Biệt Thự Chuông Reo
Nguyễn Thị Mây
Hôm nay, tôi đổi chiến lược. Tôi không dùng cây thước để nhấn mạnh vào nút chuông mà trèo lên cổng.
Đặt cái cặp xuống đất, tôi bấu tay trái vào hàng rào, leo lên chấn song, dùng tay phải ấn mạnh cục cao su cho dính vào cái nút. Tiếng chuông ngân dài, liên tục vang lên từ trong biệt thự. Tôi thích thú nhảy xuống đất định “chuồn” thì…Một gã con trai trắng như cục bột đã đứng sau lưng tôi tự lúc nào. Hắn cắp chiếc cặp của tôi bên hông, ánh mắt nhìn tôi nửa giận dữ, nửa chế giễu khiến tôi hết hồn.
Hắn tấn công tôi ngay:
- Bắt quả tang rồi nghen! Con gái gì……
Tôi đỏ mặt, cố gắng làm tỉnh, gạt ngang:
- Con gái làm sao?
Hắn có vẻ lúng túng:
- Con gái gì …..cà chớn quá trời! Phá còn hơn…
Tôi chống hai tay lên hông:
- Còn hơn cái gì?
- Còn hơn con trai chứ gì.
Tôi bật cười:
- Phá rồi có dính dáng gì đến bạn không?
- Sao không! Ngày nào, giờ nầy cũng phải chạy ra đây vì tưởng có người gọi mở cổng. Bực cả mình!
Lần nầy tới phiên tôi lúng túng. Thì ra, hắn là người ở trong biệt thự. Chết chưa! Biết làm sao! Ai biểu gắn cái nút sờ sờ trên cổng, bảo sao tôi không ấn vào đó.
Từ nhỏ, tôi đã thích nghe tiếng leng keng, leng keng của mấy chú bán cà rem. Nó vui vẻ làm sao ấy.Tôi mê cả tiếng chuông nhà thờ đổ từng hồi. Âm thanh lảnh lót, ngân dài, lan rộng, phủ trùm không gian. Tôi cũng rất mê tiếng đại hồng chung não nề vang vọng từ chánh điện tràn lan khắp sân chùa. Nó cuốn theo nỗi buồn man mác, xóa đi phần nào mùi tục lụy, cát bụi hồng trần bám quanh đây đó.
Một lần, tôi theo mẹ đến chùa lễ phật. Trong lúc mẹ và sư cô đàm đạo ở hậu liêu, tôi lẽn vào chánh điện. Quanh tôi lúc bấy giờ chỉ có ánh mắt từ bi và nụ cười hồn hậu của Chư Phật. Tôi chắp tay xá vài cái rồi cầm lấy cây dùi đánh mạnh vào chuông ba lần.Xong, tôi phóng ra cửa trước rồi trốn sau hàng thược dược đầy hoa trong sân chùa. Giống như lời gọi, tiếng chuông đã tập hợp tất cả ni cô trong nháy mắt. Mẹ tôi cũng chạy theo. Lát sau, họ lục tục đi ra, ai làm việc nấy. Còn mẹ, nét mặt căng thẳng, bừng đỏ, bà dắt xera cổng, chẳng thèm tìm kiếm hay gọi tôi một tiếng.Tôi phải lội bộ về, bỏ lại đôi dép vì chẳng dám quay vào chùa.
Từ đó, không bao giờ mẹ dắt tôi theo mỗi lần đi lễ Phật. Và tôi với mặc cảm “quỉ phá nhà chay” mà lũ bạn thường ám chỉ khiến tôi cũng chẳng dám đến chùa, dù biết cửa thiền luôn rộng mở.
Năm nay, tôi vừa tốt nghiệp THCS. Trường mới khá xa, tôi phải đi qua nhiều con phố dài, quanh co. Dù vậy, tôi vẫn thích cuốc bộ. Những buổi sáng, khi sương mù còn dầy đặc, cây cỏ ướt sũng như vừa tắm gội mà chưa kịp lau khô. Tôi thong dong cắp cặp đến trường. Tôi ngắm mặt trời còn ngái ngủ, lừ đừ nhô đầu lên từ phía chân trời, vất vả leo lên từng chút một. Tôi tức cười khi nghĩ “đúng là định tinh”, chậm như rùa, bảo sao người ta chẳng nói là đứng yên một chỗ. Tôi băng qua từng con phố. Thích thú nhìn vào những ô cửa mở toang hoặc khép hững hờ. Bóng ai đó đứng lên, cúi xuống, khua tay, múa chân làm động tác của một bài thể dục buổi sáng. Những bước thình thịch thình thịch lướt qua mặt tôi, phơi bày cùng lúc nhiều khuôn mặt tươi hơn hớn, kéo theo tràn cười vui vẻ của mấy đứa con trai “tập chạy”. Đôi khi, tôi phải bật cười vì mấy câu trêu chọc họ ném lại:
- Bé ơi, anh về trước pha cà phê nhé, chút nữa hai đứa cùng uống.
