|
|
|
QUYỂN 5 |
|
|
|
|
|
|
|
Vợ chồng tôi đi học Thiền. . . |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- Đỗ văn Lượng - |
|
VỢ CHỒNG TÔI ĐI HỌC THIỀN
(Bút ký Khóa thiền từ ngày 20/12/2018 đến 31/12/2018)
Phần 1
Được sự động viên của các con, vợ chồng tôi quyết định khăn gói - 1 balô - 1 vali lên núi tầm sư học đạo.
Chúng tôi ngủ ở Sài Gòn 1 đêm, sáng hôm sau, đứa con trai đưa chúng tôi đến điểm tập kết. Đúng 8 giờ sáng, đoàn xe khách 4 chiếc của chúng tôi đã kín chỗ. Xe bắt đầu lăn bánh rời điểm xuất phát. Xe đi được 2 tiếng, đến khoảng 10h thì dừng lại ở chùa Khánh Lâm, gần ngã 3 Dầu Giây cho chúng tôi ăn trưa - buffet chay ở đây rất ngon, nhiều món và rất rẻ, mỗi phần ăn chỉ 20.000 đồng. Ngoài ra, còn có 1 loại nước mủ trôm và hạt Chia đóng chai rất ngon mà cũng chỉ có 10.000 đồng/chai. Vào đây ai muốn ăn bao nhiêu cứ ăn, ai muốn uống bao nhiêu chai nước cứ tự lấy. Ăn xong chẳng thấy ai hỏi tiền, ai muốn trả tiền thì tự động lại quầy tìm người mà trả, ăn bao nhiêu trả bấy nhiêu không ai hỏi, ai quên trả tiền đi ra cũng chẳng thấy ai nhắc. Vậy mà hình như tôi chưa thấy có chỗ nào ăn chay ngon hơn ở đây.
Ăn xong chúng tôi tiếp tục lên đường...
Theo quốc lộ 20 rồi qua cầu La Ngà, trên sông La Ngà có rất nhiều nhà bè nuôi cá. Rồi đến Định Quán - nơi có nhiều tảng đá to chồng chất lên nhau. Qua khỏi Định Quán 1 đoạn khá xa đến ngã Tư quẹo phải đi vào suối Mơ, đoàn chúng tôi rẽ trái tiến thẳng vào rừng Nam Cát Tiên (tỉnh Đồng Nai). Đường vào trong càng hẹp dần, dọc đường đi bắt gặp rất nhiều tấm bảng ở 2 bên đường nhắc nhở tài xế: “Đường nguy hiểm!”. Đi khoảng hơn 20km, qua nhiều đoạn quanh co cuối cùng chúng tôi cũng đã đến nơi. Lúc này khoảng 12 giờ trưa. Đoàn xe lần lượt qua cổng “Hồng Trung Sơn Tự”. Một cái cổng thật đơn sơ và không phô diễn. Chùa nằm trên chân núi Tượng, khuôn viên chùa rất rộng bao quanh đều là rừng và núi. Qua cổng vào sâu bên trong ta nhìn thấy được pho tượng phật bà Quan Âm cao to rất đẹp, đứng trên tòa sen trong hồ thủy tạ. Lên thêm 1 đoạn dốc cao, phía sau tượng phật bà là khu chánh điện. Chùa ở đây không hoành tráng, uy nghi, lộng lẫy như nhiều ngôi chùa khác nhưng không khí ở đây rất tĩnh lặng, xa khu dân cư nhưng gần gũi với thiên nhiên và rất gần với Phật.
