3/9/2015
Năm 1966 nhân lần thực tập kiểm lâm,anh em chúng tôi ngụ tại Hạt Kiểm Lâm Đà Lạt ,lúc đó anh Hoàng Tổng làm Trưởng hạt, tôi nhớ cả anh Louis khóa 8 phụ trách hướng dẫn thực tập chúng tôi trong các buổi vào rừng, đóng búa hoặc tham gia kiểm tra cơ sở cưa xẻ, dưỡng lâm tại đó,.Đà lạt là xứ của ngàn hoa, vốn thích cây hoa cho nên thường tìm tòi đến những cây lạ và đã thấy được một cây lúc ấy gốc to cỡ hai gang tay với lá từa tựa lá phượng nằm trên đường vào chợ Đà Lạt…mãi đến sau này tôi mới biết đó là Cây Phượng Tím ( Jarcaranda ), ngoài cây Phượng tím còn có cây Vông Kê ở Khách Sạn Palace và cả cây chuông vàng (Spathodea campanulata) trồng ở chùa Quan Âm những giống này qua truyền miệng và sách báo cho biết được bác Lương văn Sáu đem từ nước ngoài, hoặc đem giống về trồng từ thập niên 1960.
Sau năm 2000 tôi biết đến bác Sáu nhiều vì bác có viết bài trong tạp chí Hoa Cảnh, được biết bác thường đến chơi nhà ông Nguyễn văn Tài trước làm giám đốc trung tâm nghiên cứu Lâm Nghiệp Lang Hanh là bố của cô Hồng Nhung giáo sư sinh vật giảng dạy tại trường TH Nông Lâm Súc Bảo lộc, nhân tết 2003 cô Hồng Nhung về Đà Lạt ăn tết, tôi gửi cho bác một bức thư và một chút quà, bác có trả lời cùng gửi thiệp xuân…tôi mong có ngày được diện kiến với bác vậy mà chằng có dịp nào đi Đà lạt cả.
Rồi tôi có dịp lên Đà lạt, dù rằng rất hối hả của cuộc đưa dâu , trong lúc chờ đợi buổi tiệc trưa tại nhà hàng Golt 1,vội tìm đến nhà bác ở gần đó trên đường Bùi thị Xuân, mà trước đó năm 1963 tôi trọ học trên con đường này, ngày xưa nó có tên là Võ Tánh, khi đến nơi vô cùng bất ngờ để nhận được tin bác đã vĩnh viễn ra đi hơn một tháng rồi, tôi xin được cắm cho bác một cây nhang nhưng bác gái cho biết bác trai được hỏa táng và thờ tại một chùa ở Sài gòn…Từ đó tôi giữ gìn thiệp xuân và thư của bác đã gủi cho tôi như một kỷ vật.
Rồi tôi đọc được bài viết có tựa đề là Những cây hoa già lặng lẽ nói về Bác, xin được trích ra đây như thể hiện sự đồng cảm của một trong nhiều người biết được bác, xin được tri ân người suốt đời tận tuỵ với nghề hoa
NHỮNG CÂY HOA GIÀ LẶNG LẼ
Trước khi kể về những loài hoa lạ “chưa được ai biết đến” tôi muốn nói về “cây hoa già lặng lẽ”õ dường như cũng bị lãng quên như loài hoa : kỹ sư Lương Văn Sáu, một kỹ sư chuyên về hoa, tốt nghiệp Trường Canh nông ở Versailles (Pháp), một trong vài người đầu tiên thiết lập nên công viên hoa Đà Lạt. Tất cả các loài hoa quí Đông Tây trong vườn hoa bây giờ đều lưu dấu những cuộc tìm kiếm của ông, người theo đuổi suốt đời với những loài hoa thân mộc. Ông chính là người đầu tiên đưa phượng tím (Jacaranda) có nguồn gốc từ châu Mỹ về trồng ở Đà Lạt vào năm 1962. Một trong vài cây do ông trồng bây giờ còn sót lại ở đường vào chợ Đà Lạt, ba cây khác chiết ra từ cây này. Các tài liệu về thực vật học phân loài hoa độc đáo, quyến rũ này vào loài hoa quí, nhưng mãi đến đầu năm 1994 bí mật về hoa Đà Lạt này mới thực sự được khám phá. Trong khi đó còn rất nhiều bí mật về hoa Đà lạt vẫn giấu kín trong “cây hoa già lặng lẽ” này. Càng bí ẩn hơn nữa khi mà căn bệnh hạch thanh quản đã cướp đi giọng nói của ông vĩnh viễn.
