|
|
|
QUYỂN 5 |
|
|
|
|
|
|
|
Cù lao Giêng và.... |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
26/2/2017
Cù lao Giêng và những con đường xưa
Mong Phước Minh
|
Cù lao Giêng và những con đường xưa
Mong Phước Minh
Vào thập niên 80 thế kỷ trước, dân Long xuyên, Châu Đốc, Rạch giá ...đi Sài gòn đa phần đều phải theo tỉnh lộ 80(trước 1975 là đường liên tỉnh nối liền Vàm Cống với Mỹ Thuận. Lúc đó đoạn Hòa Long -Vàm Cống cực kỳ chua chát, đá xanh lởm chởm, ổ gà là chuyện nhỏ, nhiều xe tải chở hàng thường bị hôi của bởi tốc độ rùa bò, dễ dàng cho bọn ác đu theo kiếm chác!
Cơ sở gia đình chúng tôi sản xuất kem đánh răng, soda nước ngọt, men bia(yeast, Saccharomyces ceraevisae)...ngoài những chuyến hàng lớn chở ống nhôm, ống nghiệm, CaCO3, CMC... từ Sài gòn về, phải đi xe khách hoặc xe tải, thì tôi thường hay dùng con Suzuki M15 để đi đặt hàng, trả tiền hoặc mua các loại hóa chất gọn nhẹ, nên tìm đường khác thuận tiện hơn.
Thời kỳ này, đất nước cực kỳ khó khăn, hàng hóa tiêu dùng thiếu thốn vì các công ty ngưng hoạt động, xuất nhập khẩu đình trệ ...dân nghèo rủ nhau đi buôn lậu vì...ngăn sông cấm chợ. Nghe thì kỳ nhưng đó là sự thật hợp logic, vì nếu đường đi thông tuồn tuột thì làm gì có buôn lậu! Từ Châu Đốc đi Sài Gòn qua ngã Long Xuyên có 3 trạm chính khét tiếng là Kinh Đào, Cái Dầu, Vàm Cống. Rồi tiếp đến là Hòa Long, Cái Tàu, Bắc Mỹ Thuận(bờ Nam) trên đất Đồng Tháp; Cái Bè, Tân Hương(Tiền Giang) và cuối cùng là Trạm 4, tại ngã 3 An Lạc. Mặt hàng bị khép vào tội buôn lậu thì đủ thứ, miễn có giá trị tiêu dùng. Thuốc lá, vải vóc, mỹ phẩm... từ biên giới Tây Nam về, tân dược, nguyên vật liệu sản xuất...từ Sài gòn xuống miền Tây. Thậm chí cả gạo và thịt heo mà dân Sài gòn đang thiếu thốn cũng bị cấm, cho nên dân buôn lậu chuyên nghiệp lẫn tài tử, hay mang lên thành phố để bán kiếm lời! Tôi biết có nhiều em sinh viên, đã dành phần gạo tiêu chuẩn ăn dư trong 1 vài tháng, lén lút mang về gia đình để ăn, hoặc bán kiếm thêm ít tiền phụ thêm số ít ỏi mà gia đình chu cấp cho mình trong những năm đại học, họ là hạng buôn lậu cơ hội, cò con!
Đây là thời vàng son cực điểm của cán bộ thuế vụ, thời mà những địa danh Cái Dầu, Mỹ Thuận, Cái Bè, Tân Hương...là nỗi khiếp sợ của dân nghèo, vì họ là những tay buôn lậu tài tử, vốn ít, đi lẻ tẻ, qua ngày, nhiều khi sẫy chân 1 hai lần là sạt nghiệp, tan cửa nát nhà, thậm chí có người làm liều gây nên thãm cảnh như vụ anh bộ đội bị tịch thâu thuốc lá, đã mang súng bắn cán bộ trạm Cái Dầu (nhưng trúng nhầm mấy ông bên Mặt trận) rồi tự vận! Còn những tay chuyên nghiệp thì có sẳn đường dây bảo kê, trạm kiểm soát Thuế vụ chỉ làm tăng giá trị hàng lậu của họ nơi điểm cuối thôi! (trong đó có cả hàng của cò con, nếu may mắn qua lọt!)
Thế là nhiều con đường lạ lẫm đi lên Sài Gòn được tìm ra nhờ dân buôn nhỏ lẻ. Tôi cũng đã lần theo dấu vết đó để tránh các con đường đau khổ, đầy trạm thuế, vừa đỡ mệt vừa an toàn cho những hóa chất đắt tiền như mentol, spearmint, peppermint, sodium lauryl sulfat...vốn rất cần thiết cho một cơ sở sản xuất hợp pháp nằm trên tỉnh lẻ.