Chúng tôi được hướng dẫn vào khu sinh hoạt chung của khóa học nằm bên trái khu Chánh điện. Ở đây, mỗi người tự lấy cho mình 1 bản đăng ký khóa học, nam màu xanh và nữ màu hồng. Trong bản đăng ký ngoài những thông tin cá nhân còn có phần lý do vào học, tôi ghi: “Mong được thân tâm an lạc.” Và phần đáng lưu ý nữa là :”có ăn chiều không?”. Vì muốn thanh lọc cơ thể nên tôi ghi :”Không”. Nhưng khuyên bà xã tôi nên ghi có vì sợ bà xã không chịu đói được buổi tối và sẽ không ngủ được - vì ở đây không có bữa ăn chiều. Nộp bản đăng ký, CMND và 1 bản sao cho Ban tổ chức. Mỗi người được nhận 1 túi da, trên túi có ghi mã số, tất cả mọi phương tiện thông tin cá nhân như điện thoại, sách vở, giấy viết, cả tiền bạc, nữ trang ... đều bắt buộc phải cho vào túi và ký gửi cho Ban tổ chức, sẽ được nhận lại sau khóa học. Sau khi hoàn tất thủ tục, bạn sẽ nhận được mẫu giấy có ghi số phòng và số giường của mình. Quay trở ra, vợ chồng tôi xách balô và vali mỗi người đi một ngã. Vì nam nữ ở 2 khu khác nhau xem như vợ chồng tôi tạm thời :”từ nay xa nhau”. Bye bà xã, tôi xách túi đi tìm phòng của mình - phòng số 2, giường số 1. Trong phòng có 2 giường đã có sẵn mùng, mền, gối nệm nhưng tất cả đều rất mỏng. 2 người chúng tôi ở phòng số 2 sẽ sử dụng nhà vệ sinh số 2 và nhà tắm số 2, còn nơi giặt quần áo thì chung. Tôi nhận phòng và nghỉ ngơi. Đến 3 giờ chiều tập trung xuống khu sinh hoạt chung để Ban tổ chức phổ biến nội dung và những quy định bắt buộc trong suốt khóa học. Sau đó đọc cho mỗi người (thiền sinh) một mã số và mã số này sẽ theo thiền sinh trong suốt khóa học - mã số của tôi là thiền sinh nam 54, còn của bà xã là thiền sinh nữ 61. Sau đó chúng tôi được nghỉ giải lao. Buổi chiều ở đây không có ăn cơm, chỉ có uống nước chanh muối thôi, chỉ có những ai đăng ký ăn chiều mới được 1 mẩu bánh hay 1 ly chè.
6 giờ kém 15 tối, chúng tôi tập trung vào phòng thiền, kể từ giờ phút này trở đi cho đến cuối khóa xem như không còn nghe tiếng người. Chúng tôi để dép lên kệ ngoài hành lang, lần lượt im lặng, nhẹ nhàng, chậm rãi bước vào phòng thiền và được hộ thiền hướng dẫn ngồi đúng vào tấm nệm có mang mã số của mình, im lặng và bất động - phòng thiền được chia làm 2 bên nam và nữ. Ở giữa có 1 tấm thảm trải dài, trên có đặt 1 tấm bảng: “cương giới - cấm vượt qua”. Trong giờ thiền tất cả đèn đều tắt, chỉ còn 1 bóng đèn nhỏ như đèn ngủ màu vàng mà thôi. Trong suốt thời gian ngồi thiền hay sinh hoạt, nghỉ ngơi, ăn uống... chúng ta đều có hộ thiền giám sát. Nam có hộ thiền nam, nữ có hộ thiền nữ. Hộ thiền là những người đã được học ở những khóa trước, nay tình nguyện trở lại đây để làm hộ thiền cho suốt khóa học. Cùng ăn, cùng ở, cùng thiền với thiền sinh, họ được đào tạo để giữ cương giới tốt nhất cho thiền sinh, nên lúc nào cũng có gương mặt nghiêm nghị, lạnh lùng, không cười không nói, nhưng lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ khi thiền sinh cần. Thiền sinh có nhu cầu gì phải đến trước mặt hộ thiền ra dấu xin giấy viết, rồi ghi vào giấy đưa cho hộ thiền.
Đến 9 giờ tối buổi thiền đầu tiên kết thúc, mọi người được nghỉ, tôi trở về phòng của mình, tranh thủ giặt quần áo, tắm rửa và phải lên giường trước 10 giờ đêm. Đêm đầu tiên tôi hoàn toàn không ngủ được, cứ trằn trọc mãi không biết bà xã mình thế nào, có ngủ được không, có đau nhức như mình không, mọi việc đều phải tự lo, không biết có chịu được không. Thấy tội nghiệp và thấy thương bà xã quá... và cứ thế mà suốt đêm không ngủ.
