Ký Sự:
VỀ THĂM BẢN ĐÔN
Khi đến Darlac chúng tôi đã nghe giới thiệu về một nơi du lịch cách trung tâm TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) chừng hơn 40km về phía Tây có một vùng đất từ lâu nổi tiếng về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Đó là khu du lịch sinh thái Bản Đôn thuộc địa phận xã Krông Na, huyện Buôn Đôn - nơi chung sống của cộng đồng các sắc tộc: Ê Ðê, M’nông, Gia rai, Lào, Thái..
Thật ra nơi đây hiện có ba đơn vị khai thác thương hiệu du lịch Bản Đôn. Từ Trung tâm huyện Buôn Đôn đi vào khoảng 15km, rẽ tay trái chừng 500m bạn sẽ gặp trước tiên là Công ty TNHH Du lịch sinh thái Bản Đôn (công ty Thanh Hà) đây là công ty đang khai thác Làng đảo Bản Đôn và thác Bảy Nhánh. Đến đây, quý khách được thưởng thức những cảnh đẹp tuyệt vời của Làng Đảo, cũng cầu treo, ngắm thác bảy nhánh, thưởng thức những món ăn đặc sản của vùng Tây Nguyên trù phú và đặc biệt là được ngắm ngôi nhà dài hàng trăm mét của đồng bào Tây Nguyên.
Khởi hành từ Ban mê Thuột chúng tôi háo hức lên đường vào bản Đôn khoảng 9 g là đến nơi khi vào khu du lịch này dù diện tích khai thác hơi nhỏ nhưng còn giữ nét hoang sơ của người dân tộc từ ngàn xưa với rừng thưa, nhà Dài suối bảy nhánh có cầu dây Giăng
Đoàn chúng tôi được một cô gái Ê Đê thật hoạt bát hướng dẫn và thuyết minh về một số phong tục tập quán của người dân tộc và xem triễn lảm trong Nhà Dài ( đây là nhà dài nhất gần 100 mét) có rất nhiều vật dụng , trang phục, cồng chiêng của người Tây Nguyên, vừa thuyết minh vừa trả lời những câu hỏi của du khách nhưng cô gái luôn vui vẻ và tạo không khí sôi động cho buổi tham quan, sau đó cô giới thiệu những sinh hoạt trong khu du lịch gồm những buổi dã ngoại cắm trại, biểu diễn cồng chiêng, cưỡi voi, đi cầu treo, ngồi thuyền độc mộc vượt dòng Sê Rê Pốk
Ngoài ra du khách còn được giới thiệu khu văn hóa tâm linh gồm tượng đài vua săn voi Y Thu K’nul “Khun Ju Nốp” và mộ hai voi rừng, sau đó đoàn được mời dùng bửa cơm trưa với cơm Lam, thịt gà nướng và canh chua cá suối, đọt nhãn lồng luộc chắm nước cá kho là những món ăn độc đáo ở vùng này
Khi bước vào KDL Thanh Hà ( Bản Đôn) lần đầu tiên tôi đi theo con đường nhỏ ấy mà tưởng chừng như quen thuộc lắm, con đường nhỏ ngoằn ngoèo loang lổ và những vạt cỏ bên đường, nếu đi mãi theo dốc nghiêng nham nhở đá cuội thì sẽ xuống bờ suối, còn men theo ven đường thì hai bên toàn là cỏ khô vàng úa..
Nhớ có lần lên tận khu rừng Nam Cát Tiên chỉ để được lội vào rừng, đi vô năm cây số và về cũng vậy, nhưng rừng bây giờ chỉ toàn là những cây thải loại vì không làm gỗ dân dụng và cây thẳng thì toàn thế hệ sau này, dạo đó Nam Cát Tiên cũng vào mùa khô nên cây cũng muốn khô lá và khó tìm một kiến trúc nhiều tầng nguyên sinh hay thảm động vật rừng phong phú như ngày xưa, giờ tôi đang lên vùng Tây Nguyên từ Đắc Nông, Đắc Lắc một trung tâm của rừng VN ngày xưa tiếp giáp với Kampuchia và Lào nhưng nếu có chỉ là những cánh rừng xưa trụi lá, ta đi vào một nơi tái tạo cảnh hoang sơ của rừng ở Buôn Đôn giờ chỉ có những nhà dài của người dân tộc Ê Đê con suối nhỏ đi qua buôn làng mùa khô dần cạn nước, những cây Sanh tua tủa rể và những cầu dây giăng do người dân tộc mới bắt qua con suối cho du khách tìm cảm giác gập ghềnh …
Về đây được nghe kể về truyền thuyết ông vua Săn Voi tài giỏi vang danh và những bài thuốc, thủ thuật săn bắt mưu sinh khi nơi này còn hoang sơ mới thấy ngày xưa người dân tộc cũng thích ứng với mọi điều kiện thiên nhiên và bám lấy rừng để tồn tại, ngày nay khi kinh tế phát triển họ cũng theo kịp với đà văn minh và áp dụng khoa học kỹ thuật như người kinh nhưng điều đặc biệt ở họ là “bám đất” để bảo tồn giống nòi và khắc phục mọi khó khăn để phát triển kinh tế
Trở lại với những khu du lịch sinh thái để học hỏi rất nhiều điều từ người xưa và chiêm ngưỡng những giá trị thiên nhiên còn được bảo tồn mới thấy ta có thể tìm thấy bình yên, thanh thản ở những nơi tuyệt đẹp của đất nước : với rừng núi, suối, thác hùng vĩ …tâm hồn con người như được cởi mở hòa vào với thiên nhiên để cho mình được phút thư giản nghỉ ngơi tìm mọi cái đẹp trong giá trị cuộc sống, tôi yêu rừng như vậy và không ngăn được những khắc khoải khi rừng ngày càng cạn kiệt, cuộc sống của con người giờ không chỉ bao quanh thành thị và còn ngày càng lấn sâu vào thiên nhiên và một lúc nào đó ta nhìn lại mới thảng thốt giật mình : Ôi ! Rừng – nay còn đâu !
Trần Chu Ngọc
(Ảnh Vua săn voi Ama Kông trước khi từ trần 3 tuần)
( Sơn Nữ mới nhập buôn làng)
( Tác giả )