Và một con đường mới là theo ngã bắc An Hòa, kinh Cựu Hội, phà Cao Lảnh trổ ra ngã 3 An Thái Trung, gần hơn và tương đối tốt hơn, lại né được trạm Vàm Cống, Hòa Long. Lộ trình này trước 1975 gần như tê liệt bởi vì không an ninh.
Rồi tỉnh lộ 80 tiếp tục xuống cấp trầm trọng, phà Vàm Cống thì chạy lình bình vì thiếu dầu và ít xe trong thời ngăn sông cấm chợ, nhiều phương tiện đổi hướng qua bắc An Hòa. Lưu lượng xe qua lại tăng dần và thế là con đường này cũng nhanh chóng hư hỏng, thậm chí còn tệ hơn tỉnh lộ 80!
Tôi được người ta chỉ cho một lộ trình khác vừa gần hơn lại hoàn toàn êm ái vì là đường đất, đó là băng ngang cù lao Giêng. Cách ngã 3 kinh Cựu Hội chừng 1,5km, có bến đò Rạch Sâu qua Bình Phước Xuân, 1 trong 3 xã nằm trên cù lao Giêng, từ đó cứ len lỏi theo đường mòn xuyên qua các vườn cây trái xanh mát giữa sông Tiền, để đến bến đò Kinh Ngang, rồi vượt sông Tiền bước lên đất Cao Lãnh. Đây cũng là con đường mà dân buôn lậu cò con, đánh lẻ thuốc hút, vải Thái né trạm Vàm Cống, Hòa long, Cái Tàu, Mỹ Thuận...về Sài Gòn, kiếm cơm trong những năm tháng khó khăn lận đận! Tôi biết Cù lao Giêng từ những năm tháng đó.
Năm 1999, khi giúp thằng con trai viết tiểu luận “Tuyến điểm du lịch Long Xuyên và vùng phụ cận”, tôi trở lại cù lao để chụp ảnh, tìm tài liệu...và từ đó cảm thấy yêu mến thêm cái xứ Đạo hiền hòa này.
Cù lao Giêng, hay Cù lao Đầu Nước, lớn nhất, dài 12km, rộng khoảng 7km, diện tích chừng 80km2 (bằng 1/8 Singapore) và đứng đầu trong nhóm 3 đảo gần kề trên sông Tiền, cũng còn có tên gọi là Dinh Châu, thuộc huyện Chợ Mới( An Giang), 2 đảo nhỏ còn lại thuộc tỉnh Đồng Tháp. Có thể từ tên Dinh Châu mà thành cù lao Giêng do Dinh đọc trại thành Giêng và châu là cù lao. Cũng như nhiều nơi khác, cư dân nơi đây vốn là những người đến từ miền Trung, theo chân Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh xuôi Nam khẩn hoang, lập ấp. Từ một vùng hoang sơ lau sậy, rừng rậm và nhiều thú dữ, dần trở thành chốn an lành để định cư lâu dài.
Cù lao này nổi tiếng bởi vì đây được xem như một trong những địa phương mà Đạo Thiên Chúa có quá trình tồn tại và phát triển lâu dài nhất khu vực. Những lưu dân Công giáo thời mở cỏi phải tìm chốn dung thân do chính sách bài đạo khắc nghiệt của triều đình nhà Nguyễn vào đầu thế kỷ 18. Họ cùng với một số cha cố người Pháp tìm về nơi này lánh nạn, sống cùng dân địa phương đến trước. Sông nước hiền hòa, phù sa màu mỡ cùng lòng người nhân hậu...đã góp phần duy trì và phát triển một trong những họ đạo lâu đời nhất miền Tây Nam bộ, họ Đầu Nước hay họ đạo Cù lao Giêng, được thành lập từ năm 1778. Khi bình yên lại, họ Đầu Nước ngày càng phát triển, các cha sở người Pháp là Cha Maille, Cha Augustinus-Baptista Gazignol lần lượt về đây coi sóc. Ngày nay, tuy cù lao Giêng không còn là nơi hẻo lánh(đã có cầu Mỹ Luông nối với “đất liền” Chợ Mới) nhưng vẫn chỉ là vùng thôn quê; nhớ lại hàng trăm năm trước, các Cha người Pháp đã vì sứ mệnh cao cả, rời bỏ quê hương, hiến cả cuộc đời cho lý tưởng phụng sự Đạo và Đời, thật đáng khâm phục.