Biết mình chậm chạp hơn các bạn trẻ, nên tôi thường phải thức dậy trước 4 giờ sáng, thu xếp mùng mền, vệ sinh cá nhân, khăn áo chỉnh tề rồi tập trung xuống phòng thiền. Mọi người phải có mặt trong phòng thiền trước 4 giờ 30 sáng, ai đến trước ngồi trước, ai đến sau ngồi sau, vào đúng vị trí của mình. Đúng 4 giờ 30 phút tất cả đèn đều tắt, chỉ chừa 1 bóng đèn vàng nhỏ xíu không đủ soi rõ mặt người. Với ánh sáng mờ mờ ảo ảo, gần 200 bóng người ngồi yên bất động, một bầu không khí tĩnh lặng, ta có thể nghe rõ tiếng dế kêu vang vọng xung quanh và tiếng gà gáy sáng văng vẳng từ xa. Thỉnh thoảng nếu không nghe tiếng ho, hắt xì hơi của 1 thiền sinh nào đó thì tôi tưởng mình đang ở trong hầm mộ của Tần Thủy Hoàng. Và đến đúng 6 giờ, ta bắt đầu nghe bài kệ dài bằng tiếng Bali mà chẳng ai hiểu được gì. Với khung cảnh này mà nghe giọng ồm ồm, nhừa nhựa, nho nhỏ như rên của bài kệ, những ai không quen mà gặp phải chắc chắn sẽ bỏ chạy mất dép.
Sau giờ thiền buổi sớm 6 giờ 30, chúng tôi lần lượt bước ra khỏi phòng thiền xếp hàng nhận phần ăn sáng. Mỗi người cầm sẵn cho mình muỗng, đũa và 1 tô nhựa đi đến người phục vụ múc cho mình 1 muỗng lớn thường là thức ăn lỏng như cháo hoặc súp... Bưng tô thức ăn đi đến ngồi vào đúng vị trí có ghi mã số của mình. Trong suốt lúc ăn sáng, chúng ta lại được nghe tiếng ồm ồm của bài kệ bằng tiếng Bali. Ăn xong tự động mang tô, muỗng, đũa đi rửa. Trên kệ xi măng có sẳn 5 thau nước, thau đầu là nước để tráng tô muỗng, thau kế là thau nước xà phòng để rửa sạch dầu mỡ, 3 thau còn lại là nước để rửa lại cho thật sạch. Rửa xong đem úp lên kệ theo đúng từng nhóm.
8 giờ sáng trở lại phòng thiền, đến 11 giờ thì ăn trưa.
Bữa ăn trưa thì thức ăn đã dọn sẵn trên bàn ngay chỗ mình ngồi, mỗi người 1 phần gồm 1 cái bát giống như bình bát nhưng nhỏ hơn và màu đen. Bên trong đã có sẵn cơm và thức ăn, trên đậy 1 đĩa nhôm, khi thì trên đĩa có trái chuối, bánh bột hấp hoặc 1 miếng bánh chuối... Trước khi ăn tất cả ngồi yên, nghe sư cô đọc bài kệ có ý nghĩa nhắc nhở mọi người phải nhớ công ơn của người làm ra thức ăn nuôi mình. Xong bài kệ sư cô mời mọi người thọ trai, khi ấy tất cả mới được cầm đũa, mọi người cùng ăn nhưng rất im lặng. Ta chỉ nghe được tiếng đũa, muỗng khua vào bát lóc cóc, lóc cóc... nghe giống y như tiếng 1 bầy gà đang mổ thóc cạn trong thau. Ăn xong cũng tự động mang bát, đũa đi rửa sạch úp lên và về phòng nghỉ trưa.
Sau buổi thiền chiều, 5 giờ được nghỉ giải lao. Ai đăng ký không ăn chiều thì chỉ được uống nước chanh muối, còn ai đăng ký có ăn chiều thì sẽ được thêm, khi cái bánh, khi thì ly chè để sẳn ngay chỗ mình ngồi, thức ăn để chỗ người nào là của người đó, không ai đụng đến. Ăn uống xong chúng tôi chỉ được đi quanh quẩn trong sân khoảng 300 mét vuông, xung quanh có hàng rào lưới B40 cao khỏi đầu, chúng tôi như những con gà đi lại trong chuồng chờ đến giờ thiền tối.
Ngày thứ 2, các cơn đau nhức lưng và đầu gối có vẻ nhiều hơn. Vào phòng thiền len lén tìm xem bà xã mình ngồi ở đâu, cuối cùng cũng tìm thấy. Vợ chồng đầu ấp tay gối mấy chục năm, giờ thấy mình, bả quăng cho “cục lơ”, thế là tối hôm ấy ôm “cục lơ” không ngủ được...
Ngày kế tiếp, tôi đã gặp ... (mời xem tiếp phần 2)
Mời xem vài hình ảnh:
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP |
|
|
|
|
|
|
VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
huunghi68dvb@yahoo.com
Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com
Sáng lập : Dr TRẦN ĐĂNG HỒNG
Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)
Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III (2012) |
|
|
|
|
|
|
|
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/ |
|
|
|
Số lượt người đọc kể từ 5/3/2015: 1061983 visitors (3175144 hits) |