Danh (nổ)
Lóng rày, thấy thiên hạ thần tượng hóa mấy danh xưng kèm trước tên của người nổi tiếng trong làng âm nhạc nước nhà dữ thiệt, làm cho nó cũng nôn nao gan ruột, định tìm kiếm danh vọng chút đỉnh (danh gì cũng được) cho bằng anh bằng chị bằng em. Mục đích nhỏ: lí le với chòm xóm láng giềng, họ hàng hang hốc. Mục đích xa: danh thường đi đôi với lợi (danh lợi), có danh rồi thì lợi nhuận (chẳng hạn, cát sê) cao ngất ngưởng, ào ào chạy vô túi, tha hồ làm giàu nhanh chóng.
Nhẩm tính, nó cũng tài ba ta bà lắm, chớ nếu không tài cán gì mà đòi hỏi danh giá, chính nó sẽ tự cảm thấy mắc cở cái lỗ mũi, chứ không cần ai phải lên tiếng dạy bảo răn đe. Điểm danh sơ sơ, tự mình đánh giá khả năng mình, nó, tài sỉ, tài chẵn chưa thấy, còn tài lẻ có kha khá.
Nó biết hát. Cải lương, nhạc nhẹ, dân ca, opera gì cũng làm được ráo. Có điều đặc biệt hơn ca sĩ chuyên nghiệp chút là nó hát thì nó ráng nghe, hát nhỏ nhỏ trong cuống họng thôi, hát lớn quá thiên hạ giựt mình. Cao lắm là có con miu, con vện ngồi bên cạnh khích lệ động viên, dỏng đôi tai lên thưởng thức gật gà gục gặc. Hổng biết giọng hát nó truyền cảm cỡ nào, chỉ biết sau mỗi lần “tuyệt đỉnh đơn ca”(nhại cuộc thi tuyệt đỉnh song ca) một cách mê say đắm đuối, khi tỉnh ngộ, ngó xuống dưới chưn, mắt vấp phải con miu ngồi ngáp lia ngáp lịa, dụi mắt, tay (nói tay hay chưn của mèo đều được, vì định nghĩa mèo là loài động vật có bốn chưn) thì quơ quơ rửa mặt…. như mèo, còn con vện đã duỗi dài hai chân trước ra trước, hai chân sau ra sau, còn cái đuôi thì đi …ngủ tuốt (nhại bài Con vỏi con voi). Nó thích boléro. Chà, thời này boléro coi bộ thịnh dữ, đi đâu cũng có chương trình thi hát dòng nhạc độc đáo này: Solo cùng boléro, Thần tượng bolero, Tình bolero, Người hát tình ca ….Hồi nẳm, (tức năm 2014), là năm đánh dấu dòng bolero trở lại đường đua sau một thời gian dài “ngủ đông”, bolero trỗi dậy mạnh mẽ đòi quyền sống chung với nhạc vàng, nhạc đỏ, nhạc xanh, nhạc thiếu nhi……Nó vô cùng háo hức, liền đăng ký dự thi ngay mùa đầu. Lần đầu tiên đứng trên sân khấu, bước vô vòng loại chỉ có vài vị giám khảo cùng mấy thí sinh hát cỡ nó chứ chưa hân hạnh có khán giả, cũng chưa được lên sóng truyền hình, vậy mà nó còn gung (run) như cầy sấy, chẳng làm ăn gì được, hát trật nhịp quên lời vô bài sai bét sai be. Kết quả, nó rớt nghe một tiếng bịch bự ngay sau vòng gửi xe. Nó tự an ủi năm sau sẽ thi nữa, thi đến khi nào ẵm được giải mới thôi, thi đến khi nào trở thành …thánh nữ bolero, ngọc nữ bolero, thậm chí....ma nữ bolero mới chịu (xí, nó là phái nam, nên phải gọi là nam vương bolero, “mỹ hầu vương” bolero mới chính xác). Năm sau, lại ạch. Năm nữa, cũng đụi. Nó sẽ kiên nhẫn thử sức trong năm tới, hứa. (nói nhỏ, chưa lên (hát) mà đã (bị đuổi) xuống, lấy đâu ra danh xưng cha nội).
