Ngày xưa, Sài Gòn đã có …..
Thương xá Tax (*), công trình kiến trúc cổ 136 năm của Sài Gòn (1880-2016), đã biến mất kể từ đây (đập bỏ ngày 12/10/2016. Trước đó, 25/9/2014, thương xá đã ngừng hoạt động)
Cho dù trong thời gian nó tồn tại, rất hiếm khi người bình dân như ta dám bước vào mua sắm gì. Có chăng chỉ là để thỏa mãn sự thích thú dạo lên dạo xuống hết bốn tầng lầu, qua những bậc thang bộ khảm gạch mosaic, chỉ dám ngắm hàng hay ngắm người qua lại vào mỗi chiều cuối tuần, hay dí mũi vào những ô cửa kính hiếm hoi, hướng mắt nhìn xuống dòng xe tựa đàn kiến nhỏ xíu lổm ngổm bò chầm chậm trên những con đường sang nhất thành phố: Nguyễn Huệ, Lê Lợi….Niềm vui của những người ít tiền và ngoại đạo với shopaholic (người nghiện mua sắm).
Cho dù trong thời gian nó hiện hữu, đa số người ta đến với nó chỉ để dừng xe chụp cảnh trí ở tiền sảnh dịp Giáng Sinh, xuýt xoa, trầm trồ ngước mắt nhìn những ông Noel khổng lồ, cây thông cao nghễu nghện chớp xanh chớp đỏ những bông tuyết, trái châu, kim tuyến, ngôi sao…., hít hà cái không khí mát lạnh từ khe cửa gian hàng nào đó vừa hớ hênh phả ra, tưởng tượng như mình đang ở rất gần với xứ sở Lapland (Phần Lan, quê hương ông già Noel) mà tự sướng. Hay vào dịp tết ta Nguyên Đán, tha hồ no mắt thưởng thức “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ. Nêu cao, tràng pháo bánh chưng xanh” trải rộng khắp hai phố chính, hít hà “hương thơm” (dù chỉ qua hình vẽ trang trí) của hoa mai, hoa đào, hoa cúc, đầu lân, phong bao đỏ….đủ làm cho lòng người rộn ràng lên một niềm vui trẻ thơ.
Và cho dù trong thời gian dài hiện diện ngạo nghễ, vững vàng nơi vị thế đẹp nhất thành phố, nó đã kịp để lại bao dấu ấn qua rất nhiều những tấm hình đặc sắc, đậm ký ức một nhịp sống Sài Gòn trù phú, năng động mà không kém phần sang trọng, uy nghi. Rồi nay, dù hoành tráng, lung linh thế nào cũng đành phải nhường chỗ cho một trung tâm thương mại 40 tầng xa lạ sẽ đến thay thế trong tương lai. Một lời chào tiễn biệt không hề dễ chịu một chút nào.
Cùng biến mất với nó là bùng binh liễu rủ ở sát ngay bên cạnh, cái vòng tròn nho nhỏ luôn tươi mát nhờ những dòng nước nho nhỏ chặp chặp lại phun lên trong trẻo. Nơi đó, từng có người, nhiều người dừng xe quanh cái vòng mát và trong ấy, hồn nhiên nói chuyện, hồn nhiên ngắm cảnh, hồn nhiên nhìn Tax mà không cần để ý đến những dòng xe tấp nập chung quanh đang vướng vít nối đuôi.
Bùng binh Quách Thị Trang, tượng đồng Trần Nguyên Hãn ngay trước cổng nam chợ Bến Thành cũng chung số phận đã định, nhường chỗ cho tuyến đường sắt metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang từng ngày thành hình. Những nhân vật lịch sử này còn được chút an ủi, không biến mất mà chỉ di dời (tượng Trần Nguyên Hãn dời về công viên Phú Lâm Quận 6, ngày 12/12/2014; tượng Quách thị Trang dời về công viên Lý Tự Trọng Quận 1, ngày 17/12/2014). Dù biết chúng không mất đi, vậy sao cư dân Sài Gòn vẫn không tránh được nỗi bâng khuâng mỗi lần ngang qua đây, khi hình ảnh thân quen đã không còn hiện diện tại đúng nơi chốn xưa cũ. Hay vì ký ức đậm dấu vẫn chưa thể nhòa phai?