Suốt những năm qua, ông sống cô độc với người vợ trong một căn hộ chật chội ở đường Bùi Thị Xuân,và ba năm rồi ông phải gượng dậy chiết cành phượng tím gửi ra Huế, Hà Nội bán lấy tiền chữa bệnh... Cuộc trò chuyện về hoa Đà Lạt đã là một cuộc bút đàm. “Thưa bác, hình như cháu có nghe đến một loài hoa lạ có tên là chuông đỏ”. “Không phải là chuông đỏ mà là chuông vàng, tên khoa học Spathodea campanulata Bean, chuyển qua Hán Việt là sò đo cam, nhưng có nguồn gốc từ châu Phi. Một loài hoa thân mộc cao lớn, lá xanh gần giống lá muồng, hoa màu vàng pha cam, hình dáng như những quả chuông, mỗi chùm từ 40 đến 50 bông. Hoa nở suốt bốn mùa, những chùm chuông vàng rực rỡ trên nền xanh, trông như một thứ cây ăn quả. Vì nó quí và lạ, nên tôi mới mang về”õ. Và câu chuyện về quá trình di thực loại hoa này bắt đầu dài ra trên trang giấy khó nhọc. Năm 1958, từ Trường Canh nông Versailles trở về, hành trang của bác Sáu là những giống hoa lạ, trong đó có phượng tím, chuông vàng và... Bác trồng cây hoa chuông vàng đầu tiên ở lâm viên Trảng Bom - Tây Ninh. Sau giải phóng, bác trở lại chiết một cành mang tặng chùa Quan Thế Âm ở phía Bắc hồ Xuân Hương (Đà Lạt). Đó là cây hoa duy nhất ở Đà Lạt, ngoài cây chuông vàng ở Trảng Bom và một cây nữa được chiết về trồng ở Thảo cầm viên Sài Gòn. Bác muốn nhắn hỏi bây giờ nó còn sống hay không?
Theo lời bác Sáu, tôi tìm đến thăm cây chuông vàng ở chùa Quan Thế Âm. Ni sư trụ trì kể rằng: Sau khi trồng được ba năm thì cây ra hoa. Thấy cây hoa lạ mà rất đẹp, nhiều người hỏi xin giống, nhưng nhà chùa vẫn không biết cách lấy giống và trồng nó như thế nào. Bác Sáu kể, hoa chuông vàng muốn kết trái thì phải có một loài chim đặc biệt mỏ cong mới có thể đưa phấn vào đài hoa.
“Còn một cây lạ nữa... không biết bây giờ có còn không, nên tôi không muốn nói nữa”. Tôi liền hứa nếu bác cho biết thì tôi sẽ tìm nó, chụp ảnh về cho bác. Trầm ngâm hồi lâu, bác cầm cây bút tô đậm : cây đậu tía. Tên khoa học là Wistaria, tên quốc tế thường gọi là Shycine, có hai màu : xanh lơ (bleu) và trắng (blanc), nhưng rất thơm. Có nguồn gốc từ Đài Loan, là loài hoa phương Đông “hữu sắc, hữu hương” rất hiếm. “Người Đài Loan và Trung Quốc mà chọn để trồng trước cổng sơn đỏ là quí lắm. Tôi lấy gốc từ Đài Loan về trồng ở công viên hoa Đà Lạt vào năm 1963. Đến bây giờ, các kỹ thuật viên ở đó vẫn không biết nó nằm ở đâu. Cây này, nếu không được chăm sóc thì khó thấy cái quí của nó lắm”. Nói xong, bác lục tìm một cuốn sách đưa cho tôi xem. Đó là cuốn Guiness (1991) ghi rằng : “Cây đậu tía khổng lồ của Trung Quốc Wistaria sinensis được trồng vào năm 1892 tại Sierra Madre (California) cành dài 150 m, bao phủ 0,4 hecta đất, nặng 230 tấn. Kỳ đơm hoa thông thường là 5 tuần, mỗi cụm có 1 triệu 5 hoa, có đến 30.000 người đến chiêm ngưỡng”.
Bác Sáu cho biết còn một cây hoa thân mộc rất quí, ở Đà Lạt chỉ có một cây một thôi, được trồng ngay cổng khách sạn Palace, đường Trần Phú bây giờ. Tên nó là: vông kê. Loài này có nguồn gốc từ Trung Đông và Châu úc, tên khoa học là Erythrina cristagalli l. (thuộc họ châu vông). Cái tên vông kê là do bác Sáu đặt. Hoa ở cuối đông đầu xuân, từng chuỗi dài năm tấc, màu đỏ như mồng gà (khác hẳn với hoa mào gà thân thảo). Cây vông kê ở khách sạn Palace được trồng vào năm 1965. “Những năm đầu hoa kết trên 5.000 chuỗi, đỏ ối, nặng trĩu cả cây. Sau này, vì không được chăm sóc nên cây cho ít hoa. Bây giờ là mùa vông kê trổ bông đấy, cháu hãy đến xem rồi về nói lại cho bác nghe với”. Trích Dalatrose ngày 2-2-2003 viết bởi Poinsetia
***
Trong bài bác Lương văn Sáu có nhắc đến cây Đậu Tía Wisteria chính do bác đem về và trồng ở Đa Lạt năm 1963 cho đến bây giờ hình như là không còn hoặc là trồng không được từ lúc đó? Là một loại hoa thân dây cho hoa rất rực rở có nhiều màu, có thể dùng gốc làm bonsai. Không rỏ đến nay đã trồng được ở Việt Nam chưa ?
câu dông đỏ
cây đậu tía trắng
Phượng tím Đa Lạt
Cây đậu tía
Cây chuông đỏ