Hoặc là:
- Bé ơi, đi học sớm thế. Nhớ học chữ YÊU với nhé!
Thông thường đến trước ngôi biệt thự, tôi ngồi lại trên băng đá một chút. Ở đây, buổi sáng yên tĩnh và tuyệt diệu vô cùng. Ngôi biệt thự còn chìm trong giấc ngủ. Các cánh cửa còn đóng chặt dù mặt trời đã tươi tỉnh rải những tia nắng vàng nhàn nhạt xuống quanh đây. Mái ngói phủ đầy rêu, hiện rõ dần sau hàng cây nhưng bất động như một lâu đài hóa đá từ nghìn năm trước. Lá rụng đầy lối vào, Không ai buồn quét. Chúng bay lăn lốc từ gốc cây nầy sang gốc cây nọ rồi mới chịu nằm yên. Tôi chợt nghĩ rằng đêm qua, hàng cây trong đó đã di động, đi đi lại lại, chuyện trò, lắc lư cành lá khiến cho mấy chiếc úa vàng bay vèo khỏi cành cây. Đến khi nghe gà gáy sáng, hàng cây kiểng mới hoảng sợ chạy về chỗ cũ, giả vờ đứng yên, chưa kịp xóa tan dấu vết.
Tôi đứng lên, nhìn lướt qua cổng và bắt gặp cái nút chuông điện trên cao. A! phải đánh thức mấy cô công chúa hay những ông hoàng tử lười biếng trong lâu đài ấy dậy thôi. Tôi ấn mạnh nút chuông rồi bỏ chạy.
Từ đó, cái chuông trở thành niềm vui của tôi mỗi lần đến trường hay tan học. Hôm nào đi ngang, nếu thấy vắng tanh, tôi liền “gọi cổng”. Không ngờ, trưa nay tổ trác thế này. Nhìn gã con trai mang vẻ mặt hầm hừ đang ôm cái cặp của mình, tôi chợt nghĩ ra một cách:
- Ê, định cướp cái cặp của người ta hả?
Hắn có vẻ hoảng:
- Đừng nói bậy nghen! Trả nè. Lần sau phá nữa thì coi chừng tui đó.
Chộp lấy cái cặp, trước khi bỏ đi, tôi le lưỡi, nháy mắt:
- Í… ẹ…., còn lâu mới sợ! Đừng có hù…chị em ơi!
Tuy nói thế nhưng tôi cũng hơi ngán. Cả tuần nay, tôi chẳng dám đi ngang đó. Tôi vòng ngã khác dù có xa và ngoằn ngoèo hơn để đến trường. Nghĩ lại, tôi thấy mình cũng vô duyên. Ai đời lớn tướng rồi cứ chọc phá tùm lum. Thấy ai thích cãi, tôi tìm cách cho họ la hét. Biết ai sợ chuột, tôi đem tới vài con. Tôi làm rối tinh lên mọi vật và mẹ mặc sức ca cẩm “ Mụ bà lộn địa chỉ hay sao kìa!”. Còn ba tôi thì bảo “May phước, có một đứa con chứ phải vài ba trự thì có nước bạc tóc sớm”. Tôi cảm thấy hơi hơi ân hận. Sáng nay, trước khi đi học, tôi vòng tay chào ba mẹ:
- Thưa ba mẹ, con đi học!
Mẹ trố mắt nhìn tôi, còn ba bỗng dưng ôm bụng cười:
- Chúa ơi! Đã đến thế kỷ XXII chưa vậy bà? Hình như thế giới đã đổi thay!
Ba chắp hai tay sau lưng, đánh một vòng quanh tôi, ông xuýt xoa:
- A…, à…muốn khoe cái áo gấm trắng mới may chứ gì. Trông lớn xộn, nhu mì hẳn ra!
Đúng là hôm nay tôi mặc áo mới, đôi guốc cũng mới. Và, tôi nhất quyết cả tôi cũng phải mới từ trong suy nghĩ mới được. Tôi vòng tay lễ phép:
- Thưa ba mẹ, con đi học!
