Truyện ngắn::
QUÁN CƠM XÃ HỘI "BÚNG"
Nguyễn văn Hiền
|
QUÁN CƠM XÃ HỘI BÚNG.
Về chốn xưa…
Nơi đây không phải là quê tôi. Đây chỉ là nơi mà chúng tôi ăn uống và sinh hoạt một thời gian ngắn lúc còn học ở trường NLS BD.
Tôi còn nhớ rất rõ, từ cư xá” Hai Rua” đến quán cơm xã hội Búng, tôi phải đi bộ một quãng đường dài. Mỗi ngày hai buổi đi ăn cơm trên con đường nhựa. Buổi trưa cái nắng chói lửa. Buổi chiều trời mát,trên bầu trời mây trắng lững lơ với những hình thù quái lạ, chợt tan, chợt hiện! Bên đường những hàng cỏ xanh lướt dưới những cơn gió nhẹ. Có những buổi chiều đi ăn cơm về với những cơn mưa ập đến .Làm ướt cả người, lạnh đến run rẩy. Nhưng tôi và các bạn lại thích như thế! Dưới cơn mưa tôi chạy tung tăng cùng bạn bè, reo hò khi cơn mưa lớn.
Ngày từng ngày qua đi, qua đi. Tôi cũng quen dần với nếp sinh hoạt ở quán cơm xã hội Búng. Đa phần khách của quán ăn là học sinh NLS. Nói theo thuật ngữ ngày hôm nay :quán cơm xã hội Búng là câu lạc bộ NLS BD mở rộng. Bởi vì nơi đây là nơi sinh hoạt, ăn uống và vui đùa của học sinh các lớp trường NLS BD, và chính ở nơi đây học sinh NLS được gắn kết thương yêu nhau hơn. Hôm nào mà vắng một “khách hàng” là chúng tôi lại lo lắng cho nhau. Chúng tôi đến tận nhà trọ để xem tại vì sao vị khách hàng đó không đến quán ăn cơm.
Đến năm 1973, chính phủ Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ cho chính phủ VNCH. Quán cơm xã hội của chúng tôi cũng bị ảnh hưởng lây. Khẩu phần ăn giảm xuống. Chúng tôi phải tranh thủ ra thật sớm để mua suất ăn, nếu không thì phải thổi kèn (ăn bánh mì) thôi. Nhớ có 1 lần tôi được anh em phân công ra quán cơm sớm để mua khẩu phần ăn. Bữa đó trúng ngay vào giờ toán của cô Yến. Trên bục cô giảng bài, ở dưới tôi cứ lóng ngóng tìm cách nào thoát ra khỏi lớp. Bất chợt cô gọi tên tôi lên bảng, tôi không trả lời được gì hết. Cô giận lắm và phết ngay hai con zero vào sổ điểm. Chủ nhật tuần đó tôi xuống nhà cô ở đường Trần Quang Diệu, để xin cô xóa đi 2 con zero đó.
Cô bảo tôi:
- Em hãy nói ra lý do gì để tôi xóa điểm 00 cho em. Nếu hợp lý, tôi sẽ xóa ngay cho.
Tôi trả lời liền với cô mà không cần suy nghĩ:
-Thưa cô, lúc cô đang giảng bài. Thú thật em không còn tâm trí để nghe tới bài giảng của cô. Mà em chỉ lo lắng rằng, nếu em không trốn ra khỏi lớp được, là cả đám chúng em bữa đó phải nhịn đói…
Cô hết sức ngạc nhiên và nói :
-Tại sao vậy?
Thấy có lẽ chưa thuyết phục được cô cho lắm, tôi phải trình bày thêm hiện trạng của quán cơm lúc bấy giờ. Lúc đó cô thông cảm và hứa sẽ xóa bỏ hai con zero ở sổ điểm cho tôi….
Khẩu phần ăn càng ngày càng thiếu trầm trọng, không vì thế mà chúng tôi tranh giành phần ăn với nhau. Càng khó khăn, chúng tôi càng đoàn kết lại với nhau. Đôi khi năm bảy đứa chỉ ăn khẩu phần dành cho hai ba người. Vậy mà cũng vui, cũng ồn ào náo nhiệt như ngày nào…
Bây giờ, đứng trước quán xã hội Búng, nơi đây bước chân tôi đã từng in dấu.Tôi nhìn từ ngoài vào quán cơm cũng như xưa.Kiến trúc không có gì thay đổi, có chăng chỉ là hoang tàn theo thời gian thôi. Trước sân quán cơm không còn thoáng đãng như ngày xưa, mà thay vào đó là những hàng quán được chính quyền cho người dân thuê làm nơi buôn bán, trông thật lộn xộn.
Còn nhớ ngày xưa…
Ngày đầu tiên đến quán, tôi đầy bở ngỡ, ngồi vào bàn chờ mãi mà không thấy ai hỏi han gì. Tôi bối rối lắm và định bước ra ngoài. Có lẽ đoán ra được điều đó nên có một chị nhẹ nhàng tiến đến trấn an tôi và nắm tay tôi dẫn đến quầy bán thức ăn, hướng dẫn tôi cách thức mua bán ở quán cơm nầy. Sau nầy tôi mới biết chị tên là Lộc.
Tôi nhớ tóc chị dài, nước da ngâm đen, chị gọi chúng tôi là các em. Có những ngày thức ăn quá tệ, chị đi đến từng bàn động viên chúng tôi cố gắng nuốt để có sức khỏe mà học tập.
Chưa bao giờ chị la rầy chúng tôi, mặc dù có những hôm chúng tôi quậy phá làm bể cả chén dĩa của quán. Chị chỉ ngồi khóc rồi lượm những mảnh vở chén dĩa, làm chúng tôi cảm thấy ân hận vô cùng, và chính vì thế mà thời gian về sau chúng tôi không còn quậy phá, chúng tôi đã ngoan hơn như những người đã trưởng thành…
Cái tính đôn hậu của chị Lộc, cái chân thật của cô gái miền đông nam bộ làm tôi nhớ mãi quán cơm xã hội Búng, và càng nhớ đến chị Lộc vô cùng. Thằng bạn tôi, có lần ao ước:"Ước gì chị tao cũng như chị Lộc", nó dùng từ "cũng như" với đôi mắt buồn của nó, tôi hình dung chắc là nó nhớ bà chị của nó dữ lắm…
Hè năm 1974 tôi về Sài Gòn học và tôi xa ngôi trường NLS thân yêu, xa thầy cô, xa bạn bè, xa quán cơm xã hội Búng nữa. Từ đó tôi không còn dịp nào gặp chị Lộc …
Đứng trước quán cơm xã hội Búng. Nhớ bạn bè, nhớ quãng thời gian ngày xưa. Tâm hồn tôi chợt lắng đọng ,nằng nặng một nỗi niềm thương yêu rất thiêng liêng trong ký ức. Thời gian cứ trôi, trôi mãi.. .
Nhưng ký ức này vẫn còn đọng lại. Còn mãi trong tôi !.
Nguyễn văn Hiền (NLS/BD)
(ảnh minh họa-nguồn internet)
|