mình mới có thể yêu được người khác chứ, phải vậy không? Đúng là tôi bất hạnh vì được sinh ra trong một gia đình không hạnh phúc. Vậy liệu một kẻ bất hạnh, chán đời, đang muốn bỏ học để đi làm tự mưu sinh có thể làm gì được cho đất nước này? Để yên cho hắn suy nghĩ lại! Đúng không? Để yên cho hắn yêu cuộc đời của hắn trước đã. Hắn sẽ biết yêu người khác và rồi hắn sẽ yêu nước cho mà xem! Em tôi, kẻ sẵn sàng đâm chết một người nào đó, sẵn sàng lệnh cho đàn em của nó đe dọa mẹ tôi, để có tiền hút xì ke, làm sao có thể yêu được mẹ tôi? Nó còn không biết yêu chính cuộc đời của nó nữa chứ đừng nói gì đến yêu thương ai. Nó có màng đến một lúc nào vì thiếu thuốc, rồi vì “chơi” quá liều ngã ra chết đâu? Ba tôi có màng đến sự tai hại của việc bỏ bê hai anh em tôi đâu mà biểu ông ta yêu nước chứ?” Má tôi có thể làm gì được để cứu vãn tình thế khi mà em tôi đã đến mức ghiền nặng rồi. Còn tôi hả? Tôi đã về trường đi học lại hơn hai năm nay. Tôi chỉ vừa nghe tin đồn rằng em tôi vào tù, má tôi, sau khi bị tạm giam một tháng, đã bán nhà ở Cần Thơ để về Rạch Giá làm rẫy.
Từ lần xuống nhà Bác Năm lần đầu tiên đến giờ, tôi dần dần thay đổi cung cách, tác phong, giao tiếp và lời ăn tiếng nói, cách ăn mặc. Trong lớp tôi, tôi và hai chàng trai nữa không được kết nạp đoàn- cái giấy thông hành để tiến lên. Trong lớp tôi, tôi là anh chàng cúp cua nhiều nhất lớp. Cúp cua vì đá banh cho đội Bột Giặt Viso, cúp cua vì đi đá chầu cho đội Huyện Thủ Đức và cúp cua khi có bạn rũ về Sài Gòn chơi- nhất là Long Kh’mer. Tôi lúc này xin phép nghỉ đàng hoàng. Tôi bây giờ không đi đá chầu nữa. Tôi bây giờ không lầm lì quạu quọ, không còn ăn mặc lè phè, không để tóc phủ qua tai nữa. Tiếng đàn của tôi nghe có khác hơn trước. Điểm bài kiểm tra của tôi cũng tăng lên rõ rệt. Tôi chụp banh cũng hay hơn, ra vào khung thành hợp lý hơn, không còn chống nạnh quát tháo hàng hậu vệ của tôi như trước nữa.
Đúng là tôi có một sự thay đổi rõ ràng. Nay tôi là “anh hai” của Long Vân. Nay tôi có một người cha nuôi mà tôi rất quý trọng. Nay tôi có một mái nhà nhỏ bé nhưng ấm cúng và hạnh phúc. Nay tôi có nhiều trách nhiệm. Tôi phải nấu ăn cho ba người ngày chủ nhật. Nay tôi phải giảng dạy lại cho Vân những bài học khó. Nay tôi phải cùng làm những bài tập thủ công với cô em bé nhỏ của tôi. Nay tôi phải tu bổ căn nhà. Chuyện vá chỗ bị dột hoặc thay miếng ván vách nhà mục nát là chuyện tôi thích làm. Lau chùi chiếc xe đạp -duy nhất cho cả nhà- là phần tôi chừa cho Vân. Con bé thích được tôi chở đi học hơn là tự đạp xe đến trường. Con bé thích tôi chở một vòng Sài Gòn- cái vòng xe xích lô đã chở chúng tôi đêm hôm đó. Niềm vui của tôi là cái thứ bỏ đi của nhiều người. Nhưng nhiều kho tàng của nhiều người khác chẳng xứng đáng gì với cái tôi đang có cả. Đừng ai hòng tôi đánh đổi vì đó là cái hạnh phúc thật của tôi. Hạnh phúc vay mượn như kiểu Long Kh’mer nói hình như không đúng với trường hợp của tôi. Chúng tôi cả ba người cùng nhau tạo ra mà!
Ai cũng có thể ganh tị với tôi nhưng không phải ai cũng có những cái phẩm chất và cái tâm như tôi có. Bạn học của tôi không quý cái tôi có. Họ đã có thừa mứa những thứ ấy rồi. Cả thế giới này như đã ngoảnh mặt lại với tôi và tôi cũng đã ngoảnh mặt lại với mọi người. Ông Năm đâu phải ngẫu nhiên mà chọn tôi. Long Vân đâu phải tự nhiên coi tôi như anh hai đâu? Tôi cũng đâu phải tự nhiên có được cơ hội này. Nếu tôi không đi chuyến xe từ Bảo Lộc về Sài Gòn hôm đó, làm sao tôi gặp được ông Năm? Nếu tôi đã không thật thà kể cho ông Năm nghe về tôi, tôi đâu có được ông ta tin tôi. Rất nhiều người tin vào số phận. Tôi chỉ tin vào luật nhân quả. Rất nhiều người tin vào cái vẻ bề ngoài. Tôi tin vào sự trung thực và tấm lòng bên trong. Rất nhiều người trân trọng cái đẹp thể xác. Tôi tin vào cái đẹp tâm hồn.
Nếu Ba Năm không nói thật với tôi, tôi có thể không muốn gặp ông và nếu tôi không kể cho ông nghe sự thật, rất có thể ông ta không chọn tôi làm người giúp cho Long Vân đâu?
(còn tiếp)