9/8/2015
Tản văn:
BẦU ƠI…BẦU…
Ngô Cẩm Hồng
02.07.2015
“ Râu tôm nấu với ruột bầu,
Chồng chan , vợ húp…gật đầu khen ngon”
Câu hát thật dể thương và mộc mạc làm sao !!!
Ngày nay, trong việc chế biến món ăn, có những món ăn dân dã ở miền quê, được nhà hàng cho vào thực đơn để giới thiệu khách nước ngoài với những cái tên mang nhiều ấn tượng về nét đẹp văn hóa ẩm thực của quê nhà.
Chỉ là nói đến TRÁI BẦU ! …
Trái bầu là loại dây leo dể trồng, chỉ cần cây lên mầm, rồi làm giàn cho dây leo, vun bón , chăm sóc… thì trái sẽ đầy ắp.
Có nhiều loại như: Bầu Thúng, Bầu Xanh, Bầu Eo, Bầu Sao…nhiều loại lắm…. Còn lá bầu non, xào với thịt bò, thịt Chuột đồng hay bầu luộc “chấm” với tương chao trong những ngày chay thì… hết ý !!!
Trái Bầu mới cắt về, còn non, xanh mướt, luộc vừa chín tới, khi luộc cho vào chút muối đường, hay xắt sợi xào với trứng, nêm thêm ít gia vị và hành ngò cũng là " khoái khẩu " rồi…
Còn nấu canh với Cá trê hay Cá rô đó nghen..., cái vị ngòn ngọt tự nhiên của cọng Bầu, của Cá đồng, với khẩu vị của vùng Nam bộ- Cần thơ thì thiệt là hấp dẫn lắm lắm !!!
Bữa cơm chẳng có gì rườm rà, Canh bầu nấu với Cá Trê, mà cá thì được “ rĩa” thịt, những miếng cá vàng ươm, hòa nhịp cùng cọng Bầu xanh mườn mượt, tỏa mùi thơm phức của hành ngò, còn cái ơ cá Trê kho tiêu thì sôi “sì sup”, dĩa Dưa leo “giòn rụm”, và mớ rau thơm mới hái sau vườn, điểm thêm mấy trái ớt hiểm, là đủ màu sắc miệt vườn rồi đó…!!!
Nói theo từ ngữ Miền tây, thì “chan” canh vào chén cơm nóng hổi, khi mà cái tô canh còn nghi ngút khói, gắp miếng cá kho, cay dậy mùi tiêu… Vừa nóng vừa cay, cha con, chồng vợ vừa chan vừa húp, thiệt là ngon miệng.
Chẳng ai bảo ai, cái nồi cơm vơi dần, vơi dần… Nhất là khi nhổ xong đám cỏ ở bờ quít, hay xén tỉa mấy nhánh mận, nhánh cam ở sau vườn, bấy giờ buổi trưa ngồi ăn cơm nóng, .... Ôi.....Canh ngon, qua bàn tay nội trợ của bà xã, vui không gì diễn tả được: “ Má tụi nhỏ cho Anh thêm chén nữa coi”. Câu nói vậy đó, ai mà không thương, ai mà không vui…
tụi nhỏ chẳng đẹp, chẳng sang, nhưng rất duyên, chỉ là một cô gái quê miệt ruộng vườn, nhờ đi cấy mướn mà họ quen nhau. Lễ cưới thật đơn giản, chú rể xúng xính áo dài khăn đóng, bưng khai trầu rượu trong lễ rước dâu, mà lại quên mang đôi dép khi từ chiếc ghe bước lên cây cầu được bắt ngang mương để đến nhà đàng gái…Bởi vì chú rể…đi chân đất quen rồi…
Cưới được vợ là ...mừng gần chết...., mừng quá nên quên đủ thứ hết.
Còn má tụi nhỏ thì lúc đó thiệt là e thẹn, đeo đôi bông tiền điếu móc cân vàng y, mặc chiếc áo dài màu hồng, mà cứ ngơ ngẫn, ngẫn ngơ, thấy mà tội nghiệp hết sức !!!
……………………………………………………………………………………..
…….Vậy mà, họ vẫn sống bên nhau như thế đó, có cháu nội, ngoại rồi, họ không tỏ tình bằng những từ ngữ nên thơ, lãng mạn, họ chỉ có cái chòi ngoài ruộng, sau nầy được một ngôi nhà lá đơn sơ, họ đặt lờ, đặt lợp hay giăng lưới Cá linh mùa nước nỗi… Chỉ như vậy thôi mà cả một vùng trời bình yên hạnh phúc, và có cả tiếng cười của những đứa trẻ thơ trẻ thơ…
……………. Dù cho họ rất nghèo!!!....
……………………………………………………………………………
*Bài viết chưa đăng… *Mùa SINH NHẬT KHÔNG CÓ NGÀY 29 THÁNG 02, ……MÀ CHỈ LÀ…..Ngày 28.02.2015 của CẨM HỒNG NGÔ………