Thì cũng giống như ta đã từng bao nhiêu lần rưng rưng khi chứng kiến những đổi thay của Sài Gòn lúc trước vậy thôi.
Như ta đã rất buồn khi nhìn thấy từng rạp chiếu bóng một thời nổi tiếng đã nối đuôi nhau tuần tự biến mất: rạp Olympic (đường Hồng Thập Tự, nay là đường Nguyễn thị Minh Khai, Quận 1), rạp Quốc Thanh (Nguyễn Trãi Q.1), rạp Khải Hoàn (Cống Quỳnh Q.1), rạp Rex (Nguyễn Huệ Q.1), rạp Eden (Tự Do, tức Đồng Khởi Q.1), rạp Đại Nam (Trần Hưng Đạo Q.1). Chúng bị đào thải do thời thế (còn mấy ai đến rạp xem khi những phương tiện nghe nhìn khác càng lúc càng phong phú, để nhường chỗ cho những công trình khách sạn, nhà hàng trong thời buổi kinh tế thị trường mọc lên). Chắc tại vì ta vẫn còn nhớ như in, tuổi thơ mình đã từng háo hức như thế nào khi chờ đến cuối tuần được mẹ dẫn đi rạp để xem phim lịch sử Trung Hoa, phim hề Charlot, xem hát cải lương đoàn Kim Chung Tiếng Chuông Vàng Thủ Đô…..chăng?
Buồn, như ngày nào phải từ giã phà Thủ Thiêm ( phà ngưng hoạt động từ ngày 01/01/2012). Con phà nối hai bờ sông Sài Gòn, hiện diện tại vị trí này ngót nghét đã trăm năm, là bến nước con thuyền của bao gia đình, bao du khách qua lại mỗi ngày. Đã từng có nhiều người, chẳng vì nhu cầu gì bên đây sông hay bên đó sông, mà chỉ vì trong phút ngẫu hứng, thế là xuống phà qua sông chơi, để được đi phà buổi tối mát rượi từ gió sông hắt lên, hay chỉ để nhìn mà so sánh với một bên là hoa lệ rực rỡ, còn một bên thì tù mù ánh điện vàng vọt rọi xuống con đường đất nhấp nhô thôn dã, mái tranh….Sự tương phản thật thú vị, chỉ cách nhau một làn ranh nhỏ là con phà.
Cũng như thuở rất sớm, ta đã từng ngẩn ngơ khi đứng trước vòng xoay cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, Tân Bình, khi phần mộ Lăng Cha Cả ( Giám mục Pierre Joseph Georges Pigneau de Béhaine, tức Giám mục Bá Đa Lộc) bị san phẳng do nhu cầu mở rộng đường xá. Một vùng rộng lớn bao la, được mệnh danh Lăng Cha Cả nổi tiếng một thời, giờ chỉ còn lưu lại duy nhất cái tên. Lăng đã mất hẳn dấu tích, hồn cốt Cha Cả đã bay về cố quận (Pháp), để lại vòng xoay chỏng chơ, buồn tênh như lưu luyến người xưa.
