22/11/2015
Ký ức về một người Thầy
Nguyễn thị Mây
|
Như nén hương tưởng tiếc một người thầy đáng kính!
Tùy bút
Nguyễn thị Mây
“Nghiêm!” Theo hiệu lệnh của lớp trưởng, chúng tôi đứng bật dậy, đồng thanh:”Kính chào thầy…cô!” Thầy hiệu trưởng cho phép chúng tôi ngồi xuống và giới thiệu: “Đây là cô Trương Thị Ngọc Điệp, Cô sẽ phụ trách lớp năm một của các em”. Cô mỉm cười, cúi chào chúng tôi. Không cần bảo, cả lớp hớn hở chào mừng cô bằng một tràng pháo tay vang trời. Cô giáo mới trẻ đẹp và lịch sự làm sao!
Mãi đến giờ, tôi vẫn nhớ như in tà áo lụa màu nắng phai của cô buổi ấy. Thầy hiệu trưởng vừa khuất sau cửa lớp, cô bảo:”Bây giờ chúng ta làm qưen với nhau”.Cô hỏi tên từng đứa, hoàn cảnh gia đình. Tới phiên tôi, cô rươm rướm nước mắt khi tôi bảo :”Em sống với mẹ, chị hai, thằng út và ông bà ngoại. Ba em bỏ di từ khi em trai em chào đời. Một mình mẹ nuôi sáu người. Nhà em…nghèo lắm!” Cô vuốt tóc tôi:”Em đừng buồn. Trong nhà trường, mọi trẻ em đều được bình đẳng. Trong học tập không có sự phân biệt đối xử vì hoàn cảnh giàu hay nghèo. Em phải hãnh diện vì có một người mẹ hiền, quanh năm tần tảo nuôi con ăn học, hết lòng phụng dưỡng cha mẹ già. Em phải cố gắng học để mẹ vui lòng. Hôm nào thuận tiện, em đưa cô đến nhà thăm gia đình nghen!” Tôi cảm động đến rơi nước mắt. Chưa có thầy cô nào gieo vào lòng tôi niềm tự hào về mẹ như cô. Tôi hiểu ra rằng không cần/ phải có nhiều tiền mới được mọi người nể trọng.
Từ đó, ngày nào chúng tôi cũng mong đến giờ lên lớp. Vì giờ học rất vui. Cô dạy dễ hiểu và hay lồng ghép trò chơi hoặc kể chuyện vào nội dung bài giảng khiến chúng tôi thích mê. Nhất là chuyện Viên ngọc ước:
“Ngày xưa, có một cụ đồ nổi tiếng dạy giỏi. Học trò cụ đều đổ dạt, làm quan to. Ai cũng nể trọng thầy. Nhưng, lòng thầy đau đáu buồn lo. Vợ mất sớm, cậu con duy nhất lại lười biếng lạ lùng. Ăn còn không chịu nấu huống chi học hành. Thầy bệnh nặng, trước lúc lâm chung gọi cậu bảo:” Kia là chậu mực có viên ngọc ước ẩn đáy chậu. Muốn nó hiện ra, con phải làm cạn mực nhưng không được đổ hoặc…uống!” Cụ đồ mất. Nhà lâm vào cảnh nghèo túng. Nhớ đến viên ngọc ước.cậu đem chậu mực phơi nắng. Vô ích! mực chẳng lưng được bao nhiêu! Bỗng cậu nghĩ ra môt cách làm cạn mực là lấy bút chấm mực tập viết chữ. Học trò cũ thấy con thầy hồi tâm vội mang gạo muối đến biếu. Từ đó, cậu an tâm luyện chữ. Chẳng bao lâu, cậu nổi tiếng viết chữ đẹp như rồng bay phượng múa. Vào dịp lễ, Tết, dân làng thuê cậu viết liểng hay câu đối. Đời sống cậu càng ổn định. Đến kỳ thi Hội, cậu đỗ Trạng nguyên. Khi vinh qui bái tổ, cậu vội về tìm chậu mực mới hay mực đã cạn từ lúc nào. Nhưng viên ngọc chẳng thấy đâu. Lúc đó, dân làng kéo đến chúc tụng.:”Có công mài sắt, có ngày nên kim” Cậu chợt hiểu ý cha. Cái học đã giúp cậu ước gì được nấy….”
Thỉnh thoảng, cô tổ chức :”Chấm bài làm văn của bạn” tại nhà cô.. Những ngày đó thật vui. Vừa được ăn chè đậu xanh vừa được làm “Cô giáo nghiệp dư”.Cô chia lớp thành bốn nhóm, mỗi nhóm chấm năm bài. Một đứa trong nhóm đọc to từng câu hay đoạn văn rồi dừng lại cho nhóm phân tích Đoạn nào thiếu ý. Câu nào hay, câu nào rườm rà, câu nào què, cụt…rồi ghi vào sổ tay điểm của bài đó kèm theo lời phê. Đến ngày trả bài làm văn, cô cho chúng tôi đối chiếu với cách đánh giá của cô. Nhờ vậy, chúng tôi nắm rất vững dàn bài, dàn ý của từng thể loại. Đối với lớp tôi, môn Tập làm văn không còn là môn quá khó mà là một cánh cửa mở ra khung trời văn học tươi sáng, phong phú và lãng mạn.
Mỗi tháng một lần, tôi và một số bạn được cô gọi đến nhà giúp cô cộng sổ, xếp hạng. Nhờ đó, chúng tôi được rèn luyện thêm về bốn phép tính và hiểu ý nghĩa việc học chăm chỉ tất cả các môn sẽ nâng điểm trung bình và thứ hạng dễ dàng.
Ngoài dạy chữ, cô còn quan tâm đến giáo dục đạo đức, tình cảm. Trường tôi nổi tiếng không những vì đẹp, rộng rãi thoáng đãng mà còn vì có ngôi MIẾU TIỀN VÃNG nằm giữa sân trường. Cô bảo đó là nơi thờ phượng những bậc thầy, cô giáo có công với ngành giáo dục tỉnh nhà. Một di tích văn hóa độc đáo, hiếm có. Vào những ngày rằm, trong giờ ra chơi, cô thường đưa chúng tôi vào miếu thắp nhang . Khi quì bên cô, chắp tay ngước nhìn khói hương nghi ngút, lòng tôi trào dâng niềm xúc động lạ lùng. Tôi dào dạt nhớ thương, tưởng tiếc và ao ước trở thành người tiếp bước các bậc tiền nhân.
Năm học cuối cấp trôi qua trong sự tiếc nuối không nguôi của chúng tôi. Nhưng, ký ức về một người thầy vẫn tồn tại mãi với thời gian. Phần lớn chúng tôi đều trở thành giáo viên, bởi hình tượng đẹp của cô như ngọn đuốc rực rỡ soi đường, dẫn lối, đưa chúng tôi đến với một nghề cao quí nhất trong những nghề cao quí.
Tranh của danh họa Đỗ Duy Tuấn