Tội tình cho bolero, khi bị gán cho xú danh “nhạc sến, sến xẩm”. Chắc tại dòng nhạc này rên rỉ, sầu khổ, ru ngủ quá. Ai là người đầu tiên đóng đinh danh phận cho nó như vậy nghe ác thiệt. Vốn dĩ dòng bolero dành riêng cho những tâm trạng não nề sầu thảm của đôi lứa yêu nhau nhưng không lấy được nhau, những cảnh nghèo, những thân phận bèo bọt trong xã hội…., nên người nghe dễ thương cảm, dễ cảm thông. Vì vậy, bolero đi vào lòng người một cách tự nhiên. Có nhạc sĩ nổi danh từ dòng nhạc này, được vinh danh là vua nhạc sến. Có ca sĩ thành danh từ điệu nhạc này, được xưng tụng ông hoàng nhạc sến. Được làm vua, làm ông hoàng là sướng rồi, dù vua gì, ông hoàng gì không quan trọng. Sến súa mà đại đa số ca sĩ nổi danh từ dòng nhạc phổ thông này. Đi đâu, từ quán cà phê, trên xe đò, trong văn phòng, ngoài bến xe, hay chợ, siêu thị toàn nghe “chơi” nhạc này không. Những kiểu tuyên bố “già trẻ lớn bé đắm đuối nhạc bolero đúng là sự thụt lùi” hay “việc bùng nổ các đêm nhạc bolero là sự đau khổ đối với người sáng tạo” của ca sĩ X, nhạc sĩ Y làm cho bolero tự ái lắm nghe, vì đàng sau câu nói, là một sự xúc phạm. Ai cũng có quyền yêu thích dòng nhạc của mình, cớ sao vì không thích dòng nhạc của người khác mà tự cho mình cái quyền sỉ nhục? Danh dự của bolero sao bị hạ thấp đến thế.
Nó đã từng xem và nghe một dòng nhạc rất mới, dòng nhạc mà những diva (nữ), divo (nam), những vedette, nữ hoàng hàng đầu hát. Dòng nhạc gì mà nó không biết phải gọi là gì, chỉ biết những ông hoàng bà chúa ấy mỗi khi trình diễn, thảy đều hú hét, thét gào, mà dù có lắng tai đến thủng lỗ nhĩ cũng không thể nghe ra nổi một ca từ rõ nghĩa. Dĩ nhiên, vì không nghe được lời, nên chẳng thể hiểu bài hát kia đang muốn chuyển tải cái gì. Nghe người ta gọi dòng nhạc này là dòng nhạc hiện đại, dòng nhạc vị tương lai. Vị gì chả biết, chứ rất biết các vị siêu sao thi nhau lăn lê bò toài trên sân khấu như lên đồng, áo quần mặc trên người thì lùng bùng dây nhợ, dây thừng, hoặc không thì cũng ráng gắn vào hai bên nách đôi cánh côn trùng chuồn chuồn châu chấu….Nó cảm thấy dị ứng với thể loại nhạc này quá. Như vậy mới được mệnh danh nhạc sang à? Nếu nói sang, thì chỉ có dòng nhạc thính phòng, nhạc hàn lâm, với dàn đại hợp xướng cả trăm người, với đủ các nhạc cụ vương giả, với những nhạc sĩ dày dạn kinh nghiệm, những nhạc công được đào tạo trường lớp hẳn hòi mới xứng đáng với phương danh “nhạc sang”, độc nhất. Còn dòng nhạc lạ lẫm kia, cố làm ra vẻ sang thì đúng hơn. Dòng nhạc mà đại đa số người thưởng ngoạn không thể cảm được (vì có hiểu quái gì đâu mà cảm), dù có cố gắng dán mác cho nó mỹ danh “danh gia vọng tộc” gì gì nữa cũng khiên cưỡng. Hãy nhìn vào sự hiện diện ngắn ngủi trong đời sống âm nhạc của những bài nhạc ấy, cộng thêm việc không để lại một tiếng vang gì trong tâm trí người nghe, ngoài chuyện duy nhất là kích thích …đôi mắt (chứ không phải đôi tai hay con tim) thì đủ hiểu. Trong khi những thể loại nhạc xưa, nhạc tiền chiến, nhạc Trịnh hay nhạc trữ tình, đi vào lòng người một cách tự nhiên và ở lại rất bền, rất lâu. Có những bài từ thuở đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam (cách nay gần trăm năm) bây giờ vẫn còn được hát, được nghe, vững vàng cùng thời gian. Nhạc trẻ dành cho giới trẻ bây giờ nghe vui vui một chút ban đầu, rồi cũng không thể đọng lại lâu dài vì ca từ thô thiển, giai điệu ồn ào, phối âm phối khí rối rắm…. Những ông hoàng nhạc Việt, công chúa ballad, hoàng tử nhạc pop, họa mi nhạc nhẹ, nữ hoàng phòng trà, nữ hoàng giải trí, kiều nữ sân khấu….đang trong thời hoàng kim nở rộ với những danh xưng tít chín tầng mây. Cứ cái đà này nó nghĩ rồi sẽ có người lên tiếng tự phong, kiểu, chim gõ kiến nhạc giựt, hoàng thái hậu phòng bếp, nữ thần giải khát, kỹ nữ sân vườn, hoàng đế nhạc cộng đồng…chẳng hạn.