Ba gật gù:
- Ừ, hay để ba đưa con tới trường.
- Dạ thôi! Ba ở nhà ăn sáng với mẹ con đi. Đi bộ cũng thích lắm. Như tập thể dục vậy mà. Ba đừng lo.
Mẹ chớp mắt cảm động:
- Ừ, con đi đi! Chút nữa mẹ đi chợ sẽ mua cho con chiếc nón bài thơ mới.
Qua vài đoạn đường, tâm trạng phấn khởi ban đầu đã giảm sút. Tôi không còn chú ý lắng nghe tiếng guốc khua giòn giã của mình mà cảm thấy hai bàn chân rát rạt. Chắc đã phồng lên rồi. Phải biết vậy, mang đôi dép cũ còn hơn. Bước đi cứ khó khăn, ê ẩm làm sao. Chắc chắn dáng đi của tôi õng ẹo theo nhịp guốc. Tôi đỏ mặt khi nhớ đến lũ bạn cùng lớp. Thế nào chúng cũng rộ lên, cười ầm ĩ như đang xem hát. Nhìn trước, nhìn sau không có ai, tôi xách đôi guốc lên rồi đi chân không cho tiện. Nhưng mấy viên gạch vụn lót đường cứ chỏi vào gan bàn chân làm tôi phát bực. Điệu nầy phải chọn con đường ngắn nhất thôi. Đành phải đi ngang biệt thự ấy vậy. Mà lo gì, giờ nầy họ còn ngủ kia mà. Ngang đó, tôi sẽ đi nhanh hơn.
Ngôi biệt thự im lìm nhưng có một người dường như đã thức từ lâu. Chính hắn! Gã con trai trắng như cục bột! Hắn đang ngồi ủ rũ trên băng đá, chỗ tôi thường dừng chân. Tôi phát hoảng. Liệu hắn có định gây sự không? Sực nhớ tới đôi guốc, nó cũng là một loại vũ khí khá lợi hại. Tôi cảm thấy an tâm nên thản nhiên đi tới.
Nhác thấy tôi, hắn đứng bật dậy rồi ngồi xuống, rồi lại đứng lên, thò tay vào túi……lấy ra chiếc khăn lau trán. Tôi cố nén cười. Giả đò ngó đi nơi khác khi ngang qua mặt hắn.
Có tiếng chân theo sau, tôi quay lại. Gã con trai mặt bừng đỏ, ngập ngừng:
- Ơ, …..Cô bé đi học hả?
- Hỏi nghe ngu dễ sợ! Tôi nhận xét.
Hắn không giận lại cười:
- Ừ há, đi học hả, ừa mà bậy quá. Sao cô bé……không bấm chuông nữa?
Tới phiên tôi bật cười:
- Chi vậy?
- Từ nay, cô bé cứ việc bấm chuông đi. Tiếng chuông reo nghe vui lắm!
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Vậy sao anh không tự bấm để nghe tối ngày?
- Tôi thích nghe tiếng chuông từ tay cô bé thôi.
- Chúa ơi! Sao bữa hỗm hăm đập người ta?
Hăn đưa hai tay lên trời kêu oan:
- Nói oan cho người ta không hà. Hăm đập hồi nào.
- Vậy chớ bảo coi chừng là coi chừng cái gì chứ?
Hắn cười cười:
- Coi chừng tui…..đi ra mở cổng rồi theo sau cô bé .
Tôi thảng thốt hỏi:
- Theo tui làm chi?
- Đưa cho cái này này!
Hắn thò tay vào túi, lần này lôi ra một lá thư. Tôi chợt hiểu. Trời đang còn mù sương mà tôi bỗng dưng thấy nóng. Cơn sốt như lan dần từ tim lên đầu rồi từ đầu chạy dọc thân thể. Chẳng biết làm sao, tôi co người lại, siết chặt cái cặp và đôi guốc trong hai tay. Và, tôi bỏ chạy.
Hắn không đuổi theo. Nhưng hình như có tiếng chuông điện reo vang. Không phải từ nút chuông trên cổng rào biệt thự mà từ bàn tay của gã con trai trắng như cục bột ấy. Âm thanh rộn rã, len lõi, tràn vào mạch máu, xâm nhập từng vách ngăn của trái tim tôi, tạo nên những rung động kỳ bí, khó hiểu làm sao!
Bỗng dưng tôi bật khóc. Chẳng biết vì lý do gì!
Nguyễn Thị Mây