Tôi không phải là người Thiên Chúa, nhưng rất yêu cái yên bình, tĩnh lặng dưới bóng giáo đường, nhất là những giáo đường thời xưa cũ, khi tường vôi không che dấu được vết úa thời gian!
Nhà thờ cù lao Giêng(7.000m2) hay “Thánh Đường Cù Lao Giêng” BEATAE MARIAE IMMACULATAE, được xây dựng năm 1879, theo mô típ Roman, là mô tip thông dụng trong việc xây dựng các công trình kiến trúc tôn giáo vào thế kỷ 11 và 12 ở các nước thuộc vùng Trung và Tây Âu. Loại mô típ này không qui mô và cầu kỳ như kiến trúc La Mã cổ đại, xây dựng đơn giản, phù hợp với trình độ tay nghề và điều kiện địa chất của miền sông nước thời mở cõi. Để chuẩn bị cho việc cất nhà thờ, năm 1875 linh mục Augustinus- Baptista Gazignol cho xây một lò gạch, cung cấp gạch cho các công trình phụ và nhà thờ.
Nhà thờ Cù lao Giêng có tháp chuông 35m, không quá cao như Nhà thờ Đức Bà Sài gòn, được xây với tường gạch dày, nhiều cột tròn to đở các vòm cuốn chịu lực, nên nội thất không thoáng rộng. Bù lại 2 hàng cột chia giáo đường thành 3 gian, kết hợp với những vòm cuốn bên trên, dưới tác dụng của ánh sáng, tạo nên một nội thất cực kỳ diễm lệ, nhưng không phải thứ diễm lệ xa hoa của những lâu đài vua chúa phương Tây, mà là cái diễm lệ nghiêm cẩn, bình yên , khiến những ai đặt chân đến đó cũng cảm thấy một che chở an lành, dưới ánh mắt dịu hiền của Đức Mẹ Vô Nhiểm Nguyên tội nơi chánh điện!
Tượng Đức Mẹ và phần lớn vật liệu xây dựng (trừ gạch) đều được nhập về từ Pháp, đến nay vẫn giữ nguyên những đường nét, sắc màu nguyên thủy. Nhà thờ đã được trùng tu nhiều lần, lần gần nhất làm cho nhà thờ có vẻ “mới hơn”, khiến ta đôi khi hơi ...thất vọng!
May mắn là bên cạnh nhà thờ còn có 2 Tu Viện là Tu Viện Phanxico(71.000m2) và Tu Viện Dòng Chúa Quang Phòng(Providence, 70.000m2) có những công trình kiến trúc xưa, với màu vôi vàng úa, điểm thêm những rêu phong cũ kỹ. Bây giờ, có nhiều du khách đến thăm ngôi Thánh đường tuổi đời gần 2 thế kỷ, chắc cũng thú vị khi được bước chân lang thang giữa vùng quê yên bình, đắm mình trong không gian của xứ đạo Đầu Nước xa xôi! Riêng tôi, vẫn nhớ hoài cái cảm giác ban đầu khi đặt chân đến đây, tuy không phải con chiên, nhưng tôi thật sự mến thích và bâng khuâng khi văng vẳng tiếng chuông ngân, khiến nhớ về một bài thơ lãng mạn của nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà:
Lâu quá không về thăm xóm đạo
Từ ngày binh lửa cháy quê hương
Khói bom che lấp chân trời cũ
Che cả người thương nóc giáo đường
...
Thuở ấy anh hiền và nhát quá
Nép mình bên gác thánh lầu chuông
Để nghe khe khẽ lời em nguyện
Thơ thẩn chờ em trước thánh đường...
Tu Viện Dòng Phanxico, cù lao Giêng, Chợ Mới.
Cạnh nhà thờ là tu viện dòng Phanxicô, trước kia đây là chủng viện giáo phận Nam Vang (1872-1946) thuộc địa phận Đàng Trong, bao gồm các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và nước Campuchia. Nhiều giáo sĩ miền Nam được đào tạo tại đây. Rất tiếc là Tu Viện đã bị phá hủy vào thời chiến tranh, nay chỉ còn lại nhà thờ là dấu vết xưa cũ.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP |
|
|
|
|
|
|
VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
huunghi68dvb@yahoo.com
Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com
Sáng lập : Dr TRẦN ĐĂNG HỒNG
Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)
Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III (2012) |
|
|
|
|
|
|
|
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/ |
|
|
|
Số lượt người đọc kể từ 5/3/2015: 1062003 visitors (3175226 hits) |