Nếu nói về danh hiệu thì nó đâu còn xa lạ gì. Nó đã từng có nhiều “danh hiệu thậm xưng mẹ phong” ngay từ hồi còn bé tí ti. Nếu nó nhớ không lầm (lúc đấy đã có trí nhớ đâu mà …không lầm), mẹ đã tưng nó là thần đồng, thiên tài ….đến tận mây xanh lâu rồi, khi vừa nháng thấy nó….biết lật, biết bò, biết đứng, biết đi và biết nói. Nó từng là thần tượng của mẹ nó một thời gian dài, mà chẳng cần đến một hội đồng giám khảo hay một ban bệ thẩm định như mấy em bé thiếu nhi thời này (phải chịu đựng) trong các cuộc thi đang nở rộ như nấm sau mưa trên truyền hình. Nó đã từng mục sở thị mấy chương trình thi thố của các sao nhí như: Gương mặt thân quen nhí, Tìm kiếm tài năng nhí, Giọng hát Việt nhí, Bước nhảy hoàn vũ nhí, Tuyệt đỉnh song ca nhí….tức là tất tần tật các cuộc thi dành cho người lớn , một thời gian ngắn sau, các nhí sẽ có dịp trổ tài y chang, mệt nghỉ. Rồi sau mỗi cuộc thi sẽ xuất hiện hàng gánh, hàng rổ, hàng lu, hàng hũ ….những thần đồng vi diệu, thiên tài triệu like ….lủ khủ bước ra, nổi đình nổi đám, nổi danh lưu danh dăm bữa nửa tháng, sau đó thì lần lượt mất hút, có nhí chẳng để lại tăm hơi, họa hoằn vài cái tên nổi trội ít ỏi lơ thơ. Những thần đồng, thiên tài tí hon ấy, hẳn sẽ phải chật vật rất lâu để thoát ra được cái danh ảo, danh hão, hư danh, nếu muốn trở lại cuộc sống tuổi thơ thần tiên như bao em bé nhí cùng trang lứa. Ngày xưa, thần đồng nó khi đi học cũng bị ăn trứng vịt dài dài vì lười làm bài tập về nhà, hay thiên tài nó cũng bị hàng đống con dê rô tổ tướng vì không thuộc nổi bài học thuộc lòng dài ngoẵng.
Bây giờ thì nó đã khôn ra nhiều , không còn bị mấy “chức danh” tào lao kia ám ảnh. Nếu có thì nó chỉ bận tâm đến chuyện cầu xin thần tài (thần đồng và thiên tài cộng dồn) gõ cửa, trúng độc đắc Vietlott, Jackpot bảy mươi hai tỉ để sắm xế xịn, hòng giựt le với mấy em siêu mẫu chân dài, hoa hậu hoàn vũ trong nước…. thôi. Có tiền, nó sẽ trở thành đại gia, mua tiên nữ còn được, huống chi mua tước danh “giáo sư tiến sĩ khoa học”(nổ). Nhằm nhò gì cái danh vị “giáo sư âm nhạc” đang ầm ỹ trên cộng đồng mạng hổm rày. Chuyện nhỏ.
05/10/2017
NGUYỄN THỊ HUYỀN NGÂN
|