Và ta từng bâng khuâng khi góc phố thân thuộc, một hôm bỗng dưng không còn hiện diện tại đây xe mì gõ, loại xe đặc trưng của món mì gõ: toàn thân thùng phủ đầy những màu sắc, hình ảnh đặc sệt Tàu. Hay vì ta đã lỡ “nghiện” tiếng gõ có vần có điệu quen thuộc phát ra từ hai thanh tre (một “nhạc cụ” không thể đơn giản hơn) của “thằng bé mì gõ” loắt choắt, gầy gò đen nhẻm mới dăm tuổi đầu đã bươn chải mưu sinh. Tiếng gõ trải dài từ chập tối đến tận nửa khuya, lúc nhanh lúc chậm, tiết tấu lúc nào cũng vui vui, như chẳng màng bận tâm đến tâm trạng của nó dù vui dù buồn. Thỉnh thoảng, tiếng gõ dừng lại, im một chút, chắc hẳn nó đang mải mê nhìn ngắm một gian hàng đồ chơi đầy màu sắc nào đấy, hay có thể nó vừa nghe được có tiếng gọi ”xực tắc, xực tắc …” vọng đến tai từ đâu đây. Loáng cái, đã thấy nó lướt qua, đầu đội tô mì nóng hổi, trong khi hai tay lại tiếp tục gõ nhịp nhàng, còn đôi chân tí xíu vẫn hồn nhiên rảo bước. Tiếng gõ miệt mài, kiên trì từ lúc còn chìm nghỉm dưới bao lớp tiếng ồn của phố. Rồi rõ dần lên khi phố đã ngủ ngon. Thằng nhỏ mì gõ có bao giờ nghĩ đến, từ cái ngày nhảy tàu lậu vé đi tha phương mưu sinh, nay đang đối mặt với cuộc sống chông chênh, mịt mù đàng trước, có khác gì ở quê? Rồi sẽ về đâu đây, hỡi những đôi chân nhỏ bé nhọc nhằn? Vào thời buổi nhà hàng, tiệm ăn nhan nhản khắp nơi với bao nhiêu món ngon vật lạ, có ai còn lưu luyến tô mì gõ lõng bõng nước rất ngọt, không phải ngọt từ vài cọng hẹ, cọng giá hay lát thịt mỏng dính như tờ giấy, mà ngọt từ hàng vốc bột Monosodium Glutamate rải vô tội vạ lên tô mì rẻ tiền đầu đường xó chợ?
Cũng như ta đã buồn khi người bán báo trước hẻm nhà mà mỗi ngày thường ghé qua, vừa lên tiếng nói lời từ giã. Những sạp báo mà mới ngày nào còn hiện diện dày đặc mọi nơi, nhất là quanh những tòa soạn báo chí, giờ thì rụng rơi dần, lưa thưa đến hiếm hoi. Bây giờ còn mấy ai đọc báo nữa vào buổi sáng đầu ngày? Nên chồng báo nóng sớm tinh mơ đã càng lúc càng mỏng đi, trong khi xấp báo ế cuối buổi thì mỗi lúc lại càng dầy lên. Sạp báo biến mất, người giao báo biến mất, người bán báo dạo, càng biến mất. Và lời than thở buồn tênh là kết cuộc phải đến (khi những chiếc điện thoại thông minh đang tung hoành chiếm lĩnh). Và khi cầm tờ báo cuối cùng trên tay, nhìn ánh mắt buồn vời vợi trên gương mặt nhăn nheo khắc khổ vì cái nghèo đeo bám, ta đã trông thấy rất rõ sự mờ mịt trên con đường phía trước đời anh.
Và còn rất nhiều thứ, ta đã từng nhung nhớ…..Và nhiều thứ, ta đã từng luyến lưu….Những gì đã biến mất, những gì trở nên hiếm hoi….
Cớ làm sao đang sống giữa đất trời Sài Gòn, mà ta lại ngẩn ngơ vì nhớ nhung Sài Gòn. Sài Gòn của một thuở ngày xưa, Sài Gòn của một thuở chưa xa….
Đa cảm làm chi?
01/10/2017
NGUYỄN THỊ HUYỀN NGÂN
(*)Thương xá Tax là trung tâm thương mại lâu đời và nổi tiếng nhất tại TP HCM. Được xây dựng vào năm 1880 cùng với những công trình kiến trúc thời Pháp thuộc khác như Chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Nhà hát lớn, Dinh toàn quyền Norodom (nay là Dinh Độc Lập), Dinh Xã Tây (nay là UBND TP HCM)... nên Thương xá Tax được xem là một trong những biểu tượng của Sài Gòn. Công trình hơn 130 tuổi này được đóng cửa để bàn giao mặt bằng thi công tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên). Đồng thời, trên nền tòa nhà cũ sẽ xây dựng thành Tax Plaza, một khu phức hợp 40 tầng gồm trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, triển lãm quốc tế, phòng hội nghị, hầm đậu xe.( tác giả Duy Trần: Người Sài Gòn ngậm ngùi tạm biệt Thương xá Tax, báo VNEpress ngày 25/9/2014)
|